Bài viết này được lấy cảm hứng từ bài viết của Mr. Nguyễn Huy Dũng tại đây:

1. Những lời khuyên về "cách thuyết trình hiệu quả" thường không liên quan gì đến khán giả

Những bài viết về kĩ năng thuyết trình thường khuyên những người sắp có bài thuyết trình những điều như:
1. Cách khống chế nỗi sợ hãi 2. Slide đẹp, tối giản và quan trọng là phải ít chữ, nhiều hình ảnh 3. Luyện tập càng nhiều càng tốt, hoàn hảo nhất là có khán giả để tập luyện (VD: người thân, bạn bè) 4. Tạo phong cách riêng khi lên "sàn": Cách ăn mặc, sự hài hước 5. Mẹo né tránh những câu hỏi khó đỡ của khán giả 6. Cách tạo sự đồng cảm với khán giả Và n bài viết khác.
Nhưng nếu bạn là khán giả, đã tham gia hàng trăm, hàng nghìn buổi workshop, diễn đàn, đào tạo nội bộ, giao lưu với thần tượng.... thì những điều sau đây mới khiến bạn phải bỏ thời gian, công sức cho một người xa lạ:
1. Lắng nghe kinh nghiệm ăn hành của diễn giả, so sánh với hoàn cảnh bản thân xem có điểm tương đồng không 2. Với khó khăn, thất bại ấy, diễn giả tư duy và hành động thế nào để giải quyết vấn đề 3. Ghi lại 1 vài dòng note ngắn về những điều tâm đắc, mong một ngày nào đó sẽ hữu dụng với bản thân 4. Tìm profile diễn giả và tạo network.
Nguồn: Pexel
Nguồn: Pexel
Bạn có thấy khác biệt không, giống như 2 con chó bị buộc đuôi vào nhau, đang cố chạy về hai hướng khác nhau vậy. Ai mà quan tâm tới nỗi sợ của bạn, bạn mặc gì, tóc tai thế nào. Có khi câu chuyện hài hước mà bạn vắt não ra nghĩ lại hóa vô duyên thì không biết chui vào đâu. Thậm chí bạn có òa khóc vì nhớ những ngày cơ cực buổi đầu khởi nghiệp trong một bài giới thiệu sản phẩm thì khán giả phải ngại thay cho bạn.
Vậy thì, hãy:
Nghĩ đủ sâu và đủ lâu

2. Sau đây là một vài lời khuyên có chút khác biệt so với những gì bạn từng nghe

2.1. Hệ thống hóa những kiến thức của bạn một cách khoa học, dù bạn chỉ là newbie
Ai cũng chỉ là một người mới bỡ ngỡ trước khi trở thành chuyên gia, hay khiêm tốn hơn là một người có nhiều kinh nghiệm. Đối với lĩnh vực mà bạn quan tâm, hãy liệt kê ra:
- Những khái niệm cơ bản
- Những khuôn mẫu, quy tắc, quy chuẩn của ngành
- Các vấn đề/khó khăn hay gặp
- Đã có những cách giải quyết nào cho vấn đề đó.
2.2. Tập viết/vẽ những đề tài bạn quan tâm
- Dùng sơ đồ để mô tả quy trình, biểu diễn mối liên hệ
- Dùng cách nói dễ hiểu để mô tả khái niệm, tự đặt mình trong tình huống cần phải giải thích cho một người ngoại đạo, bạn sẽ giải thích như thế nào
- Dùng hình ảnh để minh họa cho những ý tưởng của bạn.
Tất cả những điều này được tích lũy theo năm tháng, và sau này sẽ trở thành slide của bạn.
2.3. Thảo luận với mọi người về các chủ đề
Trao đổi với người khác để thu thập thêm góc nhìn, ý kiến, quan điểm. Khi bạn chỉ là người học trò, không ngại để đưa ra quan điểm của mình, cùng tranh luận thì cũng không ai chú ý đến bạn nhiều bằng lúc bạn làm diễn giả đâu.
Nếu có thể, hãy ghi chú lại những ý kiến này, đó sẽ là cách bạn sẽ tương tác với khán giả, chuẩn bị cho những câu hỏi "khó đỡ", biết khán giả muốn gì, quan tâm điều gì.
2.4. Dành thời gian tự suy ngẫm
Thử nghĩ ngược lại những điều mọi người hay nghĩ
Thử lý giải cho những hiện tượng mình quan sát được
Thử đưa ra góc nhìn độc đáo hoặc phương pháp mới.
Chính những thứ bạn tự đúc kết, tự thử nghiệm mới là điều khán giả cần ở bạn.
2.5. Nghĩ 1 số câu nói mà bạn cho rằng sẽ khắc sâu vào tâm trí người nghe
Có 1 anh diễn giả trong buổi workshop về sáng tạo nội dung đã ví von việc viết giống như ăn lòng lợn, 1 tháng ăn 2 lần là đủ, còn ngày nào cũng ăn thì ngán. Tôi đoán là anh ấy không chỉ dùng câu này trong buổi workshop ngày hôm ấy, mà với bạn bè, đồng nghiệp anh ấy cũng nói cả nghìn lần. Bạn thấy câu ấy rất thực vì đó là cảm nhận riêng của anh ấy. Quả là 1 cú ăn điểm về phong cách cá nhân.
Kết: Thuyết trình là một hoạt động đầy sáng tạo. Vì vậy bạn hãy thử cá nhân hóa việc thuyết trình, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau rồi thử biến hóa chúng cho phù hợp với bản thân nhé.