Thời xa vắng là một tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu. Tiểu thuyết này kể về cuộc đời của Giang Minh Sài, chàng trai lớn lên ở vùng nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng vào khoảng năm 1954 trở đi. Vì tục tảo hôn mà cậu bé Sài, tuy chỉ mới mười tuổi, đã bị buộc phải kết hôn với Tuyết, một cô gái lớn hơn mình ba tuổi. Mối quan hệ này không chỉ gây ám ảnh cho thời niên thiếu của Sài, mà còn đổ bóng dài lên suốt phần còn lại của cậu. 
Mọi chuyện càng căng thẳng hơn khi Sài bước sang tuổi mười tám và yêu một cô bạn cùng lớp tên Hương. Bị dư luận chỉ trích là bỏ vợ quen người khác, Sài quyết định nhập ngũ để tránh xa điều tiếng và để không bao giờ phải gặp lại cô vợ bất đắc dĩ kia của mình. Không may thay, cấp trên của Sài cứ khăng khăng cho rằng cách duy nhất để anh được kết nạp đảng, việc mà lúc bấy giờ có ý nghĩa như một bước thăng tiến lớn trong sự nghiệp và uy tín của mỗi người cán bộ, là phải làm cho cuộc hôn nhân của mình viên mãn bằng cách quan hệ tình dục với vợ. Thế là Sài đã nhắm mắt đưa chân. Nhưng đáng nói là, ngay cả sau vụ việc đó, Sài vẫn không được trở thành đảng viên vì lý do gia đình vợ anh có quan hệ với chính quyền thực dân ngày trước.
Ảnh: từ bộ phim chuyển thể năm 2003.
Ảnh: từ bộ phim chuyển thể năm 2003.
Biết rằng không bao giờ có thể hòa hợp được với cuộc hôn nhân hiện có, dù hai người đã có một đứa con, Sài từ biệt gia đình để vào chiến trường miền Nam, với hy vọng có thể chết đâu đó dọc đường. Tuy nhiên, Sài đã sống sót trở về và phải tiếp tục đối mặt với cái bi kịch hôn nhân cũ. Chỉ cho đến khi có một vị chính ủy đề nghị anh ly hôn, anh mới như nhìn thấy một tia sáng cuối đường hầm.
Sau khi ly hôn, Sài gặp và kết hôn với Châu, một cô gái thành phố thông minh và lạnh lùng theo kiểu Amy Dunne trong Gone girl. Cuộc hôn nhân một lần nữa trở thành cơn ác mộng đối với cả hai vì Châu quá tự cao tự đại và đòi hỏi cao, còn Sài thì vẫn luôn thấy mình trong cái xuất thân nông dân, không sành điệu và khá xuề xòa. Xung đột lên đến đỉnh điểm khi Châu cắt đứt dây đeo vai của chiếc ba lô quân sự mà Sài đã sử dụng khi đi lính, một kỷ vật về thời trai trẻ và về tình đồng đội của mình. Cuối cùng, họ ra tòa sau khi đệ đơn ly hôn, nơi Sài nghe được sự thật rằng đứa con trai của hai người không phải là con ruột của anh. Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng việc Sài trở về làng quê của mình sống những năm cuối đời, quên cô đơn bằng các hoạt động cộng đồng.
Một chủ đề nổi bật của Thời xa vắng là sự chà đạp quyền tự do cá nhân trong một xã hội lúc nào cũng đặt lên trên hết cái lợi ích tập thể. Vào thời trước chiến tranh, quan niệm này gắn liền với các giáo điều Nho học cho rằng con cái phải tuân theo sự sắp đặt của các bậc trưởng bối, và phải luôn hy sinh bản thân vì danh dự của gia đình. Sau năm 1945, quan niệm tập thể cao hơn cá nhân này lại tiếp tục được củng cố bởi các chính sách của đảng. Để xây dựng một hình tượng lý tưởng về người đảng viên, đảng kiểm soát nhiều hơn đối với cuộc sống cá nhân của các thành viên, ngay cả trong việc họ nên yêu ai hay là ăn nằm với vợ chồng của mình như thế nào, như lời của nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội (1990) của Nguyễn Khải. 
Trong Thời xa vắng, khi cấp trên yêu cầu phải quan hệ với vợ thì mới được kết nạp đảng, Sài ngoan ngoãn làm theo mặc dù anh biết rõ anh không yêu vợ mình, mà chỉ yêu cô bạn học cũ là Hương. Nghe tin này, Hương cũng không còn đợi anh nữa mà bước tiếp với một chàng trai khác. Cuối cùng, Sài vừa đánh mất tình yêu của đời mình, lại cũng vừa không được kết nạp đảng. Bằng cách miêu tả cuộc hôn nhân bí bách của Sài, Lê Lựu muốn đặt vấn đề về việc hạn chế sự kìm kẹp của tập thể lên đời sống cá nhân. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng bày tỏ góc nhìn tương tự trong tiểu thuyết Ly thân (1989).
So với Những thiên đường mù (1988), một cuốn tiểu thuyết thời hậu chiến khác của Việt Nam, thì trong khi Thời xa vắng tập trung hơn vào việc phê phán những hủ tục lạc hậu của chế độ phong kiến ​​và chế độ toàn trị đã kìm hãm ý chí tự do của cá nhân, Những thiên đường mù mổ xẻ những hệ lụy kéo dài do cải cách ruộng đất 1954-56 gây ra. 
Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều hé lộ cho ta thấy một cái nhìn về cách người dân miền Bắc Việt Nam đã sống như thế nào, chứ không chỉ về cách họ đã chiến đấu thế nào trong giai đoạn chống Mỹ. Nhân vật chính trong Thời xa vắng là một người lính, nhưng chúng ta thấy ở người lính đó những khía cạnh tình cảm, hôn nhân nhiều hơn là vinh quang, chiến đấu. Còn trong Những thiên đường mù, nữ chính lớn lên trong thời chiến, nhưng cũng có rất ít chi tiết về cuộc đời của cô ấy liên quan đến chiến tranh. 
Thông qua những câu chuyện cá nhân này, hai nhà văn hậu chiến Lê Lựu và Dương Thu Hương đã tham vọng nắm bắt được sự chuyển biến xã hội của miền Bắc Việt Nam suốt 30 năm (1954-86), trong những tương tác phức tạp giữa các giá trị tiền chiến và các giá trị hậu chiến, giữa đời sống nông thôn và đời sống thành thị, giữa cái “tôi” và cái “chúng ta”, như tên một vở kịch rất liên quan của Lưu Quang Vũ.
Cuốn tiểu thuyết này được Lê Lựu hoàn thành vào tháng 9 năm 1984, và được nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, nay là nhà xuất bản Hội Nhà Văn, xuất bản hai năm sau đó. Nó được dịch sang tiếng Anh bởi Ngô Vĩnh Hải, Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen và David Hunt, với tựa đề A Time Far Past, do nhà xuất bản Đại học Massachusetts ấn hành vào tháng 4 năm 1997. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, do Hồ Quang Minh đạo diễn, được phát hành vào năm 2003, và nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình.
Thời xa vắng có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Lê Lựu. Nó đã đưa ông trở thành một trong những gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam giai đoạn Đổi Mới.