Những mùa hè năm ấy, khi tôi bằng Gấu (em gái tôi) bây giờ hoặc nhỉnh hơn một chút – nghĩa là tầm 6,7 tuổi…
Hồi ấy TV chỉ có vài kênh, toàn chiếu phim Trung Quốc và phim Cảnh sát hình sự Việt Nam, hoạt hình thì cũng chỉ có “Bố đầu nhỏ, con đầu to”, hay “Maruko”, chứ không tràn lan như bây giờ. Mấy đứa em tôi ở thời này, mở TV lên sẽ tha hồ lựa chọn, tua đi tua lại, vì đã có truyền hình cáp, chứ không cần căn ke từng phút để được xem một bộ phim như ngày xưa nữa. Thuở ấy, nỗi ám ảnh của mỗi đứa trẻ, nhất là vào những hôm trời nồm, đó là chạy lên tầng thượng hay đứng cột nhà xoay ăng-ten.
Tuổi thơ của tôi là những trưa nắng như thiêu giữa ngày mùa, lũ trẻ con ra đồng mót thóc, để đổi lấy dưa hấu (mót cả mùa may ra được 1 quả), hoặc về rang cho thóc nổ thành bỏng. Mặc dù bố mẹ chẳng bỏ đói bao giờ, chỉ là trẻ con thích thế.
Vẫn là cánh đồng trước cửa nhà, nhưng tôi chẳng bao giờ đặt chân ra tới đó nữa.
Đó là những chiều cả lũ chơi ô ăn quan, nhảy dây, bắn bi, con quay, gảy vòng búng tai, oẳn tù tì bôi nhọ nồi hay lấy bao tải dựng trên đống gạch làm lều. Rồi những buổi tối ra đồng nhổ trộm lạc, khoai – để ăn sống, trêu chó nhà hàng xóm, chơi đáp loong. Đặc biệt nhất là chơi đi nấp, mà cái cây trứng cá cạnh bờ mương sẽ làm loong. Mỗi hôm sẽ có một đứa bị cả lũ hùa vào cho “ngâm mắm”. Uất ức lắm nhưng vẫn không bỏ ngày nào. Tôi vẫn nhớ có lần, tôi và 2 đứa nữa tranh nhau cái giẻ lau chân ở thềm nhà hàng xóm, quấn lên mặt kín mít để đứa đi tìm không nhìn ra, lần khác lại chui vào đống rơm, hay nằm ở bờ ruộng lúa. Sao thuở ấy dại quá, bẩn quá. Nhưng mà vui!
Lâu rồi không còn thấy khói bếp.
Bây giờ, các anh chị đều lớn hết thảy, có người sắp lấy vợ, có người đi lấy chồng, có người đi làm, có người xuất khẩu lao động ở xứ người, còn tôi là đứa bé nhất trong đám đấy – cũng đã lớn lắm rồi, và bao nhiêu đổi khác.
Thời ấy, trẻ con ở quê chẳng biết học thêm là gì, cũng không biết đến điện thoại di động, và tuyệt nhiên không màng đến sự tồn tại của internet.
Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi trưa hè chang chang nắng, trên những ruộng rạ khô rát. Là những chiều thổi bếp khói cay xè mắt. Là những tối chạy nhảy khắp làng dưới ánh sao trăng. Là những lần ăn trực nhà hàng xóm. Là quãng đời chưa biết buồn đau là gì.
Trẻ con ở quê lớn lên cùng nắng gió và những trò nghịch dại. Trẻ con bây giờ thông minh quá, và cuộc sống cũng quá tiện nghi. Tôi chẳng thể nào bắt gặp hình ảnh tuổi thơ mình trong tuổi thơ của các em tôi bây giờ.
Mới mười mấy năm mà sao nhiều lạ lẫm?
Hẳn là tuổi thơ của bố mẹ, xa hơn nữa là của ông bà, chắc cũng khác xa thời ấy của chúng tôi. Nhưng có phải là, tuổi thơ càng thiếu thốn, càng “hoang dại”, thì càng có nhiều thứ để nhớ về và ngày sau mãi kể không?