Một bộ phim nơi sự bình thường được bất bình thường hoá để đi tìm định nghĩa "bình thường" cho danh tính con người.
Thông tin bộ phim xem tại đây.
Nếu như coi việc xem phim là một cuộc hành trình thì tôi tin trải nghiệm xem "Những người bình thường" là cảm giác khi bạn đi qua những căn phòng với nhiều lớp cửa khác nhau. Mỗi cánh cửa dẫn ta đi vào một thế giới khác giả lập như đời sống thật, nhưng đầy rẫy những hình ảnh trừu tượng ẩn dụ cho thế giới đang sống. Và mỗi lần mở một cánh cửa mới, là một lớp nghĩa hiện ra, một nhận thức được khai phá cũng như một sự thật được lột trần. Tổng thể bộ phim là tổ hợp của các lớp lang bao bọc, như mê cung của một củ hành tây.
Bộ phim là câu chuyện theo chân cô bé Paula đi tìm sự lý giải cho những lỗi sai bất ngờ của chính bản thân mình. Tại sao một Vai Chính như cô - người được sinh ra và được đi học để trở thành nhân vật toả sáng trong các tác phẩm phim ảnh - lại đột ngột bị nhoè mờ, bị lạc giọng hát, bị quên thoại để không thể hoàn hảo như một nhân vật chính bình thường? Từ điểm nhìn của Paula, người xem đi theo hành trình tìm kiếm sự thật nguồn gốc của những lỗi hỏng đó, dù cho mẹ cô hết lời ngăn cản, an ủi rằng đó chỉ là không may và khẳng định số phận cô chính xác là Vai Chính.
ẨN DỤ VỀ GIAI CẤP - PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC
Toàn thể xã hội trong "Những người bình thường" được xây dựng trong một trường không gian khác - phim ảnh. Con người được chia làm ba nhóm, tượng trưng cho ba phân tầng giai cấp: là Main (Vai Chính), Supporter (Vai Phụ) và Outtake (Vai Hỏng). Trong đó, Vai Chính là lớp nhân vật chiếm đa số trong bộ máy quản lý xã hội, được sinh ra với số phận định sẵn sẽ toả sáng rực rỡ trong ánh hào quang và là chân dung lí tưởng chói lọi mà bất kì ai cũng muốn hướng tới. Vai Phụ chuyên đảm nhiệm các phân đoạn cần quần chúng, nói những lời thoại không thừa không thiếu trong những bộ trang phục màu trung tính không có sắc độ rõ ràng. Còn Vai Hỏng là những kẻ ở dưới cùng xã hội - người không màu và không có khả năng tạo ra âm thanh/tiếng động nên luôn bị gạt bỏ khỏi những thước phim. Người ta tin rằng sự lỗi hỏng có thể lây lan như loại dịch bệnh virus, và trong bộ phim này, sự phân biệt đối xử giữa các tầng lớp, đặc biệt giữa Vai Chính - Vai Hỏng hiện lên rất rõ ràng. Trong một cảnh đầu phim, một người đàn ông Vai Hỏng đã bị sỉ nhục và đánh đuổi xuống tàu điện ngầm chỉ vì anh ta ngồi nhờ ở khoang dành cho Vai Chính. Các Vai Chính xung quanh xua đuổi anh ta như xua đuổi một thứ gì ghê tởm và hạ đẳng, rằng một ngón tay cũng không muốn động tới, đến nỗi nhân vật chính Paula dù chỉ mới mười lăm cũng nhận thức được Vai Hỏng đó là một người không nên dây vào, dù cô hiểu anh ta không hề có ý xấu. Ranh giới của các kiểu nhân vật luôn được vạch rõ theo chuẩn mực nhất định, và số phận ai sẽ trở thành ai không thể tự cố gắng mà định đoạt được, vì sự phân loại nhân vật xảy ra ngay từ khi họ còn trong trứng nước. Như cậu bé Vai Hỏng bị lỗi cắt cảnh nhưng luôn cố gắng thu thập tiếng động để nuôi mong ước thật xa vời rằng một ngày nào đó, mình có thể trở thành Vai Phụ. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào gen di truyền.
Mỗi khung cảnh đời sống đều là một thước phim, mọi lời nói đều là lời thoại và sau cùng, toàn bộ cuộc đời họ sẽ được lưu trữ dưới dạng phim động ở cục Lưu trữ quốc gia. Giống như thay vì ta hồi tưởng về những kỉ niệm bằng trí nhớ nội tâm thì ở đây, đời sống của một con người sẽ được ghi lại dưới dạng một bộ phim dài, mà ta chỉ cần mở công tắc của chiếc hộp tưởng ký là tất cả hiện lên đầy sống động ngay trước mắt. Chỉ có điều, điều hạnh phúc đó chỉ dành cho Vai Chính - những người là Nhân vật chính.
Không khó để nhận thấy hào quang Vai Chính trải dài khắp bộ phim. Từ việc bộ máy chính quyền được nắm kiểm soát bởi Vai Chính cho tới định nghĩa thiết lập phân tầng xã hội và phân chia quyền lợi cũng phụ thuộc vào họ. Từ đặc quyền được ghi nhớ cuộc đời bởi thế hệ sau cho tới niềm tự hào hãnh diện trong từng giây phút tồn tại vì ánh hào quang. Từ việc quyết định khu vực sống đi kèm với những quyền lợi xã hội khác nhau của các kiểu nhân vật cho tới sự thống trị hiển lộ rõ ràng trong từng lời nói. Có thể tin rằng, xã hội trong "Những người bình thường" là một xã hội của Vai Chính - của riêng một nhóm người có quyền cho rằng mình đẳng cấp và quan trọng hơn tất cả. Họ tin rằng thế giới này tồn tại là vì có họ, như chẳng bộ phim nào có thể thiếu đi nhân vật chính. Để rồi Vai Phụ, hay đặc biệt là Vai Hỏng, bị đẩy vào những hoàn cảnh không mong muốn và tệ hại hơn.
VẺ ĐẸP CỦA SỰ KHÔNG HOÀN HẢO
Sự đối lập trong mối quan hệ của Vai Chính - Vai Hỏng không chỉ là đối lập về giai cấp mà còn biểu hiện sự đối lập của vẻ hoàn hảo - không hoàn hảo. Trong khi Vai Chính luôn luôn toả sáng, không bao giờ mắc một lỗi sai nào trong các cảnh phim, được coi là có khả năng tạo ra âm thanh để truyền tải cảm xúc và đi tới đâu là ánh sáng chiếu rọi tới đó, thì Vai Hỏng được khắc hoạ như những mảnh phim cũ giật nát. Họ chỉ có hai sắc trắng - đen, lúc nào cũng nhạt nhoà và cảm giác dễ dàng biến mất mà không ai cần. Họ sống ở nơi bóng tối nhiều hơn là ánh sáng và bị cai quản nghiêm ngặt bởi Vai Chính. Họ là nhân vật lỗi hỏng vì muôn vàn lí do như nói lắp, như phát điên, như nhầm vai (miscast) hoặc đơn giản là bị giật cắt cảnh - những điều tựu chung lại đều là Không Hoàn Hảo. Và trong thế giới mà Vai Chính thống trị, sự Không Hoàn Hảo đó là một điều không thể chấp nhận được. Thế giới mà Vai Chính sống và Vai Hỏng sống hoàn toàn khác nhau, được vạch rõ biên giới và có tuần tra hàng giờ để đảm bảo sự Không Hoàn Hảo đó không thể chạm tới Vai Chính.
Nhưng phía sau vẻ Hoàn Hảo của Vai Chính là những bí mật khủng khiếp được che giấu. Họ bưng bít các lỗi sai trong cảnh phim bằng cách dùng súng xoá trí nhớ với người khác. Họ luôn coi mình là cốt lõi của thế giới bằng tư duy thượng đẳng được truyền nối qua các thế hệ. Đó không thể là đại diện cho vẻ đẹp trong đời sống mà chúng ta cần, và thật khó để kiếm tìm sự hoàn hảo ở bất cứ đâu. Sự Không Hoàn Hảo, bằng một cách nào đó lại là một món quà vô giá. Tuy nhiên, nếu coi Hoàn Hảo là đặc trưng của Vai Chính, Nhạt Nhoà miêu tả Vai Phụ và Không Hoàn Hảo dùng để nói tới Vai Hỏng, thì sẽ càng vô lí hơn nếu Vai Chính dùng đặc trưng riêng nhóm nhân vật của mình để áp đặt thành tiêu chuẩn mực thước đối với các nhóm nhân vật khác. Bởi vậy, tất yếu sẽ dẫn đến một cuộc phản kháng.
SỰ PHẢN KHÁNG VÀ CÁC CUỘC ĐẤU TRANH
Quan điểm chính trị cũng được cài cắm trong bộ phim dưới hình ảnh của một cuộc chiến kinh hoàng giữa Vai Chính và Vai Hỏng năm nào. Đó là một quá khứ đã ngủ yên, nhưng quá khứ lại được đánh thức và truyền nối qua các thế hệ của Vai Chính và Vai Hỏng theo hai hướng nhìn hoàn toàn khác nhau. Paula đã tìm thấy nơi mà những Vai Hỏng tiết lộ được sự thật về cuộc chiến năm xưa - sự kiện mà mẹ cô thường nhắc tới như là nguyên do khiến bố cô phải kết thúc cuộc đời, nhưng trong tư thế vĩ đại của một Vai Chính. Nếu Vai Chính coi đó là một cuộc thảm sát của cánh Vai Hỏng nhằm vào họ vì xung đột và ghen tức lợi ích thì ở Vai Hỏng, họ luôn tự hào và ghi nhớ sự kiện ấy như một cuộc tự vệ vĩ đại. Đó là sự chống trả của những người ở đáy cùng xã hội vùng lên để bảo vệ chính mình, trước sự áp bức của nhóm người cho mình quyền được phân cấp xã hội.
Cũng chính ở cuộc chiến này, Paula tìm ra được sự thật về danh tính của bản thân. Rằng một Vai Chính không bao giờ sai lầm như cô một ngày lại có thể chệch nhịp tim và quên thoại, chính bởi vì mẹ cô là một Vai Hỏng - thay vì là Vai Phụ như bấy lâu bà vẫn nói. Còn cha cô, đúng như lời mẹ nói, là một Vai Chính, nhưng đã từ bỏ gia đình này để tiến tới với hạnh phúc của một gia đình trọn vẹn Vai Chính khác. Cuộc tự vệ vĩ đại năm xưa ghi dấu tên ông ngoại của Paula như là người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Vai Hỏng, nhưng cũng vì thế mà mẹ cô đã tranh thủ trốn chạy khỏi thân phận của chính mình, để bước lên thành Vai Phụ, kết hôn với một Vai Chính và mong con mình sẽ là một Vai Chính.
SỰ NGỘ NHẬN VÀ VỠ LẼ - HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH CỦA PAULA.
Hành trình đi tìm sự thật giải thích cho những sai lầm của mình trong các cảnh phim của Paula chứa đầy những ngộ nhận và vỡ lẽ. Cô ngộ nhận Vai Hỏng là những người không nên tiếp xúc, những kẻ ghê tởm và xấu xa, đáng khinh miệt, để rồi thay đổi suy nghĩ khi thấy vẻ đẹp phẩm cách của họ rất đáng quý. Cô ngộ nhận số phận mình ở tầng lớp tinh hoa trên cùng, hạnh phúc và rạng rỡ trong ánh hào quang nhưng đột ngột đau đớn nhận ra mình thực chất chỉ là kẻ giả danh hình hài, nhờ vào sự cố gắng của mẹ cô. Những cú twist của bộ phim gắn liền với những lần ngộ nhận - vỡ lẽ của Paula. Để tới cuối cùng, khi đối diện với thực cảnh chân thật nhất, những giọt nước mắt đã thôi rơi, trái tim đã bớt yếu đuối, Paula nhìn ra vẻ đẹp của chính bản thân mình và những điều vốn hào nhoáng ở thế giới rực rỡ kia.
Để cuối cùng, trong buổi diễn tốt nghiệp trường Vai Chính, Paula can đảm xoá bỏ lớp make up, lộ ra sắc thái không màu của mình và dũng cảm cất tiếng nói phản kháng đại diện cho nhóm Vai Hỏng, Vai Phụ mà đấu tranh quyền lợi được sống và hạnh phúc với Vai Chính. Nếu cảm xúc được cho rằng chỉ Vai Chính mới có thể tạo ra cũng như ngụ ý chỉ Vai Chính mới có trái tim yêu thương, thì ở buổi diễn kịch nói này, Paula cất tiếng hát lay động toàn bộ khán trường như một minh chứng phản biện lại điều trên. Có thể âm thanh mà cô tạo ra không trong trẻo, không réo rắt, không hoàn hảo nhưng đó thực sự là lời cất lên từ một trái tim đang sống và từ cảm xúc chân thật của một con người.
Có thể nói, bộ phim cũng được coi là một cuộc chạy đua truy tìm bản ngã cá nhân của các nhân vật, đặc biệt là Paula và mẹ cô. Paula đi tìm cha, đi tìm nguồn gốc của mình mà người mẹ luôn luôn che giấu. Còn người mẹ, là hiện thân của sự chạy trốn miết mải khỏi phức cảm tự ti và định kiến xã hội. Như Paula đã nói trong vở kịch độc thoại của mình ở trường, cô cảm thấy tự hào về mẹ vì mẹ đã cố gắng xây nên thành luỹ bảo vệ mình, trong khi mình tưởng đó là nhà giam. Mẹ Paula đã chịu đủ khổ hạnh và nỗi đau từ việc mình sinh ra là ai - điều bà không thể quyết định rồi quyết tâm chối bỏ. Và có một điều các Outtake đều nhấn mạnh - rằng sợ hãi là điều thực sự sẽ như thế nào. Mẹ Paula biết đủ câu thoại đủ để duy trì làm một Vai Phụ trong các cảnh phim, biết gồng mình dũng cảm đi qua mọi thứ một mình nuôi con. Cuộc chạy trốn và cuộc chạy đua này, đều đi trong bóng tối, nhưng cùng chung nhau một ý chí và tinh thần không hề dừng lại.
Kết thúc mở, các Vai Hỏng đi về một khung cảnh màu xám mờ mờ có ánh sáng, không màu. Họ không còn ở thế giới của Vai Chính đầy màu sắc nữa. Nhưng họ hạnh phúc với điều đó, tự do sống và tự do làm điều mình muốn. Đó tuy chỉ là câu chuyện của một bộ phận Outtake và bối cảnh xảy ra cuộc phản kháng đó ở quy mô nhỏ hẹp nhưng đã ít nhiều thể hiện được tinh thần đấu tranh và ý thức cá nhân của những người thuộc tầng lớp đó.