Khi nghe tựa đề cuốn sách mới của chú Đặng Hoàng Giang, tôi đã không chần chừ đặt ngay cho mình một cuốn. Vì trước đó, tôi đã cực kỳ ấn tượng với những “Thiện, Ác, Smartphone”, “Bức xúc không làm ta vô can” hay “Điểm cuối của cuộc đời”. Chú Đặng Hoàng Giang luôn mang đến cho tôi những cái nhìn mới, đi ngược với số đông. Chú luôn tiếp cận vấn đề từ cả hai phía, chứ không chỉ một chiều.  Bằng lòng trắc ẩn, thấu cảm và sự kiên trì, “sau khi ngồi với nhau từ mùa xuân năm nay đến mùa hè năm sau”, chú đã viết nên một cuốn sách mang lại nhiều cảm xúc cho bất cứ ai đã từng là người trẻ và đang trải qua tuổi trẻ.
Đọc cuốn sách, ai cũng sẽ có cho mình một sự chiêm nghiệm về cuộc sống, về những mối quan hệ gia đình. Đặc biệt, cuốn sách có thể giúp mỗi người chúng ta bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình chữa lành tâm hồn mình.

Lần Đầu Tiên Tôi Biết Đến “Cha Mẹ Độc Hại”

Hiếm có cuốn sách nào mà tôi đọc một mạch không ngừng nghỉ cho đến trang cuối cùng như vậy. Nhân vật nào cũng làm tôi xúc động, rơi nước mắt. Tôi hoàn toàn đồng cảm với mọi suy nghĩ hành động của các nhân vật trong cuốn sách. Tôi cảm thấy như đang hòa mình vào với cuộc đời của nhân vật. Không phán xét. Không chỉ trích. Chỉ cảm thông.
Cuốn sách có những câu chuyện về người trẻ, và cả những người làm bố làm mẹ – những người đã từng bị tổn thương trong quá khứ. Ai cũng có trong mình những nỗi đau. Có lẽ, bởi những nỗi đau đó chưa được chữa lành, mà họ vô tình gây nên nỗi đau vô hình lên thế hệ tiếp theo. Cha mẹ độc hại – tôi nghĩ không chỉ nói về những người cha người mẹ bạo hành con cái về thể xác, mà là những vị phụ huynh hành hạ con cái mình bằng vỏ bọc yêu thương.
Ai cũng nói rằng sẽ mong những điều tốt đẹp nhất cho con. Ai cũng nói sẽ làm tất cả vì con. Nhưng con cái đôi khi chỉ cần những điều đơn giản thôi, là thời gian, là tình yêu thương và sự thấu cảm. “Buồn cái gì? Mày thì có cái gì mà buồn? Sao không buồn thay cho bố mẹ mày phải kiếm tiền ý”.  Đôi khi, cha mẹ bận bịu với nỗi lo cơm áo gạo tiền mà quên mất đi những điều đó.
Cơm áo gạo tiền cũng quan trọng, nhưng có những thứ không cần mua bằng tiền cũng làm cho những đứa trẻ hạnh phúc hơn bất kỳ điều gì, đó là sự quan tâm và thấu hiểu của cha mẹ. Họ quên mất tại sao họ lại sinh ra những đứa trẻ? Hay họ sinh ra những đứa trẻ không phải là để làm cho chúng được hạnh phúc mà chỉ để phục vụ nhu cầu thờ phụng và chăm sóc khi về già?

Câu Chuyện Đưa Tôi Về Với “Thế Giới Hậu Tuổi Thơ” Của Mình

Câu chuyện ở M.H trong phần ba “Trong ngục tù của tình yêu” là câu chuyện mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. M.H làm thông dịch viên cho các quan chức của một cơ quan nhà nước – công việc khiến bố mẹ tự hào vì cho nó là “danh giá”. Tuy nhiên, thứ làm cô đam mê lại là âm nhạc. Hàng ngày, cô phải trang điểm rồi khoác lên mình bộ váy và áo vest công sở mà cô vốn dị ứng. Với cô, “thành tích là thứ duy nhất có thể dùng để khiến bố mẹ yêu thương”. Cô thương bố mẹ, “một tình thương đầy sợ hãi, tuyệt vọng và bế tắc”. Cô cũng biết bố mẹ cô thương cô với “một tình thương đầy kỳ vọng, một tình thương làm đau hơn là nuôi dưỡng nhau”.
Tôi cảm thấy một phần của mình trong đó. Tôi luôn sống trong sự kỳ vọng của mẹ. Mẹ tôi luôn mong muốn tôi đi du học và vào làm việc tại Hội sở chính của một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất. Vì mẹ tôi cũng làm việc trong ngành này, mẹ nghĩ rằng tôi sẽ có một tương lai tốt với nguồn thu nhập ổn định nếu thành công.
Dù mẹ tôi không phải kiểu người hay đi khoe khoang khắp nơi, nhưng khi gặp gỡ mọi người và được hỏi thăm về con cái, mẹ muốn được tự hào khi kể về thành tích, vị trí hay nơi làm việc của tôi. Tôi đã không làm theo ý mẹ. Hay đúng hơn là tôi không đủ khả năng đáp ứng được nguyện vọng của mẹ. Tôi làm ngược lại với tất cả những gì mẹ mong muốn. Theo như mẹ nói, tôi đã làm mẹ thất vọng vì đã nuôi tôi ăn học tốn bao nhiêu tiền của, để rồi cuối cùng tôi lại lấy chồng, sinh con và nghỉ việc ở nhà trông con. 
Tôi không biết mình đã làm gì sai. Mọi người đều nói rằng, tôi phải hiểu cho mẹ. Những mong muốn của mẹ là hết sức bình thường. Một người tốt nghiệp đại học và có nền tảng tốt như tôi lại ở nhà chăm sóc em bé. Mà công việc của mẹ thì gặp rất nhiều người, nên nếu họ hỏi, mẹ không biết phải trả lời sao. Mẹ thất vọng và buồn là chuyện thường. Tôi có thể hiểu cảm giác của mẹ. Nhưng tôi không hiểu mình đã làm gì sai?
Tôi không trộm cắp, không đua đòi, không làm việc gì xấu gây tổn hại đến mọi người. Chỉ đơn giản là tôi cho phép mình nghỉ một khoảng thời gian để chăm sóc hai em bé. Vì tôi tin, với con trẻ, điều tuyệt vời nhất là có bố mẹ ở bên, cảm nhận tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ hàng ngày. Nhưng mẹ sẽ không bao giờ hiểu điều đó. 
Có khoảng thời gian tôi cũng có mâu thuẫn dù muốn sống cuộc đời của mình nhưng vẫn muốn bố mẹ yên tâm như cô bạn Minh Khuê. Vậy nên tôi cũng định đầu hàng, làm theo những điều mẹ muốn. Tuy nhiên, nếu như cứ tiếp tục đáp ứng những nhu cầu của mẹ, vậy còn những nhu cầu của tôi? Liệu tôi có còn là chính tôi, khi sống cuộc đời của mẹ? 
Chú Giang đã viết:”Khi đứa trẻ thực hiện được mong muốn của họ, họ cảm thấy cái tôi của mình được vuốt ve, bản thể của mình lành lặn, cuộc sống của mình đầy đủ có ý nghĩa. Khi đứa trẻ không đáp ứng được hoặc không muốn đáp ứng nhu cầu của họ, họ sẽ đau đớn sợ hãi hay giận dữ như một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Để chống lại cảm giác suy sụp tan vỡ, thất bại, họ đánh trả bằng cách cáo buộc đứa con là kém cỏi, vô dụng (khi nó không có khả năng thực hiện mong muốn của họ), hay ích kỷ, không biết nghĩ, không biết thương bố mẹ (khi nó khước từ).”
Tôi nghĩ mình may mắn khi khước từ mong muốn của mẹ, để sống cuộc sống cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi vẫn tổn thương vì mối quan hệ không lành lặn với mẹ. Tôi vẫn loay hoay trên hành trình chữa lành, cho những tổn thương của tôi và cả của mẹ. Tôi hy vọng ngày nào đó, tôi sẽ tìm thấy ánh sáng phía cuối con đường mờ mịt tôi đang đi.

Chữa Lành Bằng Trắc Ẩn Và Thấu Cảm

Compassion (n.): A feeling of deep sorrow for another who is stricken by misfortune, accompanied by a strong desire to alleviate the suffering.
Empathy (n.): The ability to step into the shoes of another person, aiming to understand their feeling and perspectives, and to use that understanding to guide our actions.
Anonymous
Với chú Đặng Hoàng Giang, trắc ẩn là “sự thương cảm hướng vào trong, coi bản thân là một thực thể để mình chăm sóc và quan tâm, đặc biệt trong lúc mình khổ đau nhất”. Thấu cảm giúp chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ, đồng thời buông bỏ oán giận và cay đắng đối với những người đã gây ra đau khổ cho mình, đem lại cho mình cảm giác tự do, giải phóng và thoải mái về tinh thần.
Có thể nói rằng, trắc ẩn và thấu cảm cực kỳ cần thiết cho cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên, năng lực thấu cảm, kỹ năng về trí tuệ cảm xúc lại được xếp vào những kỹ năng cần thiết phải có cho công dân thế kỷ mới. Khả năng lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của người khác giúp kết nối mọi người lại với nhau, tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là món quà tinh thần ý nghĩa cho tất cả mọi người. Ai cũng nên đọc cuốn sách này một lần trong đời, để thấy mình, thấy người, hiểu mình và hiểu người hơn. Từ đó có thể tự chữa lành cho chính mình.