Bài viết này là một phần của "Tết xưa người nay"  - loạt bài viết và sự kiện về Tết cổ truyền mà Culumbuk giới thiệu đến các bạn trong Tết Mậu Tuất 2018. Bài viết gốc được đăng ở đây

Hương thơm dịu dàng, ngan ngát mà không nồng nã, ngạt ngào, quyến rũ mà sâu thẳm, kín đáo, dịu nhẹ mà chẳng nhạt nhoà, pha tạp, lá dài thanh mảnh, cánh hoa màu trắng hay vàng nhạt, củ tròn đầy, rễ cây trắng muốt và óng ả, ấy là hoa thủy tiên.
Trong các thứ hoa Tết, nếu như hoa đào phong lưu kiều diễm, mai trắng cốt cách thanh cao, mai vàng phú quý cao sang, thì thủy tiên – “nàng tiên nước”, thủy tiên là cả một nền triết học ngay từ trong cách lựa củ, gọt hoa, chăm uốn! Hoa thủy tiên giống như một tiểu thư đài các trâm anh, là loại hoa ‘trang nhã và thanh quý nhất’ trong các loài hoa, như lời Vũ Bằng đã nói trong truyện ngắn nổi tiếng “Ăn Tết thủy tiên”. Thủy tiên, ngay từ cái tên ý nghĩa “nàng tiên nơi bờ nước”, đã nói lên một vẻ gì đó mộng ảo và thần tiên, ngây thơ và không thực, của huyễn mộng và của thần thoại.
Hoa thủy tiên trong chợ Tết xưa

Thủy tiên mấy loại

Thủy tiên có rất nhiều loại, như cánh nhị đỏ, cánh vàng nhị vàng, cánh nâu nhị vàng… nhưng trong thú chơi hoa thủy tiên ở Việt Nam, chỉ dùng loại cánh trắng nhị vàng, được mệnh danh là “kim trản ngân đài” hay chén vàng trên khay bạc, chia thành hai giống cánh đơn và cánh kép, cánh hoa hình trứng, thuôn nhọn một đầu, ở giữa là một vòng bao hoa hình chén màu vàng rực rỡ. Giống cánh đơn có sáu cánh trắng xếp đặt cân đối xung quanh, trông nhã nhặn hơn so giống cánh kép, chính vì vậy thường được ưa chuộng hơn. Giống cánh kép do nhị đực biến thành cánh, nên hoa có thêm một vòng cánh nữa, bố cục hơi rối mắt. Người chơi hoa thường nói rằng giống cánh đơn củ thường nhẹ hơn, giống cánh kép củ nặng mà chắc, nhưng chỉ dựa vào củ để phán đoán là cánh đơn hay cánh kép là điều không thể.  

Chuyện của thủy tiên

Trong “Ăn Tết thủy tiên”, Vũ Bằng có chép lại mấy chuyện như thế này:
“Theo sách Nội quan nhật sơ ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một người đàn bà họ Diêu rất mực hiền đức làm nhà ở bên cầu Trường Ly. Một năm, vào tuần đầu tháng chạp, mộng thấy ông sao Quan Tinh từ trên trời rơi xuống đất, hóa làm cây thủy tiên. Hoa trắng, đài vàng, trông như ngọc, mà hương thì lại thơm. Bèn hái mấy cánh để ăn. Ðến lúc tỉnh dậy, sinh ra một gái xinh đẹp tuyệt trần; lớn lên nết na, hiền hậu mà lại thông minh nổi tiếng khắp nơi. Bà họ Diêu đặt tên cho người con gái đẹp ấy là Thủy Tiên, ý nhớ lại giấc mộng Quan Tinh.
Theo sách Thiên văn thì Quan Tinh là nữ sử tinh, một vị sao coi vận mệnh của đàn bà, con gái có tài học và nết na ở dưới trần. Vì thế, hoa thủy tiên lại cón có tên là ‘Nữ sử hoa’ hay là ‘Diêu nữ hoa’…”
Truyền thuyết về hoa thủy tiên có khá nhiều, như chuyện người thiếu nữ họ Diêu kia là sự tích bắt nguồn từ Trung Hoa, hay câu chuyện cổ Hy Lạp về chàng trai Narcissus có vẻ ngoài đẹp tới nỗi khi chàng vô tình nhìn thấy hình bóng mình dưới nước đã không thể nào rời mắt được, từ đó héo mòn tiều tụy và qua đời bên bờ nước ấy bởi tương tư chính bản thân mình, hóa thành loài hoa thủy tiên. Tại Việt Nam, chơi hoa thủy tiên vào năm mới lại thấm đẫm niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân người chơi hoa và cho cả gia đình. Người ta tin rằng, hoa thủy tiên nở vào đúng phút giao thừa sẽ đem lại may mắn cả năm cho người trồng hoa. Không chỉ vậy, hoa thủy tiên, bởi danh hiệu quý phái “chén vàng đĩa bạc” của mình, cũng được nhiều người quan niệm là giống hoa đem lại tài lộc dồi dào cho năm mới.
Thế nhưng chuyện về hoa thủy tiên ở mảnh đất Hà thành không chỉ có vậy, mà còn là câu chuyện về cả một nền triết học riêng trong quá trình lựa hoa, chăm hoa, tới thưởng hoa, mỗi bước đi đều xứng đáng được ta thưởng thức. Gọt thủy tiên không thể vội, bởi chỉ lỡ tay một chút là tổn thương tới mầm hoa, một củ thủy tiên nho nhỏ có thể cần đến hàng giờ đồng hồ gọt tỉa, dạy ta về cái lẽ ‘dục tốc bất đạt’ – nóng vội sẽ hỏng việc. Hay một củ thủy tiên đẹp không cần nhiều hoa, chỉ cần năm giò hoa (chính là nhánh hoa) trở lại mà thôi, bởi quá nhiều hoa sẽ khiến những nhành hoa ấy không có lực, khó mà vươn thẳng, lại dạy ta ‘quý hồ tinh, bất quý hồ đa’, trọng về chất hơn trọng về lượng. Hoa đẹp cũng cần nở đúng giao thừa, một bài học khác về thời thế, dù là hoa hay người, đều cần phải chọn đúng thời điểm thích hợp cho mình.

Chăm hoa cũng lắm công phu

“Thương ơi sắc nước hương trời,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa…”

(Chu Mạnh Trinh, mấy câu thơ tập Kiều tả hoa thủy tiên)
Chăm hoa thủy tiên là một quá trình liên tục, yêu cầu sự chú ý đến từng chi tiết và sự kiên trì rất lớn, chủ yếu gồm bốn bước chính: lựa chọn củ hoa, ngâm củ, gọt tỉa, và thủy dưỡng - uốn hoa.
Hoa thủy tiên, ngay từ trong cách lựa củ đã cần chú ý rất nhiều. Giống hoa tốt to củ, nắn chắc tay mà giò hoa bụ bẫm, lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối. Củ hoa phải đủ ba năm tuổi, tức là đã qua ba năm nằm dưới lòng đất, củ mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp. Nếu chọn phải củ chưa đủ ba năm tuổi thì lá, hoa và rễ ít, hoa nở không hết cỡ và mau tàn.
Chọn củ xong, tới bước thứ hai là ngâm củ. Củ hoa đem ngâm vào nước mấy ngày cho lớp màng vàng thẫm bên ngoài bợt đi và sạch nhựa, mong sau này hoa sẽ nở cả, rễ dài và mượt. Cứ độ vài tiếng đồng hồ, lại phải lật giở củ, đợi tới khi củ hoa ngậm đủ nước, căng mọng và nhú mầm, mới đem ra gọt tỉa, khi đó sẽ dễ bóc tách các giò hoa hơn.
Bước thứ ba, cũng là bước được nhắc tới nhiều nhất trong chơi hoa thủy tiên: gọt tỉa. Người ta thường chọn chỗ yên tĩnh để gọt thủy tiên, và quá trình gọt tỉa ấy cũng giống như luyện thư pháp, làm thơ, hay ngồi thiền, cần đến sự chú tâm tuyệt đối. Gọt củ hoa cần đến dụng cụ chuyên dụng chứ không phải loại dao nào cũng được. Trong “Ăn Tết thủy tiên”, Vũ Bằng cũng từng nhắc đến thứ dao này:
“…con dao con đánh bằng dây cót đồng hồ, mũi vẹt như ngọn thanh long đao của Quan Ngài, cắt, lượn, khía, tỉa, móc, xén...
…hai ba con dao gọt: mỗi thứ nước để dùng vào một việc, còn dao thì cũng khác nhau: con nhỏ nhất lấy lá, con vừa vừa để dùng móng lấy giò, còn con to nhất (nhưng cũng không to hơn cái lá lan) thì để chạm giò cho lá đừng thẳng đườn ra.”
Dao chuyên dụng được thiết kế một đầu vát và một đầu có rãnh soi để giúp người chơi tỉa được củ mà không làm hỏng lá và mầm hoa.
Dao gọt thủy tiên
Quá trình gọt tỉa thủy tiên chính là bóc tách các lớp áo của củ hoa, rồi tác động đến củ để cho hoa và lá mọc theo ý của người chơi. Trước khi gọt phải phân biệt đâu là mặt trước, đâu là mặt sau của củ hoa, bởi củ thủy tiên thường mọc các nhánh hướng về một phía giống như bàn tay khum lại, ta sẽ gọt phía bên trong cho các giò hoa lộ ra. Người chơi hoa bóc bẹ bên ngoài, sau đó ở bên trái cắt từ trên xuống đến một phần ba củ, lách dao sang ngang, bổ hai nhát ở bên chồi chính cho đến giữa củ, chú ý không gây tổn thương cho chồi. Những giò nhỏ có hoa sẽ gọt cẩn thận, còn những giò không có hoa sẽ dùng để chơi lá hay tỉa bỏ tùy theo ý đồ tạo dáng. Thủy tiên họ hành, càng vào bên trong thì lớp vỏ áo của củ càng mỏng và mềm, vì vậy người gọt phải thực sự cẩn thận, tỉ mỉ. Một củ hoa có thể chỉ to hơn củ hành tây một chút, nhưng phải gọt mất hàng tiếng đồng hồ. Người chơi hoa thủy tiên giàu kinh nghiệm có thể khiến cho củ hoa phát triển theo dáng thế mong muốn bằng cách cắt đi một phần lá non theo hình vòng cung để lá phát triển theo hình cong, làm tổn thương một phần cuống giò hoa để hoa không phát triển quá cao, hay để lại một vài mầm lá, hoa không cắt tỉa để tạo dáng hoa, lá vươn dài cho bát hoa thêm sinh động.
Gọt tỉa thủy tiên thường được nhắc đến như tinh hoa của quá trình chơi thủy tiên, nhưng công đoạn tiếp theo – thủy dưỡng (nuôi trong nước) và uốn hoa, mới thực sự kỳ công và quyết định sự thành bại của một bát hoa. Thủy tiên sau khi đã gọt tỉa công phu, cần phải ngâm úp vào chậu nước sạch 2 ngày, cứ 8 tiếng lại lấy chổi lông rửa sạch nhớt trong mọi ngóc ngách, lau nhựa xong lại cần lật giở, cho củ khỏi nhiễm khuẩn và không bị thâm lại. Không rửa sạch nhựa, củ thủy tiên sẽ mất đi vẻ trắng trong như ngọc. Tiếp đó là công đoạn dưỡng trong bình 3 tuần cho đến khi nở hoa, không để nước quá sâu hoặc quá nông, ngập khoảng một phần ba củ là vừa, xung quanh củ xung quanh để các hòn sỏi, cát thạch anh hoặc vỏ sò, vỏ ốc cố định. Nước nuôi thủy tiên tốt nhất là nước mưa, nước giếng trong hoặc nước sạch, phải thay nước hàng ngày, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào hoa. Nhiệt độ cũng là một yếu tố cần chú ý, phải quan tâm tới điều kiện thời tiết để đảm bảo nhiệt độ thích hợp, nếu lạnh cần phải sưởi ấm bằng đèn (người xưa dùng hương đốt đặt bên cạnh), nếu nóng cần phải đặt bình hoa vào chậu nước có pha nước đá (người xưa đặt xuống hầm), để hoa luôn được sống trong môi trường sạch sẽ, cho bông to, căng, trắng muốt, lá mập mạp xanh rờn và hoa được bền lâu. Khi những giò hoa lộ ra, lại phải cẩn thận sửa tỉa lại giò hoa nếu phát triển không đúng mong muốn, xén lá để lá phát triển xoăn, xoắn, hướng từ đông sang tây hay thẳng đứng, dùng que tăm uốn từng nụ hoa cho khỏi sát vào nhau, dùng vải trắng che rễ cho khỏi bụi, thay vải hàng ngày, nhỏ nước thường xuyên để rễ thủy tiên được trắng trẻo. Sau từ 20 đến 25 ngày chăm dưỡng kỳ công, để hoa thủy tiên sẵn sàng khoe sắc vào đúng phút giao thừa, người ta lại dùng những mẹo như quết lên nụ hoa một lớp lòng trắng trứng hay dùng mạng nhện bọc lại để hãm hoa đừng nở sớm, tăng thêm nhiệt độ nếu hoa phát triển quá chậm. Chơi hoa thủy tiên đòi hỏi người ta cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

Cầu kỳ trong cách thưởng hoa

Thưởng hoa thủy tiên, nào phải chỉ xem hoa đẹp, ngửi hương thơm! Thủy tiên đặc biệt hơn các loại hoa khác vì thưởng hoa cần phải chú ý đến cả năm yếu tố: hoa, mùi thơm, lá, củ và rễ.
Về hoa, một bình thủy tiên cần phải có dáng “ngũ quý” (năm vẻ tốt đẹp), tức là: hoa mọc đủ 5 giò, quay về hướng đối diện với người xem; hoa phải hơi nghiêng nghiêng e ấp, chứ không cúi mặt xuống đất, hay ngửa hẳn lên trời; các giò hoa mọc cân đối (hoa chi tề chỉnh); hoa nở đúng lúc giao thừa (hoa khai cập thời); và các đóa hoa hé nở cùng một lúc (hoa tề hàm tiếu). Hoa mọc không quá cao, có nhiều tầng, giò hoa cao nhất không quá 15 cm.
Về hương, mùi thơm của thủy tiên rất thanh khiết dịu nhẹ, chính vì vậy các đóa hoa cần phải nở cùng thời điểm để ta có thể ngửi thấy và thưởng thức. Người xưa khi thưởng hoa thường uống trà hoặc đốt hương, và mùi hương của hoa thủy tiên hòa quyện quấn quýt với hương của trà, của hương trầm, khiến cho lòng người lắng lại. Người xưa còn cố gắng lưu lại mùi hương của hoa thủy tiên bằng cách ướp trà với hoa, tạo nên thứ trà thủy tiên thanh nhã cao sang, được nhiều người ưa thích.
Về lá, lá thủy tiên cần dáng dài như kiếm, ôm lấy củ, mà lại không được chạm vào củ, lá xoắn, thấp theo nhiều hướng và có vài lá mọc thẳng, xanh đều và uốn lượn theo hình thế nhịp nhàng. Lá ở dưới hoa, hoa ở trên lá, lá dưới hoa trên, hoa nổi bật trên nền lá quấn quýt râu rồng, tạo thành hai tầng khác biệt. Tùy vào độ cao thấp của hoa lá, nên chọn kiểu dáng của những chiếc bát thủy tinh, bát sơn mài hay bát tre cuốn cho thích hợp.
Về củ, củ hoa phải trắng ngần, người cầu kỳ còn dùng lớp vỏ áo còn lại của củ hoa cắt tỉa thành những móng rồng trắng, nhọn, dáng khum khum ôm lấy nhánh lá, nhánh hoa. Móng rồng trắng muôn muốt, xếp lên nhau một cách trang nhã, thấp thoáng sau lá, trang nhã, không rối mắt.
Móng rồng ở củ hoa thủy tiên (lớp vỏ củ màu trắng cong cong)
Về rễ, rễ thủy tiên cần phải mập mạp, trắng muốt, không bợn một nốt nâu ủng, có thể lùa bàn tay vào như khi người ta vuốt tóc, dáng dài như thác đổ, như bộ râu của một lão ông đại thượng thọ. Qua lớp thủy tinh trong suốt của bát hoa, ta có thể thưởng thức vẻ đẹp tinh tế của rễ hoa.
Trước đây tại Hà Nội, cứ đến năm mới, người ta lại tổ chức những cuộc thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã, ở Văn Miếu, hay ở đền Ngọc Sơn… Chăm hoa đi thi, người ta phải tính đến rất nhiều chi tiết, để đảm bảo hoa bừng nở vào đúng phút giao thừa. Chuyện cũ kể rằng, người chơi hoa còn phải tính toán tới cả trầm hương được đốt trong đình, bởi sức nóng của hương đốt sẽ khiến hoa nở sớm hơn.  

Những người muôn năm cũ ấy, bao nhiêu người đã gọt thủy tiên đón Tết, bao nhiêu người đã dầm tay trong làn nước giá băng để lật giở từng củ thủy tiên, bao nhiêu người đã trăn trở cả tháng trời để thấp thỏm đợi xem bát hoa ấy cuối cùng có mọc theo đúng dáng đúng thế mà mình mong đợi hay không? Gọt thủy tiên không chỉ đơn thuần là một thú chơi hoa, mà còn là một cách tu tâm dưỡng tính, một cách khảo nghiệm sự nhẫn nại và kiên trì của bản thân, và cũng là một cách để rèn luyện sự chú tâm đến từng tiểu tiết.
Hương thuỷ tiên là một thứ hương thanh cao sang quý, đặc biệt là vào giây phút thiêng liêng lúc giao thời, khi hương hoa quyện vào làn khói hương trầm ấm áp, nồng đượm, hoà trong hương cam Canh, bưởi Diễn thơm tho, ngọt ngào, tạo nên một hương vị độc đáo mà chỉ duy nhất Tết cổ truyền ở Hà thành mới có được.

Về Culumbuk

Culumbuk được ra đời với mong muốn bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt bằng cách kết nối những người làm văn hóa với những người quan tâm. Đến với Culumbuk, nếu bạn là một người yêu thích văn hóa, bạn có thể tìm thấy những sự kiện phù hợp với sở thích và mong muốn để làm phong phú thêm cho cuộc sống hàng ngày của mình. Nếu bạn là một người làm văn hóa, bạn có thể tiếp cận được nhiều hơn với cộng đồng khách hàng và đối tác tiềm năng, để có thể tổ chức và quảng bá chương trình của mình một cách hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng văn hóa chỉ tồn tại và phát triển nếu đó tiếp tục là một phần trong cuộc sống của mọi người, những người bình thường như bạn và chúng tôi.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Culumbuk tại: