Dịch từ bài gốc của Alexander Stern trên Aeon
---
Từ những thầy tu cho tới những học giả theo tư tưởng hiện sinh và cả những gã hipster, hành trình săn tìm cái tôi đích thực đã kéo dài hàng nhiều thế kỷ qua. Liệu chúng ta có nên từ bỏ? 
“Hãy là mình. Ai khác đều là chính họ hết rồi.” Châm ngôn khá phổ biến này, thường được quy nhầm cho Oscar Wilde, xuất hiện không chút giả trân áy náy nào trong những quyển tự trợ hay những bài blog tung hê tính đích thực. Dễ hiểu, mớ sách hay blog kia dùng lời phán “hãy là chính mình” làm mục tiêu xứng đáng, vững gần như bàn thạch cho mỗi chúng ta. Nền văn hóa của chúng ta đã bị bão hòa với tính chân nguyên, đặc trưng danh tính: chúng ta mãi “kiếm tìm bản thân”, “hiện thực hóa bản thân”, “là chính mình” “chuyên chính”, “rời bỏ lối mòn”, “thoát khỏi đám đông”. Chúng ta bỏ ra cả thanh xuân chỉ để hình dung xem mình là ai; bỏ ra những năm về già cố gắng sống đúng với bản chất; và bỏ ra quãng thời gian chính giữa để chìm vào cuộc khủng hoảng hoang mang không biết mình có phải là con người mình từng hình dung hay chăng. 
Dưng mà câu trích lụi của “Wilde”, dẫu có thể chỉ là ngụy tạo, lại gợi ra một thực tế ngờ nghệch tại cốt lõi của tính chân thực. Cái sự tự chiếu soi này dường như là chuyện không đâu. Cớ sao lại bỏ ra quá nhiều nỗ lực để thành ra con người mà chúng ta rốt cuộc cũng sẽ trở thành? “Tới cuối cùng”, như nhà văn David Foster Wallace từng nói, “rốt cuộc ta cũng trở thành chính ta”. 
Và còn đó một phi lý ngay ở đây không dễ dàng nhận ra. Những người khác có thể đều là của họ hết rồi, nhưng nỗ lực làm chính mình chính là con đường “bao chắc” để ta trở thành kẻ khác, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa siêu hàng hóa và siêu giám sát nơi mà chúng ta luôn dường như đang diễn trên sân khấu. Nếu ai đó hoặc tổ chức nào đó tuyên bố họ chú trọng vào tính “chân nguyên” “nguyên bản”, ta gần như chắc chắn lũ đó là những kẻ giả hình “luôn chảy thuận dòng”. Như chính Wilde cũng từng viết : ‘Hầu hết mọi người đều là kẻ khác. Suy nghĩ của họ chỉ là quan điểm của kẻ khác, cuộc sống của họ chỉ là sự bắt chước, niềm đam mê họ nêu ra thực chất chỉ là một câu trích dẫn.’ (hoặc một câu trích dẫn sai.)
Đâu là nơi bắt nguồn của tất cả những ngõ cụt và nghịch lý tự xây này?
Ngoài sự tràn lan đại hải ra, tính đích thực chẳng còn tí cấp thiết nào nữa. Trước hết, nó xa xỉ: chỉ có những ai đủ thoải mái chẳng cần lo thu vén nhu yếu trong cuộc sống mới có thể quan tâm tới mình là ai. Thứ hai, khái niệm này cũng có câu chuyện riêng. Những nền văn hóa khác và những giai đoạn lịch sử khác không coi trọng đủ cái tôi hoặc không khinh khi mấy chuyện tuân thủ, rập khuôn. Sự chứng tỏ bản thân thường mang tính tôi thuộc, nếu không muốn nói là hoàn toàn bị lép vế, trước nghĩa vụ dành cho gia đình, cho truyền thống, hay dành cho Thượng Đế. Nhìn về lịch sử cũng như sự ngẫu nhiên của tính này - như với bất kì khái niệm nào - biết đâu có thể giúp chúng ta hiểu được cách tiếp cận chuẩn xác nhất.
Bận tâm về bản chất trông có vẻ, ít nhất thuở ban đầu, có trong đó một thành tố tôn giáo. Quả thật, nhu cầu truy tìm bản chẩt ở phương Tây không thể hiểu đúng được nếu không nhắc tới một Thiên Chúa giáng trần và quyết định trở thành con người. Một cách để hiểu về khái niệm này chính là di sản để lại sau khi Chúa giã từ cuộc sống. Khi nhân tính hóa Đấng Bề trên, Cơ Đốc giáo đã tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh trong nội tâm tín đồ. Trong hình hài của Chúa Giêsu, người mà Wilde xem là “theo chủ nghĩa cá nhân đầu tiên trong lịch sử”, Chúa không phải chỉ là một đấng thể để phụng thờ, mà chính “một trong chúng ta”, một con người với câu chuyện về cuộc đời lưu giữ những giáo lý dành cho những tôi tớ bé mọn của Người. Người chịu sự cám dỗ, phản đối tín điều đạo đức giả, và sự tự nguyện chịu chết tương đồng với cuộc đấu tranh hằng tồn ở mỗi Kitô hữu: “Chúa Giêsu sẽ làm gì trong hoàn cảnh này?”
Để hiểu rõ hơn điều mới mẻ ở đây, hãy thử ngẫm lại sự khác nhau giữa 40 năm của Moses trong sa mạc với 40 ngày của Chúa Giêsu. Đấu tranh của Moses là ở ngoại tại: trở thành tôi trung của Thiên Chúa, làm theo lời (khá khe khắt của) Ngài, dẫn dắt dân được Thiên Chúa chọn đến vùng Đất Hứa. Ngược lại, cuộc đấu tranh của Chúa nằm bên trong, nặng gánh tâm lý: bị Chúa Cha bỏ mặc một mình, Người phải cô độc chống lại cám dỗ bằng sức mạnh bên trong, và trở thành một mẫu gương cho những ai tin vào Người. Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần vừa có bản tính con người và Thiên Chúa trong một bản thể. Người ban cho cuộc sống của con người tính thánh linh. Câu chuyện của Người hiển nhiên còn tạo ra cả một thế giới nội tâm, kịch tích hóa thế giới ấy, và nâng nó lên tới một cõi có tầm quan trọng tuyệt đối về tinh thần. Một lịch sử hà khắc với bản thân khổ lụy, nhọc nhoài từ đó mà ra. 
Có lẽ linh hồn chịu khổ lụy sớm nhất là của thánh Augustine, một triết gia và linh mục ở thế kỉ IV vùng Bắc Phi thuộc La Mã, người thường được công nhận đã mở màn cho suy nghĩ nội quan phản ánh của ngày nay. Một đứa con trai trụy lạc của một người mẹ sùng tín, Augustine đắm chìm trong dục vọng, Mani dị giáo, những Kinh điển trước giây phút tìm thấy Chúa Giêsu, một khoảng thời gian dài đằng đẵng trong cuộc khủng hoảng nội tâm và sự cải hoán đóng vai trò điểm tựa cho quyển Bộc bạch của ông sau này. Trong quyển tự truyện này, ta tìm thấy một nội quán khắc khoải, khát khao và thậm chí còn cả sự phân tách vừa mỉa mai vừa tự cho mình là trung tâm, vốn biểu trưng cho khái niệm tìm kiếm bản thể ngày nay. “Ôi, lạy Chúa, xin ban cho con trở nên tinh tuyền,” Thánh Augustine viết trong tiếng lòng của một người trai trẻ - ‘nhưng chưa phải ngay lúc này’ .
Mục tiêu của thánh Augustine không phải là tán dương, hiện thực hóa hay đi tìm cái tôi nhằm thuật lại quá trình mình đã thay đổi ra sao. Ngài cố gắng, như triết gia người Canada Charles Taylor đã nói, “hướng nội và hướng thượng” - hoặc nói theo một cách khác, hướng thượng bằng cách hướng nội. Sự hối cải của thánh Augustine bao gồm rất nhiều kỉ luật lẫn tự hành hạ. Taylor, người ghi lại sử sách xuất hiện của cái tôi hiện đại trong cuốn Cơ sở của cái tôi (1992), viết rằng Augustine “bước vào thế giới nội tâm… bởi lẽ đó là bước đi tới Thiên Chúa”. 
Tương tự, những thế kỷ sau và sau cuộc Cải Cách đã làm tiền đề cho cuộc đấu tranh của những Cơ Đốc nhân với lương tâm, triết gia Đan Mạch Søren Kierkegaard đã công nhận rằng nội tâm chính là con đường chủ chốt dẫn đến Chúa. Kierkegaard có cùng suy nghĩ với Augustine là đâu đó trong những chặng tìm sâu mơ hồ vào trong cuộc sống nội tâm - những gian nan tất cả chúng ta có biến thành chính chúng ta, theo cách diễn đạt của Augustine - chính là con đường đến Chúa. Hơn thế, Kierkegaard nhận ra kẻ thù của thói duy ngã ngay chính tại áp lực của việc tuân thủ trong xã hội “đại chúng hóa”. Chẳng khác mấy với những nhà văn nghiện Twitter ngày nay, ông bị kéo vào những búa rìu trên báo chí Copenhagen thế kỉ thứ 19 và nhận thức sâu sắc được sức ép và sự bóp méo mà truyền thông đại chúng từ thủa sơ khai mang lại. Kierkegaard đã thấy trong thế giới cộng đồng - “thành phố của loài người” như Augustine đã gọi - là một thách thức cho sự thức tỉnh tôn giáo và cho chính công trình sách vở của ông ấy, gồm những quyển sách và cả cuộc đời của triết gia, đến nỗi ông đã hủy cả đính ước với người phụ nữ mà ông yêu thương. 
Với Kierkegaard, trạng thái điển trưng của sự tự khám phá, và những lần luân phiên vào cõi con người và trở lại vùng đất của Thiên Chúa, chính là sự ưu tư. Không đơn thuần chỉ là lo lắng về việc này việc khác, nỗi lo đặc trưng Kierkegaard chính là sự nhận thức về sự vô căn cứ khiếp hãi trong mọi hành vi của con người. Ưu tư đúng nghĩa theo Kierkegaard là nhìn nhận rõ tiềm năng khiết thuần của đời người và đón nhận đọa đày giáng lên chúng ta. Chấp nhận thay vì trốn tránh, nỗi ưu tư nhờ có một kiểu “nhắm mắt đưa chân” đối với Kierkegaard, cũng như đối với những triết gia hiện sinh đã theo bước ông, chính là bản chất của việc ta là chính ta.
The White Torture của Mina Shojaee
Nhưng dũng cảm đưa ra những quyết định vô căn cứ chẳng phải là tất cả để trở thành chính mình. Nghịch lý thay, một trong những phương tiện chính dẫn tới niềm tin sai lệch trong thời đại của chúng ta tự nó trở thành một “biệt ngữ”. Biệt ngữ tính xác thực chính là tiêu đề quyển sách mà trong đó triết gia, phê bình xã hội người Đức Theodor Adorno vào giữa thế kỉ thứ 20 chỉ trích chủ nghĩa hiện sinh. Adorno, cùng những tác phẩm của ông đã được tập hợp lại nhằm giúp ta hiểu rõ cuộc khủng hoảng hiện tại, đã nhìn ra trong triết lý hiện sinh một sự tôn thờ và tủn mủn hóa cái tôi, một mặt có thể thúc đẩy nền văn hóa tiêu dùng, và mặt khác tạo ra những chủ để hoàn hảo cho những phong trào quần chúng phi lý trí như chủ nghĩa phát xít. 
Cuốn sách của Adorno đã đặt dấu chấm hỏi cho tiền đề cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh: rằng một chủ thể hoàn toàn tự do không chịu trách nhiệm cho ai khác ngoại trừ chính họ. Với Adorno, chủ nghĩa hiện sinh chỉ đơn giản là đang thay thế một hiện thể trừu tượng kì bí, vô hình - Thiên Chúa - với một hiện thể khác: chủ thể có cá tính. “Tôn giáo nay chuyển sang chủ thể”, ông viết. Trong quá trình ấy, “chủ thể đang sống đã bị tước đoạt mọi định nghĩa, hệt với cách nó đánh mất chất riêng trong chính thực tại”. Thay vì “hướng nội hay hướng thượng”, các học giả hiện sinh đã chạm sâu hơn nữa vào nội tâm, tìm kiếm cái tôi bị thoái lui và tắc nghẽn đến nỗi chẳng còn một chút linh động nào nữa.... “Nhắm mắt đưa chân” của Kierkegaard bị khoét rỗng hoàn toàn, theo Adorno, và còn chỉ là một nỗ lực bằng mọi cách hòng thoát ra khỏi mọi phương thức đoạt định và dung hợp trường hành vi từ điều kiện của mỗi cá nhân, lịch sử và những con người khác xung quanh.
Chính hiện thể bị khoét rỗng này, tuy nhiên, lại làm ra một khách hàng chuộng mua sắm và có ích cho guồng máy tiêu thụ. Ngày nay, một trong những cách cơ bản chúng ta sử dụng hòng đối phó với sự lo lắng khi là chính mình chính là dựng lên những phiên bản sang chảnh, quý phái bằng sự mua sắm hàng hóa. Nó không chỉ dừng lại ở mua sắm hàng hóa, mà còn bao gồm phong cách, chuyện kim cổ đông tây, bản dạng chính trị - xã hội. Cái tôi, như nhà phê bình xã hội người Mỹ Christopher Lasch viết trong cuốn Nền Văn hóa Ái kỷ (1979), trở thành đích đến khi động cơ của nó giành được sự tin tưởng tuyệt đối. Một sự ‘sùng bái tính đích thực’ mang tính trị liệu (thuật ngữ Lasch mượn từ Adorno) xuất hiện và dẫn tới ngành công nghiệp kinh doanh sách tự-trợ đương thời. Tất cả hạn chế bên ngoài ấy được nhìn nhận với sự hoài nghi, và đời sống hàng ngày, bao gồm cả chính trị, trở thành một nhà hát dành cho những màn độc diễn của cái tôi cá nhân. Niềm tin sai lệch và làm điệu làm bộ - bái vật hóa cái tôi - trở thành một lối sống, và một vòng xoay của hàng hóa, điều trị và phong trào chính trị chưa thành đã bại trỗi lên nhằm lấp đầy cái thị trường rõ là không đáy giảng dạy về tự kiến tạo và tự săn sóc. 
Mạng xã hội trở thành một chốn thể hiện và trợ lực cho tính ái kỷ này, cùng những thứ tương tự mà Lasch có lẽ cũng khó lòng tưởng tượng ra. Kết quả của việc này không còn là nỗi ưu tư triết học của Kierkegaard ra sức trụ vững khi đứng trước vực thẳm, mà là nỗi sợ lâm sàng khôn ngớt đo lường cái tôi trước các avatar phù phiếm và điều chỉnh nó bằng những phản hồi ngầm thỏa hay tỏ lộ theo đúng cách thị trường vận hành. Thay vì cố gắng dung hòa với sự tự do thật sự, “việc ta là ta” đưa lối chúng ta đến với sự tuân phục đóng mác nổi loạn không ngừng tìm cho mình bài thể dục buổi sáng, hay tới hãng quần áo hoặc tới một quan điểm chính trị thật sự là “ta”.
Cô độc trước màn hình máy tính, người sử dụng mạng xã hội, mặc cho những kỳ vọng dành cho sự sáng tạo cá nhân, về cơ bản cũng chỉ mang tính chiêm ngưỡng và thụ động. Đó là không phải là dáng vẻ của tính đích thực mà chính là ái kỷ. Kẻ ái kỷ, Lasch viết, xoay mòng giữa một bên là quyền lực tuyệt đối và một bên là những cơn đau quặn thắt của bất lực hoàn toàn. Nghĩa là, như Lasch làm rõ, ái kỷ rất khác với ích kỷ. Ái kỷ gần hơn với một sự mơ hồ, hoang mang cơ bản và cảm giác kém an toàn về ranh giới giữa bản thân và thế giới.
Chúng ta có thể chứng kiến sự mơ hồ này trong lĩnh vực chính trị nơi, ở mọi hệ tư tưởng, vẫn ưu ái cho tự sự cá nhân và cách diễn đạt hơn với tính đoàn kết. Và chúng ta cũng có thể thấy nó trong sự xé nhỏ gần như trọn vẹn giá trị của sự riêng tư - chính ý nghĩ rằng còn có rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà ta không muốn “chia sẻ” nó với đại bộ phận công chúng . Trong khi đó, hình dung về ‘trở thành chính mình’ đang bị lợi dụng bởi chính những tập đoàn trục lợi từ những khao khát sâu thẳm nhất của chúng ta, khi chúng sử dụng lối tu từ về tự do cá nhân, bản dạng và “khởi nghiệp” hòng chia cắt, giám sát và bóc lột nhân công của chính mình.
Bằng cách nào con người có thể tránh khỏi cạm bẫy của cái đích thực giả hình này? Có thể một hiểu biết về lịch sử bắt nguồn của các lý tưởng về toàn vẹn bản thể và tự do có thể giúp ích phần nào. Như chính trị gia-triết gia người Mỹ Matthew  B Crawford nêu rõ trong cuốn Thế giới trên đầu (2015), người mắc chứng ái kỷ có sự nhầm lẫn về tự do. Crawford theo bước Adorno và Lasch, đồng ý rằng sự vô cơ sở ở hành động của con người không có nghĩa con người có thể và nên độc lập tự quyết. Chúng ta được sinh ra ở nơi chốn và thời điểm cụ thể, với những thuộc tính về tâm thể lý riêng, giữa những con người và truyền thống khác nhau cho phép ta có thể hoặc dựa vào hoặc từ chối. Những giới hạn này chỉ ngột ngạt đi chỉ khi ta xem chúng là ngột ngạt, khi ta coi chúng là những xích xiềng mà cái tôi nên được giải phóng. Trên thực tế, có rất nhiều quy tắc và giới hạn vẫn đang hoạt động: chúng là những điều kiện của tự do chứ không phải rào cản. Chúng là ma sát, là va chạm cho phép ta tiến về phía trước. 
Ngược lại, Crawford viết, thế giới “không ma sát” đang được trưng bày online và các môi trường quá đỗi cầu kỳ, quá nặng nề kiểm soát cả vô và hữu hình của chúng ta lại đặt ta ngay chính giữa cái “thế giới riêng mình” bé mọn thỏa mãn tất cả những ý nguyện của chúng ta. Nhưng bằng cách nào đó, sự kiểm soát kia khiến cho chúng ta cảm thấy thêm bất lực và bất hạnh, theo Crawford - và chưa hết, chẳng hề vô tình, càng dễ tiêu thụ của cải vật chất hơn.
Tính đích thực thật sự, bên dưới những hoàn cảnh như thế này, cần, trước hết, một sự cự tuyệt lại “nhập-tâm” và ảo tưởng và, thứ hai, cự tuyệt cả thừa nhận sự lệ thuộc của chúng ta vào người khác và rủi ro cố hữu ngụ ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống chúng ta. 
Điều này khó thực hiện bởi hầu hết mọi thứ trong nền văn minh này khuyến khích ta ngã trở lại vào chính mình và hẹn hứa rằng chúng ta có thể thoát khỏi quá khứ và loại bỏ cơ may lẫn bất hạnh ra khỏi cuộc đời chúng ta. Một cách đơn giản mà Crawford gợi ý là học cách làm một cái gì đó. Học một kỹ năng - như cách chơi một nhạc cụ, tinh chỉnh lại xe máy (lựa chọn của Crawford), sang sửa nhà cửa, hay viết một sonnet - ngay lập tức đặt chúng ta vào trong những giới hạn cố định và phụ thuộc vào những người đã hoàn toàn tinh thông về chúng. Việc này yêu cầu sự khiêm nhường, nhưng, đồng thời, cũng xây đắp lên năng lực đích thực. Việc này có thể cải thiện tính ái kỷ bằng cách cân bằng lại mối quan hệ giữa ta với chính ta. Trong quá trình chấp nhận kỷ luật và tập trung sự quan tâm dành cho kỹ nghệ ấy, chúng ta nhìn thấy mình không hề toàn năng hay bất lực, mà nằm đâu đó ở giữa hai trạng thái này. Chúng ta là những sinh vật lệ thuộc với cơ thể và trí tuệ yếu ớt, dễ chới với rồi đi đến thất bại, nhưng với từng bộ tài nguyên và khả năng độc nhất có thể được trau dồi với tốc độ đáng kinh ngạc dưới những hoàn cảnh đúng đắn, và điều đó giúp chúng ta dễ bề vượt qua những chướng ngại vật khá ư nghiêm trọng. Chúng ta, ở trong thế giới, luôn mưu trí. Đó chính là cách chúng ta sinh tồn và phát triển, như hình tượng của những anh hùng mưu mẹo Hy Lạp cổ đại như Odysseus hay thần Prometheus. 
Coulour of Human Life của ADL
Học làm một kỹ năng nào đó có thể dạy cho chúng đích xác thế nào mới gọi là hiện thực hóa cái tôi. Từ authenticity - chân nguyên - bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp authentes mang nghĩa “làm chủ” hay “con người cư xử trong thẩm quyền của anh ta” (aut = cái tôi và hentes = làm việc hoặc chế tạo). Quan trọng là, “làm ra cái tôi” không mang nghĩa đen một người làm nên chính anh ta, mà là người làm nên hoặc hành động theo ý muốn của anh ta - chế tác một cái gì đó xuất phát từ cái tôi . Và trong khi đích thân sáng tạo, chúng ta đã thực sự hiện thực hóa được cái tôi của mình. Chúng ta chuyển hóa những cảm xúc bên trong thành thứ có thật.
Cái suy nghĩ đi tìm sự trọn vẹn của con người thông qua một hoạt động thực tiễn nào đó đã có từ Aristotle, nếu không muốn nói sớm hơn. Ông tuyên bố rằng cuộc sống tốt nhất là ‘tự cung tự cấp’, hoặc tự quản, và nhằm vào sự thỏa mãn của những sinh hoạt đặc hữu nhất của con người; tức vận dụng lý trí hướng giao tiếp với người khác chính là cái tách biệt chúng ta ra khỏi các sinh vật khác.
Nhìn theo dòng lịch sử như thế, sức hút chừng như khôn cưỡng muốn “ta được trở thành ta” có lẽ đã đánh mất một vài ánh hào quang của nó. Như sự nội quan hóa và hàng hóa hóa lý tưởng tôn giáo, cuộc săn đuổi cái tôi có thể hỏng bét và rơi vào vũng lầy của hám lợi và ái kỷ. Nói thế, dĩ nhiên, không phải phủ định trái ngọt của hành trình tạo ra cái tôi đích thực, mà đơn giản là sự phản chiếu những cảm xúc và ước vọng sâu thẳm nhất của chúng ta không thể được xem là cứu cánh. Kể cả khi không “hướng nội và hướng thượng” như Thánh Augustine, những quán chiếu ấy chỉ có ý nghĩa khi nó giúp chúng ta, về lâu dài, bỏ mình lại phía sau để rồi hòa hợp một cách sáng tạo với thế giới bên ngoài. Đi vào nội tâm, nói cách khác, là một ý tưởng hay chỉ khi chúng ta có dự định quay trở ra ngoài.
Nếu đủ may mắn, thì, ta có thể thấy bản thân mình được phản chiếu trong những việc giàu ý nghĩa, trong thứ ta tạo ra, nhưng liệu có còn ý nghĩa nào lớn lao hơn thế không? Liệu rằng ta có nên từ bỏ hoàn toàn mong muốn ‘hướng thượng’ như thánh Augustine hay không? Với nhiều người trong chúng ta, đức tin vào Thiên Chúa đơn giản không hề tồn tại, thậm chí quá vô lý. Kierkegaard, thật ra, đã hiểu được mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa thông qua khái niệm phi lý. Ông viết: “Sự phi lý thật ra cũng là một tiểu loại, một tiêu chuẩn mang tính tiêu cực… trong mối quan hệ giữa ta với thánh thần.” Phi lý là một trạng thái cảm xúc khi năng lực lý luận của con người đã cạn kiệt trước những quyết định mà ta đối mặt trong tư cách con người. Ở đây, người có đức tin có lẽ chọn lấy nhắm mắt đưa chân. như Kierkegaard đã nói: “Khi tín hữu có niềm tin, điều phi lý cũng không còn phi lý nữa.” 
Theo cách đó, bạn của Sartre, tác gia theo tư tưởng hiện sinh Albert Camus đã viết: “Phi lý được sinh ra từ cuộc đối đầu giữa nhu cầu của con người và sự thinh lặng phi lý của thế giới”’. Đối với những nhà hiện sinh như Sartre và Camus, chẳng phải đức tin, mà đơn giản chính là quyết định và hành động của con người mới chế ngự được sự phi lý. Có thể thấy rằng, hướng sự chú ý vào hành động vi tế cũng có thể dẫn đến chủ nghĩa duy ngã. 
Vậy ta nên hiểu như thế nào về vị Chúa vắng bóng tịnh thanh? Hiểu biết của Kierkegaard về sự phi lý chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn ở Đức vào cuối thế kỉ thứ 18. Nhóm những nghệ sĩ, triết gia, nhà phê bình này, tôi nghĩ, bày ra một cách hiểu hoàn chỉnh hơn mối liên hệ giữa chúng ta và “sự im lặng phi lý của thế giới” - tức cái họ gọi là tuyệt đối.
Những nhà tư tưởng theo phái Lãng mạn đã nỗ lực thấu hiểu những thay đổi về công nghệ, kinh tế xã hội, chính trị và thẩm mỹ cập bến châu Âu, thứ “làm tỉnh ngộ” thế giới. Họ phản đối cả điều họ đã xem là một triết lý Khai sáng hết sức lý trí và phản đối một xã hội có thể lý giải mọi thứ quá sức tài tình. Họ không sợ khác biệt với những người cha người mẹ tư sản của họ, mà sợ cái mà Adorno về sau gọi là “xã hội bị kiểm soát hoàn toàn”. Họ đã công bố một danh sách những tương quan mà tôi vừa thảo luận: giữa đám đông và cá nhân, giữa thành phố trụy lạc với thiên nhiên hoang vu, giữa sự vô nghĩa hàng ngày của công việc với cảm giác hứng khởi, hồi hộp của cuộc sống muôn màu sáng tạo.
Họ không xem sự thiếu tương thích giữa phấn đấu của con người với sự thiếu ý nghĩa từ đấng trên cao là phi lý hay mai mỉa. Ngày nay, chúng ta thường nghĩ về những cá nhân mai mỉa là bọn lánh loại, tự bảo vệ, chối bỏ và châm chích, không dám xem trọng bất cứ điều gì - một giống loài khác của ái kỷ. Nhưng với học giả Lãng mạn như Schlegel, mỉa mai đã là một đặc tính khách quan từ nguyên thủy của quan hệ con người và thế giới, và chỉ đứng sau thái độ chủ quan. Tình huống của chúng ta trớ trêu bởi cái tuyệt đối - nền tảng hay lẽ sinh tồn - là cái mãi mãi ta không có được, và chúng ta không thể làm gì khác ngoài phấn đấu hòng đạt tới sự toàn mỹ, đặc biệt trong nghệ thuật. 
Cái tuyệt đối ấy không tài nào được thể hiện trọn vẹn, khoan hãy tính tới việc chạm vào; ấy vậy mà, bằng những hành vi biểu cảm do chúng ta tạo ra, chúng ta gắng sức để nắm lấy thứ tuyệt đối, để hiểu và rành rọt chỉ rõ đâu là nơi chốn của chúng ta trên thế giới này, lý do để tồn tại ở đây. Cái mà rốt cuộc chúng ta tạo ra thiếu đi sự thấu triệt, nhưng vẫn là một mảnh liên quan ít nhiều, dẫu hạn hẹp, với cái toàn thể bất khả tri.
Nhà châm biếm theo phái Lãng mạn không xem tình huống này vô lý, mà còn phù hợp nữa. Nếu trở thành phiên bản chân xác của chính mình, chúng ta nên chấp nhận, vừa mỉa mai cũng vừa khiêm nhường, giới hạn của mỗi con người về nhận thức cũng như nỗ lực cá nhân, mà không cảm thấy tuyệt vọng. Chúng ta nên đón nhận bản chất phân mảnh thiết yếu của các nỗ lực bản thân, và nên làm phong phú các nỗ lực của mình bằng cách đặt mình vào vị trí của kẻ khác, nhất là những bậc tiền nhân. Theo đó, chúng ta tiến gần hơn vào cái tuyệt đối.
Chính thái độ trớ trêu ấy đã cho phép ta, như Socrates, thực sự biết những gì ta không biết, có thể hài lòng với sự ngờ nghệch mà vẫn không để nó giới hạn mình, và để làm dịu khát khao dành cho sự toàn bích bằng sự thấu hiểu chân xác về giới hạn của bản thân. Từ góc nhìn này, sự thinh lặng của thế giới không phi lý một tí nào.
Dịch: Nhi Tran
BT: K