Một buổi sáng, tôi bị giật mình bởi tiếng hét từ phòng của ông hàng xóm. “My life gonna change for you”. Hừm. Thực sự ma lực tình yêu mạnh đến mức có thể khiến một ai đó thay đổi luôn cuộc sống của họ à. Thế là loanh quanh với suy nghĩ tôi tự hỏi tình yêu thực sự là gì. Chắc nhiều bạn trẻ hay mơ mộng cũng hay tự hỏi mình hay hỏi hàng xóm mấy câu đại loại tương tự như vậy. Nhưng dù câu hỏi khó đến đâu thì cũng có đáp án đúng không? Cho dù nó có thể đúng hoặc thiếu đúng. Dưới đây là một trong những đáp án thú vị cho câu hỏi đó.

Tình yêu có phải như này?

Nhà tâm lý học Robert Stengberg đã đưa ra một lý thuyết khá thú vị tình yêu và được giới khoa học tán đồng. Đó là lý thuyết tam giác tình yêu. Trong đó, tình yêu thực sự gồm có ba thành phần Thân mật (Intimacy), Đam mê (Passion), Cam kết (Commitment).


Tam giác tình yêu của Robert Stenberg
Trước tiên, Thân mật (Intimacy) là cảm giác gần gũi, cảm giác kết nối với một ai đó. Có thể hiểu biểu hiện sự Thân mật rõ ràng hơn đó là việc bạn sẵn sàng chia sẻ bí mật, chia sẻ thông tin với người đó mà không chia sẻ với rất nhiều khác. Về Đam mê (Passion), thực tế đam mê ở đây chính là đam mê nhục dục. Đó là sự cuốn hút về thể xác, về tình dục với một ai đó. Cuối cùng là Cam kết (Commitment), chúng ta chỉ có thể có tình yêu khi sẵn sàng định vị nó. Nó không phải tình yêu nếu không ai trong một mối quan hệ không gọi nó là yêu. Ngoài ra, Cam kết còn là lời hứa hay sự sẵn sàng để duy trì mối quan hệ, ít nhất cũng trong một khoảng thời gian nhất định. Vậy Sternberg cho rằng, bạn chỉ có được tình yêu thật sự khi và chỉ khi có đủ ba nhân tố trên. Còn nếu bạn không có bất kỳ nhân tố thì bạn đang không-có-tình-yêu (non-love). Nhưng nếu bạn chỉ có duy nhất một nhân tố, hay hai nhân tố, rồi các cặp nhân tố khác nhau thì thế nào. Đó là điểm thú vị về lý thuyết này.

Tình yêu với một nhân tố

  • Thích (Liking): đây là sự chia sẻ bí mật, sự kết nối, gần gũi. Nhưng không hề có bất cứ khiêu gợi tình dục nào hay sự cam kết để duy trì mối quan hệ. Stenberg gọi đó là sự Thích (Liking). “Thích” diễn ra ở hầu hết các tình bạn thông thường, không phải là bạn thân, mà là bạn bè ở thể loại thông thường. Bạn cảm thấy an toàn khi chia sẻ thông tin mà bạn không chia sẻ với rất nhiều người khác.
  • Say đắm (Infatuation): đây là khi bạn cảm thấy cuốn hút về thể xác nhưng có thể chưa từng biết người này, chưa từng chia sẻ thông tin cũng như chả có cam kết nào để duy trì mối quan hệ, đôi khi còn chưa nằm trong mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, đây có thể là khởi nguồn rất thích hợp cho tình yêu thực sự. Theo Stenerg, tình yêu này gọi là tình yêu say đắm (infatuated love). Theo tôi, đây chắc hẳn là bùa ngải tình yêu.
  • Tình yêu trống rỗng (Empty love): đây là một điều khá buồn cười khi hai con người cam kết duy trì mối quan hệ yêu đương với nhau trong một thời gian dài mà không hề chia sẻ thông tin bí mật hay có cuốn hút về tình dục. Đây là giai đoạn cuối cùng của một mối quan hệ quá dài hạn. Chúng ta nên ở lại với nhau, vì.. con cái. Nhưng đối với các cuộc hôn nhân dàn xếp thì tình yêu trống rỗng là thuộc loại phổ biến, và cũng là giai đoạn đầu tiên của tình yêu thực sự.

Tình yêu với hai nhân tố

  • Tình yêu lãng mạn (Romantic love): nếu chúng ta đã có thân mật và cuốn hút về tình dục nhưng lại không có cam kết với nhau để duy trì mối quan hệ hay không hề gọi nó là tình yêu. Chúng ta thích lẫn nhau, chúng ta có bị cuốn hút tình dục bởi người kia, chúng ta thích dành thời gian cho nhau, nhưng không có cam kết nào để duy trì mối quan hệ. Thậm chí không ai sẵn lòng dùng từ “Yêu” để diễn tả những gì giữa họ đang có. Đó là tình yêu lãng mạn. Đây chính là Romeo và Juliet khi họ vừa gặp nhau.
  • Tình bầu bạn (Companionate love): Ở tình bầu bạn, họ sẵn sàng gọi mối quan hệ đang có là yêu, họ sẵn sàng chia sẻ các bí mật của nhau nhưng đam mê nhục dục giữa hai người không còn. Đây là kết quả của các mối hôn nhân kéo dài hàng chục năm, khi đam mê giữa hai người không còn (khi già rồi không còn sức J). Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng là mối quan hệ với người bạn thân nhật của bạn. Họ sẵn sàng chia sẻ thông tin, cam kết để duy trì mối quan hệ, nhưng cuốn hút về thể xác không phải là một phần của phương trình. Đại khái có thể là anh trai mưa hay em gái mưa hay đủ các thể loại anh em kết nghĩa mà không phải là sự trêu cợt.
  • Tình yêu dại khờ (Fatuotuos love): đây là kiểu tình yêu thiếu đủ cuối cùng. Khi mà bạn vô tình gặp một anh chàng cao to đẹp trai ở phố Wall. Bạn cảm thấy mình bị cuốn hút tình dục bởi anh ấy và anh chàng kia cũng thấy thế. Hai người cùng nhau kết hôn trong khi có có điểm chung với nhau, không tin tưởng lẫn nhau, không hề chia sẻ với nhau bất kỳ điều gì. Đây chính là tình yêu dại khờ.
Cuối cùng, tình yêu thực sự (Complete love) là sự cấu thành đầy đủ của ba loại hình trên. Tôi nghĩ, sau khi đọc xong bài này, đêm về bạn có thể lập ra danh sách và đánh dấu các kiểu tình yêu của mình với tất cả những người trong danh sách. Và có một câu hỏi mà tôi đặt ra là liệu chúng ta có tình yêu thực sự với hơn một người không. Thiết nghĩ nó sẽ hợp lý hơn khi tranh luận trong văn học. Nhưng nó cũng đáng để ta suy ngẫm.