Vì sao thực tại lại mong manh hơn ta nghĩ? Cuối cùng, thực tại là gì?
Chúng ta không nhìn thực tại như chính thực tại, mà như là sự phóng chiếu của tâm trí. Cũng giống như nhìn vào tấm gương và thấy hình...
Chúng ta không nhìn thực tại như chính thực tại, mà như là sự phóng chiếu của tâm trí. Cũng giống như nhìn vào tấm gương và thấy hình ảnh của chính mình. Tuy nhiên ta không nhận ra điều đó, do bị sập bẫy trong lầm tưởng rằng vật chất đại diện cho thực tại , cho rằng nếu ta nhìn thấy vật chất và có thể tương tác với nó thì có nghĩa là ta đang tiếp cận với thực tại. Suy nghĩ ngây thơ này cần bị xoá bỏ ngay lập tức. Thực tại thật chất là thông tin, bản thân chúng ta cũng chỉ là một mớ thông tin phức tạp đang tồn tại bên trong ổ cứng là cơ thể. Tương tác giữa con người với thế giới thực ra là tương tác giữa thông tin và thông tin mà thôi.
Ở mức độ vật chất, ta chỉ có giới hạn một vài giác quan lẻ tẻ để tiếp xúc với thực tại, cái ngày mà con người có khả năng nhìn thấy thế giới thực là còn rất xa. Chúng ta cũng thật dễ dàng để bị lừa bịp bởi các giác quan của chính mình, chúng có thể gây nhầm lẫn một cách tai hại. Vấn đề này nan giải đến nỗi triết gia René Descartes, người được xem là cha đẻ của triết học hiện đại, có phát ngôn nổi tiếng “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại) phải trăn trở khôn nguôi, ông nổi tiếng hoài nghi và ông hoài nghi về chính các giác quan của mình: “Các giác quan của tôi dối lừa tôi. Chúng cho tôi biết rằng que thẳng ở trong nước trở thành cong. Không có phương pháp chung quyết nào chứng minh rằng mọi kinh nghiệm của tôi đều không phải chỉ là những giấc mơ hay ảo giác”. Chúng ta hoàn toàn bối rối và choáng ngợp trước những thứ hiển nhiên đang tồn tại nhưng lại nằm ngoài các giác quan, và do đó, nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.
Như vậy ta có thể bắt đầu nhận ra thực tại chỉ mang tính tương đối, thực tại của mỗi người đều khác nhau do mỗi cách nhìn khác nhau. Tất cả chúng ta đều tự xây dựng một thế giới quan riêng biệt. Nó được hình thành từ những khao khát, đam mê, nỗi đau và nỗi sợ của mỗi cá nhân. Do đó, thực tại có thể bị bẻ cong bất cứ lúc nào, mỗi giây bạn suy nghĩ khác đi, bạn lại chuyển đổi sang một thực tại hoàn toàn mới. Một ví dụ đơn giản, khi bạn muốn có một điều gì đó, tâm trí bạn bắt đầu lọc đi những điều khác đang diễn ra xung quanh một cách vô thức, kết quả là bạn chỉ nhìn thấy điều mà bạn muốn mà thôi. Hay khi bạn không thể chấp nhận được một sự thật nào đó vì nó khiến bạn đau khổ, bạn sẽ vô thức loại trừ thông tin đó ra và chỉ nhìn thấy khía cạnh bớt đau đớn hơn của thực tại, kết quả là bạn tạo ra một thế giới quan mới, nơi mà bạn có thể sống một cách vui vẻ, miễn là bạn không bị tổn thương. Hay khi bạn vừa học được một từ vựng mới và bạn bắt đầu nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Ta có thể thấy bản thân chúng ta là một hệ thống màng lọc tinh vi, chúng ta được thiết kế để chỉ nhìn thấy chính mình trên thế giới. Từ đây suy ra những sự kiện xảy ra trong đời bạn hẳn phải có một liên kết mạnh mẽ với đời sống nội tâm bên trong bạn. Và nỗ lực hiểu chính mình có thể giúp bạn đương đầu với thực tại tốt hơn. Hãy tự hỏi những điều đang diễn ra xung quanh bạn đang phản chiếu vấn đề gì ở bản thân mình, có điều gì bạn đang sợ phải đối mặt hay tránh né, có điều gì mà bạn đang ám ảnh hay không? tóm lại, hãy hỏi bản thân mình nhiều hơn là hỏi thực tại, vì sau cùng, chính bạn làm chủ thế giới quan của bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất