Rồi đến một độ tuổi nào đó, những đứa trẻ, những con người tuổi chênh vênh trước ngưỡng cửa của việc chuyển giao trở thành người lớn sẽ luôn phải vật lộn để trả lời các câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ:
“Tôi là ai? Tôi muốn điều gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?”
Những tác phẩm của tác giả Đặng Hoàng Giang chưa bao giờ làm tôi thất vọng cả, ngay cuốn sách này đây, nó khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn và ngộ ra nhiều điều, nó hơn tất cả những cuốn sách self-help ngoài kia chỉ nói lý thuyết suông hay những khóa học phát triển bản thân chỉ là những động lực bên ngoài, cảm hứng nhất thời, nó hơn những tác phẩm tâm lý học bởi nó là những câu chuyện trần trụi và cảm xúc thật của những nhân vật đời thực ngoài kia đang phải vật lộn, đấu tranh, tìm kiếm hạnh phúc, mưu cầu được là chính mình, được yêu thương, và được lắng nghe tiếng nói của mình.
Nó chạm đến cảm xúc, và trái tim của người đọc. Rùng mình, nghẹn ngào, và thương cảm là những cảm xúc mà qua câu chuyện của những nhân vật trong cuốn sách, tôi như được trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu những gì họ đã phải trải qua. Những hoàn cảnh thực sự éo le hơn cả những thước phim bi kịch, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm từ gia đình, những đổ vỡ, những tổn thương về mặt cảm xúc, tinh thần bị dày vò suốt những tháng năm của tuổi thơ. Để rồi khi lớn lên, những đứa trẻ đó chai lì với cảm xúc, dửng dưng với cuộc đời, sự bất an, nỗi cô đơn tột cùng, nghi ngờ bản thân, lạc lối với tất cả mọi thứ, và khi không được yêu thương thì những đứa trẻ này cũng không quen với việc yêu thương người khác.
Tận sâu bên trong những con người này là mong muốn có được tình yêu thương từ gia đình, từ bố mẹ, khát khao đi tìm bản ngã của mình, muốn giải đáp câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ, sự áp đặt và thiếu vắng sự lắng nghe từ phía bố mẹ khiến tuổi thơ những đứa trẻ cảm thất ngột ngạt, không còn nhiệt tình với cuộc sống, không biết đam mê, sở thích của mình là gì, mắc kẹt với thế giới này, không mục tiêu rõ ràng. Họ thiếu đi khả năng đón nhận những khó khăn, thử thách ngoài cuộc sống, thiếu đi sự tự tin và dũng cảm bởi cuộc sống đã được bố mẹ vẽ lên nhưng không thực sự thấu hiểu những đứa trẻ đó mong muốn điều gì. Là sự cô đơn, là trống rỗng ngay cả khi họ được ở bên bố mẹ.
Một vài trong số những nhân vật trong tác phẩm đã chọn cách bỏ học đại học, chọn con đường riêng của mình mặc dù bấp bênh và chẳng biết mình thực sự muốn gì. Bỏ cũng chẳng tốt hơn, nhưng biết chắc rằng nếu ở lại cũng chẳng ổn tí nào, nên họ chọn cách đánh cược với tương lai của mình.
Thực tình, tôi cảm thấy gai người với những chia sẻ thật đến trần trụi về hoàn cảnh, cuộc sống, sống thử, tình dục, và cách họ phó mặc cho tương lai của chính bản thân họ. Họ thử tất cả những thứ họ nghĩ họ muốn thử, họ tìm tới những thứ khiến họ quên đi quá khứ, thực tại mờ ảo, và cả tương lai bất định này. Dù chọn cách nào đi nữa, họ cũng là những đứa trẻ đáng thương.
Tất cả họ đang đi trên cùng một con đường, dù hoàn cảnh có khác nhau, độ tuổi khác nhau, những trải nghiệm và mong muốn khác nhau. Họ vẫn là những con người đang trên hành trình chữa lành, khao khát tình yêu thương, mưu cầu hạnh phúc và được là chính mình.
Ai trong chúng ta, rồi cũng sẽ phải trải qua những giai đoạn chuyển giao này, trăn trở về tương lai, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “tôi là ai?”, “sống vì điều gì?”, và “điều gì khiến chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống này?”.
Mong cho tất cả những người trẻ, tìm thấy chính mình, có được sự tự do, hạnh phúc trong cuộc sống và có trách nhiệm với cuộc đời mình! Mọi khó khăn chỉ là thử thách, nó khiến chúng ta tự tin và dũng cảm hơn!
P/S: Cuốn sách khuyến khích tất cả những bạn trẻ dù ở độ tuổi nào cũng nên đọc(mặc dù có những câu chuyện rất tế nhị trong đó), dành cho những bậc cha mẹ muốn định hướng, muốn thấu hiểu, và lắng nghe con của mình.