Ảnh bởi
Andre Taissin
trên
Unsplash
Nếu nói về vấn đề tiết kiệm, thì chỉ cần tìm kiếm cụm từ này trên Google thì những kết quả cho ra sẽ đọc cả ngày chẳng hết. Đa số kết quả tìm được đều sẽ nói về tiết kiệm đại lại như sau:
Hãy chia tiền vào những cái lọ, lọ A cho tiền sinh hoạt, lọ B cho tiền mua sắm, lọ C cho tiền tiết kiệm. Bạn nên đặt ra những chuẩn mực cho từng lọ, và giới hạn chi tiêu chỉ trong đúng số tiền bạn đặt ra
Nghe thấy quen quá đúng không nào, không biết bao nhiêu lần tôi đã được đọc, nghe về phương pháp này rồi, hoặc một vài lời khuyên khác như cái này chẳng hạn:
Hãy tập thói quen ghi lại số tiền chi tiêu để dễ quản lý, sử dụng app ABC, ứng dụng XYZ để quản lý tiền bạc hiệu quả
Tiết kiệm là một việc tốt, và chắc chắn rằng nó rất là cần thiết với tất cả mọi người, nhất là với người trẻ, mỗi chúng ta nên rèn luyện đức tính này ngay từ bây giờ. Nhưng bài viết này không phải nói về vấn đề tiết kiệm, tôi không nói là bạn phải tiết kiệm như thế nào, cũng không có phản bác ý kiến nào tôi liệt kê ra ở bên trên. Tôi cảm thấy rằng chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ, bạn cần phải chi tiêu các khoảng tiền của mình một cách hợp lý, giá trị mang lại phải tương xứng với số tiền bạn bỏ ra cho dù là về mặt vật chất hay tinh thần. Nhiều người trẻ hiện nay đã dần có được thói quen tiết kiệm, thậm chí còn dùng tiền để đầu tư, thật quá tốt đúng không!! Nhưng mà bên cạnh đó mình thấy vấn đề các bạn ít quan tâm tới đó là việc chi tiêu của bạn đã hợp lý hay chưa, bạn chia tiền ra nhiêu cái lọ, bạn dùng đúng với qui định đặt ra cho từng lo, nhưng hiệu quả mà số tiền đó mang lại có xứng đáng?

Performance/Price

Tôi có một thói quen rằng, khi mua sản phẩm nào, tôi sẽ luôn đánh giá performance/price của sản phẩm đó, tất nhiên với mỗi sản phẩm sẽ có những cách đánh giá khác nhau và nó còn phụ thuộc bản thân của  bạn nữa. Nói về vấn đề này tôi nghĩ sẽ lấy chiếc điện thoại ra làm ví dụ vậy, khi bỏ tiền ra để mua chiếc điện thoại, bạn sẽ suy nghĩ gì đầu tiên? Hmmm, tôi đoán là giá tiền để bạn mua chiếc điện thoại. Bạn sẽ nhìn vào tiền trong chiếc “lọ” của bạn, ví dụ là 10 triệu, và bạn sẽ cho đó là số tiền bạn bỏ ra để mua chiếc điện thoại. Sau đó, bạn sẽ lên các trang web bán điện thoại di động, tìm các sản phẩm có mức giá phù hợp với giá tiền của bạn, sau đó lên youtube và các diễn đàn xem review về sản phẩm, cuối cùng bạn chốt được chiếc điện thoại bạn muốn mua và cứ thế bạn bỏ 10 triệu ra để mua chiếc điện thoại bạn muốn và nghĩ rằng mình đã mua được 1 sản phẩm tuyệt vời với số tiền 10 triệu. Nếu tôi đoán đúng thì bạn cũng giống tôi ngày trước rồi đấy!! Nhưng bây giờ hãy xem lại, xem xét lại giá trị của sản phẩm đối với bản thân của bạn xem nó đã hợp lý chưa. Tôi khi mua một chiếc điện thoại sẽ nghĩ đến đầu tiên là tôi cần gì ở chiếc điện thoại của mình:
+ Nghe, gọi, lướt web, nhắn tin: chắc chắn rồi vào gần như trên 90% điện thoại ở thị trường đáp ứng được nhu cầu này.
+ Chơi game, xem phim: cái này thì không cần vì tôi chỉ chơi game và xem phim trên máy tính
+ Chụp ảnh: cũng không nốt, tôi không có sở thích chụp ảnh, có đi chơi với người yêu thì điện thoại người yêu sẽ đảm nhiệm vấn đề đó, miễn có camera là được rồi, để còn video call nữa chớ.
+ Pin: vừa đủ là được, không cần quá trâu vì tôi cũng ít khi đùng điện thoại, xài trong ngày tối về sạc vẫn cứ là tốt.
+ Màn hình: nếu đã không chơi game hay xem phim thì vấn đề này không quá quan trọng nữa
Có lẽ đơn giản vậy thôi vì tôi không cần quá nhiều ở một chiếc điện thoại, tiếp theo tôi sẽ xem về các thiết kế, các hãng sản xuất mà mình ưng ý. Vậy là sơ sơ đã hình dung được mình cần mua điện thoại như nào rồi đúng không. Sau đó tôi áp dụng bảy bảy bốn chín thuật toán và vố số giờ ngồi lướt web tìm hiểu tôi đã chốt được chiếc điện thoại ưng ý, đầy đủ nhu cầu của mình với giá 5 triệu. Như vậy, chỉ cần 5 triệu trong chiếc “lọ” kỳ diệu ấy, tôi đã mua được sản phẩm vừa với nhu cầu của mình, nếu là tôi của trước đây, chắc chắn rằng 10 triệu trong chiếc lọ đó đã hết sạch cho chiếc điện thoại xịn hơn, tốt hơn trong khi tôi chẳng thể dùng được hết cái xịn hơn đó. Có thể bạn sẽ nghĩ góc nhìn của tôi hơi phiến diện, nhưng  tôi đưa ra ví dụ này nó chỉ áp dụng với cá nhân tôi, sẽ có rất nhiều bạn phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc điện thoại, thậm chí cần nó cho công việc nữa, lúc đó 10 triệu có khi vẫn là chưa đủ cho nhu cầu, vậy nên đánh giá performance/price nó phụ thuộc vào nhu cầu người sử dụng chứ không có một quy tắc chung và không có người nào giống người nào cả.
Ngoài việc đánh giá performance/price của sản phẩm ra, tôi nghĩ chúng ta cần nên nhận định một việc nữa, đó là bạn có thực sự cần nó, có nhất thiết phải mua nó ở thời điểm hiện tại không? Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hay không, trở lại vấn đề chiếc điện thoại, trước khi mua tôi sẽ suy nghĩ rằng hiện tại tôi đã cần mua điện thoại mới hay chưa, điện thoại cũ của tôi hiện tình trạng như thế nào, vẫn đáp ứng đủ cho tôi chứ? Nếu tất cả vẫn sử dụng tốt thì tại sao tôi phải đổi, hãy tìm ra những lý do trước đã, để tránh những trường hợp hối tiếc khi bạn đã lỡ chi tiền vào những thứ chưa cần thiết. Những vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề mua điện thoại như là nếu cùng thời điểm đó thì cái loa thân yêu của tôi lại “đột quỵ”, rõ ràng cũng là vấn đề lớn, với một đứa mê phim, thích nghe nhạc như tôi thì không có loa đúng là bi kịch. Vậy lại phải suy nghĩ rồi, và tất nhiên là tôi phải ưu tiên mua một con loa mới hơn chứ. Vậy sau khi mua con loa mới rồi, tôi có còn tiền để đổi mới chiếc điện thoại như đã dự định hay không, nếu vẫn còn thì thật tuyệt vời, còn nếu không đủ tiền thì phải xem xét lại là nếu lúc đó điện thoại vẫn còn dùng tốt thì không nhất thiết phải đổi ngay bây giờ, có thể chờ vào lần sau. Như vậy thật khó chịu đúng không? Bạn cũng đang muốn một chiếc điện thoại mới mà lại phải chờ đợi, hãy xem như rằng đây là quãng thời gian bạn sẽ xem xét kỹ lưỡng lại quyết định của mình và biết đâu bạn sẽ tìm thấy một chiếc điện thoại rẻ hơn nữa so với mức giá ban đầu bạn dự định, hoặc một đợt sale nếu bạn may mắn. Cũng có không ít lần nhờ việc trì hoãn việc mua sắm, tôi đã chán khi nhận ra mình không còn muốn mua nữa và tôi không phải tốn tiền vào thứ mà khi mua về tôi sẽ không động đến. Một khoảng thời gian trì hoãn để xem xét là cần thiết trong một số trường hợp, tích tiểu thì sẽ thành đại, nhiều món giá trị thấp mà bạn nghĩ: “ôi giời có nhiêu đây không sao, mua về không dùng thì thôi” và với cách suy nghĩ đó tôi đã từng dùng hết tiền cho cái “lọ” mua sắm của tôi chỉ để mua về vài món linh tinh và “không để làm gì cả”. Cuối cùng, theo tôi nghĩ là chúng ta nên suy xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định mua sắm dù giá trị nó nhỏ hay lớn.

Không nên tiết kiệm với những món thực sự cần thiết

Phần tiếp theo này có thể tôi sẽ đá bay mấy cái luận điểm từ nãy giờ của chính mình, và đá luôn cả cái phương thức tiết kiệm tôi đề cập đầu bài viết. Đôi lúc chính sự tiết kiệm nó lại phản tác dụng, và nó khiến chúng ta hoang phí, vậy nó sẽ xảy ra như thế nào.
Ảnh bởi
John Schnobrich
trên
Unsplash
Đôi lúc con người chúng ta lại tiết kiệm quá mức cần thiết, nhiều người tiết kiệm tiền cho một cái máy giặt vì nghĩ nó quá đắt và họ nghĩ sẽ còn tốn thêm chi phí điện, sửa chữa nên họ chọn tự giặt đồ để tiết kiệm. Nhưng đâu phải lúc nào công việc cũng cho phép ta có thời gian nhiều, đôi lúc ta cần cho cơ thể mình nghỉ ngơi, và đống đồ từ mấy ngày vẫn còn đó, bạn quyết định đem nó ra giặt ủi, tốn khoảng 50 đến 100 nghìn cho mỗi lần giặt và tất nhiên một tháng không phải chỉ có một lần, liệu có ai nhận ra tiền giặt ủi mỗi tháng sẽ cao hơn tiền điện, nước để vận hành máy giặt. Nhiều người khác thì không mua vì vấn đề chi phí, họ cần tiết kiệm, giá cho một cái máy giặt là quá cao. Như đã đề cập ngay từ đầu đó là tiêu chí performance/price, một cái máy giặt dùng cho gia đình nhỏ ở thời điểm hiện tại không còn quá đắt đỏ, với khoảng 5 triệu ta đã có thể sở hữu hoặc thậm chí thấp hơn, hãy nghĩ đến giá trị mà nó mang lại cho chúng ta. Tuổi thọ trung bình theo mình được biết hiện nay của một cái máy giặt có thể là 5 năm, nhưng thật ra mình có những người sử dụng máy giặt lên hàng chục năm vẫn còn tốt, tất nhiên sẽ đi kèm phí sửa chữa khi tuổi thọ cao. Chia đều ra từng năm thì bạn sẽ tốn khoảng 1 triệu/ năm cho tiền máy giặt, nếu một cái máy giặt bền bĩ hơn thì giá đó sẽ còn thấp hơn nữa, nếu như vậy thì liệu bạn thấy có còn đắt không. Nhiều người sẽ bị mắc sai lầm trong việc xem giá trị của sản phẩm, nhìn vào giá cho rằng nó cao nhưng lại không nghĩ đến tình huống lâu dài. Cho nên, theo mình ngoài việc tiết kiệm tiền khi mua sản phẩm thì bạn cũng nên xem xét giá cả với thời gian sử dụng sản phẩm có tương xứng hay không để tránh việc chi tiêu quá dè dặt mà lại không có hiệu quả.
Bạn đã bao giờ mua một món có giá trị thấp nhất có thể với suy nghĩ rằng “rẻ mà vẫn dùng tốt” chưa? Nhiều người với cách tiết kiệm của mình cứ mặc nhiên mua càng rẻ càng tốt mà không quan tâm đến giá trị nó mang lại, rõ ràng lúc này nó không đạt tiêu chí performance/price  vì nó có giá thấp nhưng giá trị lại thấp hơn cả giá, nó không đáp ứng đủ nhu cầu của bạn, bạn cảm thấy khó chịu, bạn không ưng ý và rồi bạn sẽ lại nghĩ rằng: mình sẽ dành tiền để mua món tốt hơn. Vấn đề sẽ được sinh ra từ đây. Có lần tôi đứng trước sự lựa chọn khi quyết định mua cho mình một chuột máy tính, vì là một đứa mê game nên yêu cầu khi lựa chọn chuột của tôi khá là cao, nhưng mà vì để tiết kiệm tôi lại không mua con chuột đúng với nhu cầu của mình với mức giá 1 triệu rưỡi mà chọn một sản phẩm rẻ hơn với mức giá 600 nghìn và tin rằng mình đã làm đúng khi tiết kiệm một khoảng kha khá. Nhưng rồi khi tôi mua về và sử dụng một thời gian, trải nghiệm mà sản phẩm rẻ đó mang lại là cực kỳ tệ hại và tôi nhận ra mình cần phải mua đúng con chuột mình muốn thì mới được. Rồi sau đó, tôi lại phải bỏ 1 triệu rưỡi ra để mua con chuột mà mình muốn, thế là tôi tốn tổng cộng 2 triệu 1 trăm nghìn để mua được món tôi muốn.
Khoan! Lý do gì mà một đứa vừa bảo là phải mua sản phẩm hợp với nhu cầu của mình mà bỏ ra tận 1 triệu rưỡi chỉ để mua con chuột máy tính? Lý do mình sẽ nói ngay sau đây.

Đừng quá cứng nhắc

Với một số món đồ nhất định, chúng ta không thể đánh giá performance/price  của nó một cách bình thường được, nhất là khi nó chạm vào sở thích cá nhân. Tôi yêu thích game và dành nhiều thời gian cho game nên rõ ràng khi chi tiêu ở lĩnh vực này tiêu chí tôi đánh giá nó sẽ khác nhiều với việc mua các món khác. Với cái điện thoại tôi có thể so đó tính toán rất nhiều để tìm được một sản phẩm ưng ý nhưng khi mua một con chuột lại khác, nhiều người sẽ cho rằng 600 nghìn là mức giá đã quá cao cho một con chuột máy tính rồi, còn đòi hỏi gì nữa? nhưng nếu là người chơi game nhiều thì rõ ràng những sản phẩm phân khúc cao hơn sẽ mang lại trải nghiệm rất khác biệt mà người ùng phổ thông chắc chắn khó mà nhận ra. Hay với một người đam mê việc cào phím như tôi thì rõ ràng rất quan tâm và yêu thích món này, nên số tiền tôi bỏ vào nó là cực kỳ cao, bù lại nó mang lại cho tôi cảm hứng để làm việc, cho tôi sự hứng thú với từng dòng chữ tôi ghi ra, khiến tôi muốn làm việc nhiều chỉ để được “cào phím”. Bạn đừng nên quá tiết kiệm đối với sở thích cá nhân của mình, hãy cởi mở hơn khi chi tiêu cho bản thân, giá trị tinh thần mà một sản phẩm mang lại đôi lúc còn tốt hơn giá trị vật chất của nó. Sẽ thật chán nán nếu như cứ kiếm tiền nhưng không dám mua một thứ gì cho hợp với sở thích của mình thì đôi lúc thật bất công với chính bản thân.
Ảnh bởi
freestocks
trên
Unsplash
Khi đã tiết kiệm, nhiều người đã đặt ra quy tắc cho mình sẽ chi tiêu một giới hạn nhất định trong tháng và sẽ không bao giờ phá vỡ nó. Quay lại trường hợp cái điện thoại tôi cần đổi, và cùng lúc đó tôi cũng bị hư cái loa. Trường hợp xấu là nếu mua mới cả hai thì nó sẽ vượt mứt giới hạn chi tiêu cá nhân của tôi, tôi sẽ làm gì? Tất nhiên là tôi mua cả hai rồi, và phần tiền dư ra đó chắc hẳn tôi sẽ trừ lại vào chi tiêu tháng sau. Nếu vì cố gắng tiết kiệm tôi chỉ đổi điện thoại hoặc chỉ mua loa mới, trường hợp này không ổn chút nào vì cả hai đang rất cần thiết và tôi không thể nghỉ nghe nhạc hoặc xài cái điện thoại đã sắp “chết” trong vài tuần tới. Đôi lúc bạn cũng sẽ trong tình huống tương tự, hãy suy xét thật kỹ rồi đưa ra quyết định và hãy chắc chắn rằng bạn sẽ trừ phần tiền dư đó vào lần sau vì nếu không làm vậy bạn sẽ tạo những tiền lệ xấu và dần phá vỡ hoàn toàn thói quen tiết kiệm ban đầu.
Chốt lại thì tiết kiệm là một việc rất tốt với bất kỳ ai, nhưng bên cạnh tiết kiệm tôi nghĩ chúng ta nên cần học cách chi tiêu hiệu quả hơn với số tiền mình vất vả làm ra, phải như thế mới là quí trọng công sức bản thân!