Gửi "một ai đó"! Đúng rồi, mình đang gửi tới người chấm bài viết này và các độc giả đáng kính. Những người mà sau khi đọc xong bài này có lẽ sẽ cười (vui hoặc không vui) vì lối chia sẻ quá ư là "phèn" của mình. Với mình triết học là cách sống nên khi thấy "thực hành triết học", mình đã...đứng hình mất năm giây. Lúc đầu khi thấy bảo là viết thi, mình không nghĩ sẽ tham gia. Tại sao ư? Vì mình thích "khắc kỉ trầm lặng" cơ. Vậy mới ngầu! À thật ra chủ yếu là do quá ngại việc...bị "phong thánh" hậu viral từ nhóm bạn cũ. Nếu để ý chắc quý vị chả thấy được tí "triết học" nào từ cách viết của mình đâu nhỉ! Thật tình là sau vài ngày quên bén đi, mình vô lại Spiderum tìm đọc những bài viết thú vị thì thấy thông báo hiện ra. "Biết đâu mình góp vui được cho mọi người!" Thế là giờ mình đang đăng bài đây.
Cách sống đến từ góc nhìn.
Cách sống đến từ góc nhìn.
Đúng ra đây chẳng phải thi thố gì. Vì mỗi người có một hoàn cảnh, lăng kính riêng. Ta đâu thể khẳng định ai hay, ai dở. Mình chỉ xin một giải "ấn tượng" bởi nó..."ấn tượng" và ý kiến là anh chị em nhường cho vì mình...không muốn tranh đua. Đùa thôi! Từ nhỏ đến khi ra đời mình luôn nghĩ "triết học" là một thứ gì đó cao siêu lắm. Phần thấy thầy cô than phiền, phần mình chả thấy ai quen biết(ngoài thầy cô) đá động gì tới. Lần đầu tiên tiếp xúc "triết học" là trong tiết Giáo dục công dân lớp 10 với "thế giới quan" và "phương pháp luận". Nó là môn phụ, thi được lật Sách giáo khoa và cô giáo khi đó giảng bài theo một phương pháp rất "triết học". Vì còn "trẻ trâu" nên mình không nghĩ nhiều, chỉ biết do mình là Học sinh giỏi Hoá nên môn phụ toàn 7,8,9,10 điểm là bình thường. "Triết học" như là nhỏ lớp phó mình thương thầm khi đó, cứ thế lướt qua đời nhau. Giờ mình đang tưởng tượng cảnh nhỏ inbox sau khi đọc bài đăng trên face với một màn "bày tỏ sự quan ngại sâu sắc". Mà cũng có thể mình mơ hơi cao, thôi xem như không có mối quan hệ "biện chứng" vậy. Hè năm lớp 11 mình có đọc cuốn "nguyên tắc 50-không sợ hãi" của Robert Green. Trong đó có nhiều dẫn chứng lịch sử rất ngầu cho mười nguyên tắc, và xoay quanh cuộc đời của rapper "50 cent". Một cuốn sách về cách sống vô cùng mạnh mẽ, phá vỡ mọi cách nghĩ trước đây của mình về cuộc sống. Và trở thành "cuốn sách gối đầu giường" lúc đó. Nó đưa mình đến đối diện với cái chết, với hiểm nguy khó lường của cuộc sống cũng như gợi ý về những vị triết gia khắc kỉ và Chủ nghĩa khắc kỉ. Tuy nhiên sự lướt qua này không đọng lại quá lâu trong tâm trí "trẻ trâu" của mình, duy chỉ "lý tưởng cách mạng" là trỗi dậy. Và sau đó có một sự kiện "viễn tưởng" xảy ra. Trong đại hội đoàn trường năm lớp 12, mình đứng lên thuyết giáo hùng hồn về "cách sống" cho chúng bạn, "lên án" mạnh mẽ kiểu sống thụ động của tất cả học sinh trong trường. Tất cả đại biểu im ru nghe mình nói, còn nhỏ lớp trưởng kéo mình ra "rầy" một trận vì sự "óc chó" của mình. Tất nhiên một "vĩ nhân" sao có thể chùng bước trước phán xét của thiên hạ. Còn mình khi đó thì tự thấy mình là "vĩ nhân". Hê hê! Hậu quả xã hội của lần đó là không đáng kể, chỉ có mình là cười ái ngại mỗi lần nhớ về. Ôi tuổi trẻ ngông cuồng ngu ngốc. Ngay cả bản thân còn chưa thể sống cho tốt thì có thể khuyên bảo được ai đây. Như có viết trong bài "Gửi chàng trai đang trở thành đàn ông.", mình giờ không còn "vĩ nhân" nữa. Hì! Sau bao ngày tháng trôi dạt theo đồng tiền, lang thang tìm cách sống thật sâu sắc. Mình tìm đến Krishnamurti, "Giải bài toán hạnh phúc" của Mo Gawdat, "7 thói quen hiệu quả" của Steven Covey. Cuối cùng là Chủ nghĩa khắc kỉ của William B. Irvine. Rồi mình tham khảo góc nhìn của anh Nguyễn Hữu Trí và tổng hợp tất cả lại thành một "Triết lý khắc kỉ" cho riêng mình. Vẫn là Chủ nghĩa khắc kỉ nhưng được bổ sung góc nhìn đa dạng hơn, hướng tới mục tiêu ý nghĩa hơn với bản thân. Với mình đây là triết học, một cách sống, phân biệt với thứ "triết học" rất hàn lâm của các "cao nhân" như Max, Angel. Có lẽ mình chưa phải là người hiểu sâu sắc về nền "triết học" nhân loại. Song mình hài lòng với triết lý sống mình theo đuổi, thứ triết học của riêng mình. Cơ mà cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Phải chi ông Irvine khẳng định tính chân lý của Chủ nghĩa khắc kỉ như Triết học Max đã làm thì mình đã không tốn hơn một năm trời loay hoay. "Ổng" viết, đại ý là dù chọn cách sống nào thì bạn vẫn có nguy cơ sống lầm lỗi, nhưng có một triết lý sống thì vẫn tốt hơn. Ôi trời! Kiểu "tao thấy cái này cũng hay nhưng chọn ra sao là do mày nghe chưa!" Phải biết là ông này cũng "có lý", chỉ tại nhức đầu quá nên kể lể chút cho vui. Tuy chọn là vậy, để sống theo triết lý mình chọn lại là một hành trình cam go hơn nhiều. Về phần bản thân, mình thích sống theo cũng như thích nói. Nhớ có lần "kháng chiến" thành công cảm giác khó chịu khiến mình cười vui suốt cả buổi chiều. Một chiến thắng dễ thương với nhiệt độ môi trường gần 40°C, trong một ngày cúp điện, khi đang loay hoay sửa xe cho khách. Từ đó mình hay tìm cách "yêu thương bản thân" nhiều thêm một chút bằng việc tắt quạt vào ngày nóng, ngủ dưới sàn, ăn ít lại và nhiều phi vụ khác theo "trend" tiết chế bản thân của các cụ. Dĩ nhiên là niềm vui ngày càng nhiều khi mình dễ dàng chấp nhận những khó khăn nho nhỏ như vậy. Mở rộng vùng thoải mái ra. Còn nhiều kỹ thuật khác mà mình sử dụng,những niềm vui và không vui. Cũng không có gì quá tự hào, không nghĩ mình hơn ai. Chỉ chia sẻ lên đây góp vui cùng anh chị em. Nói như Marcus thì, mình chỉ là một kẻ thực hành cần mẫn một thứ triết thuyết do người khác nghĩ ra. Còn phải học hỏi cải thiện bản thân nhiều thêm nữa. Chỉ mong sao đến cuối đời nhìn lại, mình có thể mỉm cười cho một cuộc đời đáng sống. Sau tất cả, điều tuyệt vời nhất mình nhận ra là góc nhìn tác động rất nhiều tới cách sống. Khi càng cởi mở để nhìn nhận mọi việc, chấp nhận cuộc sống như nó vốn vậy, ta càng bình thản hơn. Sự khôn ngoan sẽ đến với con người lý trí. Chọn cho mình một ý nghĩa sống và sống hết mình cho thứ mình đã chọn. Vậy đã đủ cho một đời rồi nhỉ! Vậy thôi! Dù ban tổ chức yêu cầu một bài viết với 1200 từ, thú thật là mình không đếm. Các vị chấm bài thấy có thiếu thì xin bổ sung vài chục chữ "bình thản" vào giúp em. Việc đó sẽ khiến bài viết "ấn tượng" hơn nhiều. Thân chào!
P.s. Dành cho anh chị nào tò mò tại sao em viết theo dạng thư gửi thế này. Vì em thích quyển "Seneca-những bức thư đạo đức" lắm!