Tiếng gọi nơi hoang dã - Tiếng lòng của Jack London về con người (Part 1)
Charles Darwin – cha đẻ của thuyết tiến hóa đã có câu nói nổi tiếng: Trong tự nhiên, không phải loài mạnh nhất sẽ tồn tại sau cùng,...
Charles Darwin – cha đẻ của thuyết tiến hóa đã có câu nói nổi tiếng:
Trong tự nhiên, không phải loài mạnh nhất sẽ tồn tại sau cùng, cũng không phải là loài thông minh nhất, mà chính là loài có khả năng thích ứng tốt nhất”.
Ấn tượng với câu chuyện của chó Buck qua những trang sách trong sách giáo khoa thời phổ thông, tôi có dịp tìm đọc lại cuốn tiểu thuyết ‘’Tiếng gọi của hoang dã” của nhà văn người Mỹ Jack London. Nghiền ngẫm suốt cả cuốn tiểu thuyết, tôi chợt nhận thấy chính con người của chúng ta trong các câu chữ về những con chó kéo xe vùng phía Bắc lạnh giá.
"Tiếng gọi của hoang dã” kể về cuộc hành trình của một con chó được nuôi dưỡng trong xã hội văn minh đến khi biến chuyển tâm thức, tìm được bản chất, đánh thức được bản năng xưa cũ đã ngủ quên quá lâu trong nó. Buck – một chú chó lai, được mô tả là một con chó tuyệt đẹp, hiên ngang và oai vệ, với bộ lông mượt mà và trắng muốt. Nó là thú cưng được nuông chiều và sống thoải mái, đủ đầy và sung túc trong một ngôi nhà lớn nơi thung lũng Santa Clara ngập tràn ánh nắng, cùng với sự tôn trọng, yêu quý của các loài vật khác cũng như người chủ nó. Nhưng rồi bi kịch đến, nó bị lừa bán qua nhiều tay ông chủ. Nó mới nhận ra cuộc sống sau hàng rào của ngôi nhà ngài thẩm phán Miller mới khắc nghiệt thế nào. Nó phải học cách thích nghi và tồn tại, chẳng có chỗ cho vui đùa, nhàn hạ và hưởng thụ. Buck đã nhận ra sự khắc nghiệt, những bài học đau đớn từ dùi cui, vuốt nhọn, của đấu tranh sinh tồn, quy luật đào thải của tự nhiên.
Xã hội đã chào đón Buck bằng một trận đòn nhừ tử bằng chiếc dùi cui. Dùi cui là biểu tượng cho sự bạo hành, trừng phạt của kẻ mạnh, của kẻ cầm quyền. Khi mà Buck cố chống trả lại gã chủ mới của nó, nó đã phải nhận một trận đòn thừa sống thiếu chết. Đó là bài học mà nó tự nhận thức rằng không bao giờ quên. Đó là màn giới thiệu về uy quyền của luật lệ nguyên thủy, chỉ có kẻ mạnh và yếu, và Buck buộc phải thỏa hiệp. Nó buộc phải tuân lệnh của kẻ tạo ra luật lệ, một là sống, hai là chết. Và hơn nữa, với Buck, lúc này, con người là sinh vật mà Buck phải phụ thuộc.
Rời xa mảnh đất đầy nắng, thực tại cuộc sống càng khiến Buck sửng sốt và kinh ngạc. Từ trung tâm của sự văn minh, Buck đột ngột bị ném vào thứ luật lệ nguyên thủy. Không còn có cuộc sống lười biếng đắm mình dưới ánh nắng ấm áp, cũng chẳng có sự bình yên, không có sự nghỉ ngơi và không có một giây phút nào được an toàn. Tất cả đều lao động, tất cả đều hỗn loạn. Cuộc sống luôn đầy rẫy những hiểm nguy. Chó và người ở vùng lạnh giá phươn bắc không giống như chó và người ở thành phố. Tất cả đều hoang dại và man rợ. Có lẽ chính cái khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống luôn khiến cho sinh vật phải tự đấu tranh, sinh tồn cho bản thân, có đôi phần ích kỷ, tàn nhẫn để có thể tồn tại.
Từ một con chó có phần nhu mì ngây thơ, Buck dần bắt nhịp với cách “vận hành” của cái cỗ máy cuộc sống này. Nó học được cách giữ ấm, tìm chỗ ngủ tránh rét bằng cách học tập những con chó khác. Để thích nghi với thực tại, Buck phải bỏ đi sự khó tính, “chảnh vẻ”, vốn là đặc tính của nó trong cuộc sống trước đây. Nó quan sát và học hỏi. Hành động ăn trộm thức ăn của những con chó khác đã cho thấy Buck đã thích nghi để tồn tại ở vùng đất phương Bắc khắc nghiệt này, đó là sự tinh ranh phải có trong môi trường vô tắc. Đạo đức là thứ phù phiểm trong cuộc đấu sinh tồn tàn bạo này. Loài vật nào cũng phải đặt lợi ích của bản thân lên trước tiên trong hoàn cảnh như vậy. Ở vùng đất phương Nam giống như cuộc sống văn minh, thì đối ngược là vùng đất phương Bắc: khắc nghiệt, tàn bạo và độc đoán. Trong xã hội văn minh, Buck tưởng chừng có thể hy sinh vì một lý tưởng cao đẹp, nhưng giờ, là sự lọc lõi, khôn lỏi đã trở thành một phần trong nó.
Buck thích nghi nhanh đáng kinh ngạc với công việc và cuộc sống của loài chó kéo xe. Thể hình của nó trở nên rắn chắc, bền bỉ và nhạy bén. Nó học và để ý rất nhanh từ đồng loại, chẳng mấy mà nó đã có kinh nghiệm như những con chó lâu năm. Không chỉ nhờ vào những kinh nghiệm trên những vệt đường mòn, mà trong Buck đang có thứ bản năng đã ngủ rất lâu giờ đang trỗi dậy. Những bản năng được di truyền từ tổ tiên, đến với Buck một cách thật tự nhiên. Đến việc giết chóc, Buck cũng đang dần tìm về bản chất nguyên thủy trong mình. Nó hoàn thành việc giết chóc và cảm thấy hài lòng, thỏa mãn với những việc mà nó đã làm. Buck không hề còn sự khoan dung và thương xót, nó đã trở lên hoang dại. Thiên nhiên hoang dã đã thay đổi con người Buck hay trong chính Buck luôn tồn tại một bản năng nguyên thủy của tổ tiên sắp trực trào đánh thức.
Buck học được điều quan trọng hơn cả qua tất cả những điều mà nó trải qua: Trong xã hội này không có sự trung lập nào hết. Hoặc là nó ở vị trí thống trị hoặc là bị kẻ khác thống trị nó, thể hiện lòng thương xót và nhân từ chính là yếu đuối. Lòng thương không tồn tại trong cuộc sống nguyên thủy. Thương xót sẽ bị hiểu nhầm là sự sợ hãi, và những hiểu nhầm như vậy sẽ dẫn nó đến cái chết. Giết hoặc bị giết, ăn thịt hoặc bị ăn thịt. Đó là luật lệ, và nó phải luôn tuân theo luật lệ này, không thể đòi hỏi sự công bằng trong xã hội này. Công bằng chỉ giành cho những kẻ yếu thế.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất