Thương nhớ Cơm niêu
Thời công nghiệp, những bữa ăn trong gia đình dần thưa thớt, nhiều khi vô cùng tạm bợ. Như em tôi, mỗi khi đi làm về, nó lấy một cái...
Thời công nghiệp, những bữa ăn trong gia đình dần thưa thớt, nhiều khi vô cùng tạm bợ. Như em tôi, mỗi khi đi làm về, nó lấy một cái tô, bới cơm, gắp đầy nhóc đồ ăn, rồi vừa coi tivi vừa xúc. Nhớ hoài cái cảnh ngày xưa, cả nhà xúm xít quanh mâm cơm, ríu ran cười nói, chị em tôi tất bật ra vô, lấy thêm đôi đũa, cái chén... Má tôi lúc nào cũng ngồi ở đầu nồi để bới cơm, tả xung hữu đột bằng đôi đũa cả. Ba tôi khề khà ly rượu nhỏ, trìu mến nhìn hai đứa em tôi giành nhau miếng cơm cháy. Thường thì má ghế cơm sao cho có cháy rám ở dưới đáy nồi, để vừa mở nồi ra, mùi cơm đã bay thơm đượm. Má chia cho mỗi người một miếng cháy nhỏ, ăn với cá cơm kho khô, hoặc chỉ cần chấm với nước thịt kho tàu, miếng cháy hơi giòn, nước thịt cá beo béo, sánh như mật, nhai kỹ thì thấy bùi bùi, ngọt lừ đậm đà tan ra trong miệng, ăn hồi nhỏ mà tới giờ còn nhớ mãi...
Bây giờ thì đâu còn ai nấu cơm bằng nồi đất hay nồi gang, tới bữa cơm nhà nhà đều bưng lên một cái nồi cơm điện.
Thế là hết cái mùi cháy thơm phức trong bữa cơm, cũng không còn bóng dáng của cái nồi đen thui vì than, củi...
Người ta rảnh rang được một chút, đơn giản quá mà, nấu cơm bây giờ chỉ là đổ gạo và nước vào nồi, cắm điện rồi để đó, khi nào muốn ăn thì ăn. Đâu phải đảo cơm, mở vung, rút củi, ghế cơm, canh lửa?
Nhưng hình như vì vậy mà bữa cơm không còn không khí ấm áp như xưa. Mở nồi cơm, thấy vô vị, dù gạo bây giờ là thứ gạo nhập khẩu, đắt tiền, được cô bán gạo quảng cáo rùm beng là thơm điếc mũi. Và một miếng cơm, sao mà nhạt nhẽo, dù nồi niêu chén đũa đều sáng bóng, thấy những món ăn trên bàn cũng đìu hiu, cô quạnh, im ắng, buồn thiu...
Thế nên lâu lâu tôi lại kéo bạn bè đi tìm lại cảm giác xưa. Vào một nhà hàng để thấy vơi nỗi nhớ không khí gia đình. Thấy buồn, cái thời cơm điện ở nhà, còn cơm niêu phải ra hàng quán. Nhưng vẫn còn may, có rất nhiều nơi bán những món dân dã, quê kiểng như vậy ở Sài Gòn. Mà người chủ chắc cũng còn nặng nợ với ngày xưa, nên kiến trúc và phong cảnh cũng mang đậm hơi hướm của thời xưa
cũ, bâng khuâng những bức tường gạch nâu non, lối đi u tịch, bàn ghế gỗ, cột gỗ và những đám dây leo buông hờ trong khung cảnh thoáng đãng uể oải của buổi trưa... Thấy thời gian như trôi tuột về quá khứ trong một chớp mắt. Chưa kịp mở mắt đã thấy mùi cơm cháy thơm lừng, tiếng lách cách của chén đũa được dọn lên, và âm thanh của tộ cá vừa nhấc khỏi bếp, vẫn còn sôi liu riu, hân hoan reo lên khe khẽ bài ca của tình mẫu tử...
Rồi màu sắc tinh khôi ùa đến, niêu cơm với những hạt cơm trong, mềm, thơm dẻo được xới lên bằng cây đũa cả tí hon; dĩa rau tập tàng dân dã vừa luộc còn lởn vởn khói, xanh ngăn ngắt nào bầu, mồng tơi, đậu bắp, rau lang, rau bí, đọt kèo nèo...; tộ cá bóng lên màu nâu vàng sanh sánh; lại còn tộ mắm kho quẹt sôi lăn tăn nâu đỏ, dậy mùi tiêu nồng nàn, mấy cái chén nhỏ đựng muối mè trắng, muối mè đen, mấy trái ớt hiểm bé bỏng, đỏ tươi nằm khép nép bên những lát chanh mọng nước... Tất cả đều thân thuộc và yêu dấu lạ lùng, cứ như một lát nữa đây ba tôi sẽ hối: “Ăn lẹ đi con, còn ngủ một giấc, chiều dậy học bài, sao có chén cơm mà mày ngồi nhơi cả buổi vậy?”, còn má tôi thì lo lắng: “Bữa nay cơm má nấu không ngon à, con?”, rồi chắc lưỡi nói với ba tôi: “Chắc ăn hoài mấy cái thứ này, tụi nó ngán rồi, mai ráng mua cho tụi nó ít thịt, ăn đổi món”.
Giờ thì má không còn, ba cũng khuất núi. Em tôi, đứa ở nước ngoài, đứa đầu tắt mặt tối buôn bán ngoài chợ, đứa vương trưởng ăn nên làm ra, chức này tước nọ, chúng cũng vô tình quên cái thời cơm niêu nước lọ ngày xưa, thảng hoặc tôi nhắc, thì chúng rầy: “Chị Hai nói chuyện xa lơ xa lắc, ngày xưa có mấy món, ăn hoài, còn giờ, muốn ăn gì có đó, không sướng hơn sao?”
Chúng hẳn đã quên cái thời sum vầy đó.
Là vì với người Việt, đâu phải chỉ có món ăn là đã làm nên một bữa cơm? Một người bạn của tôi luôn nói: “Một bữa ăn ngon nghĩa là phải có món ăn ngon, chỗ ăn ngon và bạn ăn cũng ngon”. Nhưng như vậy có vẻ cầu toàn quá. Với tôi, ăn ngon là hồi còn nhỏ, sau khi đùa nghịch đến mệt đừ, bụng đói meo, tuyên bố xanh rờn với tụi bạn: “Thôi, chán rồi, không chơi nữa, tao về ăn cơm kẻo má tao kêu”, rồi ù té chạy về nhà, rửa tay chân quáng quàng rồi chạy xuống bếp, nơi má tôi đang lụi cụi nấu nướng, kêu đói rầm rĩ, rồi, với vẻ mặt trang nghiêm, đầy quan trọng, đôi môi mím chặt, rón rén bưng tô canh, dĩa rau, phụ má dọn cơm. Và cả nhà tụ tập, vừa ăn cơm vừa nói cười rôm rả, ba tôi gỡ xương cá cho lũ em, má tôi chan canh cho chúng, nhiều khi bữa cơm chẳng có gì, mà sao hương vị và cảm giác luôn đầy ăm ắp.
Thế nên, có những khi ngồi ăn ở một nhà hàng cơm niêu, thấy thân quen như ngồi ở nhà mình, vì những món quen gợi lại thời quá vãng, lại thấy vẫn trống trải, thiếu trước hụt sau, để mình luyến tiếc nhớ hoài quá khứ. Ở quán cơm niêu, người phục vụ cũng biết ý, họ cứ để mình ngồi nhẩn nha nhấm nháp từng hạt cơm mà không quanh quẩn quấy rầy, chừng như đoán những người thích tìm đến món này, là những người hoài niệm. Có lúc, bạn sẽ thấy mình ngồi thừ ra, nhớ quay quắt một ngày xa, thời cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều bốc khói. Bạn sẽ đủng đỉnh lấy một mảng cháy nhỏ, gắp miếng rau xanh, chấm vô mắm kho quẹt đang kẹo dần lại, lắng nghe thanh âm giòn rụm vang lên, hay hít hà vì tô canh chua nhiều ớt, hoặc giản dị hơn, nắm một nắm cơm trong lòng bàn tay, chấm với chút muối mè, nhai chậm rãi, để cái vị bùi bùi đầm đậm tan trên đầu lưỡi, run rẩy lan vào cổ họng, nhẹ nhàng.
Ăn những món đồng quê đạm bạc này, bạn đừng uống rượu bia hay nước ngọt, những chất công nghiệp này sẽ ùa tới, đánh tan tác cái cảm giác quê nhà trong bạn, bạn sẽ thấy mình trơ khấc giữa cái không khí náo nhiệt của Sài Gòn này, những tiếng động ồn ã sẽ bủa vây bạn và lôi bạn ra khỏi vùng ký ức, còn nữa, những thức uống hiện đại nhất quyết đối đầu với các món dân dã này, giống như một anh chàng trịch thượng, mặc bộ veston trắng, thắt cà-vạt trắng, mà đầu lại quấn khăn rằn. Bạn hãy kêu người ta cho bạn một ly trà xanh, hoặc một ly nước vối ủ gừng. Rồi cứ mặc kệ cuộc sống ngoài kia chạy vùn vụt, lao xao vội vã thế nào, bạn chỉ cần đung đưa chân, nhẩn nha từng món một, nhấm nháp từng món một, ăn thủng thẳng như chẳng có gì để vội, để cho hương vị nồng đượm này thấm đẫm vào từng tế bào, nguôi nỗi nhớ xưa xa...
Đôi khi tôi thấy, thực khách có người kêu thêm món đậu hũ chiên. Cũng là món ăn giản dị thôi, nhưng vì tôi không thấy nó thuộc về thời thơ bé của mình, nên đôi khi thiên vị, cho rằng món đó không hợp với nồi cơm niêu chân chất. Với tôi, cơm nấu trong niêu đất dẻo thơm, chỉ hợp với mắm kho quẹt, với rau tập tàng, với cá kho, những món dân dã trong vườn, trong ao nhà, lúc nào cũng sẵn. Chẳng còn gì tuyệt vời hơn những hôm trời mưa ui ui, gió lạnh thông thống lùa về trên mái, thảy từng đám lá vàng xuống mảnh sân bé nhỏ, xao xác như tiếng chân mẹ đi chợ xa về, mở nồi cơm thơm bén cháy, tộ cá kho bốc khói thơm lừng, thấy những khó khăn trong cuộc sống bỗng lùi xa tít tắp, như mẹ cha còn đó, nguyên vẹn cả gia đình ngồi đây, quây quần quanh bữa cơm nghèo mà cười ấm áp cả một buổi chiều mưa...
#Ntech_SaiGon
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất