“I'll never be an angel / I'll never be a saint, it's true / I'm too busy surviving”
Đó là những câu hát đầu tiên của Madonna trong bài "Survival", cũng là track đầu tiên của album Bedtime Stories (1994).
Với tôi đây là một trong những album nhiều kỷ niệm khi hồi đầu cấp 3, vớ được chiếc đĩa xịn mua từ nước ngoài của ông cậu. Tôi như vớ được vàng. Đã biết đến “danh tiếng” Madonna, lại còn tên đĩa là Bedtime Stories mà hồi đó với vốn tiếng Anh hạn chế, tôi hiểu mơ hồ là câu chuyện giường chiếu. Thế nên tôi hí hửng mở tập booklet của bìa đĩa ra xem những tấm hình trong đó. Tôi nhớ là thấy Madonna nằm lăn lộn trên tấm ga trắng nhưng mọi thứ đều gọn gàng. Không có gì lố như tôi tưởng. 
Thất vọng, tôi đành cho đĩa vào máy nghe. Tâm trạng tôi thay đổi hẳn. Lòng tôi dịu xuống. Những bản ballad như Secret, Survival, Forbidden Love, Love Tried To Welcome Me, Take A Bow là những bài hát tuyệt vời. Và dĩ nhiên những ca khúc khác như Human Nature hay Inside Of Me cũng đều có nét quyến rũ riêng. 
Thời đó với tôi, giọng ca của Madonna là một trong những giọng ca nữ ưa thích lúc đó, cùng với Mariah Carey, Whitney Houston và một chút của Celine Dion. Dẫu cho nhiều người vẫn coi ba cô kia như vocal trinity - top 3 giọng ca vàng diva, thì cá nhân tôi vẫn cảm thấy giọng Madonna nghe lâu “chán” nhất. Có lẽ do âm vực của cô không trải dài như ba bạn kia, cô không hát được những nốt cao vút như ba cô kia (và cô cũng không bận tâm). Vì thế Madonna dường như phải "làm được nhiều hơn từ số vốn ít hơn": các bản ballad của Madonna tự dưng lại “thật”, chân tình và đặc biệt là giọng cô nghe gần gũi hơn cả. Chất giọng ấm áp đấy tạo ra những bản ballad nghe rất lâu ngán, có thể kể thêm như This Used To Be My Playground, You’ll See, One More Chance.

Quay lại đĩa Bedtime Stories, ngoài kỷ niệm mượn đĩa xịn không trả đó, đĩa này cũng thuộc album ưa thích của tôi do chất lượng những bài hát đồng đều và sâu lắng nhẹ nhàng hơn. Tất cả đều là chủ ý của Madonna khi thực hiện album này: được phát hành vào thời điểm chuyển giao phong cách âm nhạc, Bedtime Stories đâm ra chìm lắng hơn các album khác, có lẽ do sự phá cách như tính cách vốn có của Madonna không còn hiện diện nhiều. 
Thời nào cũng vậy, nhắc đến cái tên Madonna, người nghe thường lập tức liên tưởng đến hình ảnh cô gái nổi loạn với tư tưởng tình dục phóng khoáng. Kể cũng phải thôi, cô từng tốc váy khoe đồ cho đám bạn trong trường, phát hành mấy ca khúc như "Like A Virgin" (lọt hẳn vào top Filthy Fifteen cấm kỵ của phụ huynh Mỹ), cả một album tiêu đề Erotica, rồi cả một cuốn sách với tiêu đề "Sex" trong đó đầy hình ảnh khoả thân của cô, chưa kể một bộ phim Body Of Evidence với nhiều những cảnh nóng. Lúc đầu mọi người còn sốc, xong cảm giác đó dần bị thay thế bởi sự khó chịu, và những hình ảnh nổi loạn này của Madonna thường được nhắc đến theo ý tiêu cực và che phủ cả tài năng của cô. 
Thế nên hãng đĩa Maverick & Sire bắt đầu đề nghị Madonna tiết chế, đầu tiên là với single cảnh báo I’ll Remember, mang một phong cách dễ đón nhận với khán giả hơn. Chơi luôn, vì Madonna thực sự biết tận dụng nhan sắc và tài năng (vừa chơi trống, guitar và sáng tác nhạc) để gây dựng nên bất cứ hình ảnh âm nhạc nào mà cô muốn. Album Bedtime Stories vì vậy được thực hiện cũng theo hướng nền nã hơn, với nhiều bản ballad mang chất r&b hơn. Mọi người ngỡ tưởng thứ nhạc hiền lành này sẽ là công cụ để Madonna thay đổi quan điểm nổi loạn của mình hay thậm chí nói lời xin lỗi. Nhưng hóa ra không đơn giản. 
Ở bài đầu, Survival, cô khẳng định mọi người đừng mong đợi cô thay đổi để trở nên thánh thiện hay biến thành thiên thần khi bản thân cô phải tự vượt qua những chỉ trích của dư luận cho chủ nghĩa tự do trong việc thể hiện quan điểm bản thân. Trong bài Human Nature, cô nói luôn “I’m not sorry. It’s human nature”, hay “I’m not your bitch, don’t hang your shit on me”. Đây chính là một trong những bài hay nhất của Madonna khi phần lời thể hiện hết sức thẳng thừng những suy nghĩ của cô. Với Madonna, việc nêu lên quan điểm cái nhìn phóng khoáng về sex không có nghĩa cô là con người có lối sống buông thả. Quan trọng hơn cả, việc báo chí hay xã hội công kích cô chỉ đơn giản vì họ không quen chấp nhận thái độ đó từ một người phụ nữ. 

Việc không nói lời xin lỗi không chỉ là lời khẳng định cho sự bình đẳng nữ quyền trong xã hội, mà còn thể hiện sự tự do trong ngôn luận của cô. 
Trong bài "Love Tried To Welcome Me", một bản ballad hoàn hảo ngang với "Take A Bow", Madonna tự sự “loneliness has never been a stranger to me” và “I know how to laugh but I don’t know happiness”. Sự cô đơn của cô ở đây có lẽ chính từ sự chụp mũ vội vàng của xã hội. Đâu có mấy ai để ý, Madonna đã từng là cô gái nhỏ học hành chăm chỉ và luyện tập nghệ thuật nghiêm túc. Đâu có ai để ý, Madonna trước đây đã từng rơi xuống đáy khi phải chứng kiến người mẹ thân yêu ra đi quá sớm, để rồi cô luôn muốn ở bên người bố với nỗi lo mất ông. Có ai hiểu được Madonna đã từng là cô gái cô đơn tìm kiếm vô vọng một tình yêu gia đình trọn vẹn sau khi ông bố đi bước nữa bất chấp sự phản đối của cô do tình yêu quá lớn với hai người. 

Cũng những con người đó, họ đâu có ngờ Madonna sau này còn đóng một vai mang tính biểu tượng trong phim Evita và còn đoạt giải quả cầu vàng cho vai diễn đó, mặc cho những lời can gián cũ mèm với đoàn làm phim về cái sự nổi loạn của cô. 
Nó chỉ chứng tỏ một điều: cô là nghệ sĩ tài năng thực sự, người luôn hết mình và nghiêm túc với nghệ thuật. Và đôi khi, vô tình thứ nghệ thuật cô theo đuổi nằm ngoài  truyền thống hay định kiến mà xã hội hay áp đặt. 
Đấy, khi Madonna chuyển ngoặt sang dòng nhạc dance điện tử trong đĩa Ray Of Light ngay sau album Bedtime, thì giới phê bình lại quay ra khen ngợi không hết lời và album sau đó được 4 giải Grammy. 
Thế nên, dẫu cho album Bedtime Stories hay bị bỏ quên mỗi khi mọi người nhắc đến Madonna, vì nó hơi chìm giữa hai dòng chảy mạnh mẽ - của sự nổi loạn ở Erotica và sự trưởng thành ở Ray Of Light, với tôi Bedtime Storieslà bước nghỉ quan trọng của Madonna. 
Và quan trọng hơn, tiêu đề của đĩa giống như cách mà Madonna tìm đến với người nghe để nói chuyện ngay trước giấc ngủ, ở cái thời điểm thật yên tĩnh và thích hợp để nói những câu chuyện dung dị, để kể câu chuyện về chính cô. Để rồi sau một giấc ngủ sâu yên bình, chúng ta bừng tỉnh trước một hình ảnh Madonna hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ được cá tính và tài năng của mình. 
Hẹn gặp lại.
Kroon