Đối với nhân loại, thích ứng văn hóa áp đảo hơn thích ứng sinh học vì đây là phương pháp hiệu quả hơn, nhanh hơn và có tính định hướng. Khi một đột biến gen có lợi phát sinh ở một cá thể, nó phải mất nhiều thế hệ để truyền cho một nhóm quần thể đáng kể. Tuy nhiên, khám phá khoa học, thành tựu kỹ thuật có thể truyền đến toàn nhân loại chỉ trong chưa đầy một thế hệ. Bất cứ khi nào con người có nhu cầu mới thì văn hóa đều có thể điều chỉnh hoặc thay đổi cho phù hợp. Trong khi đó, thích nghi sinh học phụ thuộc vào một số đột biến "ngẫu nhiên" xuất hiện đúng thời gian và không gian nhu cầu mới phát sinh.
Con người và động vật linh trưởng đều sống thành các nhóm có cấu trúc xã hội. Nhưng xã hội của linh trưởng không thể đạt đến mức độ phức tạp như tổ chức xã hội loài người. Đặc trưng nổi bật nhất là văn hóa. Có thể hiểu rằng văn hóa là một nhóm hành vi và hoạt động sáng tạo không bị phụ thuộc vào các đặc tính sinh học. Văn hóa bao gồm thể chế chính trị xã hội, đạo đức, ngôn ngữ, kiến thức về nghệ thuật, tôn giáo - tất cả các sáng tạo của con người. Văn hóa ra đời cũng mang theo sự tiến hóa văn hóa. Tiến hóa văn hóa xảy ra do sự thay đổi và kế thừa văn hóa - một công cụ đặc biệt mà chỉ con người mới có thể thích nghi với môi trường.
Ở con người có hai loại di truyền: di truyền sinh học và di truyền văn hóa (cách nói khác của sự kế thừa văn hóa), chúng ta gọi đó là sự di truyền hữu cơ và siêu hữu cơ. Quá trình di truyền sinh học ở người giống với các động vật khác, dựa vào cơ chế truyền thông tin di truyền mã hóa trong ADN từ thế hệ này sang thế hệ khác qua giao tử. Còn di truyền văn hóa thông qua việc dạy và học, về nguyên tắc quá trình này độc lập với cha mẹ sinh học. Văn hóa dược truyền qua học tập và hướng dẫn, thông qua thông tin sách báo và truyền hình, ... ai cũng có thể tiếp thu văn hóa từ cha mẹ, gia đình, từ cộng đồng và môi trường xung quanh.
Kế thừa văn hóa giúp con người làm được điều mà các sinh vật khác không thể làm được. Đó là kinh nghiệm đã được tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác (chứ không phải là bản năng sinh học). Động vật có thể học hỏi từ kinh nghiệm nhưng chúng không thể truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau (hoặc chăng chỉ là mức độ nhỏ, phục vụ sinh tồn). Động vật có bộ nhớ riêng nhưng chúng không có bộ nhớ "xã hội", con người có văn hóa phát triển vì có thể truyền kinh nghiệm tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Kế thừa văn hóa kéo theo tiến hóa văn hóa, nghĩa là sự tiến hóa của tri thức, cấu trúc xã hội, đạo đức và tất cả thành phần tạo nên văn hóa của con người. Nó tạo ra một chế độ mới thích ứng với môi trường mà không sinh vật nào ngoài con người có được - thích nghi bằng văn hóa. Nhìn chung, các sinh vật thích nghi môi trường thông qua cơ chế "chọn lọc tự nhiên" bằng cách thay đổi thành phần di truyền qua từng thế hệ cho phù hợp. Nhưng con người có thể biến đổi môi trường sao cho phù hợp với yêu cầu của gen. Trong vài thiên niên kỹ qua, con người đã biến đổi môi trường cho phù hợp với gen của mình hơn là biến đổi gen cho phù hợp với môi trường.
Để mở rộng môi trường sống địa lý hoặc tồn tại trong môi trường thay đổi, quần thể sinh vật phải trở nên thích nghi với điều kiện khí hậu mới, nguồn thức ăn, đối thủ cạnh tranh, ... thông qua quá trình tích lũy chậm chạp và các biến thể di truyền được chọn lọc tự nhiên. Việc tìm ra lửa hay sử dụng chố trú, quần áo cho phép con người mở rộng phạm vi sống từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ấm áp của Cựu thế giới ra toàn bộ trái đất như hiện nay mà không cần sự phát triển của lông hoặc tóc. Con người không chờ đợi các đột biến gen để chắp cánh mà đã chinh phục bầu trời một cách linh hoạt hơn nhờ máy bay. Chúng ta không cần đến vây và mang để di chuyển trên biển. Chúng ta khám phá không gian mà không cần đến các đột biến mang lại khả năng thở trong điều kiện oxy thấp. Từ những khởi đầu mơ hồ ở Châu Phi, loài người đã trở thành loài động vật có vú phổ biến và phong phú nhất hành tinh bằng chính sự xuất hiện của văn hóa, trong vai trò phương thức thính ứng siêu hữu cơ.