Từ một đứa trẻ sinh ra đã bị tổn thương.
Nhiều người quanh tôi có gia đình hạnh phúc. Bố mẹ yêu thương nhau, ngày ngày đi làm, rồi về nhà với đàn con chỉ chờ được quây quần bên mâm cơm mà kể chuyện đi học gặp bạn này, bạn khác. Tôi thì không được may mắn như thế.
Bố mẹ tôi có bỏ nhau không? Không. Có cãi vã quá nhiều hay bạo hành nhau không? Không. Gia đình tôi có thiếu kinh tế không? Cũng không. Tôi không nghĩ mình ở trong bất kỳ một "ngăn kéo phân loại" nào của việc không đủ điều kiện mang cho con hạnh phúc cả. Nhưng bố mẹ tôi thiếu một thứ mà cả đời này tôi đi tìm: Sự thấu hiểu. Thấu hiểu cuộc đời và thấu hiểu những khái niệm "ước mơ", "niềm vui", "hy vọng",... và cả "tình yêu".
Ai mà biết gia đình tôi cũng đều chỉ nhìn ra cuộc sống giản dị. Bố mẹ tôi là công chức nhà nước, sáng đi tối về. Ít có những cuộc cãi vã nảy lửa, nhưng có ai biết được rằng sâu xa bên trong bản thân họ cũng không quá yêu thương nhau, và yêu thương cuộc sống.
Trong tâm tưởng của gia đình tôi, không có cái gì gọi là "phấn đấu" hay "ước mơ". Bố mẹ tôi chỉ cần con ngủ ở nhà, nhưng trong phòng nó đang khóc hay đang cười cũng không biết. Bố mẹ tôi chỉ cần con học, nhưng con đam mê gì cũng không cần quan tâm. Thậm chí một việc đơn giản là ra ngoài chơi với bạn, tôi cũng bị cấm vì sợ con "đú đởn".
Tôi đã lớn lên. Trong 04 bức tường. 
Có những khi thấy bí bách hay ngột ngạt, có những khi bị mắng vô lý, có cả bị ép thi cấp 03 vào một trường mình không chọn (vì mẹ tôi tự tay viết vào đơn đăng ký mà tôi còn chưa một lần được nhìn). Những chuyện này kể đến đây có lẽ các bạn nghĩ tôi đang "trầm trọng hoá" vấn đề và "ai chả vậy". Nhưng, "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Suốt những năm cấp 02, tôi không có bạn vì đâu có được ra khỏi nhà. Những năm cấp 03, nhìn thấy bạn bè có ước mơ, có mục đích sống, tôi về kể với bố mẹ cũng chỉ nhận được sự gạt đi. "Chỉ cần sống an toàn là được rồi".
"An toàn" của bố mẹ tôi. Là không chết. Bố mẹ tôi đến với nhau không phải vì tình yêu, mà cũng vì sự "ổn định" và "an toàn". Tôi cảm nhận được điều đó qua từng bữa ăn, từng cử chỉ tương tác. Bố mẹ tôi rất hình thức. Dù có không ưa nhau, nhưng họ sợ bỏ nhau, sợ bị xã hội dị nghị hơn là đi tìm hạnh phúc của mình. Tôi từ bé chỉ được dạy là đi học. "Việc duy nhất của mày là chỉ có học". Thế nhưng khi khách khứa đến nhà chê bai tôi không biết làm này kia, tôi cũng bị nói. Và thậm chí khi tôi muốn thi đại học top cả nước thay vì Sư phạm, cũng phải là một cuộc đấu tranh dài. Buồn cười thật. Cho con thật nhiều tiền đi học nhưng cũng không cho nó được phát triển, kể cả khi nó đang phát triển tốt hơn.
Khó mà có thể tả hết từng hành động hay lời nói nhỏ đã kìm kẹp tôi thế nào. Chỉ biết rằng, tôi đã lớn lên một cách tổn thương. Không phải vì bị đánh đập, bị mắng mỏ quá nhiều. Mà bởi vì tôi luôn cảm thấy thế giới xung quanh mình không "thật". Tôi không cảm nhận sự yêu thương thật sự trong không khí gia đình, mà thay vào đó là việc "hãy cố tỏ ra là một gia đình đi". Tôi luôn cảm thấy trống rỗng. Và tôi luôn tìm kiếm một cái gì đó. Một thứ cảm xúc đủ mạnh để biết rằng mình không vô cảm.  
Nếu như những nhà khác có "con ngoan trò giỏi" được bố mẹ cưng chiều, thì tôi chính là dạng "con ngoan trò giỏi" nhưng luôn phải đấu tranh để được làm điều mình muốn. Tôi học hành, chỉ để được yên thân. Tôi thật sự không thích học. Suốt quá trình phát triển, tôi chỉ chơi với những bạn có phần "cá biệt" trong lớp. Vì tôi muốn được tự do. 
Fast forward đến vài năm sau nhé. 
Tôi đã ra khỏi nhà. Tôi tự xây dựng cuộc sống khác. Có một căn nhà với một phòng xem phim xinh xinh để đắm mình trong những thế giới tưởng tượng.
Hôm nay mẹ tôi nhắn tin cho bố, nói rằng: "Anh đừng kìm kẹp tôi, đừng trói tôi ở căn nhà này. Đồ độc ác".
Tôi chợt nhận ra rằng, gia đình tôi không chỉ kìm kẹp tôi. Mà kìm kẹp lẫn nhau. Đó là một định kiến của thế hệ cũ mà tôi đã không thể kháng cự lại. Trừ việc chạy trốn khỏi nó. 
Nhưng cũng may. Tôi đã chạy thoát thành công.
Tôi không bênh bố hay mẹ. Vì mẹ tôi cũng có nhiều điều không phải. Nếu nói bố tôi là kẻ phản diện trong một bộ phim, thì mẹ tôi sẽ phải là phò tá nhu nhược không biết cái gì là đúng, và cũng không chủ động làm gì trừ khi bị đẩy đi.
Trong những năm tháng sống trong 04 bức tường kia, điều tốt nhất tôi đã có thể làm, là học hành, là đọc sách, là không ngừng mở lòng với thế giới. 
Tôi không ngừng nhìn vào bên trong mình. Dù không nhìn thấy ước mơ từ những người sinh ra mình, nhưng tôi lại nuôi một ước mơ được tự do, được thoát khỏi những định kiến truyền thống, được sống cuộc đời mình mà không bị ai nói là "mày sai rồi".
Cái thứ "ước mơ" gia đình tôi tạo cho tôi, có thể hơi cực đoan, và cũng không được sinh ra từ sự tích cực. Nhưng là cái đã nuôi sống tâm hồn tôi cho đến ngày tôi thật sự không còn phải sống ở đó nữa.
Thực ra bài viết này lúc đầu định sẽ khác. Nhưng khi tôi chắp bút, mạch văn lại tuôn ra theo một hướng không ngờ.
Cũng như cách bố mẹ tôi định dạy tôi thành một người "ổn định". Nhưng tôi lại không làm nhà nước, hay nhảy việc linh tinh, bỏ học đi làm, và nuôi mộng kinh doanh.
Có thể, ban đầu những điều này sinh ra vì muốn chống lại những thứ tôi được dạy, những thứ tôi cho là bất hạnh. Nhưng cuối cùng, chúng đã có ích.
Người ta hay nói về "ánh sáng nơi cuối đường hầm". Nhưng trong đường hầm của tôi, tôi đã tự uốn nắn lại chính mình. Tôi đã bò ra khỏi đường hầm tối dù tôi không nhìn thấy gì. Để rồi tìm thấy cửa ra.
Giờ đây mỗi khi nhìn lại về gia đình, tôi vẫn thấy may rằng tôi đã chiến đấu được, để sống một cuộc đời khác.
Câu chuyện này hơi dài, không liền mạch, và chắc sẽ gây khó hiểu cho nhiều bạn. Nhưng điều tôi muốn gửi gắm, đơn giản là:
Bạn có thể sinh ra không vui, có thể không được dạy dỗ để hạnh phúc. Nhưng lớn lên có tìm được hạnh phúc của mình không, lại là việc của bạn.
Hạnh phúc của tôi, nằm ở việc thoát ly khỏi những tư tưởng mà tôi cho là không hợp. Cho dù là của ai.
Và ít nhất, tôi đã thành công.
Tôi đã tìm thấy mình, trong đường hầm tối.