Gió mùa đã về (gần như) hoàn toàn. Một người nếu như cũng có phần hướng nội như mình thường sẽ nghĩ ngay đến ba điều sau mỗi khi đông về: 1. Chùm chăn (ngủ); 2. Hoài niệm vẩn vơ về cuộc sống, tình yêu, vân vân; 3. Nhạc nhẽo. 
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang chơi nhạc cụ, mọi người đang ngồi, đàn ghi ta và trong nhà

Thường ba thứ này nó không tách rời nhau mà lại còn bổ trợ cho nhau một cách hoàn hảo để tạo cho ta một sự lười biếng tột bậc, để rồi không làm gì đến một mức độ rời khỏi giường cũng không muốn. Vì đơn giản là với một số người, chỉ cần có âm nhạc là đủ.
Mình cũng là một trong số những người đó. Nghe đủ loại nhạc trên đời mà dễ làm mình buồn đến nhói tim. Từ Edith Piaf cho đến Karen Carpenter với giọng ca khiến mình mê mẩn. Và một trong những ban nhạc với mình là đỉnh cao tột độ nhất của sự suy tư (theo kiểu, ngồi bên cạnh cốc cafe và nhìn dòng người đi qua lại khi trong đầu vẫn còn những suy nghĩ vẩn vơ không biết nên làm gì cho đời xen lẫn sự hối lỗi vì những gì đáng lẽ có thể xảy ra khác đi. Hoặc đơn giản chỉ là hoài niệm về khoảng thời gian đã trôi qua) chính là cặp đôi folk-rock Simon và Garfunkel. 
Nhiều người khi nhắc đến folk/folk-rock là nghĩ ngay đến Bob Dylan. Dylan với giọng ca trải đời khàn đặc cùng lối viết thơ thẩn mà sâu cay như thể mỗi bài lại chửi xéo (hay chửi thẳng) một bộ phận xã hội khác nhau. Dylan chửi người, chửi thói đời, lắm lúc lại quay vào chửi bản thân. Thế mà càng chửi qua suốt bao nhiêu thập kỷ, người ta lại càng tung hô vị thánh nhân Dylan, nhà thơ vĩ đại của thế hệ mới, là tiếng lòng của gần như cả nước Mỹ và rộng hơn là nhân loại trong chính trị, chiến tranh, nhân sinh.
Kết quả hình ảnh cho bob dylan


Đó là số đông. Còn số ít, như là với mình, vị thần folk rock không ai khác chính là Paul Simon cùng người bạn đồng hành (không đội trời chung) là Art Garfunkel. 


Xuất thân từ Queens, New York, Simon và Garfunkel gặp nhau từ thời tiểu học và đến trung học đã lập ban nhạc với nhau - thuở đầu lấy nghệ danh là Tom và Jerry (^^) với bản single đầu tiên là “Hello Schoolgirl” ra năm 1957 làm mưa làm gió Billboard, thu hút các teengirl lúc bấy giờ 
Tom và Jerry tan rã sau nhiều lần thất bại. Bẵng cho đến năm 1963, khi mà Paul Simon bắt đầu hứng thú với bối cảnh folk cùng các nghệ sĩ như Bob Dylan, Peter, Paul và Mary cũng như sự trỗi dậy của sự xâm lăng các ban nhạc nước Anh - The Beatles, Rolling Stones... Simon và Garfunkel ra mắt album đầu tiên: Wednesday Morning, 3 A.M. Album đó lại cũng là một thất bại khác của cặp đôi, mặc dù đã có bản nhạc The Sound of Silence huyền thoại.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, trong nhà


Chắc ai cũng đã từng biết đến tên hoặc chí ít là giai điệu của The Sound of Silence bất hủ - hit đầu tiên của cặp đôi dưới nghệ danh Simon và Garfunkel (nhưng chỉ là sau khi đã được cải biên thêm vào dàn nhạc rock).

 Đó cũng là bài đầu tiên mà mình biết đến của S&G, thông qua bộ phim cũng bất hủ không kém là The Graduate. Biết qua là thế, nhưng mà chỉ đến độ khi mình có dịp sang Nhật Bản một chuyến vào một mùa Thu se se, vừa nghe Bridge Over Troubled Water từ đầu đến cuối vừa ngắm nhìn quang cảnh mọi thứ ở tỉnh Iwate, Morioka thanh bình...phải nói, cảm giác ấy nó thần thánh và “tâm linh” hơn bất kỳ trải nghiệm nghe nhạc nào của mình từ trước đến nay. 

Paul Simon đích thị là một trong những nhà viết nhạc vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Lyrics đầy rẫy tính ẩn dụ có, châm biếm có, thơ thẩn có, và nghệ thuật vẽ lên bức tranh đối với từng bài hát là một chuyện, nhưng giai điệu đi vào lòng người cùng những tiếng nhạc cụ như cắt sâu vào tâm trí và cảm xúc người nghe lại là một chuyện khác. 
Những bài hát của Simon và Garfunkel thần sầu và cách triển khai được chau chuốt đến triệt để; nếu như Simon đảm nhiệm phần giai điệu, thì người thổi hồn cho chúng là Garfunkel. 
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng, cây, ngoài trời và thiên nhiên


“Bridge Over Troubled Water” là một trong những ca khúc được cover nhiều nhất mọi thời đại. Bài hát với nội dung ca ngợi tình bạn, tình anh em là track mở đầu của album cùng tên. Bản nhạc có giai điệu tuyệt hay cùng giàn phối tạo phần kịch tính, thế nhưng thứ mà tạo nên sự vĩ đại của bài hát lại chính là giọng ca của Art Garfunkel. Mỗi khi giọng của ông được ngân lên, chạm đến những nốt cao vời vợi thì cả người tôi lại nổi da gà. Tôi không thấy quá nhiều sự khác biệt giữa giọng của Garfunkel với giọng của một thiên thần.
Đa số những nhạc phẩm của S&G lạnh lẽo theo nghĩa đen (đa số lấy bối cảnh mùa đông hay thu) và cả nghĩa bóng. Chúng lạnh lẽo, cô độc và xót xa vì những thói đời, thói tình không thể dùng từ nào chính xác hơn ngoài từ “bạc bẽo”. “Tiếng âm thầm” là nỗi niềm của sự tách biệt của con người với xã hội - ý nghĩa càng sâu sắc hơn trong thời đại mỗi người ôm lấy một cái smartphone như hiện nay.  “April Come She Will” kể một chuyện tình chớm nở mà cũng vội vã héo tàn, từ tháng Tư cho đến Tháng Chín.
Còn nói về thơ với cả thẩn, không có bài hát nào qua được “The Dangling Conversation”, khúc nhạc dành cho bất kỳ những đôi trai gái cùng giữ chung một thái độ khinh khỉnh với một xã hội nông cạn coi trọng vẻ bề ngoài hơn là tâm hồn người nghệ sĩ.
Có những lúc tôi cũng xem mình đếch khác gì một tảng đá như nhân vật chịu sự cô lập đến ám ảnh trong “I Am A Rock”. Có những lúc, tôi lại đắm chìm trong vòng luẩn quẩn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời như trong “Flowers Never Bend With The Rainfall”.
Hay là như trong “America”, chả có một vần mẹ nào mà Simon vẫn tạo dựng được một câu chuyện từ đầu chí cuối của một cặp đôi trẻ, mù quáng, cùng vô số tham vọng phù phiếm lên đường đi tìm kiếm nước Mỹ không một xu dính túi trong vòng ba phút, khiến người như lạc vào hành trình mà trong đó thấy một phần nào đó của bản thân vậy. Người trẻ thì thấy mình, người già thì thấy mình lúc trẻ.

“‘Kathy I'm lost’, I said, though I knew she was sleeping”
“Kathy, anh đã lạc lối”, người kể chuyện bảo, dù dẫu biết Kathy đã ngủ tự bao giờ. 
“I’m empty and aching and I don’t know why”
“Anh thấy trống rỗng và đau nhói, dù chẳng hiểu tại sao”
Cùng một Kathy đó mà Simon cũng đã viết lên “Kathy’s Song”, lời thơ dành cho Kathy - người thương của ông vào lúc ra đời bài hát.
Hay chỉ bằng một câu đầu tiên trong “The Boxer” - “I am just a poor boy though my story’s seldom told” (Tôi chỉ là một thằng bé nghèo với câu chuyện hiếm khi được kể lể”), là người nghe đã hiểu được xuất thân và tình cảnh, tone của cả bài hát chất chứa nhiều nỗi niềm của kiếp sống một kẻ hay than thân trách phận chôn chân mình tại xứ người. 

“When I left my home and my family
I was no more than a boy
In the company of strangers
In the quiet of the railway station”
“Lie lie lie, lie lie lie lie lie lie lie lie lie…”
Cuộc sống là đầy rẫy sự dối trá, kẻ đấu sĩ ca thán. Đi đến đâu, hắn cũng thấy là sự bẩn thỉu và lừa dối, nhọc nhằn, kham khổ. Những câu từ như thể xuất phát từ tiềm thức của mỗi con người đã từng có những ước vọng cho bản thân - phản chiếu lại qua góc nhìn của một cá thể đã trải đủ sự đời, nếm trải những cái lạnh mùa đông như cắt da cắt thịt của New York để rồi nhận ra không nơi đâu bằng nhà. 
“I am leaving, I am leaving, but the fighter still remains”
“Ta đi đây, ta đi đây, nhưng vị đấu sĩ vẫn còn đó”
Dẫu có sao đi chăng nữa, kẻ khờ dại trong bài vẫn đứng dậy và bước tiếp, một sự dũng cảm như đúng với tên của bài hát “The Boxer” - đấu sĩ. Kẻ đấu sĩ vẫn còn đó và không bao giờ ngừng nghỉ đấu tranh cho lý tưởng và chân lý của bản thân mặc.

Nhạc Simon và Garfunkel có một nét gì đó rất trầm mặc và da diết, một sự hoài niệm vô tư lự không hề nhẹ mỗi khi ta lại kẹt trong chính suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Họ là sự tổng hòa của tất cả những gì khiến lòng người trong ta lay động, nỗi niềm ca thán mà ai cũng muốn được nói ra dưới ánh trăng đẹp đẽ và trong sạch như một tâm hồn non nớt, yếu đuối trước khổ hạnh mà cuộc sống luôn bắt phải trải qua. 
 
Thứ âm nhạc của Simon với Garfunkel là một trong những nòng cốt của thập niên 60, của thế hệ phản văn hóa trẻ trung trong một xã hội biến chuyển không ngừng nghỉ. Thời gian lại chứng minh điều ngược lại hoàn toàn: Simon và Garfunkel là thứ nhạc của mọi thời đại. 
Hãy nghe hết album Bookends hoặc Bridge Over Troubled Water, hoặc Parsley, Sage, Rosemary and Thyme và bạn sẽ hiểu được ngay những gì tôi nói thôi. 
Hoặc là không, bởi vì âm nhạc vốn dĩ mang tính chủ quan mà ^^.
Minh Tu Le
Kết quả hình ảnh cho simon and garfunkel poetry