Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.

Thôi thì,
điều mà giới mộ điệu âm nhạc Việt Nam hay cụ thể là Tân nhạc, bấy lâu hình dung rồi sẽ xảy ra, đã xảy ra. Sinh-lão-bệnh-tử, dù có là một vì tinh tú như Thái Thanh cũng khó thoát khỏi quy luật ấy. Có lẽ, gã không nên viết nhiều về sự nghiệp và nghệ thuật Thái Thanh bởi di sản đồ sộ của Người xứng đáng được khảo cứu, phân tích, diễn giải và phổ biến cho những ai nói và hiểu được tiếng Việt cả trong nước và hải ngoại. Âm nhạc Thái Thanh là thứ gia tài không thể chối từ của người Việt Nam. Đầy tính Việt Nam, nó kết nối những di sản rời rạc của người Việt xuyên suốt thế kỷ 20 từ thời kỳ Tân nhạc sơ khởi và sẽ còn mãi mãi về sau. Thái Thanh sẽ luôn là biểu tượng được tôn thờ trong thánh điện Tân nhạc của giới mộ điệu, một biểu tượng văn hoá không thể bị phủ mờ bởi những nhỏ nhen lịch sử. Như Đặng Lệ Quân của người Trung Hoa, Thái Thanh đã và sẽ chữa lành những vết bỏng hậu chiến còn nóng hổi hay đã nguội dần trong lòng người Việt dù ở bất cứ nơi đâu…

thôi nhé,
gã đã tự an ủi mình như thế cho mắt khỏi cay xè khi ngồi nghe lại những track list nhạc mà gã dày công sưu tầm, lục lọi trên Youtube và Internet hàng ấy năm trời... Lớn lên dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa như bao bè bạn Việt Nam, gã được dạy về âm nhạc Cách mạng, dụ như về một Văn Cao chỉ có Tiến Quân Ca, Làng tôi mà không một Buồn tàn thu, Cung đàn xưa. Gã cứ lớn dần mà không tìm thấy cái duy mỹ của âm nhạc, gã lạc lõng vì cái hỗn mang và mê tạp của âm nhạc Thị trường, khi hầu như mọi con hát và thợ hát đều đơn đớt tiếng mẹ đẻ quý giá cho hợp thị hiếu đại chúng bị dẫn dắt bởi trào lưu Hallyu hay Âu Mỹ. Gã hầu như chỉ nghe âm nhạc Cổ điển. Lớp 12, khi gã bị buộc tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam như một liều bổ túc về văn hoá cho cuộc thi nọ. Vỡ lẽ và dần dà, gã biết được một thứ âm nhạc, được tạc nên từ những bộ óc thời đại của Đặng Thế Phong, Văn Cao,... được Phạm Duy chạm trổ thành hai từ Tân nhạc và được thổi hồn bởi, hơn ai hết, Thái Thanh. Gã muốn gọi thứ âm nhạc mà gã nghe, không thôi ái mộ là Tân nhạc vì âm nhạc với gã không có màu gì cả dù là hùng ca như Trường ca Sông Lô hay tình ca như Thiên thai. Tân nhạc, như một cuộc Đại trùng tu văn hoá Việt Nam, cùng với những Tự lực văn đoàn hay Thơ mới, đã chuẩn bị cho những phong ba lịch sử xuyên suốt thế kỷ 20. Thái Thanh là một người cầm ca đích thực của giai đoạn lịch sử ấy. Theo Kháng chiến, rinh tê về Thành, ra Bắc, vào Nam, kẹt lại ở Đô thành, sang Hải ngoại. Một cuộc đời bi tráng, thăng trầm, và ai oán chưa kịp ghi nỗi thành hồi ký.      

...đoạn trường
Mạo muội, gã dùng hai từ của cụ Nguyễn Du để mô tả về cuộc đời Thái Thanh, một cuộc sống rất đời, không có bóng hình của nghệ thuật ở đó mà chỉ có chỗ cho Thái Thanh là con, là em, là vợ, là mẹ và là chính Người. Những giông tố cuộc đời bủa vây cuộc đời Thái Thanh và ‘vòng tay mở rộng thương mến bao la’ của Người làm gã ngộ ra tại sao Người lại có thể hát được thứ âm nhạc Nhân bản rất Thái Thanh như thế. Gã sẽ còn mãi bùi ngùi khi nghe lại đoạn phỏng vấn Thái Thanh lúc Văn Cao lâm chung của đài BBC, sự nức nở của Người lúc hát Áo anh sứt chỉ đường tà thời chiến và những dòng nước mắt khi Người hát Tình hoài hương thuở bước chân sang Hải ngoại. Sẽ còn mãi những điều gã muốn nghe và kể lại về Thái Thanh cho nhân thế…
sau cuối, có lẽ mọi ngôn từ diễm lệ và đẹp đẽ nhất của tiếng Việt cũng không thể mô tả được hết giọng hát, nhân cách và nghệ thuật của Thái Thanh. Những di sản mà Người để lại là vĩnh cửu...    

thế thôi
Gã không nên tự sự dông dài nữa.
Thái Thanh ra đi trong sự nguyện cầu của cả người Việt trong nước và hải ngoại, Người sẽ ngân nga những Thanh bình ca để cầu an cho thế giới bằng tiếng hát đại đồng của Người ở Thiên thai...  
Còn riêng chung về gã ư, gã sẽ còn mải miết thẩn thơ và thiêm thiếp vì những Đưa em tìm động hoa vàng, như đã từ rất lâu rồi, âm nhạc Thái Thanh bước nhẹ mà sâu vào cuộc đời gã, từ những mùa hoa bỏ lại...
19-03-20 từ Melbourne, Australia