Đôi lúc ta nghe được mấy câu như "vô chiêu thắng hữu chiêu", "biết thì không cần phải nói", "biết thì không có cách gì nói", "người thật sự biết thì không có nói nhiều", "không cần phải nói mà người khác vẫn theo", v.v. Lão Tử đã khái quát những thứ biết-không-lời đó thành một thứ gọi là "đạo", và tổng kết lại thành một câu "đạo khả đạo phi thường đạo".
Tôi nhận thấy, thật ra thứ gọi là đạo rất dễ hiểu: nó chỉ là tri thức ngầm (tacit knowledge) mà thôi. Tri thức ngầm là loại hiểu biết, mà như cái tên đã nói, rất khó để miêu tả được. Một khi ta đã quen làm rồi, thì khi ai đó hỏi ta không biết phải làm sao để họ hiểu được. Ví dụ như cách đạp xe đạp, cách nói tiếng Việt, cách cài hệ điều hành. Trẻ tự kỷ không hiểu được cảm xúc của người khác là vì nó bị thiếu loại tri thức này, và nếu không có chuyên môn cả hai sẽ rất bối rối để hiểu được nhau.
Nói chung, tôi nhận thấy những ý tưởng trong cuốn Đạo Đức Kinh đều là ứng dụng của tâm lý học nhận thức. Ví dụ, chương 12 ghi:
Năm mầu khiến người mù mắt.
Năm giọng khiến người điếc tai.
Năm mùi khiến người tê lưỡi.
Đây chính là hiện tượng mồi (priming effect). Bạn có thể xem một thí nghiệm về nó ở đây. Những vấn đề siêu hình học như tính uyên nguyên của vũ trụ, hoặc sự siêu việt khỏi phân biệt nhị nguyên, hoặc việc trong âm có dương trong dương có âm, tôi nhận thấy nó liên quan tới ngôn ngữ học. Niềm vui của một người hiểu Đạo có lẽ là niềm vui của một người thấy được sự biến nghĩa của từ. Ở đây tôi không đi sâu; bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc bài chi tiết này.
Vô vi, khái niệm trung tâm của Đạo học, có ít nhất những nét nghĩa sau:
  • Hành động đơn giản nhưng hiệu quả
  • Hoàn toàn không đoái hoài đến việc mình sẽ được gì mất gì
  • Làm một điều phức tạp mà còn không nhận ra là mình đang làm nó
  • Tập trung hết mình vào việc cần làm, luôn có thể tiên đoán trước những điều bất lợi và xử lý nó
  • Không cần phải làm gì cả vì ta đã thấy được quy luật; hiểu rằng cứ để yên thì mọi thứ sẽ tự sắp xếp vào trật tự của nó
  • Làm một điều bất khả hoặc điên rồ mà vẫn tự tin không biết sợ là gì, như kiểu bước vào giông bão mà vẫn còn cười được
Tôi nghĩ, nếu ta có thể kiểm soát tốt các quá trình chú ý và ghi nhớ, thì ta có thể dễ dàng tìm được cách để thăng bằng trước các loại áp lực, tìm được lối ra trước vô số bế tắc, và làm được những thứ có phần siêu nhiên như vậy. Và như vậy, dù thứ ta làm tưởng như là rất khổ, ta không hề khổ.

Những vấn đề có thể gặp

Với một người không thấy khổ khi làm thứ tưởng như là rất khổ, họ sẽ luôn bị người khác hiểu lầm. Chuyện này sẽ dẫn tới hai tình huống:
  • Họ thấy việc phải luôn giải thích là mất công quá, nên không giải thích luôn
  • Họ thấy việc bị hiểu lầm là buồn cười quá, nên sẽ chủ động làm mình bị hiểu lầm thêm
Ngoài ra, chính họ cũng có thể hiểu lầm tư tưởng Đạo giáo, khi cho rằng hiểu biết làm ta mù mắt.
Để không phải mất công trả lời nhiều lần, ta có thể dùng các phần mềm ghi chú như OneNote hoặc Google Keep để luôn có thể đưa ra lời giải thích một cách nhanh chóng. 
Nếu ta chủ động làm người khác bối rối để mình thấy vui, thì thật ra ta đã để bản thân vào trong đó, và như vậy những tư tưởng triết học của nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Ta sẽ thích nói chuyện úp úp mở mở hơn, vì nó khiến ta trở nên huyền bí trong mắt mọi người. Điều này rất nguy hiểm, vì từ việc là một tư tưởng hay, nó trở thành một cái cớ thuận tiện để biện minh cho những gì mình muốn và thoái thác trách nhiệm. Nguy hiểm hơn, là khi đã quen với chuyện đùa giỡn với người khác rồi, ta sẽ không biết cách nào để dừng lại dù ta biết ta sai.
Đạo giáo đòi hỏi ta phải có được cặp mắt không định kiến của trẻ thơ, và sự thông thái của một người từng trải. Chìa khóa để một người từng trải không gặp định kiến, và một đứa trẻ có được sự thông thái, đó là sự hiểu biết. Người theo Đạo giáo càng muốn nó hơn, vì họ không muốn mình trở thành thùng rỗng kêu to, ếch ngồi đáy giếng. Họ sẽ lấy học hành làm niềm vui, chứ không cổ súy việc làm mình trở nên ngu dốt.