“Anh sẽ xây một chiếc cửa sổ ở kia để mỗi sáng sớm em dậy em có thể mở bung nó ra và ngắm những dãy núi. Nó sẽ giúp em phấn chấn hơn. Và anh thề sẽ không làm những việc của thợ nề nữa. Nếu anh làm, cũng chỉ là vì em thôi. Nhưng anh thực sự muốn biết trái tim em có chấp nhận anh không. Nếu em lật giở một trang sách, anh sẽ coi đó là lời hồi đáp.” Nhưng Tahereh chẳng lật thêm trang sách nào, mặc chàng Hossein đứng thao thao bất tuyệt hướng lời về nàng bên ban công, giữa lúc nghỉ của cảnh phim mà hai người đang đóng.
Through The Olive Trees ra mắt năm 1994, thường được nhắc đến cùng với Where is My friend’s House (1987) và And Life Goes On (1992), lấy bối cảnh chung ở Koker, một ngôi làng thuộc vùng nông thông phía Bắc Iran, tạo thành bộ ba phim đặt dưới tựa The Koker Trilogy, đạo diễn bởi Abbas Kiarostami.
<i>Bìa Through the Olive Trees trong bộ sưu tập của The Criterion Collection - một hãng phân phối phim của Mỹ, chuyên cấp phép, khôi phục và phát hành những bộ phim cổ điển và đương đại quan trọng của thế giới.</i>
Bìa Through the Olive Trees trong bộ sưu tập của The Criterion Collection - một hãng phân phối phim của Mỹ, chuyên cấp phép, khôi phục và phát hành những bộ phim cổ điển và đương đại quan trọng của thế giới.
Abbas Kiarostami có lẽ đã không lên kế hoạch để kể chuyện phim thành một chùm như thế. Cũng như trong Homework (1989), ông nói đầu phim thế này: “Tôi cũng không biết đây là kiểu gì nữa. Tôi chưa có kịch bản, chưa có gì cụ thể, nhưng không phải phim hư cấu. Tôi có vài vấn đề với việc làm bài tập về nhà của con tôi, thế là tôi đem theo máy quay đi tìm hiểu..”
Where is My friend’s House kể chuyện một cậu bé đi tìm nhà bạn để trả lại vở bài tập cậu cầm nhầm. And Life Goes On kể hành trình một người trong đoàn phim đi tìm cậu diễn viên địa phương đóng vai cậu bé kia xem liệu cậu còn sống sau trận động đất mới xảy ra. Còn Through the Olive Trees thì kể chuyện lúc làm phim And Life Goes On. Những bộ phim của Kiarostami ra đời cũng như cách mà cuộc sống tiếp diễn, chuyện này dẫn đến chuyện kia, đan vào nhau, đẩy đưa nhau đến những câu chuyện khác, chẳng cần theo tính toán nào.
<i>Hossein và Tahereh vào vai vợ chồng trong And Life Goes On, thực tế thì Hossein theo đuổi Tehereh mà không được nàng đáp lại, trong Through the Olive Trees</i>
Hossein và Tahereh vào vai vợ chồng trong And Life Goes On, thực tế thì Hossein theo đuổi Tehereh mà không được nàng đáp lại, trong Through the Olive Trees
Trong Through the Olive Trees, Abbas Kiarostami đã thuê hẳn một diễn viên đóng vai ông, cũng là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất trong đoàn, giữa những diễn viên toàn người địa phương khác.
Cứ xem cách Abbas Kiarostami kể ra những tình huống hậu trường làm phim khiến người xem phải bật cười khúc khích thì có thể thấy vị đạo diễn đã bị thu hút bởi vô vàn tình huống bất ngờ mà việc làm phim với diễn viên không chuyên người địa phương có thể mang lại. Anh chàng nọ tham gia đóng phim nhưng chẳng đọc thoại lúc cần, hoá ra vì anh phải diễn với bạn diễn nữ, mà chao ôi cứ gặp các cô gái là bỗng dưng anh nói lắp. Hossein thì khăng khăng sửa lời thoại rằng thì gia đình cậu có hai lăm người chết trong trận động đất, chứ không phải sáu lăm, như đạo diễn yêu cầu, vì sự thật là sự thật xảy ra như thế. Và Tahereh nhất quyết không chịu gọi Hossein là anh mặc cho cảnh phim đã quay lại đến lần thứ năm, chỉ vì chuyện riêng giữa hai người ngoài phim.
Vị đạo diễn cũng đến chào thua.
<i>Hậu trường And Life Goes On được tái hiện trong Through the Olive Trees</i><br>
Hậu trường And Life Goes On được tái hiện trong Through the Olive Trees
Mà hẳn ông cũng chào thua chàng Hossein bởi sự đeo đuổi dai dẳng của anh với Tahereh, cũng là mạch chính của truyện phim.
“Lúc ấy ở chỗ ông Eynollah, nơi cháu từng làm việc. Cô ấy từng sống ở ngay đối diện bên kia đường. Cô ấy ngồi trên bậc thang học bài. Ngồi ngay đó bên kia đường, cô ấy trông thật dịu dàng và tử tế, là kiểu con gái mà cháu muốn lấy làm vợ. Nên tự dưng ý đó nảy ra trong đầu là phải cưới cô ấy.”
Nhưng người thân duy nhất còn lại của Tahereh sau trận động đất, là bà cô, lại không chấp thuận Hossein, vì “anh có vẻ tử tế và thấu hiểu đấy, nhưng anh mù chữ và anh không có nhà”. Hossein lòng nặng trĩu, chẳng thế nào dừng nghĩ về người mình yêu.
Có điều suy nghĩ của Hossein thì cứ phải khẳng định sự tồn tại của nó thành tiếng. Biết bao lý lẽ để thuyết phục Tahereh đồng ý làm vợ anh, bao hình dung về tương lai của hai người cứ tuôn ra từng tràng từng tràng mỗi lần anh có cơ hội cất tiếng tỏ bày với cô. Hossein nói mãi nói mãi không mỏi mệt. Tahereh thì chẳng đáp đến nửa lời. Một tiếng thở dài cũng không.
Những vạt olive trải bạt ngàn trên mặt đất làng Koker. Tahereh rời đi, tay ôm chậu cây, tay cầm cuốn sách, bước những bước dứt khoát và lặng im từ vườn olive này qua vườn olive khác. Hossein đuổi theo cô, trong hy vọng cuối cùng trải bày tâm tư tình cảm kẻ si tình, thiết tha van nài rồi bất lực trách móc. “Tahereh, Tahereh..”, tên nàng vang qua vòm cây, tuyệt nhiên không vọng đáp. “Trái tim em làm bằng sỏi đá có phải không. Nhân danh thượng đế, hãy trả lời anh.”
<i>Hossein đuổi theo Tahereh qua những tán olive</i>
Hossein đuổi theo Tahereh qua những tán olive
Người xem chắc khó mà tránh khỏi thương mến chàng Hossein vì những bộc bạch thật thà, đơn thuần và chẳng đoái hoài lòng tự ái bản thân. Nhất là đến lúc cảnh phim cuối cùng của hai người quay xong, khi Hossein nhận ra anh anh sắp không còn cơ hội gặp lại người mình yêu nữa.
Vị đạo diễn đứng trên đồi, dõi theo hai người, giờ chỉ còn là hai hình dáng nhỏ bé di chuyển giữa bạt ngàn olive xanh ngát vẫn xanh ngát sau trận địa chấn. Người xem cũng đứng trên đồi, chỉ còn biết lắng nghe âm nhạc được lồng vào và nhìn bước chạy của Hossein mà đoán xem Tahereh có quay lại, có gật đầu gì, có đáp lời nào dù vẻn vẹn một tiếng có, không.
<i>"Bác biết mà, những linh hồn đã qua đời ở Poshtel này, còn cư xử tốt hơn nhiều cô Tahereh. Khi sớm nay bác chào họ, ít ra họ còn đáp lời. Cháu đã chào nàng ba lần ngày hôm qua, nhưng nàng không đáp lại lấy một lần." "Thường thì người ta chào một lần mà không được chào lại, thì họ không cố chào nữa. Cậu làm vậy là sai rồi." - Hossein và vị đạo diễn (Mohamad Ali Keshavarz vào vai).</i>
"Bác biết mà, những linh hồn đã qua đời ở Poshtel này, còn cư xử tốt hơn nhiều cô Tahereh. Khi sớm nay bác chào họ, ít ra họ còn đáp lời. Cháu đã chào nàng ba lần ngày hôm qua, nhưng nàng không đáp lại lấy một lần." "Thường thì người ta chào một lần mà không được chào lại, thì họ không cố chào nữa. Cậu làm vậy là sai rồi." - Hossein và vị đạo diễn (Mohamad Ali Keshavarz vào vai).
Abbas Kiarostami sau khi làm xong hai bộ phim trước đã trở nên gắn bó với con người và vùng đất Koker. Người đàn ông đóng vai thầy giáo trong Where is My friend’s House đến gặp trợ lý đoàn phim And Life Goes On ngỏ lời xem liệu có vai diễn nhỏ nào anh có thể đóng, vì trận động đất khiến việc kiếm sống thật khó khăn. Thế là trong Through the Olive Trees, anh diễn lại chính cảnh ngỏ lời ấy. Và đám trẻ nhỏ, các cô gái trong làng, cánh đàn ông xây dựng ở Koker, mỗi người một cảnh đóng vai chính mình, trông ra ai cũng quá quen với vị đạo diễn rồi.
Biệt tài của Kiarostami chính là khiến cho bất cứ ai cũng có thể trở thành diễn viên trong phim của ông, chỉ cần có đất diễn.
<i>Con đường zic zac trên đồi trở thành&nbsp;&nbsp;hình ảnh quen thuộc trong The Koker Trilogy</i>
Con đường zic zac trên đồi trở thành  hình ảnh quen thuộc trong The Koker Trilogy
Nhưng bảo Through the Olive Trees kể chuyện làm phim And Life Goes On thì không có nghĩa đây là một bộ phim toàn chuyện có thật ở hậu trường. Ranh giới giữa tài liệu và hư cấu trong phim của Abbas Kiarostami là chủ thể sáng tạo yêu thích của ông, nghĩa là hiện thực làm chất liệu cho sáng tạo điện ảnh, và sự sáng tạo là cái nhìn nghệ thuật sống động của người nghệ sĩ về cuộc đời.
Diễn viên đóng vai ông lão đóng trong Where is My friend’s House có đóng một cảnh trong And Life Goes On, và trong cảnh phim khi bước lên cầu thang ông có nói thế này: “Ngôi nhà trong phim đó không phải là nhà thật của tôi. Đây mới là nhà thật của tôi.” Rồi nói nhỏ hơn khi bước tiếp: “Trên thực tế, nhà này cũng của đoàn làm phim. Họ bảo rằng nếu tôi muốn tôi có thể ở lại, và tôi nhận lời. […] Phim ảnh một lần nữa đã trở thành hiện thực, không còn là hư cấu. Tất cả các cửa của ngôi nhà đều đóng. Tôi đang tìm cái bát để lấy chút nước cho thằng bé, nhưng không vào trong nhà được. Đạo diễn ơi, ông có biết bát ở đâu không?” Rồi cô trợ lý đoàn phim chạy vào khung hình mang cho ông cái bát..
<br>

Nhịp phim chậm rãi với góc máy đơn giản. Mạch phim dễ hiểu và dễ chịu, đưa người xem bước vào một khoảng thời gian tĩnh lặng, qua con mắt của người đạo diễn mà ngắm nhìn cuộc đời, rồi đến lúc thấy nỗi buồn, niềm vui, hay tiếng cười đã tự nhiên nảy nở. Mà nỗi buồn thì đến nhẹ nhàng, còn niềm vui thì bật thành tiếng.
Kiarostami có niềm say mê yêu cuộc sống, nhìn ra vẻ đẹp từ những điều bình dị. Phim có khi sẽ đòi hỏi ở người xem sự tinh tế và nhạy cảm để nhận ra vẻ đẹp và những điều nhỏ bé thú vị của cuộc sống được gửi gắm trong những cảnh quay tưởng chừng đơn giản.
The Koker Trilogy gây cho mình niềm thích thú được theo chân các nhân vật, ở giữa thiên nhiên miền quê Iran, hay ngang qua những ngôi nhà vùng nông thôn nơi đất nước Trung Đông mà mình luôn bị hấp dẫn tìm hiểu, với những chậu cây trùng màu nhà làm nổi bật những bông hoa màu hồng màu đỏ..
Nhắc đến những chậu cây. Mấy cậu bé trong làng cho đoàn phim mượn chậu hoa nhà mình làm đạo cụ, lúc đến lấy về, giữa bao nhiêu chậu cây khác, cậu bé chỉ có thể tìm bằng dấu hiệu rằng “Chậu của cháu có hai bông hoa..”
<br>

Cảnh cuối khi Tehereh ôm chậu cây bước đi giữa vạt olive gợi đến Close-Up (1990) của Abbas Kiarostami, khi Hossain Sabzian cũng ôm chậu hoa ngồi sau xe Mohsen Makhmalbaf (cả hai đều đóng vai chính mình), chạy một quãng đường dài trên những con phố Iran, làm thành đoạn kết của phim.
<i>Một cảnh trong đoạn kết của Close-Up (Abbas Kiarostami, 1990)</i>
Một cảnh trong đoạn kết của Close-Up (Abbas Kiarostami, 1990)
Những bông hoa hồng hoa đỏ của Abbas Kiarostami sao cứ nhuốm màu thơ..