Đến với bóng đá, hẳn ai cũng có một khát vọng cháy bỏng là sút tung lưới đối phương. Tuy nhiên, một số người lại đến với bộ môn này với mục tiêu ngược lại, ngăn không cho trái bóng đi vào khung thành đội nhà. Tôi đang nhắc đến vị trí thủ môn hay còn được gọi thân thương là người gác đền!
" Mọi đứa trẻ đều mơ ước ghi một bàn thắng hoàn hảo. Còn tôi lại luôn mơ ước ngăn chặn chúng" -  Iker Casillas( Thủ môn, cựu đội trưởng, huyền thoại của Real Madrid và đội tuyển Tây Ban Nha)


Thủ môn là vị trí đầu tiên trong một đội hình bóng đá, và cũng vì thế mà hầu hết các thủ môn đều mặc áo số 1. Đây là vị trí duy nhất trên sân được phép dùng tay để chơi bóng nhưng chỉ giới hạn trong vòng cấm. Những người gác đền thường chỉ có nhiệm vụ  ngăn chặn những cú sút đến từ đối phương bằng mọi thứ trên cơ thể, kể cả là vùng nhạy cảm! Rồi sự phát triển của bóng đá đã làm cho thủ môn không chỉ biết cứu thua mà còn tham gia vào lối chơi chung của toàn đội, hoạt động không chỉ trong khu vực vòng cấm địa của mình. Chúng ta thường thấy điển hình nhất là thủ môn người Đức, Manuel Neuer, anh là một trong những người đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan điểm chung về vị trí thủ môn trong bóng đá, một định nghĩa hoàn hảo  của "Thủ môn quét- Sweeper-Keeper".  (Đến đây lại hơi lý thuyết rồi, tem tém lại thoi! :v)
Manuel Neuer, thủ môn người Đức đang thi đấu cho CLB Bayern Munich, người định nghĩa lại vị trí thủ môn.

Thủ môn được đánh giá là vị trí khó chơi nhất trong một đội hình và ... tốn kém hơn so với những vị trí khác. Bạn phải chấp nhận chịu đau, sẵn sàng bay lộn, đưa đôi tay thậm chí cả thân mình ra để chặn những cú sút như búa bổ của đối phương; Bạn phải học rất nhiều những kỹ năng cơ bản khác ngoài đỡ bóng và chuyền bóng như bay người, đổ người, bắt bóng, đẩy đấm bóng,...  Và trước khi bắt đầu, bạn phải đầu tư thêm 1 chút vào việc sắm cho mình một đôi găng tay bên cạnh một đôi giày, bạn có thể chọn bắt tay không nhưng tôi khuyên các bạn chơi thủ môn  hãy sử dụng găng tay để hạn chế tối đa những chấn thương có thể gặp phải. Ngoài ra, những người gác đền cũng là những người chịu thiệt thòi nhất so với các vị trí còn lại. Một tiền đạo sút 10 quả thì 9 quả hụt nhưng một trong số đó thành bàn, mọi người sẽ sẵn sàng bỏ qua cho anh ta; Trái lại một thủ môn cứu thua nhiều lần trong đó có những pha xuất thần tuy nhiên lại để thủng lưới 1 bàn, anh ta sẽ trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích, mọi người sẽ chỉ nhớ đến bàn thua của anh ta mà chẳng cần biết anh ta đã cứu thua xuất thần như nào trước đó. Và trong mỗi bàn thua, người đầu tiên mà bạn muốn chỉ trích là ai? Chắc chắn là thủ môn rồi, cho dù lỗi dẫn đến bàn thua đến từ sai sót của tuyến trên và anh thủ môn không có một cơ hội để ngăn cản đội bạn sút tung lưới nhà. 

Tuy nhiên, thủ môn lại là một vị trí quan trọng không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về tinh thần. Khi bạn chơi tốt và có những pha cứu thua, bạn sẽ trở thành một nửa sức mạnh của đội bóng, là chỗ dựa tinh thần cho những đồng đội phía trên để họ thi đấu tập trung và luôn cảm thấy an tâm vì ở dưới có một chốt chặn đáng tin cậy!  Nhưng ngược lại, nếu bạn mắc sai lầm và có những pha bóng không chắc chắn, các đồng đội sẽ luôn cảm thấy bất an và khó có thể tập trung vào nhiệm vụ chính của họ! Những thủ môn mang trong mình trách nhiệm cùng sức ép cực kỳ lớn và có rất ít sự cảm thông cho họ. Thật không công bằng cho những thủ môn khi họ luôn bị gán với cái mác " một nửa sức mạnh của đội bóng", cho dù bóng đá là môn thể thao tập thể và mỗi vị trí trên sân đều có vai trò và trách nhiệm để hướng đến chiến thắng. Việc bị gán với cái suy nghĩ đó khiến cho các thủ môn buộc phải chơi, thi đấu chính xác như một chiếc máy, áp lực không được mắc sai lầm khiến cho các thủ môn rất dễ gặp vấn đề tâm lý. Một sai lầm khiến cho đội nhà chịu thua và ngay lập tức bạn sẽ trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, dèm pha, mọi người sẽ nhớ như in pha bóng bạn mắc sai lầm và những pha cứu thua xuất thần của bạn sẽ coi như không tồn tại. Nhiều thủ môn đã rất khó để có thể trở lại là chính mình khi họ luôn mang trong mình những ám ảnh, sợ hãi về pha bóng sai lầm năm xưa. Do đó, thủ môn là người dễ bị tổn thương nhất về tâm lý và để có thể chơi tốt họ cần phải có một tinh thần thép!
" Làm thủ môn cũng giống như thợ làm bom trong quân đội- Một sai sót và mọi người sẽ bị nổ tung"- Artur Boruc( Thủ môn người Ba Lan từng thi đấu tại Scotland và Anh)
" Làm thủ môn thì phải có chút điên"- Thủ môn huyền thoại Oliver Kahn đã từng nói vậy và đúng vậy: Có điên mới dám lấy thân mình ra để đỡ những cú sút với tốc độ gần 100km/h, chấp nhận mọi rủi ro để tóm gọn trái bóng vào lòng mình, có điên mới chọn chơi ở vị trí mà người ta hay nói là dành những kẻ đá bóng kém. Việc chơi ở vị trí thủ môn không đồng nghĩa với việc bạn bị điên; nhưng để chơi và gắn bó lâu dài với khung gỗ và đôi găng tay thì bạn chắc hẳn phải có gì đó khác người lạ biệt so với phần còn lại!
Oliver Kahn, thủ môn huyền thoại người Đức, gã điên trong khung g

Cho dù nhiều khó khăn hay định kiến như vậy, vị trí thủ môn vẫn là một ví trí đầy thú vị nhiều màu sắc và bắt mắt. Trong loạt đá luân lưu đầy cân não, mọi người không chỉ chú ý tới những cầu thủ thực hiện quả đá, mà còn xem hai thủ môn của mỗi bên sẽ thể hiện như nào. Và cách nhanh nhất để những thủ môn được truyền thông và công chúng biết đến có lẽ là từ những loạt đấu súng trên chấm 11m. Chúng ta đã từng được ngất ngây với 3 pha cản phá tại các loạt luân lưu của thủ môn Bùi Tiến Dũng trước các đối thủ Iraq và Qatar tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, hay gần đây là pha đổ người đẩy bóng đẹp mắt của thủ môn Đặng Văn Lâm trước cú đá của Ahmed Samir góp phần vào chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Jordan và chiến tích lần đầu tiên góp mặt vào Tứ Kết của một kỳ Asian Cup mà không phải chủ nhà ở giải đấu tại UAE đầu năm nay.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng, thành viên đội tuyển U23 Việt Nam, hiện đang thi đấu cho CLB Hà Nội tại V League 1
Thủ môn Đặng Văn Lâm, thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam, hiện đang thi đấu cho CLB Muangthong United tại Thai League






Vị trí người gác đền thường được nhắc đến với những mỹ từ như "tài năng" "phi thường" "không thể tin được",... Những pha cản phá xuất thần nhờ phản xạ khác người, những pha bay người đẩy bóng tài tình hay thậm chí là... ghi bàn. Hiện nay, thủ môn hay nhất thế giới đối với nhiều người là David De Gea hiện đang thi đấu cho Manchester United. Đây là thủ thành chơi ổn định nhất trong 5 năm trở lại đây. Trận đấu nào thủ thành người Tây Ban Nha cũng để lại dấu ấn với những pha cứu thua không tưởng, khước từ cơ hội ăn bàn mười mươi của đối thủ. Còn đó là kỉ lục về số lần cứu thua anh lập được trong một trận đấu tại giải Ngoại Hạng Anh với 14 lần cứu thua trong trận đấu gặp Arsenal hồi tháng 12 năm 2017. Hơn nữa, trong 5 mùa gần đây, thì có đến 4 mùa giải, anh giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất CLB Manchester United ( Các năm 2014, 2015, 2016, 2018). David De Gea đang trở thành một hình mẫu, thần tượng cho những thủ môn trẻ chơi chuyên nghiệp cũng như các thủ môn phong trào học tập noi theo.
David De Gea, thủ môn người Tây Ban Nha hiện đang thi đấu cho CLB Manchester United, được đánh giá là thủ môn hay nhất thế giới hiện tại.
 Những thủ môn thường bị nói là chơi chân kém nhưng đó chỉ là một nhận định phiến diện và đã lỗi thời. Chiến thuật bóng đá hiện nay đang có xu hướng sản sinh ra nhiều thủ môn không chỉ biết cản phá bằng tay mà còn chơi chân tốt và trở thành một phần trong các pha lên bóng. Những thủ môn chơi chân hay có thể kể đến như Alisson Becker (Liverpool), Ederson Moraes(Manchester City) hay Marc-Andre Ter Stegen(Barcelona).
Marc-Andre Ter Stegen, thủ môn người Đức hiện đang thuộc biên chế CLB Barcelona, một trong những thủ môn chơi chân hay nhất thế giới.
Ngoài ra có một số thủ môn còn có cái chân tạo nên bàn thắng từ những quả đá phạt. Chúng ta có những huyền thoại thủ môn chuyên ghi bàn từ đá phạt như Jose Luis Chilavert người Paraguay, từng là thủ môn ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử với 67 bàn, trước khi ông bị vượt qua bởi một thủ môn Nam Mỹ khác, đó là Rogerio Ceni người Brazil, với thành tích 131 bàn thắng trong suốt 23 năm thi đấu chuyên nghiệp cho Sao Paulo. Một con số rất ấn tượng và còn là ước ao với nhiều tiền đạo trên thế giới!


Rogerio Ceni, thủ môn người Brazil, người giữ kỉ lục thủ môn ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử, với 131 pha lập công.

Những thủ môn huyền thoại trên thế giới được biết đến không chỉ bởi những danh hiệu, kỷ lục họ đạt được, mà còn là sự cần mẫn, thi đấu bền bỉ. 2 thủ môn xuất sắc nhất những năm 2000s, 2 thủ môn tạo ra rất nhiều sự tranh luận về việc ai xuất sắc hơn, Gianluigi Buffon và Iker Casillas. Cả 2 thủ môn này đều đã đạt được rất nhiều danh hiệu cao quý ở cấp CLB cũng như đội tuyển quốc gia, đều là những huyền thoại của đất nước và CLB họ thi đấu, với Iker là Real Madrid còn Buffon là Juventus. Tuy hai người đều đã ở sườn dốc của sự nghiệp nhưng việc vẫn thi đấu đỉnh cao ở những câu lạc bộ lớn tại châu Âu- Buffon hiện đang chơi cho Paris Saint-Germain còn Casillas thi đấu cho Porto, là minh chứng cho sự bền bỉ, đẳng cấp của hai người gác đền này.
Iker Casillas, thủ môn huyền thoại người Tây Ban Nha
Gianluigi Buffon, thủ môn huyền thoại người Italy

Thủ môn quả thực là một vị trí nhiều khó khăn và định kiến, tuy vậy vẫn có rất nhiều người đam mê và hâm mộ việc đứng trước khung thành và sử dụng tay để chơi bóng này. Để nói về vị trí này, có lẽ phải cần một cuốn sách rất dày. Có thể khẳng định rằng, để gắn bó và yêu thích làm người gác đền, bạn không thể là một người bình thường!