You are the average of the five people you spend the most time with.” – Jim Rohn 

Dịch: Mức sống của cậu sẽ bằng trung bình mức sống của 5 người cậu tiếp xúc nhiều nhất.
Chắc hẳn nhiều cậu đã nghe câu nói nổi tiếng này hoặc cái gì đó mang hàm ý tương tự:
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
Chọn bạn mà chơi
Đây là một khái niệm phổ biến và rất dễ hiểu: Chất lượng cuộc sống của mình sẽ phụ thuộc vào những người xung quanh, vì vậy nên chơi với bạn tốt và hạn chế bạn xấu để cuộc sống tốt lên. Để thành công ư? Quá dễ, chọn những người thành công để tiếp xúc với mình mỗi ngày.

Nhưng thực tế không dễ như thế

Nếu thành công đơn giản vậy thì ai cũng thành công à? Tuy khái niệm “chọn bạn mà chơi” rất đơn giản, nhưng để thực sự thực hiện được nó thì không dễ như vậy. Những người có thể thực sự áp dụng khái niệm đó là những người thực sự giỏi, và người ta xứng đáng với thành công họ có được.
Cuộc đời chỉ cho chúng mình tấm bản đồ có đánh dấu điểm khởi hành và điểm đích thôi, còn đi đường nào là tuỳ thuộc vào mỗi người. Trên bản đồ có in 1 dòng chữ nhỏ: “Không phải con đường nào cũng dẫn đến cái đích thành công”.


À với cả, cuộc đời không công bằng

Đúng, cuộc đời không công bằng.
Chỉ có những đứa trẻ mới nghĩ cuộc đời này mọi thứ đều công bằng thôi. Thực tế lịch sử đã ghi nhận vô vàn trường hợp bất công.
Năm 1865, Mỹ đã sửa đổi hiến pháp và bãi bõ chế độ nô lệ. Sự kiện này tạo ra 1 lỗ hổng nhân công: 12 triệu người châu Phi đang được sử dụng như một nguồn nhân lực dồi dào bỗng được trả tự do. Những xí nghiệp đang dồi dào nhân lực, lãi suất đều đặn bỗng chững lại vì thiếu nhân lực.
Những năm sau đó ghi nhận rất nhiều trường hợp những người Mỹ gốc Phi vô tội bị bắt và xét xử dựa trên những lời cáo buộc được bịa đặt. Đằng sau những trường hợp bị vu khống đó là gì? Là những bản hợp đồng cho thuê tù binh như một nguồn nhân công của chủ các trại giam với các chủ xí nghiệp (đặc biệt là trong ngành sản xuất đường ăn). Và các nhà máy sản xuất, nông trại trồng mía bắt đầu mọc lên trong những trại giam đó. Chủ trại giam vui vì kiếm được tiền, chủ xí nghiệp vui vì có nhân công, nhưng mấy ai nghĩ đến những người bị bỏ tù oan? Sau khi những người tội nghiệp đó chết mục xác tại những nhà tù đó thì vụ việc này mới được phanh phui ra (gần đây mới được phát hiện).
Rất nhiều trường hợp người tốt nhưng lại gặp những điều rất tồi tệ. Có những kẻ giết người hàng loạt nhưng vẫn sống đến khi chết vì tuổi già.
Tất nhiên nó sẽ rất khó để chúng mình tin là thế giới này bất công như vậy, cho nên con người đã sử dụng tâm linh và nhiều cách khác để cố lí giải nó. Có thể cho rằng những người sống tốt nhưng vẫn gặp điều xấu là vì kiếp trước người ta đã làm quá nhiều điều ác, kiếp này tốt đến mấy cũng không đủ. Có thể kẻ giết người không phải trả giá, nhưng con cháu, người thân sẽ phải chịu nghiệp.
Hoặc có thể thế giới này đơn giản là không công bằng nhưng cậu không chấp nhận điều đó. Có thể cậu đang mắc phải lầm tưởng Just-World Fallacy.

Quay lại vấn đề về thành công

Cuộc đời này không công bằng. Có những người sinh ra đã được tiếp xúc với những người thành công, lớn lên thành công của họ chắc hẳn phần nào được đảm bảo. Vậy những người không quen biết những người thành công để tiếp xúc như tớ thì phải làm sao?
“Thì phải đi tìm những người như thế” – 1 lời khuyên khá vô dụng tớ nhận được. Vấn đề không phải là có tìm được hay không, mà là dù có tìm được thì cũng không biết làm sao để người ta phải “tiếp xúc” nhiều với mình. Vì người ta thành công, nên cũng chỉ muốn tiếp xúc với những người thành công thôi, hơi đâu để mình làm giảm mức sống của họ? Chất lượng cuộc sống mình phụ thuộc vào những người mình tiếp xúc nhiều chứ có phải những người mình quen biết đâu.
Và tớ đã nghĩ là trong hoàn cảnh của tớ như vậy sẽ rất khó để thay đổi cuộc sống mình theo ý muốn trong 1 khoảng thời gian rất dài.
Nhưng rồi tớ nhận ra, thứ duy nhất cản trở tớ khỏi thành công không phải những người xung quanh mình. 
Cũng không phải do cuộc đời bất công.
Càng không phải do bệnh trì hoãn.
Mà là do chính bản thân mình.

“Thứ duy nhất cản trở tớ là chính bản thân mình”

Thứ duy nhất cản trở mình là chính mình. Tiếp xúc với những người giỏi là 1 cách để giúp mình thành công (tớ không phủ nhận sự hiệu quả của nó), nhưng để tìm và duy trì được mối quan hệ với những người như vậy bản thân mình cũng phải giỏi. Đừng nghĩ đến những người quá giỏi như Elon Musk hay Phạm Nhật Vượng. Đâu đó trong tầm ảnh hưởng của cậu sẽ có những người giỏi hơn cậu “một chút”. Tìm những người như vậy và giao lưu. Nếu các cậu chưa thành công, đó là do bản thân các cậu. 

Chốt lại

Cuộc đời này không công bằng, nhưng than vãn về nó cũng chả giúp ích gì cho thành công của chúng mình.
Cuộc đời này không công bằng, nhưng có rất nhiều người gây dựng thành công từ hoàn cảnh “thiếu công bằng” của họ.
Cuộc đời này không công bằng, nhưng nó không cản trở cậu khỏi thành công. Thứ duy nhất cản trở cậu là chính cậu.