Chân dung Lê Lợi. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Việt Sử Kiêu Hùng


Năm 1418, Lê Lợi cùng 18 gia tướng dựng cờ khởi nghĩa tại vùng Tây Thanh Hóa, chống lại quân Minh. Chúng ta đều biết đó là khởi đầu của vương triều Lê sơ về sau. Tuy nhiên, có nghi vấn cho rằng, trước khi chống lại giặc Ngô, Lê Lợi đã từng làm quan cho người ngô. Việc này thực hư thế nào? 

“Đông A nhập địa, mộc dị tái sinh”

Đầu thế kỷ 15, tình hình chính trị nước ta có nhiều biến động. Năm 1400, nhà Trần để mất ngai báu vào tay Hồ Quý Ly. Bảy năm sau, nước Đại Ngu của nhà Hồ lại nhanh chóng sụp đổ dưới gót quân Minh xâm lược. Vua tôi nhà Minh âm mưu đồng hóa Đại Việt bằng nhiều cách thức tàn bạo. Cơn ác mộng ngàn năm Bắc thuộc bất giác trở lại và đè nặng tâm trí các bậc thức giả trong nước.
Lê Lợi không đứng ngoài những biến động của thời cuộc. Ông nối nghiệp tổ tiên giữ chức phụ đạo ở Lam Sơn. Theo Lam Sơn thực lục, trong giai đoạn này, Lê Lợi “ẩn giấu ở núi rừng, làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách thao lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ”. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 đồng chí xuất hiện tại hội thề Lũng Nhai, tuyên thệ một lòng dốc sức đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập dân tộc, thu non sông về một mối. Sứ mạng tái sinh triều thống của Lê Lợi sau này sẽ được sử gia Ngô Sĩ Liên hợp thức hóa trong Đại Việt sử ký toàn thư bằng lời sấm trên cây gạo ở chùa Cổ Pháp bị sét đánh năm 1009: “Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung kiến nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình.” Trong đó, hai câu “Đông a nhập địa, mộc dị tái sinh” tiên báo việc nhà Trần (Đông A) sẽ mất và một họ Lê khác sẽ sinh ra.
Khi phân tích giai đoạn 1416 đến 1418 trước khi khởi nghĩa Lam Sơn chính thức nổ ra, chúng ta khó tránh khỏi thắc mắc Lê Lợi đã có những nước cờ gì để đối phó với quân Minh trong thời gian này. Việc chiêu tập lực lượng của Lê Lợi ắt hẳn khó lòng tránh khỏi con mắt của các đại quan nhà Minh như Hoàng Phúc, Trần Trí, Sơn Thọ lẫn các thổ quan người Việt phục vụ Minh triều như Lương Nhữ Hốt. Lê Lợi đã ứng phó như thế nào với quan lại nhà Minh cũng như ông đã có phản ứng gì với các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh trước đó? Chỉ cần sai một nước đi, toàn bộ ván cờ chính trị của Lam Sơn và của Lê Lợi sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Hai câu sấm trên cây gạo ở chùa Cổ Pháp, hương Diên Uẩn

Lê Lợi từng làm quan cho nhà Hậu Trần?

Trước khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, đã có những cuộc phát binh phục quốc của dòng dõi nhà Trần là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng liên tiếp xuất hiện, chiêu mộ anh hùng hào kiệt để đánh đuổi quân Minh. Lê Lợi có đóng góp gì cho khởi nghĩa của nhà Hậu Trần hay không?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Lợi “thấy họ [tức Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng] yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.” Tuy nhiên, theo Việt sử tiêu án, Lê Lợi từng giữ chức Kim ngô tướng quân và phò tá Trùng Quang Đế, tức Trần Quý Khoáng.
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, tác giả công trình khảo cứu Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh: từ danh tướng đến tôn thần, dẫn Minh thực lục cũng xác nhận thông tin về mối quan hệ của Lê Lợi với Trùng Quang Đế như Việt sử tiêu án. Kết nối thông tin trong Đại Việt sử ký toàn thưMinh thực lục, chúng ta có thể đưa ra giả định: Lê Lợi thực sự từng giữ chức Kim ngô tướng quân dưới trướng Trùng Quang Đế và sau đó đã rời bỏ vị tôn thất nhà Hậu Trần trước hoặc sau khi Trùng Quang Đế bị bắt.
Đại Việt sử ký toàn thư chép lược đi sự dính líu của Lê Lợi với Trùng Quang Đế hẳn có động cơ về mặt chính trị, nhằm tôn vinh Lê Lợi như một bậc anh hùng chủ sự hoàn hảo và không có chút quá khứ nào của một viên tướng thất trận, chọn lầm mặt chủ.

Tuần kiểm Lê Lợi?

Không chỉ bác bỏ hoàn toàn sự dính líu của Lê Lợi với nhà Hậu Trần, sử nhà Lê cũng rạch ròi trong quan hệ của Lê Lợi với nhà Minh. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, … Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.”
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ dẫn Minh thực lục rằng, Lê Lợi từng nhận giữ chức tuần kiểm ở huyện Nga Lạc dưới thời thuộc Minh, phụ trách việc kiểm soát trật tự trị an trong vùng. Lam Sơn thực lục cũng cho biết Lê Lợi nhiều lần dùng tiền của để hối lộ cho các quan viên nhà Minh là Trương Phụ, Mã Kỳ, Sơn Thọ để tránh bị nạn, chờ đợi thời cơ trong lúc nghĩa quân còn yếu.
Việc một viên quan nhỏ như Lê Lợi có thể tiếp cận viên tổng binh Trương Phụ cho thấy rõ có một mối quan hệ hợp tác giữa Lê Lợi và quan lại nhà Minh. Mối quan hệ này càng được chứng thực bởi sự an toàn tương đối của nghĩa quân Lam Sơn trong giai đoạn 1416-1418 bất chấp sự soi mói, tố giác của viên thổ quan người Việt Lương Nhữ Hốt.
Sự hợp tác tạm thời của Lê Lợi với nhà Minh là một nước cờ cần thiết khi tương quan lực lượng giữa hai bên còn khá lớn. Nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ nhận định về tính chất của mối hợp tác giữa Lê Lợi và nhà Minh như sau: “Không phải cứ hợp tác với giặc là đầu hàng quân giặc và theo giặc. Đó là một quãng nghỉ, một phương thức để sinh tồn trong lúc lực lượng mình còn yếu.”
Nước cờ tạm hòa hoãn của Lê Lợi cũng không phải quá xa lạ trong phép dùng binh. Chúng ta sẽ gặp lại “phương thức sinh tồn” của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp của Hoàng Hoa Thám sau này.
Đại Việt sử ký toàn thư đương nhiên sẽ phải phủ nhận hoàn toàn mối quan hệ của Lê Lợi với nhà Minh để tiếp tục giữ trọn hình ảnh không tì vết của vị anh hùng sáng tổ nhà Hậu Lê.

Lam Sơn – Ván cờ không kể mười năm

Bằng những nước cờ mềm dẻo và linh hoạt như thế, Lê Lợi đã từng bước đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến chỗ thắng lợi, sau hai năm dưỡng binh trong ẩn nhẫn và mười năm dụng binh trong gian khó. Dẫu có lúc cương lúc nhu, khi thành khi bại, ván cờ Lam Sơn vẫn kết thúc ở vinh quang và đem lại sự tái sinh cho triều thống Hồng Bàng. Tiếng của chủ soái Lê Lợi vẫn âm vang giữa núi rừng Lam Sơn từ ngàn xưa và cho ngàn sau: “Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”
Nghĩa quân Lam Sơn đối đầu quân Minh. Nguồn: Việt Sử Kiêu Hùng
Ghi chú: Bài viết được trích ra từ podcast “Lam Kỳ” do Sử Talk sản xuất. Bạn có thể nghe toàn nội dung cuộc hội thoại trên ứng dụng Voiz FM.
 
Đỗ Quốc Đạt Nhân (ghi)