Để tóm tắt cho các bạn không theo dõi bài viết trước, đại khái là tôi có kêu ca về khoảng thời gian tham gia tình nguyện trong câu lạc bộ. Chả vui vì đi tình nguyện quá nhiều để Mệt; Chả vui vì phải tổ chức chương trình quá nhiều mắc Mệt; Chả vui vì đi tình nguyện nên phải học bù thêm giờ thêm ngày, thêm tiết đâm ra Mệt...Chắc nhiều độc giả thắc mắc là tôi kêu nhiều; tôi kêu gì mà kêu dữ quá; kêu mắc mệt; kêu như ... 😂.Thế thì bài viết ngày hôm nay sẽ giải đáp hết thắc mắc của các độc giả vì sao tôi lại kêu như vậy.
Vâng, sê ri xin được continue
Chả vui vì biết bao vấn đề sinh viên phải đối mặt và gặp phải như vậy. Còn một vấn đề lớn nữa đó là...
...Chả vui vì...khi đi tình nguyện, bạn bắt buộc phải chấp nhận những mặt trái của cuộc sống
Những mặt trái của cuộc sống..
     Những hoàn cảnh gia đình, người già, trẻ em khó khăn mà chúng ta gặp gỡ mỗi khi tham gia các chương trình. Ở cái thế kỷ 21 hiện đại văn minh, khi mà công nghệ, sức khỏe, thời trang làm đẹp lên ngôi, cái ăn cái mặc dường như đã là một lẽ thường tình của các gia đình và mọi người. Đã trôi qua đâu đó cái thời bao cấp tem phiếu, nhà nhà người người, các bà các mẹ các cô đi hái rau, đánh dặm, đào khoai, đào sắn để ăn qua bữa chống đói; đôi khi có một bữa cơm trắng đã là một thứ gì đó gọi là xa xỉ, quấn áo rách rưới , chằng chịt miếng vá, kim khâu, anh em thì thay nhau mặc, đứa lớn tồi cho đứa bé mặc, đứa bé lại tồi cho đứa bé hơn...Biết bao cái khổ cái vất vả về sự thiếu thốn những nhu cầu cơ bản của con người ngày xưa, thì bây giờ, sự hứng chịu vẫn tiếp tục đổ dồn lên những hoàn cảnh éo le ấy. Tôi có nhớ một lần chúng tôi trèo đèo lội suối tới một bản làng hẻo lánh ở Thái Nguyên, đón chúng tôi là những nụ cười niềm nở của người dân thật thà nơi đây. Nụ cười của tôi lúc ấy bắt đầu nhạt dần và chợt tắt khi thấy một em bé, cỡ tầm khoảng 3,4 tuổi, ngồi bệt xuống đường ở góc xa, làn da nâu đượm màu núi rừng, cổ đeo vòng trắng, tóc lâm râm heo hắt mùi nắng, đôi bàn chân bé nhỏ không dép, không giày. Cứ vậy, em lủi thủi chơi một mình, cầm trên tay quả cù quay bằng gỗ, cũng đủ làm em vui...
Thật may, khi chương trình của chúng tôi bắt đầu, tôi đã gặp lại được em ấy, ngồi bé nhỏ trong hàng ghế...
Thật may, khi chương trình của chúng tôi bắt đầu, tôi đã gặp lại được em ấy, ngồi bé nhỏ trong hàng ghế...
Một chương trình quy mô nhỏ giành cho các em nhỏ vùng cao, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
Một chương trình quy mô nhỏ giành cho các em nhỏ vùng cao, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
 Khi bạn được trực tiếp đi về những nơi khó khăn như vậy, nếu chịu khó ngồi nói chuyện, hỏi han những người có hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi dám cá là phần nào đấy bên trong bạn sẽ thay đổi. Mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh của họ, thực sự giống như những nhân vật khổ ải trong các bộ phim, tác phẩm văn học ngày xưa như Thị Nở, Lão Hạc của Nam Cao, chị Dậu trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố hay nhân vật người mẹ của Núi trong bộ phim "Sống ở đáy sông". Những con người ấy họ đều tần tảo sớm hôm chăm chỉ làm lụng, vất vả kiếm sống, có gia đình thì con cái đi làm ăn xa, để lại ông bà và đứa nhỏ; gia đình thì vợ chồng lấy nhau sớm, không kế hoạch hóa gia đình, không học hành,...Thật đáng tiếc, suy nghĩ và tư tưởng không thể khá lên được, những con người kém may mắn hơn chúng ta, khi được sinh ra trong hoàn cảnh như vậy. 
     Bạn chỉ là một con người nhỏ bé trên đất nước rộng lớn này, một dấu chấm nhỏ trên Trái Đất này, nhiệm vụ của bạn là sống thật tốt, sống có ý nghĩa với cuộc đời, sống có trách nhiệm với gia đình bạn.
Chỉ có xác suất % rất nhỏ rằng bạn là người sẽ thay đổi Thế giới, hay chỉ là thay đổi một nhóm nhỏ, một vấn đề gì đấy. Làm thế nào để bạn có thể thay đổi cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Xin lỗi bạn, chấp nhận đi. Đối với họ, việc nhận quà từ thiện và tình thương giống như một chuyện lẽ thường trong cuộc sống. Một năm có hàng trăm đoàn từ thiện đến với họ, dần dần rồi như thói quen, họ sẽ ỷ lại, và đương nhiên việc ỷ lại này sẽ tác động đến suy nghĩ. Không phải là "Nằm gai nếm mật" chờ cơ hội đến, mà là "Há miệng chờ sung" chờ quà ban phát. 
     Việc tình nguyện cũng không phải lúc nào suôn sẻ, sẽ có những thành phần phá đám, trục lợi, giả vờ làm người nghèo khó để lấy đặc ân, lòng thương. Trong một chương trình đó là "Đi qua đêm đông", câu lạc bộ chúng tôi sẽ tập trung tặng đồ ăn, đồ nhu yếu phẩm cho người vô gia cư, thời gian phát quà sẽ là vào buổi đêm, thời điểm mà trên các con phố vắng vẻ sẽ tập trung người vô gia cư nhiều nhất. Tuy nhiên, dù là buổi đêm, vẫn có những thành phần không thực sự khó khăn, nhưng giả vờ ra vẻ khổ sở để làm "lay động" chúng tôi. Đến khi biết được rồi thì cũng đã quá muộn, khi ấy nhiều đứa em của tôi đã thắc mắc, các em không vui, thấy ấm ức, việc đi chương trình còn có ý nghĩa gì nữa, khi việc trao quà không thể đến đầy đủ với những người thực sự cần. Xin lỗi mấy đứa, nếu em không thể chấp nhận sự thật, là sẽ luôn luôn có những vấn đề ta không thể giải quyết được trong cuộc sống, thì tốt nhất em ở nhà đắp chăn ngủ cho khỏe, đừng có đi nữa. 10 gói quà trao đi, chỉ cần 8 gói quà được trao đúng người, đúng hoàn cảnh, trong đó 6 gói quà chúng ta nhận được những lời cảm ơn, 4 gói quà nhận được lời cảm ơn chân thành cảm kích, thế là đủ...Chúng ta không phải là thánh nhân, hãy làm những gì tốt nhất mà bản thân có thể.
 Việc tình nguyện là vậy, hãy chấp nhận những mặt trái đấy... Sẽ có nhiều người hỏi vậy đi tình nguyện chả vui, bản thân sẽ nhận lại được gì. Có một món quà đặc biệt, mà khi bạn chỉ tham gia các câu lạc bộ về tình nguyện, bạn sẽ có được và nhận được rất nhiều. Đối với những kĩ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, tin học máy tính, khi bạn tham gia bất kỳ một câu lạc bộ nào cũng rèn luyện được cho bạn. Nhưng đối với câu lạc bộ tình nguyện, món quà ấy là độc nhất, là ngọn lửa nhen nhóm khi bạn mới tham gia vào câu lạc bộ, và sẽ bùng lên, sưởi ấm trái tim của bạn, có thể là mãi mãi. Đó là " Lòng trắc ẩn"
     Lòng trắc ẩn sẽ giúp bạn luôn giữ được thái độ bình tĩnh, trầm ổn với mọi vấn đề trong cuộc sống, sẽ giúp bạn mỉm cười nhiều hơn với những niềm vui nho nhỏ quanh ra, hay là sự hy sinh thầm lặng của bản thân cho ai đó mà không cần hồi đáp. Làm sao không thể trầm mặc khi bản thân phải chứng kiến những hoàn cảnh kém may mắn hơn bản thân mình, không thể không mỉm cười với những niềm vui giản đơn của họ, những vấn đề bản thân coi là lẽ thường tình, nhưng họ lại coi là sự hy sinh cao cả...
Nói vui một chút, chắc do bản thân tôi đi tình nguyện nhiều hay sao. Mà nhiều khi tôi thấy tôi thương cả mấy bà bán rong hoa quả, bán rau, thịt ngoài chợ. Đi chợ mua đồ không biết trả giá, thấy người ta bán đắt hơn một tý, thôi tặc lưỡi, nghĩ bụng cho qua "mình mua đắt hơn vài nghìn đồng, ngày mai nhịn đi uống cà phê sang chảnh một bữa là bù lại tiền, coi như biếu họ, dẫu sao họ cũng vất vả". Vâng, hậu quả là tôi được vài trận ca thán của mẹ, vài câu trêu của bạn bè, chắc mình ngu ngơ thật 😂
Ủa, vậy rốt cuộc là có vui không?
      Chả vui hay không vui là tùy bạn, tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Đối với những người giống như tôi, khoảng thời gian đó là những kỉ niệm, kí ức vui buồn mà thật sự rất khó để lấy lại được. Rồi đến khi bạn tốt nghiệp, bạn đi làm, bạn sẽ phải chấp nhận rằng, hãy cất quá khứ đẹp đẽ ấy đi, một trang sách mới đã được lật. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống trong những kỉ niệm đẹp ấy, sẽ là thứ níu kéo bản thân chúng ta lại, trong công việc, gia đình tương lai...Những con người mà chúng ta đã từng quen từng gắn bó, có lẽ đã kết thúc chặng đường cùng nhau. 
     Nếu bạn đang còn là sinh viên, hay cống hiến, tham gia hết mình thứ mình đã chọn. Còn nếu bạn không còn là sinh viên, hãy cùng tôi cất đi những kí ức đẹp thời ấy...