Đang đi học, mình thấy một số cách giải thích về khái niệm tài chính trên mạng khó hiểu và nhàm chán thế, nên muốn thử tiếp cận theo cách khác.
Ngày nhỏ, 10 ngàn là đủ cho một cái bánh mì ăn sáng. Giả sử bạn để quên tờ 10 ngàn ba mẹ cho năm ấy trong cặp sách tiểu học, giờ liệu tờ 10 ngàn đó còn có "sức mạnh" mua bánh mì ăn sáng cho bạn nữa không? Rất tiếc là không (hoặc nếu có bạn chỉ chỗ mua cho mình với). Đó là ví dụ thân thuộc nhất thể hiện giá trị thời gian của tiền.
Trong quá khứ, 10 ngàn = 1 cái bánh mì,Giờ ngậm ngùi 10 ngàn ≠ 1 cái bánh mì, Vậy nên trong ngành tài chính có câu châm ngôn: "Đồng tiền hôm nay luôn quý hơn đồng tiền ngày mai."
Ví dụ khác "nghe" tài chính hơn là bạn đi làm tháng lương đầu tiên là 1 triệu đồng, số tiền ý nghĩa này bạn quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất là 7% một năm. Sau một năm bạn sẽ có 1 triệu và 70 ngàn. Xét về giá trị thì 1 triệu đồng hôm nay của bạn sẽ tương đương với 1 triệu và 70 ngàn tại thời điểm một năm sau.
Đặt ngược lại bài toán, ứng dụng ngân hàng số bất ngờ gửi thông báo khoản tiết kiệm của bạn đã đến ngày đáo hạn và 1 triệu 70 ngàn đã được gửi vào tài khoản của bạn. Vì nhiều việc nên bạn chẳng nhớ nổi mình đã đầu tư bao nhiêu vào 1 năm trước, nhưng bạn hoàn toàn có thể tính được bằng cách lấy 1 triệu 70 / 107% = 1 triệu.
Giả sử bạn mua sổ xổ và trúng một giải nhỏ. Người ta hỏi bạn muốn nhận khoản tiền 1 triệu 70 vào 1 năm sau hay 1 triệu đồng vào bây giờ. Với bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức 7%, thì hai khoản tiền có giá trị (hiện tại) tương đương nhau. Nhưng nếu cùng bối cảnh lãi suất đó, số tiền được nhận hiện tại tăng lên 1 triệu 30 ngàn thì mình sẽ nhận tiền ngay và luôn chứ :)
Khi nhìn qua lăng kính tài chính, áp dụng lý thuyết về giá trị thời gian của tiền, cách nhìn nhận của bạn về câu hỏi số tiền nào lớn hơn 1 triệu và 1 triệu 70 ngàn sẽ khác đi.
Tổng quát hoá thì bạn sẽ có:
Giá trị hiện tại của khoản tiền = Giá tiền 1 năm sau (t=1) / (1+ lãi suất)
1 triệu = 1 triệu 70 ngàn / (1+7%)
Tiếp tục với câu chuyển tiền gửi ngân hàng, sau một năm, bạn có 1 triệu 70, nhưng bạn không có việc gì cần dùng tới tiền nên tiếp tục gửi ngân hàng với lãi suất 7%, tới năm thứ 2 bạn sẽ có 1070 * (107%) = 1145 ngàn (hay 1 triệu 145 ngàn).
Gửi thêm năm nữa bạn sẽ có 1145 * 107% = 1225 (hay 1 triệu 225 ngàn).
1 triệu đồng của hiện tại = 1 triệu 225 đồng tại 2 năm sau
1 triệu đồng của hiện tại = 1 triệu 310 đồng tại 3 năm sau
Gòi, tới công chuyện, ứng dụng vào ngành tài chính như thế nào. Giờ bạn có 2 lựa chọn mua trái phiếu chính phủ (một công cụ tài chính phổ biến) 1 đồng vào thời điểm hiện tại và 2 đồng vào năm sau. Bạn chọn lựa chọn mua nào? Bạn phải quy giá trị của 2 đồng của năm sau trên thang giá trị hiện tại để so sánh với 1 đồng hiện tại đúng không nhỉ?
Các bạn có thể tìm hiểu thêm các công thức tổng quát trên mạng theo hình thức formal hơn. Mình mong post này một phần nào đó thân thuộc hoá khái niệm giá trị thời gian của tiền, khái niệm nền móng trong tài chính.
Key takeaway mình mong mọi người có thể nhận về một cách dễ nhớ là: "Đồng tiền hôm nay luôn quý hơn đồng tiền ngày mai."