Thôi miên bằng ngôn từ: Làm sao để quyến rũ và thuyết phục khách hàng chỉ bằng ngôn từ?
Bạn nghĩ gì khi nói tới thôi miên? Một ông bác sĩ nào đó đứng trước mặt và chỉ sau một vài thao tác, bạn bắt đầu mơ mơ màng màng. Ông...
Bạn nghĩ gì khi nói tới thôi miên? Một ông bác sĩ nào đó đứng trước mặt và chỉ sau một vài thao tác, bạn bắt đầu mơ mơ màng màng. Ông ta đã len lỏi vào tâm trí bạn.
Bạn chỉ biết gật đầu, gật đầu liên tục tán thành. Nếu bạn nghĩ thế thì, chúng ta giống nhau rồi. Cuốn sách Thôi miên bằng ngôn từ đã khiến mình dừng lại và suy nghĩ một hồi trước cái tên sách quá đỗi mĩ miều này.
Cuốn sách này dành cho ai?
- Bất cứ ai muốn viết tốt hơn, viết hay hơn.
- Bất cứ ai muốn nâng cao kỹ năng viết bài thương mại, viết bài bán hàng, quảng cáo.
- Bất cứ ai muốn thôi miên người khác bằng ngôn từ!
Thế nào là thôi miên bằng ngôn từ?
Trong cuốn An Outline of Abnormal Psychology xuất bản năm 1929, tác giả Wesley Wells cho rằng thôi miên có hai dạng: đầu tiên là trạng thái ngủ hữu thức và thứ hai là trạng thái tập trung cao độ khi thức. Theo cách của Wells, ông cho rằng ngay cả khi mở mắt, đối tượng vẫn có khả năng bị thôi miên như thường.
Trong cuốn Hypnotherapy, tác giả Dave Elman định nghĩa trạng thái thôi miên hữu thức như sau:
“Ta có thể thôi miên đối tượng mà không cần đưa họ vào trạng thái ngủ mê. Khi đó, đối tượng sẽ trải nghiệm được trạng thái thôi miên hữu thức”.
Trạng thái thôi miên hữu thức thể hiện sự tập trung cực độ. Bạn đang tập trung chú ý một điều gì đó trước mắt đến nỗi quên bẵng đi mọi thứ hiện diện xung quanh. Ví dụ khi đọc sách, bạn bị cuốn vào từng con chữ một, như bị thôi miên vậy, chỉ khác một điều là mắt bạn vẫn mở. Vì thế, hiện tượng này mới được gọi là trạng thái thôi miên hữu thức.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn đưa người đọc vào trạng thái thôi miên hữu thức. Bằng cách vận dụng có chủ ý từng lời từng câu, bạn sẽ đưa độc giả vào trạng thái tập trung cao độ và khiến họ đồng ý chọn mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Lúc này, người đọc sẽ chú ý nhiều hơn, bị cuốn hút nhiều hơn vào những gì họ đang đọc. Bằng cách sử dụng các từ ngữ thích hợp, bạn khiến người đọc trải nghiệm nhiều cảm giác khác nhau. Bạn sẽ khiến họ “chìm đắm” trong các trang web, các email hay thư chào hàng của bạn mà chẳng còn quan tâm đến thứ gì khác.
Tư duy đúng về việc viết
Làm nghề nào thì cũng cần tư duy. Người làm thiết kế có tư duy của một nhà thiết kế. Người làm kinh doanh có tư duy của một doanh nhân. Người viết cũng vậy, cần phải có một tư duy đúng đắn về viết lách.
Người viết có nên viết về mình hay không?
Nếu bạn là một độc giả, bạn có muốn đọc một bài viết mà người viết chỉ khoa trương về bản thân họ hay không? Bạn đang muốn tìm hiểu sản phẩm của anh ta, nhưng thứ anh ta nói chẳng đề cập gì tới lợi ích của bạn.
Đó là một sai lầm lớn. Trung tâm vũ trụ của loại văn bản đó là người viết, và người đọc chỉ là những vệ tinh bao xung quanh. Tuy nhiên ai lại quan tâm tới người viết cơ chứ? Chắc chắn không phải là độc giả.
Độc giả chỉ quan tâm tới bản thân họ, lợi ích của họ, vậy nên tốt nhất là bạn chỉ nên nói về họ và riêng họ mà thôi. Cách chắc chắn để độc giả cảm thấy bạn đang nói chuyện với họ là luôn dùng một từ ngắn, đơn giản – “bạn”. Và từ giây phút này, hãy chĩa ngòi bút về người “bạn” đó.
Joe Vitale trích dẫn một câu rất hay mà mình nghĩ đã bao trùm toàn bộ nội dung vấn đề này, như sau:
"Nói đơn giản thế này: Mỗi khi anh nêu lên một sự thật hay một thông tin nào đấy, hãy diễn tả sao cho người đối diện nhận thấy sự thật ấy có lợi như thế nào đối với họ."
Thế đấy, hãy quẳng cái tôi của bạn sang một bên và thử đặt mình vào vị trí của độc giả. Hãy diễn dịch mọi thứ thật đơn giản, dễ hiểu. Trước khi muốn thôi miên bằng ngôn từ, bạn phải viết để người đọc hiểu được đã.
Cảm hứng đến từ đâu?
Bạn có chờ đến lúc “có hứng” rồi mới viết? Vài nhà văn làm như vậy đó. Tuy nhiên, hãy nhớ lại ngày cấp 3, giám thị có chờ tới khi bạn “có hứng” viết thì mới bắt đầu tính giờ không?
Bạn chỉ làm việc khi “có hứng” thôi sao? Bạn đi làm bởi bạn buộc phải vậy, bởi chẳng ai trả lương cho bạn để bạn ngồi chờ đến khi có hứng. Việc viết lách cũng vậy. Vậy làm thế nào để có thể khơi nguồn cảm hứng ngay lập tức?
Theo kinh nghiệm của Joe Vitale, hãy cứ đặt bút viết và cảm hứng ắt sẽ đến. Cảm hứng sẽ chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu viết. 1.000 chữ – là con số tối thiểu mà Jack London đặt ra mỗi ngày. Bậc thầy khoa học viễn tưởng Ray Bradbury sáng nào cũng viết vô định cho đến khi một ý tưởng lóe lên.
Vì vậy, hãy viết bất cứ thứ gì bạn nghĩ ra và ĐỪNG SỬA! Hãy cứ viết đã rồi hoàn thiện sau. Cảm hứng rồi sẽ tới. Những câu chữ vô nghĩa rồi sẽ trở thành những dòng thông thái, liên tưởng vô định rồi sẽ trở thành câu chuyện lôi cuốn.
Đừng viết, mà hãy để ngôn từ tự tuôn chảy.
Đừng quá chú tâm viết mọi thứ thật hoàn hảo
Đã bao giờ bạn ngồi trước màn hình máy tính, gõ vài dòng, rồi lại xóa đi. Bạn cứ gõ, xong lại xóa. Kết cục, bạn chẳng viết được gì cả. Trong một văn bản, tất cả những đoạn hay nhất đều là các đoạn đã qua chỉnh sửa. Vì vậy, hãy cứ viết, cứ bung lụa rồi quay lại chỉnh sửa sau.
Tuy nhiên, đừng chờ đợi đến khi mọi thứ bạn viết thật hoàn hảo. Sẽ chẳng có tác phẩm nào là hoàn hảo cả, kiểu gì biên tập viên cũng sẽ gạch vài dòng, có khi là vài đoạn, hoặc thay đổi cả tiêu đề bài viết!
Với viết lách thì bạn không thể cầu toàn được. Hãy hoàn thành thật nhanh bản thảo, chỉnh sửa, viết lại, trau chuốt, đánh bóng câu văn thật nhanh và cứ thế gửi bản thảo đi!
Cứ viết thật nhiều, câu văn rồi sẽ mượt mà và bóng bẩy hơn. Lượng ắt sẽ sinh ra chất. Ray Bradbury viết đến 2.000 câu chuyện chỉ để 200 trong số chúng trở thành những tác phẩm kinh điển. Nhiều tác giả phải viết đến sáu cuốn sách chỉ để nhà xuất bản chọn lấy hai cuốn đáng xuất bản. Hãy cứ viết và viết.
Tuy nhiên, đừng hiểu lầm rằng bạn muốn viết thế nào cũng được. Hãy nghiêm túc, đầu tư thời gian và công sức hơn người khác, và thành quả bạn nhận về sẽ xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra.
Nhà kể chuyện tài ba
Một trong những lý do khiến các câu chuyện luôn thuyết phục là vì nó cho phép người đọc hoặc người nghe tự rút ra kết luận cho riêng mình. Tuy nhiên, những gì họ chiêm nghiệm được phải dựa trên những chi tiết hiện diện trong câu chuyện – thứ người kể chuyện trao cho họ.
Vậy nên, bài học ở đây là đừng nên nói huỵch toẹt những gì bạn muốn truyền tải. Thay vào đó, hãy kể các câu chuyện sao cho người đọc tự rút ra được kết luận giống ý mình.
Tò mò là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của con người. Bạn nên cho một chút “gia vị” để câu chuyện của mình thêm phần hấp dẫn. Một trong những cách hữu hiệu nhất là sử dụng câu hỏi.
Hãy giao tiếp với người đọc bằng các câu hỏi, càng mở càng tốt. Hãy khiến họ tò mò. Hãy để dành phần hay nhất cho đoạn kết. Ngoài ra, Joe Vitale cũng chỉ ra một mẹo mà mình thấy khá hay về cách mà bạn có thể thu hút người đọc từ dòng đầu tiên.
Thứ nhất, bạn có thể đưa ra một tuyên bố gây sốc, in hoa các từ quan trọng tạo điểm nhấn. Tuy nhiên, mình thấy cách này khá tầm thường. Cách thứ hai mà Joe đưa ra là bạn có thể đưa một xung đột lên đầu để thu hút sự chú ý của người đọc.
Nói gì chứ riêng xung đột, đánh nhau hay ẩu đả là rất hot. Bản thân xung đột tự nó đã rất cuốn hút. Xung đột vẫn luôn là chủ đề của các bản tin, các bộ phim, các câu chuyện,... Vì vậy, từ nay hãy tận dụng chúng trong bài viết của các bạn nhé!
Dài hay ngắn?
Nếu là một tay viết, bạn chắc hẳn quen với việc có lúc ngồi mãi không nặn ra từ để viết, có lúc lại viết siêu phiêu siêu dài. Điều này đều đáng bận tâm. Có những bài viết chỉ nên viết ngắn, có những bài buộc phải viết dài. Joe Vitale giải đáp điều này như sau:
Đừng quá bận tâm về việc viết ngắn hay dài. Hãy viết nó đơn giản. Mark Twain từng nói dù viết “cảnh sát” hay “cớm” thì ông vẫn được trả số tiền như nhau, bởi vậy ông luôn chọn “cớm” vì nó ngắn hơn.
Có thể bạn đang nhầm lẫn giữa việc viết ngắn và viết ngắn gọn. Điều quan trọng ở đây là độ súc tích và dễ hiểu của bài viết. Câu từ của bạn có giản dị, dễ tiếp cận đối với người đọc hay không. Hãy viết như thể bạn đang nói, tức là nếu bạn không bắt gặp từ nào trong giao tiếp thường ngày thì cũng đừng cố đem nó vào trong văn viết.
Nhớ nhé, viết ngắn khác với viết ngắn gọn. Hãy tập trung vào vế sau. Nếu người đọc đã có hứng thú với sản phẩm của bạn, độ dài bài viết sẽ không phải vấn đề. Điều quan trọng là bạn cần khiến từng câu, từng từ đều xứng đáng với thời gian họ bỏ ra.
Trong viết thương mại, độ dài của bài viết thường được ấn định sẵn. Joe cho rằng, viết càng dài thì bạn càng có khả năng bán được hàng. Với Joe thì, sản phẩm càng đắt càng phải nói nhiều hơn. Nếu là một sản phẩm thông dụng như bàn chải đánh răng, bạn có thể không cần nói quá nhiều. Nhưng nếu là một khóa học tiền triệu, bạn sẽ cần nói nhiều hơn với khách hàng của mình.
Một góc nhìn khác từ nhà quảng cáo lỗi lạc Claude Hopkins về vấn đề này, như sau: Bất cứ người nào đọc bài viết của anh, tức là họ quan tâm tới anh và món hàng anh đang chào bán. Bởi vậy, anh cần nói chi tiết nhất có thể.
Hopkins từng viết bài quảng cáo bia Schlitz dài 5 trang rặt chữ, thế nhưng chỉ sau 6 tháng, doanh số của thương hiệu này tăng tới 80%. Lúc này, nhà nhà đều dùng bia Schlitz. Vì vậy, nếu bạn có thể viết dài, hãy cứ viết dài. Để phần “cắt tỉa” bài viết cho bước biên tập mà mình sẽ nói ngay dưới đây.
Biên tập – Phần quan trọng nhất
Ernest Hemingway từng phát biểu:
“Nhiều nhà văn đã quên mất bước quan trọng nhất khiến tác phẩm của họ trở nên sáng giá - chỉnh sửa bản thảo, cố gắng biến nó thành một tác phẩm hoàn thiện, thành một áng văn sáng lóa chẳng khác gì thanh gươm mới mài xong”.
Nhiều cây viết thường bỏ qua bước này, hoặc chỉ làm qua loa. Nếu muốn “níu chân” độc giả, hãy nghe theo công thức của Joe Vitale: Viết trước, sửa sau.
Đầu tiên, viết ra một bản nháp. Sau đó chỉnh sửa và hoàn thiện bản nháp đó. Như E. B. White nói thì:
“Chẳng có đoạn viết nào xuất sắc cả, vì tất cả điều tuyệt vời đều nằm ở những đoạn đã được chỉnh sửa, viết lại.”
Giờ thì tới phần thực hành. Bạn sẽ cần chút bí quyết biên tập “nhanh như chớp” từ Joe Vitale dưới đây:
Cắt phần đầu đi
Xem một vài đoạn văn đầu tiên, bạn có thể xóa nó đi không? Liệu nội dung của câu vẫn đảm bảo nếu không có đoạn đầu tiên và đoạn thứ hai chứ?
Xem chương đầu tiên, tôi có thể bỏ chương này chứ? Liệu cuốn sách có còn trọn vẹn nếu không có chương đầu?
Các nhà văn thường viết dông dài trước khi vào đúng vấn đề chính,. Vài đoạn văn đầu tiên thường lan man, nên hãy thử đọc lại và xem xét có nên xóa chúng đi không. Bạn có thể không thực sự cần chúng. Giai đoạn này vẫn là lúc bạn đang “hâm nóng” ngòi bút, đôi khi chúng chỉ ở đó để thực hiện nhiệm vụ giúp bạn “nóng máy” trước khi tiến vào cuộc đua.
Chắc chắn bạn không nỡ ra tay “chém” chính đứa con tinh thần của mình, nhưng đừng lo. Nếu bạn không làm điều đó, biên tập viên cũng sẽ làm thay bạn thôi. Thậm chí “huyền thoại làng xuất bản” Maxwell Perkins còn đánh nhau với Thomas Wolfe để cắt bỏ 90.000 chữ trong bản thảo của anh. Cuối cùng thì Perkins vẫn thắng.
Mình nói đùa vậy thôi, hãy xem xét và nếu thấy nó thực sự thừa thãi, đừng ngại ngần mà gạch bỏ ngay! Còn nếu nó hay thì không sao, cứ để đó.
Cắt phần kết đi
Hãy chú ý phần kết trong bài viết, hãy xem xét chương cuối cùng, các đoạn cuối cùng, các câu văn cuối cùng. Tôi có thực sự cần chúng không, có thể xóa chúng đi mà nội dung vẫn trọn vẹn không?
Nếu có, cũng đừng ngại ngần gạch chúng đi.
Nhờ ai đó đọc to thành tiếng những gì bạn viết
Đưa văn bản đó cho bạn bè và nhờ họ đọc to. Nhờ vậy bạn sẽ hiểu được những gì người đọc trải qua khi đọc bài viết của mình. Nếu họ đọc vấp, líu lưỡi hay nhăn trán, vò đầu bứt tóc ở bất kỳ đoạn nào thì hãy đọc và viết lại những đoạn đó.
Muốn bài viết hay và hấp dẫn thì nội dung phải dễ đọc, dễ hiểu, đơn giản và rõ ràng.
Đừng quên tiêu đề
Nếu bạn lướt qua các đầu sách về kỹ năng viết, kiểu gì cũng bắt gặp ít nhất một chương dành cho tiêu đề. Riêng với cuốn Quảng cáo thực nghiệm thì John Caples còn dành hẳn 4 chương để nói về điều này. Tại sao tiêu đề lại quan trọng tới vậy?
Đơn giản thôi, người ta đọc bài của bạn vì tiêu đề. Mỗi lần bạn lướt báo hay check email, chẳng phải bạn vẫn lựa ra bài viết muốn đọc qua tiêu đề đó thôi. Nếu bạn đang đau chân, một bài viết với tiêu đề đơn giản “Bạn bị đau chân?” chắc chắn thu hút bạn so với những tiêu đề khác. Và bạn nhấp vào đọc. Giờ thì bạn đã hiểu vì sao tiêu đề lại quan trọng chưa?
Trong sách thì Joe Vitale đưa tới bạn những 30 phương pháp tạo nên một tiêu đề lôi cuốn. Nhìn chung thì một tiêu đề ổn sẽ bao gồm một trong hai điều sau: lợi ích của độc giả và gây sự tò mò. Có cả hai thì càng tốt.
Người đọc cũng như bạn, họ cũng bận bịu với hàng trăm mối lo toan trong đầu. Vì vậy, tiêu đề của bạn phải nhắm tới thứ mà họ đang tìm kiếm, để tách họ ra khỏi dòng suy nghĩ đó.
Nếu quảng cáo thuốc chữa đau chân, tiêu đề “Bạn bị đau chân?” luôn hiệu quả. Con người luôn muốn giàu có hơn, nhiều quần áo đẹp hơn, sở hữu thân thể cường tráng, được mọi người ngưỡng mộ,... Vì vậy, hãy để tiêu đề nói rằng bạn có thể cho họ những điều đó.
Tò mò là bản chất nguyên thủy của con người. Nếu bài viết của bạn kích thích được sự tò mò của độc giả, khả năng họ đọc bài viết sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tò mò thôi là chưa đủ. Vì đơn giản là độc giả khá lười. Họ lười bấm vào bài viết để tìm xem câu trả lời là gì. Tuy nhiên, nếu nó bao gồm một lợi ích cung cấp, thì lúc đó bạn đã tạo nên một tiêu đề lôi cuốn.
Chẳng hạn, tiêu đề “Tôi đã giảm cân thế nào?” gây tò mò, tuy nhiên sức lôi cuốn chưa đủ. Nhưng “Tôi đã giảm 20kg trong 4 tháng mà không cần ăn kiêng như thế nào?” thì sao? Lúc này, độc giả được cung cấp thông tin cụ thể “20kg trong 4 tháng”, một lợi ích “không cần ăn kiêng” và một câu hỏi “như thế nào” ít nhất vẫn thu hút được sự chú ý của những người đang muốn giảm cân.
Điều gì khiến độc giả tiếp tục đọc bài viết của bạn?
Bạn đã học được cách tạo nên một tiêu đề lôi cuốn, nó giúp bạn thu hút sự chú ý của người đọc. Nhưng một đoạn văn mở đầu sáo rỗng có thể phá hủy toàn bộ công trình mà bạn đã dày công gây dựng.
Joe Vitale có quan điểm tương đồng với Joe Sugarman, họ cho rằng bạn nên thiết kế bài viết của mình như một chiếc “cầu trượt”.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc cầu trượt. Chiếc cầu được tra dầu trơn tuột, một khi bạn đã tụt xuống là không thể dừng lại. Giờ hãy liên tưởng tới một bài viết. Đúng rồi, bạn cần viết nó sao cho nó trơn tuột, sao cho từng câu từng chữ đều móc nối để độc giả không thể cưỡng lại mà trôi mãi, trôi mãi tới cuối bài. Hãy bắt đầu với một vài mẹo đơn giản.
Viết câu đầu tiên ngắn gọn. Viết đoạn mở đầu ngắn gọn. Câu đầu tiên phải mồi độc giả để họ đọc câu thứ hai. Câu thứ hai lại mồi họ đọc câu thứ ba. Để làm được điều này, bạn chắc chắn phải viết ngắn gọn. Hãy viết thẳng vào trọng tâm, sử dụng câu chủ động, dùng các động từ mạnh và trau chuốt cho nó thật sáng bóng. Đừng quên là bạn có bước biên tập, lúc mà bạn mài bóng thanh gươm sao cho nó sắc bén nhất.
Vì vậy, lại một lần nữa chúng ta quay về phần biên tập. Khi viết, hãy quẳng mọi mối lo đi và cho ra đời bản thảo nhanh nhất. Sau đó quay lại và chỉnh sửa, gọt giũa. Bỏ các từ sai đi, bỏ các câu sáo rỗng đi và có thể cắt luôn phần đầu thừa thãi như phần trên mình đã nói.
Gia vị quan trọng nhất của bài viết
Là một khách hàng, không ai muốn bị lừa gạt mua phải những món đồ vô ích. Người đọc có thể sẽ bị thôi miên bởi lời quảng cáo của bạn và lập tức mua hàng, thế nhưng lại vội vã yêu cầu hoàn trả sau 1 tuần sử dụng, không quên kèm theo vài lời lăng mạ nếu thái độ bạn không thiện chí. Vậy là bạn đã thôi miên được người đọc đấy chứ, nhưng lúc này có gì đáng tự hào?
Đừng coi độc giả là những con lừa. Đừng nghĩ bạn có thể múa máy vài con chữ và khiến họ quẹt thẻ thanh toán là thành công. Nếu bạn muốn viết thân tình, muốn thuyết phục người đọc, muốn họ say đắm vào từng câu chữ thì trước hết hãy nói sự thật. Hãy nghe qua ví dụ sau đây mà Joe đề cập trong sách:
Một lần, John E. Powers nhận đề nghị quảng cáo những chiếc áo mưa ế.
“Chúng có vấn đề gì?”, Powers hỏi.
Người kia trả lời: “Chỉ giữa anh và tôi thôi nhé, chúng bị hỏng. Tất nhiên, đó không phải là điều để nói trong quảng cáo, nhưng đó là sự thật”.
Ngày hôm sau xuất hiện một quảng cáo như sau: “Chúng tôi có 1.200 cái áo mưa hỏng. Chúng gần như vô giá trị, nhưng vẫn xứng đáng với giá mà chúng tôi đưa ra. Hãy đến và xem. Nếu bạn thấy giá cả hợp lý, hãy mua chúng”.
Người thuê quảng cáo tức tốc đến gặp Powers với tâm thế sẵn sàng đánh nhau. “Anh có ý gì khi quảng cáo rằng áo mưa của chúng tôi bị hỏng?”, ông kêu gào.
“Thì ông bảo tôi như thế”, Powers nói, “Tôi chỉ đơn giản là nói với mọi người sự thật thôi”. Trước khi người thuê quảng cáo có cơ hội bình tĩnh thì số áo mưa đã được bán hết.
Đó là giá trị của sự thật. Sự thật chính là gia vị quan trọng nhất trong bài viết. Thiếu nó, người đọc sẽ lập tức đóng cánh cửa tâm trí lại và bạn không còn cơ hội nào để tiếp cận họ nữa. Lúc này, bạn có thôi miên bằng mấy, viết hay tới mấy cũng vô ích. Vì vậy, đừng quên nêm gia vị nhé!
Tổng kết
Thật ra thì mình không ưng đoạn mở đầu của bài viết này lắm, nhưng mà chả phải biết sửa ra sao. Bí từ là chuyện khá phổ biến với tất cả những người viết. Không sao, nghe theo ông Joe Vitale, mình cứ đăng tải và chuyển qua làm việc khác thôi. Đơn giản thì làm gì có bài viết nào hoàn hảo.
Cuốn sách này là một trong số ít những cuốn khiến mình đọc đi đọc lại nhiều lần. Vì nó thiết thực quá, lâu không đọc sẽ quên. Tốt nhất là đọc nhiều cho nhớ rồi biến nó thành của mình. Khi đó sẽ không cần phải đọc lại nữa =))))
Bên cạnh cuốn này thì còn Khiêu vũ với ngòi bút của Joseph Sugarman mà các bạn làm content cực kỳ nên đọc. Mà có khi nó cũng nằm trong kệ sách nhà bạn rồi, còn chưa thì cũng xem xét dần đi. Yên tâm, mình bảo chứng!
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết review sách sắp tới!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất