Tiền của tui đi đâu hết vậy? Where all my money goes?

Với trò chơi vừa mang đầy tính rủi ro vừa không được phép hên xui may rủi này, tui nghĩ mình đôi khi là một người chơi thuộc hệ cảm tính. Đó là đôi khi thôi, còn lại tui vẫn công nhận một con người có số chủ đạo là số 4 như tui đây, tui khá là tính toán chuyện tiền bạc. Và tui thấy mình chưa tốt ở điểm này, bởi vì tui tính toán dở ẹc. Mang tiếng học lớp chuyên Toán Lê Quý Đôn (không hiểu sao hồi đó thi đậu), mà hiện tại tui ra đường mua cam 25 ngàn 1 kí, 1 kí rưỡi 45 ngàn, sau đó được anh bán hàng chỉnh lại mới đưa đúng số tiền. Vậy nên mới có câu hỏi này, bởi vì lâu lâu tui lại hoang mang thảng thốt lên “Tiền của tui đi đâu hết rồi?” “Tháng này xài cái gì mà hết trơn tiền rồi?”
Trong quá khứ, tui đã nhiều lần tìm cách kiểm soát chi tiêu của mình. Có thể kể đến một vài cách như ghi lại cụ thể từng đồng ra đồng vào mỗi ngày lên giấy note, cuối tháng tổng hợp lại. Sau đó tui thấy giấy note vứt lung tung quá nên chuyển qua ghi vào sổ, kết hợp với ghi nhật ký luôn. Được một thời gian thì không thể duy trì được cái nào cả. Sau đó được bạn bè giới thiệu app, tui nhớ tầm 3 năm về trước, tên là Money Lover (biểu tượng hình con heo, mà mãi tui mới nhận ra hóa ra đó là con heo đất). Cũng thử nhập nhập rồi theo dõi, nhưng cũng lại chẳng duy trì được. Trời ạ! Có thể là do lúc đó tui chưa thực sự “cần” phải kiểm soát tiền bạc lắm, và cũng chưa có nhiều thứ để mà quản lý trong vấn đề tài chính của cá nhân, hoặc là tui chưa lần nào rơi vào cảnh hết sạch tiền trong túi (à thì tui sẽ đi mượn trước khi tui hết đó mà), hoặc đơn giản là tui vẫn chưa tìm được cách nào phù hợp với bản thân mình. 
Tháng 7 năm nay, giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng và gần như không thể ra khỏi nhà ngoại trừ đi đổ rác và nhận hàng đồ ăn thực phẩm, tui quyết định ghi lại hết tất cả các khoản thu chi của mình lên… Excel. Với cấu trúc tự do tùy chỉnh, rất nhiều cột để lấp vào và rất nhiều màu sắc để tô, tui nghĩ đây là một nơi chốn đúng đắn. Và tui đã thành công! Yê, sau khi ghi lại chính xác, so sánh tổng số tiền mà tui có từ đầu tháng với thời điểm cuối tháng, tui nhờ bạn Excel xuất cho tui một chiếc biểu đồ tròn các hạng mục chi tiền của tui trong tháng 7, và nó trông như vầy.
Làm một phép so sánh nhẹ với các quy tắc chi tiêu phổ biến như là 50/20/30 hoặc là quy tắc 6 chiếc lọ thì tình hình tài chính của tui đang không ổn áp lắm. Tiền nhà chiếm tỉ trọng cao nhất, có vẻ tui nên cân nhắc chuyển nhà sau khi hết hạn hợp đồng, hoặc kiếm nhiều tiền hơn để giảm tỉ trọng của nó xuống. Tuy nhiên, có 2 điều tui thấy quan trọng hơn chính là: thiếu vắng sự góp mặt của 1 khoản tiền tiết kiệm; tỉ lệ giữa các hạng mục chưa cân đối. Phân tích một chút, tháng 7 đang là lúc cần phải tích trữ đồ ăn và nhu yếu phẩm vì rất khó khăn để mua, thế nên hai bạn này chiếm tỉ trọng hơi cao cũng khá hợp lý. Tuy nhiên hiện tại tình hình dịch đã ổn áp hơn rồi, các bạn trẻ mang tên “Học hành” và “Đầu tư” nên được vỗ béo thêm chút.
Tự vỗ ngực cho màn phân tích ngoạn mục vừa rồi, tui bỗng có động lực cho lần ghi lại chi tiêu tiếp theo quá. Cảm giác đã nhất chính là lúc bạn Excel xuất cho tui biểu đồ này và thấy tỉ lệ của những ô màu tượng trưng cho sự thông thái của tui. Tui cảm thấy cách này khá là ổn, 3-4 ngày tui sẽ ghi lại các khoản tiền, và cũng không mất nhiều thời gian lắm. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là chân ái của cuộc đời tui, tui lại không thể duy trì cách thức này được... lâu hơn 1 tháng.
Tui lười quá nhỉ? Tui không nên tự chê trách bản thân ở một nơi công cộng như vầy đâu nhỉ? Đúng thế. Tui chia sẻ thật tình và tui mong kinh nghiệm của tui sẽ là một chút hữu ích với bạn trong sự nghiệp dài hơi này. Hiện tại thì tui vẫn chưa tìm được cách nào phù hợp nhất với bản thân. Dự định sắp tới của tui là liên hệ với một vài người bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và hỏi xin ý kiến của họ. Nếu bạn có ý tưởng nào hay và hiệu quả thì có thể cho tui xin ý kiến ở phần bình luận được không nè?
Ảnh bởi
Fabian Blank
trên
Unsplash
Và tui hít một hơi thật sâu, mục đích của việc ghi chú lại, quản lý tiền bạc của bản thân này là gì vậy?
Tui trong vai một người chơi hệ lý tính: để chuẩn bị cho những mục tiêu to lớn trong tương lai (ví dụ như kinh doanh, cưới vợ, xây nhà, mua xe, báo đáp lại cha mẹ,v..v…) và xa hơn là mục tiêu tự do tài chính của bản thân.
Tui trong vai một người chơi hệ cảm tính: để ngay lúc tui muốn quyết định chi một khoản tiền bất kì nào đó, không cần phải đắn đo xem mình còn tiền hay không.
---
Xem thêm về Thử thách viết chữ - Writing Challenge nếu như bạn muốn tham gia cùng tui nhé.