Kết quả hình ảnh cho nổ bánh ống dưới sông
Ở quê mình thì cái ghe nhỏ hơn thế này nhiều, nhưng đại loại là vậy đó
Tính ra thì mình cũng may mắn hơn đám trẻ con bây giờ một tẹo. Mình là thế hệ đầu 9X, à không, không già tới mức đó, chính xác thì khoảng giữa giữa thôi, nên được sống trong tuổi thơ không bị công nghệ làm phiền. Đến tận lên năm nhất Đại học, mình mới biết Facebook của anh Mark có hình thù ra sao.
Thức quà đầu tiên hồi trẻ nghé mà mình muốn kể là món bánh ống nhà quê. Sau khi xem xong một lô lốc album ảnh "Tuổi thơ tôi" mà thằng bạn cùng trường cấp ba chia sẻ, mình lại có cảm hứng để bắt đầu những câu chuyện. 
Mình có tật xàm le khó bỏ nên thường thích mào đầu như thế!
Xưa khi quê mình còn nghèo, đám con nít không có nhiều quà vặt để ăn như bây giờ. Dù không đến nổi đói móc meo như thời cha chú nhưng nói chung, mình vẫn thấy khoản đồ ăn khá hạn hẹp. Cha mẹ thường hay nói với mình: “Mày sướng hơn thời tụi tao lúc trước bao nhiêu mà giờ còn rên la!” Khi hòa bình mới lập lại, mọi người phải ăn bo bo, khoai lang độn gạo. Mình hồ hởi khi biết điều đó vì lúc nhỏ, mình cực thích khoai lang, giờ thì đỡ nhiều rồi! Mình háo hức: 
- Được ăn khoai hoài luôn hả cha? Sao sướng quá dạ?  
Cha cười ngặt:
- Ừ sướng! Mày cứ thử ăn ngày 3 bữa rồi biết cái cảnh.
Lúc đó, mình sẽ tiếp tục chuyển chủ đề sang bo bo. Mẹ sẽ kể về cái vị bo bo bùi bùi thế nào. Cha sẽ hăng say kể về thời đói kém, gạo không đủ ăn phải nhận viện trợ từ Liên Xô. Mình luôn say mê lắng nghe như lần đầu tiên dù đã thuộc làu những điều cha mẹ kể nhưng chưa bao giờ thấy chán vì đó là những khoảnh khắc hạnh phúc đến bình yên. Nó lạ lùng lắm! 
Top mon an thoi bao cap gio thanh dac san
Mình đã "google" tìm hình hạt bo bo khi viết bài này, và kết quả 
Cách đây mười mấy năm, những món quà bánh của đám trẻ quê thiệt ra chỉ gói gọn trong vài thứ, còn phần nhiều là lùng sục, chôm chỉa (cái này cũng ít thôi) như khỉ trên rừng tìm quả dại mà mình sẽ kể đến trong những phần tiếp theo nữa (nếu có). Và, bánh ống là thức quà mà hầu như đứa trẻ nào cũng mê chết mệt, tất nhiêu đâu thiếu phần mình. 
Cứ tầm 2, 3 tháng gì đó, dưới con sông trước nhà, hai vợ chồng (mình không nhớ mặt nên tự mặc định luôn luôn là họ) lại chạy máy dầu ì đùng, phóng loa rao: “Ai gạo xay bánh ống hôn?” 
Thế là đám con nít lại rần rần. Nhà này rủ nhà kia, nhà kia réo nhà nọ, nhau nhau rộn hết cả đường quê để nổ bánh ống cho bầy trẻ nhỏ đang thèm rõ dãi. Mỗi lần nổ bánh ống phải nổ tầm 2 lít gạo trở lên vì tốn công người ta mở máy chạy, chả nhẽ mới quay quay vài cái đã xong thì lãng phí quá! Cho nên, cả xóm mới rôm rả, đông vui như thế!
Mình nói qua một chút quy trình nổ bánh ống ở quê để mọi người hiểu rõ hơn nhá. Quê mình sông nước nên thỉnh thoảng, những ghe nổ bánh ống sẽ chạy dọc con kênh để xem nhà ai có nhu cầu. Thường thì nhà nào có con nít thì nhà đó sẽ có nhu cầu. Nhà mình sẽ tự chuẩn bị gạo, đậu xanh (nếu muốn bánh ống thơm hơn – cái đó tùy mỗi nhà, tùy điều kiện) nhưng yêu cầu bắt buộc là phải nổ từ 2 lít trở lên (mình nhớ vậy không biết có sai không). Và yêu cầu thứ 2, cái này mới quan trọng nè, phải có tiền để trả cho người ta. Thường thì, họ lấy công mấy ngàn một lít á, hay mười mấy ngàn á, lâu quá mình quên rồi, nhưng không quá hai mươi ngàn đâu. Cái này thì chắc chắn vì lúc đó cháo chưa quá 5 ngàn 1 tô. Họ sẽ tự trộn đường vào gạo, coi như khuyến mại thêm vậy, trộn đều rồi cho từ từ vô máy nổ. Cái bánh ống trắng trắng nâu nâu dài thòng lòng sẽ chui ra ở đầu còn lại, nóng hổi thơm lừng. Câu chuyện nổ bánh ống đơn giản là như vậy.
Mọi người thường gom lại bến nước nhà mình vì nó khá thoáng lại còn thêm mấy rặng bạch đàn mát mẻ nữa. Đám trẻ con bu đen bu đỏ thòm thèm. Đứa nào đứa nấy cũng xách theo cái bao để đựng. Nói thêm một chút về cái bao đựng bánh ống quê mình. Đó là những vỏ bao phân bón sau khi sử dụng hết, người dân sẽ tận dụng lại để dùng những dịp cần thiết như lúc này đây vì nó rất dày và chắc. Ai cẩn thận hơn thì sẽ giữ bánh trong một lớp bao nữa để nó không bị ỉu quá nhanh.
Máy nổ cành cành! Khói bốc lên. Đám con nít hân hoan thích thú. Mẻ bánh ống đầu tiên xuất hiện. Cô nổ bánh, đôi tay vun vút cắt từng khúc dài đều như nhau, thoăn thoắt để vào bao cho những vị khách đang háo hức cực độ.
Hình ảnh có liên quan
Kí ức tuổi thơ là những gì rất đỗi bình thường nhưng lúc nào cũng có thể làm ta xao xuyến
Từ chiều hôm đó, khắp xóm đi đâu cũng thấy bọn con nít nhai bánh ống ngồm ngoàm. Nhưng, đó là chưa phải là tất cả. Những đứa sở hữu những cây bánh ống cuối cùng mới gọi là đẳng cấp. Không biết chúng ăn kiểu gì, khi phần đông đã nuốt hết bánh vô bụng để cổ họng nóng rát vì ăn liên tục mấy ngày, chúng mới nhởn nhơ cầm bánh ống trêu ngươi chọc tức. Nhưng con nít mà! Nói vậy thôi chứ dễ động lòng trắc ẩn chia nhau miếng bánh lắm dù nó đã dai nhách từ độ nào!
Mình không cố ý giấu giếm để trêu ngươi đám trẻ trong xóm nhưng lúc nào, nhà mình cũng hết bánh sau mọi người. Tại sao ư? Bởi cái tật lười vô đối. Ăn bánh xong là buộc dây hời hợt qua quýt rồi chạy đi chơi ù khói. Vì mình biết, cha mẹ sẽ sớm phát hiện cái sự hời hợt của mình mà kịp thời sửa chữa trước khi quá muộn. Nhưng đời mà, đâu phải lúc nào cũng như dự định mình muốn. Có khi, cả đống bánh bị mình làm cho ỉu xìu. Tự làm tự chịu! Thì cũng phải ăn thôi, đỡ hơn là không có cái gì nhét vào mồm. Và, thế là dù vô tình hay hữu ý, mình chễm chệ gia nhập hội còn bánh. Và những thần dân kia, phải phục tùng mình để đổi lại những cái bánh thật sự là... rất dai (!) Mình chém thôi chứ tụi nó ăn phụ mình, mình mừng phát khóc. 
Lại nhớ chuyện nhà mình! Cứ nổ bánh xong là chiều chiều nằm xem phim, cả nhà, vợ chồng con cái, lại vừa đưa võng lúc lắc, vừa ăn bánh giải khuây. Nghĩ đến câu chuyện sắp kể ra là mình lại buồn cười chết mất. 
Mẹ mình vốn rất ghét bò và những thứ liên quan đến nó, đặc biệt là sữa của chúng. Nói chung là, mẹ dị ứng với bò. Lợi dụng điểm đó, mình đã định chơi khăm mẹ một vố. Sẵn trong nhà có hộp sữa đặc của cha, mình chế luôn vào trong ruột bánh ống rồi vờ làm con ngoan trò giỏi, đem bánh ống cho mẹ ăn. Trong đầu đinh ninh, lúc mẹ cắn vào, sữa chảy vào miệng, à há, sẽ rất thú vị đây mà. Mình hóng chờ giây phút đó vì nghĩ mọi thứ chắc mẩm xảy ra. Nhưng ai ngờ, mẹ không ăn liền mà đưa lên mắt ngắm, sữa chảy xuống mặt mẹ độp độp. Rồi sau đó, không có sau đó nữa.
Hình ảnh có liên quan
Giờ thì tha hồ mà ăn 
Giờ thì xẹt ra đường, trước cổng trường Đại học, với 10 ngàn (chắc giờ nhiều tiền hơn) đã có một bịt bánh ống ăn lòi hai con mắt. Không còn cái ghe nào chạy trên sông rao ầm ầm: "Ai gạo xay bánh ống hôn?" mà mấy nhóc dưới quê, tụi nó cũng có nhiều lựa chọn hơn xưa. Mình cũng chẳng còn ao ước, thèm thuồng bánh ống nữa. Nhưng mỗi lần, thấy lại những bức hình ấy, bao kí ức tuổi thơ lại ùa về, đong đầy, vẹn nguyên và ấm áp...