Tiến hóa để cô đơn
Cách đây 1,8 triệu năm, loài Homo Erectus chính thức tách ra khỏi nhóm vượn người, trở thành tổ tiên trực hệ của Homo sapiens, tức...
Cách đây 1,8 triệu năm, loài Homo Erectus chính thức tách ra khỏi nhóm vượn người, trở thành tổ tiên trực hệ của Homo sapiens, tức người hiện đại ngày nay. Một triệu sáu trăm nghìn năm sau thời điểm đó, Người đứng thẳng vẫn sống trong những hang đá ở Đông Phi, cho đến khi chúng ta - Homo sapiens xuất hiện, vượt ra khỏi những hang động, ra đi khỏi quê hương Châu Phi, lan tỏa ra khắp trái đất này. Hai trăm ngàn năm nữa trôi qua, chúng ta trở thành thứ “sinh vật ngoại lai” mạnh mẽ nhất, thống trị hành tinh này, nhưng có phải không, rằng chúng ta không chỉ tiến hóa từ Erectus lên Sapiens, mà chúng ta đang tiến hóa để cô đơn?
Có người lạ chưa từng quen, tình cờ tâm sự rằng ngoài kia họ yêu nhau dễ dàng quá, mà mình cứ loay hoay mãi chẳng tìm được ai đồng điệu, thế rồi mình quyết định cô đơn. Làm bạn với vợ chú đơn, chấp nhận đi đi về về một căn phòng tối đèn, nằm nghe nắng mưa chuyển mùa, nghe bao mùa mưa nắng, cũng chưa đợi được một người sánh đôi. Cô đơn, là những ngày mưa lạnh đầu đông, nghe tin gió mùa về cũng cười nhạt mà thục sâu thêm đôi tay vào túi áo khoác. Người ta dặn dò nhau khoác thêm áo thêm khăn, còn mình, ngồi nghe gió rít ngoài kia, tiếp tục cuộn tròn trong ổ chăn mới giặt, thơm mùi nước xả, và mùi cô đơn.
Cô đơn, là những đêm say, nhớ về những người đi ngang qua trong đời, nhớ mãi nhớ mãi, cũng không tìm ra lý do người ta đến rồi đi, còn mình vẫn ở lại đây với cô đơn. Rồi một ngày trên đường gặp lại, ta mỉm cười chào nhau như hai người bạn xa lạ, cũng chẳng nhớ về từng đầu ấp tay gối, từng vì một cơn gió mùa mà sốt ruột áo khăn. Hai bên nhìn nhau, đơn giản hỏi đối phương rằng: “Dạo này ổn không?”, trong lòng lại kỳ thực hiểu rõ, ổn thì sao mà không ổn thì sao. Lúc rời đi, mình hẹn người một câu xã giao quen thuộc “Khi nào rảnh café nhé!” dù biết rằng “khi nào” ấy vĩnh viễn cũng không tới.
Sau những lần đổ vỡ, người ta đau lòng quá, chẳng muốn bước tiếp thêm một đoạn tình cảm nào khác, người ta cũng tìm đến cô đơn. Người nói, đi qua một đoạn tình cảm đổ vỡ, hoặc là chai sạn mà bước tiếp trong trận bão cát ấy, tiếp tục tìm một người có thể đồng hành bên cạnh, hoặc là, tự khóa bản tâm lại, làm bạn với cô đơn. Bạn nói, bước vào một mối quan hệ, là trao cho đối phương quyền tổn thương chính mình; xác suất để gặp được người mình thích, vừa vặn cũng thích mình giữa 7 tỷ người ngoài kia là 0.000.049%, thi đại học chỉ có bốn đáp án, 25% thôi cũng đã thay đổi cả đời mình, thì đành làm bạn với căn phòng tịch mịch, chứ người như vậy, chỉ có thể gặp chứ chẳng thể cầu.
Tháng bảy mưa Ngâu, nhưng nhân gian chẳng còn cầu Ô thước, nằm nghe mưa rơi rả rích, radio bật hoài một bản nhạc ballad buồn. Mà lạ rằng những người cô đơn thường thích nghe nhạc buồn, cứ chìm đắm trong những lời ca diễm lệ của Trịnh, mà gần đây là Vũ hay Lý. Nghĩ đến chuyện tình Lang Chức, tự cười rằng hai ngôi sao Sirius và Vega nằm ở đầu dải Ngân Hà, thì cần bao nhiêu chim Khách để bắc được cầu Kiều? Nghĩ vẩn vơ như thế, thấy rằng Ngưu Lang Chức Nữ cũng mãi mãi chẳng đến được với nhau, dù là tháng bảy mưa Ngâu cũng chỉ là một hoài niệm vọng tưởng, lại càng thu mình trong chiếc vỏ cô đơn.
Nhân loại, đã tiến hóa đủ tinh thần và vật chất, rồi chẳng hiểu sao chúng ta tìm đến cô đơn như chiếc vỏ bảo vệ mình. Darwin tìm ra thuyết tiến hóa có lẽ cũng không ngờ đến điều ấy. Cả cuộc đời này bạn có thể gặp gỡ 29 triệu người, xác suất gặp người có thể yêu còn thấp hơn xác suất trúng độc đắc, vậy thì, bạn lựa chọn thêm một mùa cô đơn nữa, hay bắt đầu mùa ghé cho chính mình?
@Tachtracuaxian
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất