Tìm hiểu chính trị - thế nào là Nghị viện?
Bạn có bao giờ băn khoăn bằng cách nào mà các quốc gia phương tây (và cả châu Á) như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật v.v thông qua chính sách và...
Bạn có bao giờ băn khoăn bằng cách nào mà các quốc gia phương tây (và cả châu Á) như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật v.v thông qua chính sách và dự luật mới? Qua đợt bầu cử gần đây nhất, mình thấy người Việt Nam ta khá quan tâm đến bầu cử Mỹ, đặc biệt là quan tâm đến tổng thống Mỹ. Điều này một phần là vì một nhân vật quyền lực có sức ảnh hưởng lớn như vậy dễ gây ra tâm lý chú ý đó.
Tuy nhiên, một vị tổng thống không phải là vua ở thời phong kiến để có toàn quyền quyết định mọi thứ. Một vị tổng thống cũng không làm nên một hệ thống chính trị. Vậy nên sẽ là thiếu sót nếu người ta chỉ nhìn vào tổng thống mà bỏ qua cơ quan hoạt động bên cạnh ông ấy.
Qua bài này, mình muốn giới thiệu một vài thông tin cơ bản về Nghị viện, cơ quan đại biểu cho quyền lực cao nhất của nhân dân. Mình nghĩ rằng một người dân, cũng là chủ nhân của đất nước, rất nên hiểu về cơ quan đại diện cho mình. Việc hiểu cách cơ quan này hoạt động cũng sẽ giúp ích cho việc hiểu cách mà những nguyện vọng của người dân được phản ánh và đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, vì tác giả không phải người học về chính trị, nên bài viết hẳn sẽ có những thiếu sót và sai lầm.
Từ ngữ thường gặp
Nếu các bạn cũng như mình, thì những khái niệm thuộc về một cơ quan nhà nước không phải là điều gì thân quen và thường tạo ra một cảm giác mơ hồ. Vì thế nên trước khi bắt đầu , mình đính kèm thêm phần chú thích này để làm rõ ý nghĩa các từ ngữ được dùng. Từ đó, việc tiếp cận chủ đề cũng trở nên thuận lợi hơn.
Cử tri: người dân bỏ phiếu bầu ra các nghị sĩ, những người đại diện cho quyền lợi của họ
Nghị sĩ : người đại diện cho quyền lợi nhân dân, được cử tri bầu để tham gia vào Nghị viện
Nghị viện: cơ quan thực thi quyền lập pháp, lập hiến của một quốc gia
Lập pháp: quyền làm ra và thông qua luật pháp, là một trong 3 quyền lực cơ bản của nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp)
Lập hiến: quyền làm ra và sửa đổi hiến pháp
Hiến pháp: văn bản luật cơ bản, có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật của một nước
Thượng nghị sĩ: nghị sĩ thuộc Thượng nghị viện
Thượng nghị viện: một trong hai viện trong Nghị viện lưỡng viện, xem chi tiết ở bên dưới
Hạ nghị sĩ/ Dân biểu: nghị sĩ thuộc Hạ nghị viện
Hạ nghị viện: một trong hai viện trong Nghị viện lưỡng viện, xem chi tiết ở bên dưới
Dự luật: sau khi được soạn thảo, dự thảo luật được đưa ra cho Nghị viện thông qua để trở nên có hiệu lực
Khái niệm Nghị viện và Quốc hội
2 khái niệm này là thế nào? Theo như mình tra trên từ điển Cồ Việt thì Nghị viện có nghĩa là "cơ quan lập pháp của các nước dân chủ" [10]
và Quốc hội là "cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất của một nước" [11].
Chiếu theo định nghĩa này thì Nghị viện mang nghĩa hẹp hơn Quốc hội, và hay được dùng cho các nước dân chủ phương tây. Trong khi đó, Quốc hội có thể được dùng cho mọi quốc gia.
Nghị viện có vai trò gì?
Như ở phần giải thích từ ngữ mình đã nhắc đến, Nghị viện là cơ quan thực thi quyền lập pháp, lập hiến của một quốc gia. Về mặt tổ chức, Nghị viện của các quốc gia trên thế giới hiện nay thường được chia thành đơn viện hoặc lưỡng viện [1][2].
Nghị viện đơn viện có nghĩa là Nghị viện chỉ có một viện duy nhất thực thi quyền hạn của mình. Điều này cũng có nghĩa là các chính sách mới hay dự luật nếu như được số đông các nghị sĩ trong viện này bỏ phiếu thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện tại Việt Nam chúng ta có thể coi là thuộc dạng này, với Quốc hội một viện tương đương với Hạ viện [4]. Mặc dù Quốc hội của Việt Nam chỉ có một viện và vai trò của Quốc hội và Nghị viện đều là lập pháp, giữa Quốc hội VN và Nghị viện vẫn có những điểm khác biệt [2]. Một số quốc gia đơn viện là Phần Lan, Đan Mạch, Trung Quốc, Việt Nam, Angola, Costa Rica, Ecuador, v.v [13].
Trong khi đó, Nghị viện lưỡng viện bao gồm 2 viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Với Nghị viện lưỡng viện, một dự luật thường phải được cả 2 viện thông qua để trở thành luật chính thức. Một lý do để có thêm một viện nữa, là để quá trình cân nhắc được kỹ càng hơn khi 2 viện này kiểm soát lẫn nhau trong việc ra quyết định. Ví dụ như Thượng viện có thể phản đối những quyết định vội vàng được đưa ra từ Hạ viện, từ đó tránh được những tác động tiêu cực tới đời sống người dân đến từ những chính sách/dự luật đó.
Tuy vậy, mỗi viện có những quyền lực riêng mà viện kia không có tuỳ theo hiến pháp từng quốc gia [3][4]. Về mặt quyền lực, 2 viện có thể ngang bằng nhau hoặc viện này trội hơn viện kia [1]. Một ví dụ của việc trội hơn này là Hạ viện Anh có thể thông qua dự luật tài chính công bất chấp sự phản đối từ phía Thượng viện [1]. Một số quốc gia lưỡng viện là Canada, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Anh, Úc, Nhật, v.v [14].
Thượng nghị viện
Viện này đại diện cho các đơn vị hành chính của một quốc gia. Những thượng nghị sĩ làm việc tại đây thường do được chỉ định như trường hợp của Canada [5]. Tuy nhiên, những ghế này cũng có thể do được cử tri bầu. Nếu quốc gia đó là Mỹ, thì cử tri mỗi bang sẽ bầu ra 2 nghị sĩ để tham gia vào Thượng viện. Trong trường hợp này thì dù diện tích hay dân số các bang ra sao, số ghế nghị sĩ cho mỗi bang là như nhau. Thông thường số ghế trong Thượng viện ít hơn số ghế trong Hạ viện [3].
Hạ nghị viện
Hạ nghị viện hay còn được gọi là Viện dân biểu, là đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Số lượng ghế hạ nghị sĩ trong Hạ viện thường nhiều hơn số ghế trong Thượng viện. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của một hạ nghị sĩ thường ngắn hơn nhiệm kỳ của một thượng nghị sĩ. Vì đại diện cho nhân dân, các nghị sĩ có mặt tại đây được cử tri bầu theo tỷ lệ dân số [4].
Đường đi của một dự luật
Sau khi một văn bản luật được soạn thảo, nó sẽ được trình lên Nghị viện. Nếu như Nghị viện thông qua thì dự luật sẽ trở thành luật chính thức và có hiệu lực. Tùy theo quy định của quốc gia mà dự luật này được trình cho Hạ viện hoặc Thượng viện trước. Sau đó, các Nghị sĩ trong viện sẽ xem xét dự luật này, đánh giá những tác động mà nó có thể có với đời sống người dân, tranh luận và bỏ phiếu bầu thông qua hay phản đối. Nếu đa số phiếu bầu đồng ý thông qua dự luật, nó sẽ được trình cho viện còn lại. Quá trình trên lặp lại với viện còn lại và nếu như cả 2 viện đều nhất trí thì dự luật được thông qua [2].
Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ. Với trường hợp nước Mỹ, dự luật dù được Nghị viện thông qua nhưng vẫn cần được tổng thống phê duyệt mới có thể trở thành chính thức [2]. Hay với trường hợp của nước Anh như mình đã nhắc đến ở phần "Vai trò của Nghị viện", nơi mà Hạ viện có quyền trội hơn về dự luật hành chính công [1].
Quá trình trên chỉ là một quá trình đã được đơn giản hóa tối đa. Để biết thêm chi tiết, các bạn có thể theo dõi một trường hợp cụ thể với 9 bước thông qua đạo luật Genetic Information Nondiscrimination Act (GINA) vào năm 2008 [15] trong Quốc hội Mỹ nhé. 9 bước này bao gồm:
1. Soạn thảo dự luật
2. Giới thiệu dự luật
3. Dự luật được trình tới ủy ban
4. Tiểu ban đánh giá dự luật
5. Ủy ban sửa đổi bổ xung dự luật
6. Lưỡng viện bỏ phiếu bầu dự luật
7. Chuyển dự luật tới viện khác
8. Dự luật được trình tới tổng thống
9. Bác bỏ quyền phủ quyết (của tổng thống)
OK, vậy là phần cơ bản đã xong. Mình sẽ kết lại bài viết này bằng cách lướt qua một vài Nghị viện tại một số quốc gia.
Quốc hội Mỹ
Quốc hội Mỹ được gọi là United States Congress. Quốc hội lưỡng viện này có Hạ viện được gọi là House of Representatives còn Thượng viện là Senate [6].
Trụ sở Quốc hội được đặt tại Điện Capitol Hoa Kỳ, Washington, D.C.
Website: https://www.congress.gov
Quốc hội Nhật Bản
"Quốc hội (国会 Kokkai?) là lập pháp lưỡng viện của Nhật Bản. Quốc hội bao gồm Tham Nghị viện (tức Thượng viện) và Chúng Nghị viện (tức Hạ viện). Cả hai viện được bầu cử trực tiếp theo hệ thống bầu cử song song. Ngoài việc thông qua các đạo luật, Quốc hội có quyền lựa chọn Thủ tướng điều hành chính phủ" [9].
Trụ sở Quốc hội tọa lạc tại Tòa nhà Quốc hội, Tokyo.
Website Thượng viện: http://www.sangiin.go.jp/
Website Hạ viện: http://www.shugiin.go.jp/
Quốc hội Anh
"Áp dụng mô hình lưỡng viện, Quốc hội Anh có thượng viện, gọi là Viện Quý tộc (House of Lords), và hạ viện, gọi là Viện Thứ dân (House of Commons). Quốc trưởng (hiện nay là Nữ hoàng) là thành phần thứ ba của Quốc hội" [7].
Trụ sở Quốc hội Anh nằm ở Cung điện Westminster, thành phố Westminster, London.
Website: https://www.parliament.uk
Quốc hội Liên bang Đức
"Quốc hội Liên bang (tiếng Đức: Bundestag, phát âm tiếng Đức: [ˈbʊndəstaːk]) là hạ viện của Nghị viện Đức, còn gọi là Viện dân biểu. Là cơ quan lập hiến và lập pháp tại Đức." [8]
"Hội đồng Liên bang Đức (tiếng Đức: Bundesrat) là thượng viện của Quốc hội Liên bang Đức. Là cơ quan đại diện cho 16 tiểu bang của Đức ở cấp Nhà nước, nên còn gọi là Viện bang biểu. Hội nghị được tổ chức tại Tòa nhà của Thượng viện Phổ cũ, Berlin, trước năm 1989 thì tại Bonn thủ đô của Tây Đức." [12]
"Bundestag cùng với Bundesrat là các cơ quan lập pháp của Nghị viện Đức. Tòa nhà Reichstag hiện nay là trụ sở của Bundestag." [8]
Website: https://www.bundestag.de
Nguồn tham khảo
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất