Về tôi ấy hả? Tôi tự đánh giá bản thân là một người giỏi tiếng Anh. Tôi có thể nói chuyện, nhắn tin tương đối lưu loát bằng tiếng Anh. Tôi có thể xem các bộ phim tiếng Anh không cần phụ đề mà vẫn có thể hiểu được tương đối nội dung phim. Tôi có thể viết blog bằng tiếng Anh. Tôi có thể hát bằng tiếng Anh. Tôi có thể đọc sách báo tiếng Anh, v.v... Còn điểm ấy hả? TOEIC 635. Tới đây chắc mấy bác lại thắc mắc có mỗi 635 điểm mà được tính là giỏi thì 8xx ~ 9xx điểm để đâu? Thì với tôi, trên trung bình là giỏi rồi (haha). Sơ sơ nhiêu đó để các bác nắm được tôi của hiện tại như nào. Còn bài viết thì giờ mới bắt đầu.
Tôi là một thanh niên thuộc thế hệ 9x. Mài đít 22 năm trên ghế nhà trường như khối người. Trong đó thì bộ môn tiếng Anh có mặt trong danh sách môn học từ hồi lớp 6. Và như tiêu đề bài biết, lúc bấy giờ thì với tôi tiếng Anh chẳng khác gì một cơn ác mộng đeo bám lấy tôi suốt bao năm. Tôi cực kỳ lo lắng mỗi khi tới giờ tiếng Anh. Tôi ngồi học mà không biết mình đang học gì. Tôi làm bài tập về nhà mà không biết là mình đang làm gì. Thời gian trôi cái vèo, và 4 năm cấp 2 đi tong. Tôi vào cấp 3 với tư cách là một học sinh mất căn bản tiếng Anh. Những năm học cấp 3, điểm số môn Anh văn của tôi cũng không quá tệ nhờ vào kỹ năng cày cuốc của bản thân. Nhưng. Lên đại học thì mọi thứ lại quay về vạch xuất phát. Tại sao ư? vì suốt những năm cấp 3 tôi học tiếng Anh theo kiểu học vẹt, học để đối phó với những kỳ thi. Và đương nhiên là thi xong thì dốt lại hoàn dốt.
Ác mộng càng tệ hơn sau khi lên đại học khi sinh viên buộc phải đạt TOEIC tối thiểu 450 để có thể tốt nghiệp và tôi thì chỉ có 4 năm để cày cuốc cho ra cái bằng TOEIC ấy thôi. Các bác mà gặp trường hợp như tôi thì các bác làm gì? Tôi thì tôi bỏ ra tầm nửa năm đầu để bày mưu tính kế mấy bác ạ. Giải pháp thì nhiều, để tôi ví dụ vài cái cho mấy bác nghe. "Mua bằng giả", nước đi này thì nhàn cái thân, chả cần phải cày cuốc gì, chỉ cần có tiền và sự may mắn. Tiền là để mua bằng, còn may mắn là để không bị phát hiện. Rằng thì mà là hình phạt cho tội dùng bằng giả lúc ấy nghe cũng căng lắm. Tôi thì không có tiền và cũng chả có sự may mắn nên là nước đi này coi như bỏ. "Đi học ở các lò luyện thi", giải pháp này được nhiều người lựa chọn vì những lời nói có cánh mà các trung tâm tung ra nghe nó ngọt và bùi lắm các bác ạ. Tôi cũng từng trải nghiệm học thử vài buổi, dạng như họ cho mình vào ngồi học miễn phí tầm 2 buổi rồi sau đó có xuống tiền hay không thì tuỳ mình ấy. Và tôi thấy cái họ dạy cũng chỉ là dạng đối phó với bài thi thôi (đó là những gì tôi thấy, mong các bác gạch đá nhẹ nhàng thôi ợ). Lý do vậy thôi chứ cái chính là tôi không có tiền để đóng học phí nên nước đi này cũng xem như bỏ. "Nhờ người đi thi hộ", cái này thì gần giống làm bằng giả nhưng mà bằng là thật, điểm cũng thật nhưng mà là điểm của người ta, có mỗi tên tuổi là của mình thôi. Nước đi này dễ nhai hơn vì hồi đó ở cùng phòng với tôi trong ký túc xá có vài thằng giỏi tiếng Anh cực, ngoại hình tôi với mấy thằng ấy cũng hao hao như nhau, nhưng tôi thấy nước đi này phèn quá nên thôi. "Học vẹt", quân bài này tôi dùng cũng mòn cả tay hồi còn học cấp 3 nên cũng dễ nhai, nhưng chả nhẽ tốt nghiệp rồi lại quay về vạch xuất phát. Học vẹt thì đối phó được với các bài thi thôi chứ đi làm mà đem ra đối phó với khách hàng, đối phó với sếp thì toang sớm. Vui thôi chứ chắc gì qua được vòng phỏng vấn mà đòi đối phó với ai.
Mưu hèn, kế bẩn thì vô số nhưng tôi lại nổi hứng đổi gió, muốn thử một lần cải thiện bản thân xem như nào. Kinh tế không ra hồn nên tôi chọn tự học, mà tự học kiểu gì bây giờ? Lên hỏi Gu Gồ liền. Bác Gu Gồ vả ngay vào mặt tôi một rổ các tiêu đề, các tựa báo, các bài viết từ khắp nơi trên quả địa cầu. Tôi chọn lọc những phương pháp mà tôi cho là hợp với mình rồi dành ra vài tuần để trải nghiệm. Đa số các phương pháp tôi từng thử đều không để lại ấn tượng gì nhiều ngoài "Effortless English" (tôi hay gọi là "Tiếng Anh nhàn hạ"). Điều làm tôi ấn tượng ở "Tiếng Anh nhàn hạ", đúng như cái tên của nó đó là phương pháp này cực kỳ "nhàn hạ". Để bắt đầu, tôi cần có hệ thống bài học ở định dạng MP3 có lời đọc đi kèm trong tệp PDF. Mà tôi làm gì có tiền để mua, đâm ra tôi đi tải lậu. Sau đó, tôi chỉ cần tải các tệp MP3 lên điện thoại rồi bật lên nghe mỗi khi rảnh tai. Mỗi bài sẽ có nhiều tệp, có một tệp họ sẽ đọc một đoạn văn, rồi có tệp khác họ sẽ giải thích những từ vựng trong đoạn văn ở tệp kia, rồi có tệp họ sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến đoạn văn kia rồi dừng một lúc sau mỗi câu hỏi để người nghe trả lời. Tôi thấy phương pháp này rất khoa học. Việc học cũng nhàn như cái tên của nó. Nhưng, một cái nhưng cực bự. Nếu mấy bác để ý thì sẽ thấy là cái phương pháp này chỉ toàn là nghe hiểu. Mà tôi lúc bấy giờ nghe tiếng Anh cứ như vịt nghe sấm, có hiểu được tẹo nào đâu. Rồi từ chỗ không hiểu, tôi quay ra mở lời đọc (cái tệp PDF ấy) đem đi dịch trước để hiểu cái đã. Xong nâng cấp lên một tẹo là vừa nghe, vừa đọc, vừa dịch cùng lúc. Cấp độ tiếp theo thì bỏ phần dịch qua một bên, chỉ còn nghe với đọc thôi. Rồi mãi sau đó tôi mới có thể làm đúng những gì mà cái phương pháp này đề ra. Nhưng, (lại tiếp tục nhưng). Tôi gặp vấn đề khác đó là mỗi khi nghe tiếng Anh hoặc đọc sách báo tiếng Anh thì tôi cực kỳ buồn ngủ. Học hành thì chẳng tới đâu mà ngủ thì ngon.
Thế là tèo mất 6 tháng, tôi tự nhủ rằng "người thành công có lối đi riêng" cơ mà người thất bại cũng có lối đi riêng vậy (haha). Thế là tôi mày mò sáng tạo một lối đi cho riêng mình, còn đi tới đâu thì chưa ai biết. Tôi ngẫm nghĩ lại về việc học ngôn ngữ, lúc những đứa trẻ chưa biết nói thì chúng học nói như nào? Chẳng phải tôi cũng từng là một đứa trẻ bặp bẹ từng chữ rồi mới có tôi của hôm nay hay sao? Thế thì sẽ như nào nếu tôi lặp lại quá trình đó với một ngôn ngữ khác? Nghĩ là làm, tôi tạo ra cách học tiếng Anh của riêng mình từ đó và tôi gọi nó là "Học mà không học". Nghe nó sai sai nhể. Rồi cụ thể thì tôi học mà không học như nào? Ờ thì tôi không học mà chỉ điều chỉnh lại môi trường sống tí thôi. Để mô phỏng trải nghiệm của một đứa trẻ chưa biết gì về ngôn ngữ, tôi tự nhấn chìm mình vào đại dương ngôn ngữ. Phóng đại thế thôi chứ cũng không hẳn. Chỉ là tất cả mọi thứ tôi làm, nếu chúng liên quan tới ngôn ngữ và việc thay đổi ngôn ngữ là khả thi thì tôi sẽ chuyển chúng thành tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Tôi chỉnh ngôn ngữ điện thoại thành tiếng Anh, chỉnh ngôn ngữ Facebook thành tiếng Anh, bỏ nghe những bài hát tiếng Việt và tìm nghe những bài hát tiếng Anh, xem phim phụ đề tiếng Anh hoặc không có phụ đề luôn, đọc sách, báo, tài liệu tiếng Anh, viết báo cáo bằng tiếng Anh, viết blog bằng tiếng Anh, viết nhật ký bằng tiếng Anh, dịch tiếng Anh bằng ... từ điển tiếng Anh v.v... Cảm giác lúc mới bắt đầu nó thốn lắm các bác ạ. Như thể một thanh niên câm, điếc và mù chữ vậy. Lúc đó, tôi ghé thăm trang từ điển Oxford còn nhiều hơn vào Facebook. Rồi dịch 1 từ sẽ ra nghĩa của từ đó mà trong phần nghĩa của từ lại có nhưng từ tôi không hiểu nên lại phải đi dịch các từ trong phần nghĩa của từ. Khoảng thời gian đó quả là khó khăn nhưng tôi không có nhiều thời gian để thử đi thử lại những giải pháp, hơn nữa đây là "lối đi riêng" của tôi, do tôi tạo ra nên tôi muốn bước đi trên con đường này để xem là nó dẫn tới đâu.
Tới tận bây giờ, thì nó vẫn chả dẫn tới đâu cả. Anh Sơn mông lép của Làng Hoa Workout có câu "Tập luyện là chuyện cả đời", tôi xin phép mượn và chế lại thành một câu khác "Học tập là chuyện cả đời". Rằng thì mà là không có đích đến cho con đường mà tôi đang đi, chỉ có tôi đi tiếp hay dừng lại mà thôi. Tôi của hiện tại vẫn ngụp lặn trong cái đại dương tiếng Anh như cái ngày tôi bắt đầu, khác ở chỗ là mọi thứ dễ dàng hơn đôi chút, các kỹ năng cũng ở mức vừa đủ sài. Cơn ác mộng giờ đây chở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Nó xuất hiện khắp mọi nơi và lảng tránh không còn là sự lựa chọn nữa.
English Zone
/english-zone
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất