Sinh năm 1938, Cung Tiến đã lớn lên trong một quãng giao thời từ tiền chiến sang kháng chiến chống Pháp. Trong một bài phỏng vấn, Cung Tiến nói mình học cấp hai ở trường Nguyễn Trãi sau khi gia đình ông hồi cư về Hà Nội. Tại đây, ông có những bài học ký âm và xướng âm đầu tiên dưới sự dẫn dắt của giáo sư, nhạc sĩ Thẩm Oánh. 
Cung Tiến bộc lộ tài năng sáng tác nhạc của mình ngay từ năm 14 tuổi, khi ông viết Thu vàngHoài cảm, hai ca khúc trữ tình vẫn được biết đến và được hát bởi người thời nay.
Năm 1952, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Sinh ra ở Hà Nội, rồi phải bỏ Hà Nội vào miền Nam trong tuổi thiếu niên, cái kinh nghiệm sống này là đặc trưng của cả một thế hệ người Việt được nhắc đến với cụm từ thông tục “Bắc 54” mà trong số đó có những nhân vật tầm cỡ như Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Thanh Tâm Tuyền, hay Dương Nghiễm Mậu.
bản dịch của Cung Tiến, Nhã Nam phát hành
bản dịch của Cung Tiến, Nhã Nam phát hành
Cung Tiến thuộc vào cái thế hệ đó. Hơn nữa, ông còn có một mối giao hảo với những trí thức nói trên. Trong những năm đầu ở miền Nam sau 1954, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến đã viết nhiều truyện và tiểu luận cho các tạp chí như Sáng Tạo, Quan ĐiểmVăn. Ông cũng được biết đến với tư cách một dịch giả, người đã dịch Hồi ký viết dưới hầm của Dostoyevsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovich của Solzhenitsyn. Tuy có năng khiếu sáng tác nhạc, giỏi cả viết văn làm báo, nhưng Cung Tiến lại chọn ngành Kinh Tế để học đại học ở Úc và học cao học ở Anh. Sự phong phú trong thể loại, sự uyên thâm trong học vấn nói trên không phải nhạc sĩ nào cũng dễ dàng đạt được. Bây giờ, đọc lại những bài phê bình thơ, hay những bản dịch truyện ngắn của Cung Tiến trên báo chí miền Nam, ta vẫn thấy sự sâu sắc, tài hoa hiếm có.
Cung Tiến với tư cách nhạc sĩ được biết đến nhiều nhất có lẽ với bài Hương Xưa, một tác phẩm mang tính chất lãng mạn của thơ ca tiền chiến, cùng cảm giác đổ vỡ và hoài niệm của một lớp người xa quê vì binh biến:
Đời lập từ những đêm hoang sơ Thanh bình như bóng trưa đơn sơ Nay đời tan biến trong hư vô, chết đầy từng mồ oán thù máu xương tơi bời nhiều mùa thu... Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi? Tình có ghi lên đôi môi Sầu có phai nhòa cuộc đời Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui. Đời êm như tiếng hát của lứa đôi, Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…
Cung Tiến cho biết, thời kỳ đầu sáng tác, ông chịu ảnh hưởng của các tác giả trong phong trào Thơ Mới, nhất là Xuân Diệu hay Huy Cận. Nhưng về sau, ông có một nguồn cảm hứng mới, đó là thơ của Thanh Tâm Tuyền.
chân dung Cung Tiến
chân dung Cung Tiến
“Thơ của Thanh Tâm Tuyền đến với tôi hồi lúc tôi bắt đầu du học sang bên Úc. Lúc đỗ tú tài hai, tôi được học bổng qua Úc để học về Kinh Tế Học. Thì tôi còn nhớ trong cái hành trang văn hóa tôi mang đi, có tập thơ của Thanh Tâm Tuyền, là Tôi không còn cô độc, với lại mấy tập truyện ngắn của Mai Thảo. (...) Thanh Tâm Tuyền là một hơi thở hoàn toàn khác, đó là hơi thở hiện đại”
Những năm sau này, Cung Tiến dường như tập trung nhiều hơn vào việc viết nhạc cho những bài thơ mà ông yêu thích, thay vì tự sáng tác lời. Ông đã phổ nhạc cho một số bài thơ của nhà thơ, có thể kể đến Lệ đá xanhVang vang trời vào xuân. Ông cũng viết nhạc cho bản dịch của Vũ Hoàng Chương bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Tác phẩm mang tính “hàn lâm” nhất về nhạc thuật của Cung Tiến có lẽ là hợp tấu khúc Chinh phụ ngâm, lấy cảm hứng từ kiệt tác của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm, sử dụng âm giai ngũ cung của Á Đông.
Khoảnh khắc này trong sự nghiệp âm nhạc của Cung Tiến gợi nhắc chúng ta nhớ đến việc Phạm Duy viết Minh họa Kiều cho tác phẩm thơ Nôm kinh điển của Nguyễn Du, Nguyễn Thiên Đạo với Mỵ Châu Trọng Thủy, Trần Kim Ngọc với Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nguyên Lê và Hương Thanh với những câu hò điệu lý, hay Ngô Hồng Quang với nhạc cụ dân tộc. Có chăng một cảm thức chung đã thôi thúc những nhạc sĩ này tìm về các giá trị xưa sau nhiều năm tháng lưu lạc năm châu bốn bể, sau nhiều thăng trầm của cuộc sống? Phải chăng, sau hết những ly tán hay vọng ngoại, còn lại trong tâm thức mỗi người một nhu cầu trở về tìm lại một bản sắc cộng đồng? Vì hẳn là, cũng chỉ có ở đó, người ta mới có cơ may tìm thấy một cái gì thuần túy Việt Nam trong âm nhạc thế giới?