Vấn đề về việc tiêu thụ thịt chó là vấn đề được bàn luận khá sôi nổi trong những năm gần đây, rất nhiều ý kiến được đưa ra về việc nên hay không nên ăn thịt chó. Ở bài viết này tôi sẽ không nêu quan điểm đúng hay sai cho hành vi này mà là diễn giải lý do tại sao các nước như Tàu, Việt, Hàn lại tiêu thụ thịt chó từ góc nhìn của tác giả Khương Dung (một tác giả người Hán) thông qua tác phẩm Totem sói của ông. (Lưu ý: Trong tác phẩm tác giả đề cập về lý do dân tộc nông canh Hán ăn thịt chó còn dân tộc du mục - người Mông thì không, vì văn hóa Việt & Tàu có nhiều nét tương đồng (có thể cân nhắc thêm cả dân tộc Hàn) nên tôi xin được phép lôi cả quốc gia mình vào để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.)

Về vấn đề địa lý

Người Hán & Việt thuộc tộc nông canh, tập trung ở các đồng bằng, sông nước canh tác nông nghiệp, không có nghề chăn thả, thợ săn cũng không nhiều, những gì ăn được là ăn sạch. Tộc nông canh khác tộc du mục là người đông, không cô quạnh, không cần chó bầu bạn cho vui. Vậy nên khi nhìn nhận theo góc nhìn này tộc nông canh (dân Hán & Việt) không biết chó có ích như thế nào.
Trong khi điều này ngược lại ở tộc du mục khi dân tộc thưa, lương thực họ có được là từ chăn thả và săn bắn, việc nuôi chó là việc rất có ích đối với họ khi chó vừa là người bầu bạn, vừa giúp họ bảo vệ đàn gia súc của mình khỏi sói & thú dữ, chó còn hỗ trợ họ trong công việc săn bắn. "Trên thảo nguyên Ơlon, nhà nào cũng sẽ có chó cứu chủ, lều nào cũng có đàn ông hay đàn bà được chó cứu." - trích Totem sói.
Mở rộng ở đây ta có thể kể đến lý do vì sao người phương Tây không ăn thịt chó. Phần lớn người phương Tây là hậu duệ của giống người Nhật Nhĩ Man, người Ăng Glô Xắcxông man rợ. Họ sinh sống không phụ thuộc quá nhiều ở việc canh tác nông nghiệp, mà đấy còn là du mục, thương nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, v.v. Chính vì thế thuở xưa chó đã là người bạn quan trọng đối với họ, ít trường hợp ghi nhận ăn thịt chó ở phương Tây trừ số tình huống ngặt nghèo, bắt buộc.

Người Hán & Việt có hàng chục câu chửi tục có từ "chó"

Người Hán & Việt có hàng chục câu chửi tục về chó: Lòng lang dạ chó, không bằng con chó, đồ chó đẻ, chó cậy gần nhà, chó cùng giứt giậu, chó nhảy bàn độc, đồ chó má, đồ tay sai, đánh chó phải đánh cho chết, miệng chó không ló ngà voi, chó vàng ăn cứt vàng, v.v. Ở quốc gia láng giềng, cũng từng có các khẩu hiệu chính trị như "Đập nát cái đầu chó Lưu Thiếu Kỳ", "đả đảo Lưu Thiếu Cẩu",...
Việc sử dụng các câu chửi tục về chó thể hiện phần nào thân phận thấp hèn ở loài vật này đối với hai dân tộc nông canh, xem chúng như cái ô cái gai cần được vứt bỏ. Ở phần tiếp theo, ta sẽ nhìn nhận một trong số lý do mà hai dân tộc này lại ghét chó đến thế.

Người Hán & Việt ghét chó

Trước hết ta sẽ đặt câu hỏi vì sao người Hán ghét chó? Cái chính là chó không hợp quy củ người Hán. Ngày xưa nước Tàu có một ông thánh tên là Khổng Tử. Hoàng đế các triều đại nước Tàu đều lạy trước tượng ông ta. Ông ta đặt ra rất nhiều quy củ làm người, ngàn vạn năm người Hán làm theo những quy củ đó. Những người biết chữ trong tay có quyển "Ngữ lục", ai không làm theo người ấy được xem là mọi rợ, đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị chặt đầu. Nhưng con chó thì có cái tật không tuân theo các quy định đó.
Một: Khổng Tử dạy con người ta phải biết lễ phép, hiếu khách và tôn trọng khách. Nhưng chó trông thấy người lạ là bất kể giàu nghèo, già trẻ, gái trai, thân thiết hoặc quý khách tiện dân đều xông ra mà đớp. Với dân tộc xem trọng lễ nghi sẽ cảm thấy thất lễ, ngượng mặt, nổi cáu.
Hai: Khổng Tử dạy trai gái không được loạn luân, quan hệ bừa bãi, phạm vào điều này phải nghiêm trị. Nhưng chó thì bất kể anh em chị em hoặc bố với con gái, mẹ với con trai, không kiêng kị gì hết, khiến người Hán vừa sợ vừa căm, sợ người học theo chó.
Ba: Khổng Tử dạy người ta phải ăn sạch ở sạch, chó thì lại thích ăn phân người khiến người Hán cực kỳ ngán ngẫm.
Đạo Khổng hay đạo Nho, Nho giáo đã du nhập và nước ta từ thời Bắc thuộc (từ thế kỷ 1 TCN), được củng cố và duy trì đến triều đại nhà Nguyễn, vì thế trong tư tưởng và thâm tâm người Việt nhiều phần ghét chó như người Hán.
Ngoài ra còn một điểm là người nghèo ít nuôi chó, người giàu nuôi chó giữ nhà, lại thường để chó cắn người nghèo, nên người nghèo ghét chó.

Tổng kết

Chính vì các lý do trên nên người Hán và Việt chửi chó, giết chó, ăn thịt chó không lấy làm lạ, hơn nữa người nào đã ăn thịt chó rồi đều bảo thịt chó rất thơm. Quan điểm mà chúng ta thường thấy ở dân tộc Hán hay dân tộc Việt đưa ra là lợn có thể giết thịt, cừu có thể giết thịt, vậy sao chó không thể giết thịt? Chúng đều là gia súc đấy thôi.
Việc ngày nay giới trẻ người Hán, Việt đẩy mạnh phong trào bày trừ ăn thịt chó theo tôi có nhiều yếu tố như về thị yếu, ta hưởng ứng tinh thần xem chó là bạn từ các bạn bè phương Tây, một phần khác là dân tộc hai nước (Hán & Việt) giàu lên, dư dả tiền bạc, lượng thực thừa mứa, khi ấy ta mới gắn bó, kết bạn với chó, không ghét, không ăn thịt chúng nữa.