/Tình/ người hay /Tình/ trời (Dương liễu thanh thanh giang thuỷ bình)
Sơ qua đôi nét về tác giả: Lưu Vũ Tích là một viên quan và là nhà thơ Trung Quốc (thời Trung Đường). Vốn có có hoài bão lớn nhưng lại...
Sơ qua đôi nét về tác giả: Lưu Vũ Tích là một viên quan và là nhà thơ Trung Quốc (thời Trung Đường). Vốn có có hoài bão lớn nhưng lại chịu nhiều gian nan và phiêu bạt nhiều năm, ông trở nên căm phẫn xã hội bất công. Hầu hết các tác phẩm của ông đều dùng để bộc lộ nỗi lòng căm phẫn hay bi thương, phê phán những giá trị thối nát đương thời. Tuy nhiên không chỉ vậy, bởi tình yêu với làn điệu dân gian được dệt nên qua thời gian sinh sống ở sông Sở núi Ba, Lưu Vũ Tích đã viết nên chín thiên “Trúc chi từ” theo làn điệu dân ca “Trúc chi từ” ở vùng Quỳ Châu. Tác phẩm này của ông mang phong cách mới, vừa dung hòa được những nét đẹp dân gian, vừa đưa vào hồn tác phẩm chất nhã của thơ Đường.
Nổi bật trong cả thảy chín thiên “Trúc chi từ” là bài “Trúc chi từ nhị thủ kỳ nhất” (Trúc chi từ hai bài kỳ một). Bởi có một dịp có tìm hiểu qua nên mình đã ngồi diễn giải bài thơ xoay quanh hình tượng “tình” trong bài thơ, cũng là nét đắt nhất của tác phẩm:
Hình tượng “tình” trong bài thơ được để ở câu cuối bài. Nhưng khoan vội xét đến đó, trước tiên ta xem Lưu Vũ Tích đã dẫn đến cái “tình” đó ra sao. Mở đầu áng “Trúc chi từ” này, ông đã viết:
Dương liễu thanh thanh giang thuỷ bình,Văn lang giang thượng đạp ca thanh.
Dịch nghĩa:
“Cây dương liễu xanh xanh, nước sông phẳng lặng
Nghe tiếng chàng hát hò trên sông.”
Có bóng cây liễu xanh, có bóng hồ phẳng lặng. Đây quả là một khung cảnh nên thơ trữ tình, rất dễ lay động tâm can lòng người. Ấy vậy với người con gái, xao xuyến nhất lại là “ca thanh” vẳng trên dòng sông của chàng trai. Câu thơ vừa có vần điệu, vừa gợi tình gợi cảm đã thành công trong việc phác lên trong đầu người đọc một khung cảnh hữu tình - không chỉ có thể cảm nhận được bằng một giác quan là thị giác, mà còn cả thính giác, thêm với việc khuấy động xúc cảm trong lòng người. Chữ “thanh” được điệp lại không chỉ hai, mà đến ba lần. Ở câu thơ đầu tiên, hai chữ “thanh” được để cạnh nhau, mang nghĩa “xanh xanh”, ở câu thơ thứ hai, chữ “thanh” lại có nghĩa là âm thanh, chỉ tiếng hát của người con trai. Ba chữ “thanh” này rất hợp với vần “ang” (trong “lang”, “giang”) được dụng hai lần, khiến cho câu thơ trở nên thanh thoát hơn, tinh tế hơn. Đọc như vậy, không hẳn ai cũng có thể tưởng rằng hai câu thơ này của tác giả lấy cảm hứng từ nét đẹp dân ca, đang miêu tả một cảnh lao động thường ngày của những người dân bình dị, chất phác.
Từ khung cảnh mang nét dung dị ấy, mới dẫn đến lời tỏ lòng của người thiếu nữ:
Đông biên nhật xuất tây biên vũ,Đạo thị vô tình hoàn hữu tình.
Dịch nghĩa:
“Phía đông mặt trời mọc, phía tây thì trời mưa
Bảo rằng không tạnh mà lại tạnh.”
Đọc đến đây thì cũng thấy ý “tình” đã tỏ tường. Đông có mặt trời mọc, tây thì lại mưa; bảo rằng “vô tình” mà “hữu tình”. Ở câu cuối có hai chữ “tình”, đọc lên giống nhau nên phiên âm cũng giống nhau, nhưng thực chất viết theo tiếng Hán lại mang nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chữ “tình” thứ nhất của Lưu Vũ Tích có nghĩa là trời tạnh. Ứng với câu thứ ba của bài, hiểu theo nghĩa tả cảnh là: đông nắng tây mưa, bảo rằng không tạnh mà lại tạnh. Khác với “tình” tả cảnh là chữ “tình” thứ hai, chính là chữ tình trong tình yêu. Hiểu theo nghĩa tả tình là: bên nắng bên mưa, bảo rằng không yêu mà thực ra là yêu. Đây là biện pháp “hài thanh song quan” vốn phổ biến trong văn phong truyền miệng, có vậy mới thấy nét đẹp của văn chương dân gian vốn thế nào. Như vậy hai câu thơ diễn tả nội tâm đang dao động của người nói, có thể ví như trời bên nắng bên mưa, một mặt thế này, một mặt thế kia. Quả thật là tài!
“Trúc chi từ” nhờ hình tượng “tình” đó mà từ một bài thơ tả cảnh lại có thể biến thành một áng thơ tình. Vẳng đâu đó cô gái nghe tiếng hò hát của chàng trai đạp nước mà đến, e thẹn tỏ nỗi lòng mình. Nếu chàng trai cũng có ý, chữ “tình” lập tức biến thành tình yêu, còn nếu không thì chỉ là một lời cảm khái trước khung cảnh kia sao mà thất thường. Cách tỏ ý thi vị và khôn khéo dựa vào hình tượng “tình” này, nhờ thơ của Lưu Vũ Tích nên không chỉ được dân gian yêu mến, mà còn được chính giới quý tộc đời sau sử dụng để thổ lộ tâm can với người mình thương.
Ở tập 5 của bộ phim truyền hình “Moon Lovers” (Tạm dịch: Người Tình Ánh Trăng), Bát ca có viết tặng Hae Soo một bài “Trúc chi từ” để kín đáo thổ lộ nỗi lòng mình. Đó chính là bài “Trúc chi từ nhị thủ kỳ nhất”. Bát ca tuy đã có vợ là chị gái của Hae Soo, nhưng vẫn đem lòng mến mộ cô, kín đáo tỏ ý tình; mặt khác, anh chọn một áng “Trúc chi từ” có lẽ cũng bởi Hae Soo tuy vừa buột miệng nói thích ca dao nhưng lại sửa ngay rằng mình thích thơ Đường (bởi cô nghĩ như vậy sẽ đúng với thân phận đài các của mình hơn). Tuy nhiên Hae Soo khi đó vốn là một cô gái hiện đại xuyên không nên không thông thạo chữ Hán, tình cờ để Thập tam hoàng tử Baek Ah và chính chị gái mình, tức thê tử của Bát ca, biết chuyện.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất