Tiếng Anh và những chuyện xung quanh nó
Nhân dịp mình không có đủ nộ dung hay trải nghiệm để viết về một chủ đề khác và cũng không muốn tìm hiểu lý thuyết với tài liệu trích...
Nhân dịp mình không có đủ nội dung hay trải nghiệm để viết về một chủ đề khác và cũng không muốn tìm hiểu lý thuyết với tài liệu trích dẫn cho lắm, mình viết bài này để chia sẻ quan điểm cá nhân về tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Bài viết là trải nghiệm của mình qua nhiều năm sử dụng tiếng Anh, từ lúc đi học, lấy chứng chỉ, đến đi làm và đi du học. Các bạn có quan điểm khác có thể bình luận để chúng ta cùng thảo luận nhé! 😉
Phát âm chuẩn và giọng Anh/Mỹ
Mình thấy một số bạn khá quan trọng chuyện phát âm, ví dụ như phát âm phải theo tiếng Anh hay tiếng Mỹ. Một số bạn thích Anh Anh vì nghe nó thanh thoát, sang trọng hơn Anh Mỹ. Các bạn chọn Anh Mỹ lại thích sự phổ biến và tiện dụng của nó. Mình thì thuộc dạng tạp nham, vì lúc học thì tiếp xúc với tiếng Anh, nhưng trong cuộc sống lại gặp tiếng Mỹ nhiều hơn. Tiếng Mỹ trên phim ảnh, youtube và trong giao tiếp khiến cho mình tuy dùng từ tiếng Anh đấy nhưng lại phát âm theo kiểu Mỹ =)) Vì không xác định từ đầu là theo bên nào, nên nhiều từ mình phát âm đơn thuần chỉ là bắt chước những gì mình nghe được.
Mình nghĩ chuyện chọn một trong hai cách phát âm đó cũng không quan trọng bằng việc bạn thấy phát âm nào phù hợp với mình và học dễ vào hơn. Có thể bạn thấy tiếng Mỹ dễ hơn, khi nhìn thế nào thì phát âm vậy, trong khi tiếng Anh lại hay bỏ đi âm r. Cũng có thể bạn lại thấy không phải phát âm âm r thật là tiện lợi. Nhưng dù bạn chọn tiếng nào thì người khác cũng sẽ hiểu mà thôi.
Ở đây mình không phủ nhận tầm quan trọng của phát âm chuẩn, vì phát âm tệ sẽ biến cooked thành cúc cựt, booked thành búc cựt (đề nghị không nói lái 😱), sheet thành sh*t, fax thành f*ck, nhưng phát âm chuẩn y như người bản xứ là điều không cần thiết và tốn nhiều thời gian công sức. Ngoại ngữ là để giao tiếp, nên nếu phát âm của bạn có thể làm người nghe hiểu thì bạn đã thành công rồi.
Hơn nữa, khi đi ra nước ngoài, bạn sẽ không chỉ giao tiếp với người Anh, người Mỹ, mà cả người Ấn, Trung Đông, người Trung, người Úc, người châu Âu hay những người ở Đông Nam Á như mình. Người ở mỗi quốc gia lại có giọng Anh đặc trưng và trong đó không có cái nào gọi là chuẩn cả. Họ dùng nó trong cả cuộc sống và công việc. Đây cũng là một nét văn hóa tự nhiên khi tiếng Anh được người từ khắp mọi nơi trên thế giới sử dụng.
Cá nhân mình thấy người Việt nói tiếng Anh dễ nghe hơn người Ấn nhiều, vì người Ấn nói vừa nhanh vừa đặc giọng Ấn. Tất nhiên đây không phải là một so sánh công bằng, vì mình là người Việt. Nhưng từ ví dụ đó, các bạn hiểu ý mình rồi đấy. Bạn có thể tự tin nói tiếng Anh mà không sợ người khác phán xét giọng của mình. Mình cũng chưa gặp ai đòi hỏi mình phải sửa lại phát âm cả, không biết vì mình phát âm đủ tốt hay vì họ lịch sự nữa :v
Mặt khác, nếu bạn là giáo viên tiếng Anh, công việc của bạn yêu cầu giọng bản xứ, nếu bạn cầu toàn trong phát âm, hay muốn tôn trọng ngôn ngữ nước bạn và muốn người nghe dễ hiểu hơn hay chỉ đơn thuần là thích thì nỗ lực thêm cũng hợp lý thôi.
Bạn giỏi tiếng Anh, ừ thì sao?
Giỏi tiếng Anh nghĩa là bạn đã mở rộng khả năng giao tiếp và tiếp nhận thông tin của mình ra ngoài giới hạn của Việt Nam. Lúc này bạn đã gia nhập vào cộng đồng những người dùng tiếng Anh trên thế giới, không chỉ những người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ mà cả những người dùng nó như ngoại ngữ giống bạn.
Tiếng Anh giúp bạn tiếp cận với thông tin đa chiều hơn, tới từ nhiều nguồn ở nước ngoài. Bạn cũng có thể nói chuyện với người trong cộng đồng lớn này để tìm hiểu văn hóa, con người của họ. Mình không muốn bàn thêm lợi ích của tiếng Anh nữa vì nó quá hiển nhiên rồi.
Nhưng tiếng Anh cũng chỉ là một tập kỹ năng, nó không thay thế cho tư duy logic, kỹ năng lãnh đạo, tạo mối quan hệ, giải quyết vấn đề và một loạt những kỹ năng khác. Điểm đặc biệt là nhờ kỹ năng ngôn ngữ, người ta có thể học được nhiều điều hữu ích để phục vụ cho việc phát triển các kỹ năng khác. Nhưng học là một chuyện, có ứng dụng những gì được học hay không lại là chuyện khác.
Mình đã có dịp gặp những người biết nhiều hơn 2 ngoại ngữ, đối với họ học ngoại ngữ giống như một niềm vui vậy và nó rất tự nhiên. Mình phục họ sát đất vì mình cần thì mới học, mà họ lại lấy đó làm vui trong khi phải bỏ biết bao công sức thời gian ra. 🤯 Với những người như vậy, khoe mình biết tiếng Anh với họ thật là một chuyện bình thường.
Nếu bạn giỏi tiếng Anh, bạn có quyền tự hào vì điều đó. Nhưng nếu bạn nghĩ bạn giỏi hơn người khác, thì bạn đang tự biến mình trở nên lố bịch đấy.
Vậy còn IELTS và TOEFL?
Nếu mục đích của bạn là cải thiện tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài, thì bạn không cần phải lấy chứng chỉ đâu. Cái bạn cần là thực hành kỹ năng nghe và nói của mình thôi. Các chứng chỉ IELTS/TOEFL là dành cho những bạn muốn đi du học và cần đạt ngưỡng ngôn ngữ tối thiểu cho việc học ở nước ngoài.
Trước tiên, việc lấy chứng chỉ IELTS hay TOEFL khá là tốn kém. Lần cuối cùng mình thi IELTS, mình nhớ mình phải trả 3,6 hay 3,8 triệu VNĐ để đăng ký. Dù không còn tìm hiểu, nhưng mình khá chắc ở năm 2021 này, giá đăng ký thi đã vượt 4 triệu VNĐ rồi. Sau khi thi, nếu không ưng ý với điểm số của 1 trong 4 kỹ năng thì sao? bạn chỉ có nước thi lại cả 4 kỹ năng để cải thiện điểm số thôi, và chuẩn bị mất tiền thêm lần nữa. 😂
Việc ôn luyện để đạt đến điểm số mong muốn cũng là một quá trình chuẩn bị nghiêm túc. Để nâng điểm số lên thêm 0,5 thôi (chưa nói đến 1) cũng cần nhiều nỗ lực từ phía bạn rồi (học từ vựng, cấu trúc câu, luyện từng kỹ năng lẻ, tập giải đề thi, mẹo trả lời câu hỏi ...)
Vậy nên, bạn không cần phải đạt điểm 9 hay 8 như con nhà người ta đâu, chỉ cần đạt đủ điểm mà trường bạn yêu cầu, là bạn đã đủ điều kiện để nhập học rồi. 😎
Nếu bạn đã có chứng chỉ, bạn có thể tự hào nhưng không nên tự mãn, vì đó không phải là điểm cuối của hành trình học tiếng Anh.
Có chứng chỉ không có nghĩa bạn đã "phá đảo" tiếng Anh, nó chỉ có nghĩa bạn đủ khả năng để giao tiếp trong môi trường đại học hoặc sau đại học bằng 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Những việc đó là nghe giáo viên giảng, đọc tài liệu, viết email, viết bài luận, thuyết trình, làm việc nhóm với sinh viên quốc tế. Tất nhiên, nó cũng bao gồm khả năng giao tiếp đời thường tại nước bạn đi du học.
Có chứng chỉ cũng không bao gồm hiểu biết về những từ vựng mà bạn sẽ gặp khi học và làm trong một chuyên ngành nào đó. Ví dụ như từ interface trong ngành IT không chỉ đơn thuần là bề mặt, giao diện như cách hiểu thông thường, mà nó còn là cách các thành phần phần mềm hoặc phần cứng giao tiếp với nhau. Stack, heap, queue cũng không chỉ là một chồng, một đống, một hàng gì đó. Java cũng không chỉ là một hòn đảo ở Indonesia. 🤨
Ngay cả khi bạn có chứng chỉ tiếng Anh, thì đọc báo, đọc sách tiếng Anh (nhất là văn học hoặc sách về một chuyên ngành nào đó) vẫn là một thử thách. Việc thường xuyên gặp từ mới và phải tra từ điển là chuyện thường, thậm chí có từ còn không có trong từ điển Anh Việt. Điều này khiến cho bạn cảm thấy như mình vẫn chả biết gì về tiếng Anh cả. Nhưng không sao, chúng ta là người chứ đâu phải những quyển từ điển sống :D
Gần gũi hơn, trào lưu meme và tiếng lóng trong giới trẻ vẫn xuất hiện hàng ngày và khó có thể gặp trong chương trình học tiếng Anh hay những quyển từ điển Oxford/Cambridge. Lúc này chỉ có sự tò mò, ham tìm hiểu của bạn kết hợp với google hay Urban Dictionary mới có thể giải thích cho bạn biết Simp hay Waifu là cái quái gì. 😰
Lời kết
Tiếng Anh, hay bất cứ ngôn ngữ nào khác giống như những cánh cửa dẫn đến những thế giới mới. Bạn càng bước qua nhiều cánh cửa, bạn càng khám phá được nhiều thế giới hơn. Nhưng chọn bước qua bất cứ cánh cửa nào là một sự đầu tư lớn đáng cân nhắc. Việc chọn ở yên trong phòng không bước ra ngoài cũng không có gì sai, nếu bạn không muốn bị phạt tiền vì vi phạm giãn cách xã hội. 😷 Cuối cùng thì, chỉ có bạn mới có thể quyết định điều gì là tốt nhất cho mình thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất