Từ một trích dẫn của trang "Tâm lý học tuổi trẻ" trên facebook, nói về việc lớn lên trong một gia đình sĩ diện, sẽ mang lại những chấn thương tâm lý như thế nào, mình khá ấn tượng với lý thuyết và thông tin đưa ra, vì thế mình đã mua và đọc quyển sách này với mục đích hiểu hơn về tác động của tuổi thơ lên tâm lý của một người.
Nguồn: Nhã Nam
Nguồn: Nhã Nam

Về nội dung cuốn sách

Tác giả của cuốn sách là tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Cuốn sách này của ông dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ, độ tuổi trên dưới 20 tuổi, cái tuổi mà tác giả đánh giá là "không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn". Tác giả đã dành gần hai năm để gặp gỡ, trao đổi, , nhắn tin với các bạn trẻ, phân tích hàng ngàn bài đăng trên facebook, instagram để có thể hiểu rõ nhất về hoàn cảnh, cảm xúc đối với từng đối tượng mà tác giả gặp. Cuốn sách đan xen giữa câu chuyện đời thực của rất nhiều bạn trẻ và cả các bậc phụ huynh mà tác giả đã có cơ hội gặp, và trao đổi. Mỗi câu chuyện là một người khác nhau với những hoàn cảnh không hề giống nhau, mỗi câu chuyện là đại diện cho một vấn đề lớn và từ đó ta có thể thấy hậu quả trực tiếp của vấn đề đó. Các câu chuyện đi rất chi tiết vào cuộc sống đời tư, và mình thực sự khâm phục khi tác giả có thể tạo được niềm tin cho những bạn trẻ kia, để có thể sẵn sàng chia sẻ những góc khuất của cuộc đời họ như vậy.
Đan xen với các câu chuyện là những lý thuyết của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới về các vấn đề mối quan hệ của tuổi thơ và sự ảnh hưởng tới tính cách của người tham gia vào tuổi thơ đó như là Quá trình phụ huynh hóa (parentification), đảo vai (role reversal)... Có rất nhiều khái niệm mới mà thông qua cuốn sách mình mới bắt đầu để ý và thấy nó hiện diện hàng ngày xung quanh mình. Tác giả không chọn cách đưa ra các con số thống kê và lý thuyết tương ứng, mà chọn cách gần gũi hơn đó là đưa ra những câu chuyện gắn liền với lý thuyết tác giả định nói tới. Mình thấy đây là một cách hay để người đọc dễ hình dung và hiểu hơn về các lý thuyết và nghiên cứu tác giả đưa ra.
Cùng với nội dung, tác giả có chèn thêm rất nhiều hình minh họa ở các chương với mục đích tượng trưng cho cảm xúc của các nhân vật trong câu chuyện, "đưa người đọc đến với thế giới của người trẻ, đến với những câu chuyện vừa hết sức riêng tư vừa vô cùng phổ quát". Mình rất thích việc chèn hình ảnh vào sách, nó làm mình thấy sống động hơn và lôi được cảm xúc của mình ra nhiều hơn, nhiều khi một bức ảnh còn thể hiện được nhiều hơn vài trang giấy giải thích đầy chữ. Chỉ có một vấn đề đó là vị trí đặt hình ảnh. Các ảnh thường "bị" đặt giữa các đoạn, chính vì thế, đang đọc chưa hết đoạn, bạn sẽ gặp một loạt hình ảnh, rồi kết thúc chuỗi ảnh đó là phần còn lại của đoạn đó. Mình bị phân vân giữa việc đọc hết đoạn rồi mới xem ảnh, hay xem ảnh đã rồi đọc sau. Mình nghĩ đặt các ảnh ở kết thúc các phần sẽ hợp lý hơn nhiều.

Vậy cuốn sách này dành cho ai?

Theo mình, cuốn sách này dành cho tất cả mọi người.
Tất cả chúng ta đều là một mắt xích trong một chuỗi các thế hệ kế tiếp nhau, giới trẻ bây giờ ảnh hưởng bởi thế hệ trước là bố mẹ, và cũng là tác nhân ảnh hưởng tới thế hệ con cái sau này của các bạn đó. Vì vậy, nếu các bạn trẻ đọc và tiếp thu được những điều này, họ sẽ có những sự thay đổi hợp lý trong cách dạy dỗ để tránh ảnh hưởng tới tâm lý con cái sau này. Đối với ba mẹ, ông bà (thế hệ trước), những kiến thức này sẽ giúp họ nhận ra xem mình có phải nạn nhân không, cách dạy dỗ của mình tới con cái có gây ra tác động tiêu cực không, từ đó sẽ điều chỉnh hành vi và giúp giảm nhẹ và chữa lành đối với những người đã bị ảnh hưởng bởi một tuổi thơ tiêu cực.