Gửi Asuka và đứa con chưa chào đời của bố: Điều sau cùng ở lại
"Người ta vẫn thường hỏi lẽ sống là gì. Bố cho rằng, lẽ sống là việc có người nào đó cần đến con trong cuộc đời này […] Không điều gì quan trọng hơn một lẽ sống trên đời cả’’
Hà Nội, 10/8/2022, một ngày nắng nhạt,
Thương gửi bác Kazukiyo Imura,
Hôm nay, cháu vừa đọc xong cuốn sách bác viết, cuốn "Asuka và đứa con chưa chào đời của bố". Cảm ơn bác vì một cuốn sách giản dị, chân thật và đầy cảm xúc này. Đã lâu lắm rồi không có cuốn sách nào khiến tâm hồn cháu rung động và tốn nhiều nước mắt tới thế.
Đối với cháu, bác Kazukiyo thực sự là một con người tuyệt vời. Bác có sự can trường đấu tranh với bệnh tật, sự trách nhiệm dưới cương vị một bác sĩ, tấm lòng trắc ẩn tuyệt vời với nỗi đau của người bệnh, và tình yêu thương cao cả dưới vai trò một người con, một người chồng và một người cha. Sinh mệnh phù du, kiếp người ngắn ngủi, nhưng ba mươi mốt năm bác sống trên đời là ba mươi mốt năm bác đã sống và cống hiến với tất cả những gì mình có, cháu hết lòng tin tưởng thế.
“Đứa trẻ có lòng vị tha sẽ cùng đau với nỗi đau của người xung quanh và cùng mừng rơn khi người ta hoan hỉ. Đứa trẻ có lòng vị tha sẽ khiến người xung quanh mình được hạnh phúc. Người khiến người khác hạnh phúc cũng nhờ đó mà hạnh phúc hơn nữa, trở thành người hạnh phúc nhất thế giới. Vì vậy, bố mong rằng hai con lớn lên sẽ là những đứa trẻ tốt bụng và có lòng vị tha. Đó là lời cầu nguyện của bố.”
“Trở thành đứa trẻ có lòng vị tha” - lời cầu nguyện cho các con của bác ở cuối lời đề đầu khiến nước mắt cháu không thể ngừng rơi. Có lẽ nó làm cháu nhớ tới một người bạn quan trọng của mình. Ba bạn ấy cũng mất từ khi cậu ấy còn rất nhỏ, và trong một thoáng chốc, cháu đã nghĩ, đã mường tượng rằng có lẽ ba bạn cũng sẽ muốn nhắn gửi những lời như thế đến với bạn. Cháu không thể thấu hiểu tận cùng nỗi đau của một người mất cha, nhưng nhờ bác, có lẽ cháu đã có thể đồng cảm với bạn ấy một phần nào đó. Văn chương thực sự là một điều kì diệu: nó giúp ta đồng cảm được với nhiều nỗi đau, hoàn cảnh và số phận khác ta, khiến ta khóc, ta hiểu, và vì biết hiểu nên biết thương.
Giữa muôn vàn điều ước, bác đã cầu nguyện rằng hai đứa con của mình lớn lên sẽ trở thành những đứa trẻ có lòng vị tha. Trên cương vị là một bác sĩ, hàng ngày chứng kiến bệnh nhân lạc quan lẫn muộn phiền vì bệnh tật, quằn quại trong những cơn đau hay cô đơn khi chẳng có ai nương tựa lúc ốm yếu, cháu hiểu vì sao bác lại có ước mong như vậy.
Trở thành một đứa trẻ vị tha là đâu có dễ. Hành trình "tập lớn" đã khiến cháu hiểu rằng làm một người tốt thì khó hơn làm một người thành công nhiều lắm. Cháu nhớ câu chuyện bác kể về những bệnh nhân "xấu tính" không ai muốn chăm sóc và thông điệp đầy sự đồng cảm: "He is sick, not you" - Đừng lấy tiêu chuẩn của người khỏe mạnh ra để đo lường tâm tư của người bệnh". Vì họ đang đau, nên vô tình họ cũng làm người khác đau, chứ họ đâu hề muốn vậy. Suy nghĩ được như vậy, là ta đã biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để hiểu họ. Suy nghĩ được như vậy, bao nhiêu giận hờn đều tan biến hết, chỉ còn tình thương ở lại thôi. Nếu ai cũng biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà nghĩ, mà hiểu, mà thương cho nhau thì xã hội sẽ tốt đẹp và nhân văn biết bao bác nhỉ.
Một đứa trẻ vị tha sẽ "biết buồn khi có người buồn bã, sẽ thực lòng chung vui khi người khác hân hoan". Cháu đã phải dừng lại một lúc khi lần thứ hai đọc câu này để suy ngẫm. Và cháu bật cười. Cháu bật cười, vì dù cháu nhìn nhận bản thân là một người tốt - theo nghĩa không làm những điều xấu ác hay phương hại tới ai, thì rất nhiều khi cháu để ý mình có những suy nghĩ chẳng tốt đẹp tẹo nào. Chẳng hạn, có đôi lần cháu cảm thấy vui khi nhìn ai đó không đạt được điều họ muốn, hay có suy nghĩ, định kiến rằng mình tốt đẹp hay đứng ở vị trí cao hơn ai đó, dù bề ngoài cháu có luôn nói rằng mình là một người khiêm tốn và bình đẳng. Cháu nghĩ, để một người có thể thực lòng đồng cảm được với cả niềm vui với nỗi buồn của người khác, người đó cần có sự bao dung rất lớn cho cả những mặt tốt lẫn mặt xấu, những ưu điểm và cả khuyết điểm ở bản thân mình, đồng thời gạt bỏ đi cái tôi, định kiến và so sánh để đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Mọi thứ đều bắt đầu với chính mình bác nhỉ.
Bác Kazukiyo, cảm ơn bác vì đã cho cháu thấy được tấm lòng cao đẹp của một người biết vượt qua nỗi đau của mình để đau cùng nỗi đau của người khác.
Cảm ơn bác đã cho cháu thấy vẻ đẹp của lòng can đảm khi hết lần này tới lần khác tự vực dậy, đương đầu và đấu tranh với bệnh tật.
Cảm ơn bác vì khiến cháu nhận ra sự ấm áp, tình yêu thương và sự thiêng liêng vô bờ bến của tình cảm gia đình. Một đứa em đã từng nói với cháu “Sau cùng chỉ có chính mình và gia đình ở lại với mình mà thôi” - cháu hiểu lắm.
Cảm ơn bác, vì đã khiến cháu rung cảm và khóc nhiều tới thế. Giữa vòng quay bề bộn của vật chất, công việc, kế hoạch, deadline,…. cháu tìm thấy bác như tìm thấy một tia sáng - tia sáng của những giá trị chân thật, gần gũi, tốt đẹp ở con người. Thế giới đối với cháu lúc đó không còn là một điều gì đó rối rắm, mà giản đơn, thân thương như một cái ôm ấm áp khi vừa trở về nhà.
Cảm ơn bác vì khiến cháu nhận ra rằng, sau cùng, vượt lên trên tất cả những toan tính hay bộn bề của cuộc đời, những giá trị chân thật nhất, tốt đẹp nhất sẽ ở lại - giá trị của tình yêu thương.
“Người ta vẫn thường hỏi lẽ sống là gì. Bố cho rằng, lẽ sống là việc có người nào đó cần đến con trong cuộc đời này […] Không điều gì quan trọng hơn một lẽ sống trên đời cả’’
Bác Kazukiyo, từ tận đáy lòng, cháu cảm ơn bác nhiều lắm. Cháu mong rằng bác - dù đang ở nơi đâu - cũng sẽ bình an và hạnh phúc. Bác là một con người với tình yêu lớn, một bệnh nhân vĩ đại, một con người vĩ đại. Cuộc đời của bác tuy ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn ba mươi mốt năm, nhưng đó là một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cháu sẽ không ngừng tin tưởng vào những điều tốt đẹp, và những tấm lòng tốt đẹp, như bác vậy. Thực lòng cảm ơn bác, bác Kazukiyo Imura.
Biết ơn và thương chào bác,
Thanh An.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất