Tiếng lòng lịch sử
Di tích thành cổ loa (26/12/2020) Am Mỵ Châu thờ bức tượng không đầu Cảnh báo môt trái tim khờ dại Thử hỏi, nửa thế giới này đang...
Di tích thành cổ loa (26/12/2020)
Am Mỵ Châu thờ bức tượng không đầu
Cảnh báo môt trái tim khờ dại
Thử hỏi, nửa thế giới này đang tồn tại
Đã yêu rồi, ai không giống Mỵ Châu?
Trích thơ:Hạnh Mai (Tạp chí người Hà Nội số 115)
Một buổi chiều mùa đông, nắng nhè nhẹ, gió se se, được đến với khu di tích thành Cổ Loa. Một bầu không khí thật tuyệt vời ở đây, không phải ngày lễ hội nên người tới tham quan cũng không nhiều, không gian trong lành, yên tĩnh. Tựa như đất trời này chỉ có ta và những âm vang của lịch sử. Yên tĩnh tới mức, khi tôi rảo bước trên tưngd hàng gạch đá, đưa chân qua mỗi bậc thềm hay bước vào am thờ, tiếng chính bước chân mình vọng lại rõ như tiếng lòng của một ai.
Trường Bắn Nỏ - một ngôi trường cấp 2 nằm trong khi di tích lịch sử, nay đã bị bỏ hoang do bị thu hồi về đất của di tích làm cho không gian nơi đây khiến tôi chợt rùng mình, nhưng vẫn muốn khám phá. Ấn tượng nhất là trong khuông viên trường có gian thờ và trưng bày bản "Bình ngô đại cáo" được chạm khắc trên gỗ lớn, 4 góc tường xung quanh treo 4 bức tranh tương ứng 4 phần bản dịch. Trong không gian vô cùng tĩnh lặng ấy, một người đi cùng chợt đọc 1 đoạn dịch nghĩa trên tường, âm thanh vang dội, khí thế hào hùng tựa như ta đang sống trong chính nỗi day dứt và lòng yêu nước thương dân của các bậc anh hùng thời chiến.
"Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả."
Tại khu di tích, có 2 bức tượng tướng quân Cao Lỗ, người đã giúp vua An Dương Vương chế tạo Nỏ Thần để giữ nước, diệt giặc trong truyền thuyết, nhưng điều mà tôi nhớ mãi khi được các anh đi cùng giới thiệu, đó là: Cả 2 bức tượng trạm khắc tướng quân Cao Lỗ giương nỏ thần đều hướng về phía Bắc - Nơi giặc ngoại xâm tiến về.
Cuối cùng, nơi để lại cho tôi nhiều ấn tượng và dư âm nhất là Am Mỵ Châu - Nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái vua An Dương Vương. Tôi vẫn nhớ mãi một nội dung trên tấm biển giới thiệu ngoài Am: "Am Mỵ Châu, nơi thờ nàng công chúa nhẹ dạ cả tin mà gây ra lầm lỗi". Tiến vào phía sâu bên trong nơi gian cuối của am và chỉ có thể nhìn từ bên ngoài mà không thể bước vào được, có thờ một bức tượng đá lớn, không đầu. Một hình ảnh khiến tôi bàng hoàng và lặng im.
Thử hỏi, trên thế gian này. Đã đem lòng yêu ai say đắm, mấy người còn vạn dặm hoài nghi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất