16(Bài viết nằm trong chuỗi tự vấn :"Tôi là ai và tôi sống làm gì?"
Tác giả: một ngôi nhà trọ nơi cư trú của nhiều hội chứng tâm lý).
Bố tôi là một người phải tự lập từ nhỏ, những câu chuyện về tuổi thơ của bố là những lần cãi lại bà nội về những việc rất vô lý của một người phụ nữ vất vả nơi quê nghèo vùng Đồng bằng Bắc bộ, những trận đánh nhau nảy lửa với đám trẻ cùng xóm hay kể cả anh em trong nhà bây giờ ai cũng hai màu tóc, những lần bay sang nước ngoài luyện tập và thi đấu để rồi bây giờ kỉ vật duy nhất bố để lại là chiếc huy chương Bạc Sea Games 19.
Mẹ tôi là con công nhân, ba chị em gái lủi thủi sống qua ngày trong một căn nhà mà ông bà ngoại chỉ biết lao đầu đi kiếm tiền để rồi bị những vòng xoáy cuộc đời cuốn vào nổi trôi, khi mẹ đã có tính tách biệt khác người từ nhỏ, khi bà là một người phụ nữ mộng mơ rất thực tế.
Rời thị trấn lấy chồng ở một miền quê nghèo, mẹ gần như không có người nói chuyện. Bà sáng chiều ở trường dạy học, một ngôi trường cấp hai gắn mác là trường quốc gia, và mỗi khi về nhà thì chăm lo cho cái ngôi nhà của tôi thật hết mực. Bà luôn than thở những câu ca dao tục ngữ nghe như một bà đồ, trong khi say sưa với những thứ đồ công nghệ bà duy nhất chỉ dùng để chơi Candy Crush Saga và gọi điện thoại.
Bố tôi đóng gói công việc của một vận động viên quốc gia, ông bắt tay vào cuộc sống của một thầy đồng - một người có căn - và mở ra nhiều hoàn cảnh cùng những cảm xúc mới trong căn nhà vốn đã kì dị này.
Sau khi đẻ tôi 5 năm, mẹ muốn có thêm một đứa em trai. Chẳng hiểu sao tôi với nó chưa bao giờ có thể hoà thuận nổi, dù thực tế thì tôi chẳng ghét bỏ nó chút nào.
Nhà nội tôi có tới 5 cô bác không kể bố, nên họ hàng dưới quê nhiều lắm. Chỉ là ...
Đôi khi chúng ta, từ ngày còn rất nhỏ, đã nhận ra mình bị cô lập với một thành phần nào đó của xã hội (hoặc nhiều thành phần, nếu bạn không may mắn:)). Đó là khi chúng ta không thể chơi cùng một nhóm bạn, bởi một lý do mà chỉ thần linh mới biết. Bạn có nhiều cách để chọn lựa, một là đối mặt, hai là bỏ qua. Thường thì chúng ta sẽ vừa đối mặt vừa bỏ qua, tuỳ theo trường hợp nhất định, nhưng với những người không chịu bỏ qua sự cô lập ấy trong hơn 90% các trường hợp xảy ra, thì cuộc sống thực là địa ngục.
Tôi không tìm được lý do cho việc "bị cô lập" ấy. Chỉ là những lúc đám chị em bị một cô em họ nào đấy dắt đầu trong khi tôi mới là chị cả của cả lũ, cảm giác lúc ấy thật tồi tệ. Hay những trò nghịch ngợm tôi đưa ra đều được chân thành đáp lại bởi những lời chỉ trích mang tầm "thẳng từ con tim tới đầu lưỡi". Tôi không biết. Không ai nói tôi sai ở đâu, không ai nói tôi nên làm gì, tôi lạc lối trong quả bóng trong suốt khi cố gắng hoá nhập với cộng đồng. Có thể đó là một ánh mắt ngơ ngác, đôi lần thút thít, và những câu hỏi không có câu trả lời, để lại trí não non nớt của đứa trẻ 5 tuổi nhìn lên tán cây trứng gà, vì sao tôi lại được sinh ra?
Thực ra để có được một cô gái năm 18 tuổi như ngày hôm nay, nó là cả một chuỗi quá trình khi viết ra thì sẽ dài như lịch sử thế giới. Đúng vậy, bất kì một chúng ta ngày hôm nay đều là một dãy bài domino. Cuộc đời đổ xô theo hướng của nó, chúng ta ngã theo đó, không thể thay đổi được.
Có thể sau này, em sẽ không chết vì một ý định tự tử bất ngờ nào đó đột nhiên xuất hiện sau một sự kiện nào đó, mà em sẽ vô tình tự chết bởi một câu hỏi đang dần trở thành một lớp nhựa trong suốt và bóng loáng : Tôi là ai và tôi sống để làm gì.
Có bao giờ bạn nghĩ: những người khác có giống như mình không? Trong hoàn cảnh này, họ có cười không? Có khóc không? Có đứng lên không? Có im lặng không? Vì mỗi khi em chống lại đám đông, câu hỏi ấy đều xuất hiện, như một tảng đá bên dòng suối chảy siết. Dù không cản trở, nhưng vẫn thu hút sự chú ý.
Hồi mẫu giáo, tôi bắt đầu học nuôi những con vật đầu tiên: chú chấy nhỏ bé mà cô bạn cùng lớp "chia sẻ" cho. Có lẽ là do máu tôi ngọt, mẹ hay nói vậy, nên chúng mới bám lì không chịu đi. Ngày ấy bởi thành tích học tập cũng kha khá, cộng thêm tuổi trẻ bồng bột, tôi quên đi sự miệt thị của những đứa bạn "học làm người lớn" ngày cấp 1. Mọi thứ chìm dần trong trí nhớ.
Thực ra, bây giờ nghĩ lại, nhiều khi quay trở về vô tư như ngày nhỏ thật tốt biết bao. Mọi suy nghĩ chẳng phải bận lòng nhiều, nỗi buồn trôi qua tôi như nước rơi qua một đám mây mỏng manh lấp lánh. Nhưng thời gian trôi qua chẳng lấy lại được, tôi không thể sống theo cách ấy được nữa.
Tôi cũng hay nghĩ về cậu. Tôi thích cậu từ năm lớp 2, và tôi đã đinh ninh cậu cũng thích tôi suốt bao 3 năm cấp 1. Ây da, biết nói thế nào nhỉ, tuổi trẻ thật bồng bột và ngây dại Những dẫu sao, ngày đấy tôi vui vẻ là được rồi. Nghe mà chua xót nhỉ?
Như Alice ở xứ sở thần tiên, tôi không tìm lại cánh cửa ấy một lần nào nữa...
Năm tháng cấp 2 bắt đầu dạy tôi lớn hơn. Dạy tôi rằng phụ nữ thì phải xinh, phải có não và phải biết vô tâm. Tuổi 12 lớn lên đầy va quệt, đầy sứt mẻ, đầy lệch lạc, đầy hoài bão, đầy hoài nghi và hoài niệm để lại đến bây giờ.
Ôi, tôi thương tôi của những ngày sống trong ngôi trường cũ kĩ như khu nhà cấp 4, khi lũ dân quê con mọn biến thành những kẻ giết người trong mắt tôi.
Tôi khi ta nên tự thương ta như thế.
Lên cấp 3, bố mẹ đẩy dần tôi ra khỏi nhà. 
Tôi, may mắn thay, đã học được cách không tin một ai, một thứ gì kể cả suy nghĩ của bản thân mình. 
Lớp học vui vẻ và đàng hoàng hơn đấy, nhưng thì sao chứ?
Tôi đã lớn hơn đấy, thì sao chứ?
Chúng ta vẫn chẳng có câu hỏi cho câu trả lời: Tôi là ai và tôi sống để làm gì!
Ngày mai cứ thế tới. Tôi cứ cố gắng học hành để thi vào đại học, để tìm kiếm một việc làm, từ chối chuyện kết hôn và sinh con nhưng cứ đâm đầu vào yêu đương. Tôi là một người trong bao, một bóng ma sống dưới ánh mặt trời.