Thư gửi em trai
Gửi Đức! Anh đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên viết một bức thư cho em hay không và nên dùng ngôn từ gì cho phù hợp. Anh không...
Gửi Đức!
Anh đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên viết một bức thư cho em hay không và nên dùng ngôn từ gì cho phù hợp. Anh không muốn phải khuyên bảo gì em vì trước khi em hiểu rõ bản thân mình là ai thì mọi lời khuyên đều là vô nghĩa. Vậy nên thư này anh chỉ muốn kể cho em nghe một vài câu chuyện khi em còn chưa sinh ra hoặc còn rất nhỏ, về những ký ức anh đã trải qua để em biết rằng, cuộc sống hiện nay của em không hiển nhiên mà có.
Khi anh còn nhỏ, gia đình mình rất nghèo, nhưng lúc đó anh còn chưa nhận thức được nỗi lo toan của bố mẹ. Ký ức đầu tiên mà anh nhớ là vào năm anh học lớp 3 - cũng là năm mà bố phải chuyển công tác lên Lạng Sơn. Hôm đó là sinh nhật anh, mẹ mua cho anh một bịch xúc xích loại to, mẹ nói với anh: "Bố đi vắng nên mẹ con mình tổ chức sinh nhật đơn giản thôi con nhé". Anh ngoan ngoãn nghe lời, cũng không đòi hỏi gì nhiều nhưng lúc anh ăn xong thì thấy mẹ khóc. Trong căn nhà nhỏ hơn cả phòng bếp nhà mình hôm nay anh thấy mẹ khóc. Mãi sau này anh mới hiểu ra, mẹ khóc vì tủi thân, vì nhớ bố, vì lần đầu tiên kể từ khi anh ra đời, ngày sinh nhật anh không đủ cả gia đình. Cũng từ hôm ấy, anh chẳng còn hứng thú gì với sinh nhật của mình nữa. Mỗi khi nhớ đến sinh nhật mình, trong đầu anh chỉ nhớ đến ngày hôm đó.
Sau đó thì mẹ và anh về quê nội sống. Cuộc sống ăn nhờ ở đợ chẳng dễ chịu gì. Lần đầu là ở nhà ông bà nội. Ông thì khó tính, anh thì nhỏ, luôn gây rắc rối và không chịu học. Mỗi đêm mẹ kèm anh học đều phải quát nạt, ồn ào làm ông bà cũng không thoải mái. Chuyện ăn uống, sinh hoạt phát sinh nhiều trục trặc, bố mẹ quyết định để hai mẹ con lên ở ngôi nhà mái bằng của bác Lan. Anh vẫn nhớ rõ những hôm bác Tiến say rượu đập cửa, mẹ sợ quá phải gọi bà nội lên. Cả ba mẹ con bà cháu phải chải chiếu ngủ dưới đất còn ông ta ngủ trên giường. Kẻ vào nhà một người phụ nữ cùng đứa con lúc nửa đêm thì đáng bị gọi là "Thằng chó!". (Đến sau này, anh vẫn luôn ghét bên đằng nhà bác Lan nhưng bố thì luôn bắt anh phải giữ lễ nghĩa với họ, anh không làm trái ý bố nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ quên chuyện này).
Em thấy đấy, vốn dĩ gia đình mình rất khổ, khoảng thời gian ăn nhờ ở đợ đó có quá nhiều câu chuyện buồn mà có kể cũng không hết. Mẹ xoay sở đủ nghề, lúc đầu thì bán quần áo rồi làm bánh cuốn, bán thịt, bán nước mắm, chở xăng về bán trong cái bình nhỏ,... Có lần, mẹ đi chở xăng từ Quán Lào về, lúc đó mẹ đang mang thai em, bụng đã to, trên đường về thì ngã, mẹ cứ lo làm em bị ảnh hưởng. Thời kỳ mẹ mang thai em, gia đình mình còn quá khổ, bố thì ở xa, mọi việc trong gia đình mẹ đều phải gồng gánh chẳng khác nào một người đàn ông.
Đến ngày sắp sinh em, mẹ một mình đi bệnh viện phụ sản, chẳng có ai thân thích bên cạnh, bố thì vẫn ở xa, anh thì còn quá ngu ngơ non nớt, chẳng biết gì. Em nên hiểu rằng, khi anh sinh ra có cả bố mẹ ông bà bên cạnh. Nhưng khi em sinh ra, chỉ có sự cố gắng và cô đơn mà mẹ phải chịu đựng. Em ra đời, em mở mắt nhìn thế giới này và cả sau này em có trở thành ai đi chăng nữa, khoảnh khắc em được sinh ra là nhờ sự cố gắng tột cùng của người mẹ. Ấy vậy mà khi em lớn, em vẫn đòi hỏi những thứ vô bổ, vẫn cãi lời, vẫn để người ngoài chê bai làm bố mẹ phiền lòng. Em vẫn chưa nhận ra được, cái giá mà bố mẹ phải trả khi sinh ra và nuôi dưỡng em lớn đến nhường nào.
Khi em bắt đầu có nhận thức thì gia đình mình đã xây được ngôi nhà đang ở hiện nay. Nhờ có sự chắt chiu từng đồng lương của bố, sự tiết kiệm và xoay sở của mẹ và sự hỗ trợ của ông bà cũng đủ tiền để xây nhà mặc dù vẫn phải rất lâu về sau mới trả hết nợ. Từ lúc nhỏ đến khi anh lớn, bố xa nhà nên anh ít gần gũi với bố hơn là mẹ nhưng anh chắc chắn rằng khó có người đàn ông nào chắt chiu, yêu thương gia đình được như bố. Cũng hiếm ai có đức tính trung thực, tiết kiệm, chịu khó và dễ chịu với con cái như vậy. Ngôi nhà chúng ta đang ở, tiền học phí, học thêm cho em và trước đây là cho anh nữa cũng đều từ đồng lương của bố mà ra. Em hãy nhìn bố của những đứa bạn em rồi thử nghĩ xem có ai được như bố mình không?
Em sinh ra trong một gia đình đáng tự hào nhưng em càng lớn anh càng cảm thấy em không xứng đáng với sự tự hào đó. Em lười nhác, kém cỏi và tự mãn đến độ nhiều lúc anh phải tự hỏi liệu em có phải con của gia đình này hay không? Bố, mẹ và cả anh đâu ai có cái tính cách đó?
Gia đình mình chưa bao giờ dư giả cả. Bố đã 48 tuổi rồi nhưng anh nghe mẹ kể khi bố đi công tác còn không dám ăn bát phở mấy chục nghìn, được đồng lương nào cũng nghĩ để dành cho con ăn, con học. Ấy vậy mà em đến những buổi học thêm để nói chuyện phiếm với bạn bè, về nhà cũng quăng sách quăng vở coi ti vi, cứ coi như buổi học vừa rồi từ trên trời rơi xuống vậy. Em chưa bao giờ nhận thức được, một buổi học thêm của em bằng mẹ đi chợ một ngày. Mỗi buổi em đi học về chẳng thu được kiến thức gì là một ngày mẹ bị cướp, mà người cướp số tiền ấy chính là em chứ không ai khác.
Anh nhiều lần khuyên bảo em cố gắng tự học, kiên trì hoặc nếu có đi học thêm thì về nhà phải ngay lập tức bồi thêm kiến thức sách vở của mình vào. Căn bệnh tự mãn của em đã, đang và sẽ giết chết cuộc đời em tại bất kỳ thời điểm nào. Lúc nào em cũng tự cho mình thông minh, giỏi hơn người khác, học đủ rồi, ảo tưởng thành quả của mình và nghĩ người khác ngu. Nhưng thực tế chứng tỏ rằng, em chưa bao giờ đạt được thành quả gì cả. Thầy cô đánh giá em có khả năng rớt cấp 3, em chẳng có chút kiến thức gì về các môn tự nhiên nếu như anh không nói với mẹ định hướng cho em. Em chưa bao giờ nhìn vào sự thật là hiện tại em rất kém cỏi!
Anh cũng đã từng vấp ngã, cũng từng tự mãn, từng thất bại ê chề cũng chẳng khác gì em cả. Suy cho cùng chúng ta cùng cha, cùng mẹ, chẳng ai có bộ gen tốt hơn ai cả. Nhưng anh không mộng tưởng giống như em. Từ nhỏ, anh đã chứng kiến sự nghèo khổ của chính gia đình mình, từng nhìn thấy nước mắt của mẹ vô số lần, có thể là còn nhiều hơn cả những lần bố thấy. Anh ý thức được sự cố gắng của anh là góp phần vào hạnh phúc của cả gia đình chứ không phải là bòn rút đi sức khoẻ của bố mẹ. Anh cũng chả có đứa bạn nào và chẳng cần phải quan tâm đến ai khác. Vì gia đình còn nhiều điều phải lo. Vì được bố mẹ sinh ra và nuôi dưỡng mà vẫn chưa báo đáp được bất kỳ điều gì.
Gia đình chúng ta đã trải qua nhiều sóng gió mà em không biết. Đúc kết lại quanh 3 chữ: Trung thực, nỗ lực và tiết kiệm. Cuộc sống hiện nay mà em được hưởng cũng từ việc gia đình mình luôn làm tốt 3 việc này. Cuộc đời không ai sống thay ai được hết, phải thật sự nỗ lực bằng chính khối óc và đôi tay của mình.
Chừng nào em biết từ bỏ mọi thứ ảo tưởng, bỏ tivi điện thoại, phim ảnh, nhạc nhẽo, tập trung tối đa vào việc học để báo đáp công lao bố mẹ đã dành cho em thì em mới xứng đáng làm con của bố mẹ. Anh hi vọng một ngày, em đứng đầu một cuộc thi, trước toàn thể những người có mặt dõng dạc nói: "Tôi dành chiến thắng này cho cha mẹ tôi". Có thể lúc đó, anh sẽ là người ngưỡng mộ em.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất