Bài viết dưới đây là ý kiến chủ quan của mình khi xem xong bộ phim Thiếu niên và chim diệc- The boy and the heron hay How do you live.
Nói thật thì có là fan hay người coi lâu năm các phim hoạt hình của Ghibli hẳn ai cũng công nhận là bộ phim khá khó hiểu, những người coi phim để giải trí sẽ nhận xét luôn là phim chán, không hay bằng Spirited away.
Tuy nhiên với cá nhân mình, Thiếu niên và chim diệc vẫn là bộ phim hay, đi coi phim mà đầu óc phải hoạt động liên tục vì suy nghĩ về những hình ảnh ẩn dụ hay sợ bỏ sót một ẩn ý nào đó.
Hình ảnh nhân vật?
Ngay những khung hình đầu tiên về vụ cháy bệnh viện nơi mẹ Mahito làm việc, hình ảnh lửa và những bóng đen xiêu vẹo đi trên đường khá kì lạ làm mình liên tưởng đến những con thiêu thân không có mục đích sống, xuyên suốt bộ phim có thể thấy đạo diễn nhấn mạnh nhiều lần bối cảnh phim là trong chiến tranh thế giới thứ 2 mà ai cũng biết thì Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thì như thế nào. Những bóng đen chậm rãi dù ngọn lửa thì bùng cháy đối lập với Mahito chạy hết tốc lực đến bệnh viện thế nhưng gấp là vậy vì sao cậu còn quay lại thay đồ? Đó là kỷ luật, giáo dục hay là dân tộc tính của người Nhật?
Mahito tỏ ra là 1 đứa trẻ được giáo dục tốt, từ cách đi đứng chào hỏi, và e ngại đụng chạm vào cơ thể người phụ nữ không phải mẹ mình (phân đoạn Natsuko khoe việc có thai với Mahito khi ngồi trên xe đạp kéo). Đến tính cách quyết đoán, dũng cảm của hai cha con thể hiện tinh thần Samurai của người Nhật.
Những hình ảnh đối lập giữa gia đình Mahito và những người xung quanh như việc họ sở hữu dinh thự, đi xe hơi và không cạo đầu như những đứa trẻ nông thôn- ai đọc Doremon chắc còn nhớ tập Nobita quay về quá khứ và không cạo tóc nên bị ông thầy giáo đánh :))
Có hay không việc bị phân biệt đối xử?
Mình có để ý thấy những chi tiết như Mahito chỉ mặc 1 bộ đồ xuyên suốt bộ phim, đi chân đất trong nhà trong khi mọi người đều mang dép lê, ngồi ăn cơm với gia nhân trong khi thân phận là thiếu gia, việc cậu phải ăn cắp hộp thuốc lá cho người hầu hay căn phòng của cậu nằm cách biệt toà nhà chính và nội thất phòng đơn giản hơn rất nhiều so với căn phòng lộng lẫy của mẹ kế và cha. Không biết những hình ảnh này là dụng ý của đạo diễn hay đó chỉ là điều bình thường trong vai vế gia đình Nhật?
Hình ảnh toà tháp?
Cũng đã có nhiều review đưa ra hình ảnh toà tháp tượng trưng cho đế chế của Ghibli- ông trẻ chính là đạo diễn Miyazaki Hayao người đã tạo ra một thế giới mộng mơ viễn tưởng và trong giờ phút cuối đi tìm người thừa kế có khả năng giữ vững thế giới này (phải là người có dòng máu ruột thịt, có thể mong muốn của đạo diễn là con trai mình có thể kế thừa điều đó).
Hình ảnh những người gia nhân?
Những người gia nhân xuất hiện trong phim với vai trò gì? Vì sao là 7 nữ 1 nam, họ đại diện cho ai và người gia nhân nam không đóng góp gì nhiều trong phim, bí ẩn và lặng lẽ. 
Sau khi đến thế giới trong toà tháp, gặp Kiriko và được Kiriko cho biết những hình nhân gỗ mô phỏng theo những gia nhân nữ trong nhà là người bảo vệ cậu, mình đã liên tưởng đến Thất phúc thần trong văn hoá Nhật Bản- 6 nam và 1 nữ. Việc Mahito nằm dưới bàn xung quanh là những hình nhân như ý nghĩa về việc người Nhật hay dạy trẻ em núp dưới gầm bàn khi có thiên tai xảy ra. Nếu nghĩ như vậy thì những hình ảnh này tự sẽ có ý nghĩa, nếu không nghĩ như vậy thì lại thấy những hình ảnh rất vô nghĩa và thành thừa thãi trong phim.
Nhìn đời qua những con bồ nông?
Những con bồ nông ăn bọn lổm ngổm rồi lại bị Himi thiêu chết, nếu không ăn chúng cũng không sống được, chúng cũng không thể bỏ đi nơi khác mà bị giam cầm trong thế giời này. Đó là 1 vòng tuần hoàn của cuộc sống: sinh ra lớn lên phải ăn phải đấu tranh trong cuộc sống rồi lại chết đi, lại đầu thai làm người và lại tiếp tục 1 vòng tuần hoàn, đó là lý do Mahito quyết định chôn cất con bồ nông dù nó là xấu hay tốt.
Hình ảnh những con vẹt?
Dễ dàng để nhận thấy, những con vẹt trong toà tháp dối tra dẫn dụ Mahito vào nhà để ăn thịt, những con vẹt ngu ngốc phục tùng vua vẹt dù ông ta đi lên cao và đạp đổ cầu thang không cho ai lên được nữa, tuy nhiên khi thoát ra khỏi toà tháp chúng lại trở thành những con vẹt bình thường. Những con vẹt đại diện cho rất nhiều con người ở thế giới thực, lúc nào cũng chực chờ nuốt chửng người khác, nịnh bợ những kẻ cao quyền hơn. Và sống chỉ để ăn và thải thức ăn- một cuộc sống rất động vật (vì sao khi bay ra khỏi toà tháp thì những con vẹt lại thả “bom” nhiều như vậy- mình cũng không hiểu dụng ý)
Hình ảnh căn phòng sinh đẻ của Natsuko?
Vì sao Himi và Mahito không được bước vào phòng? Hình ảnh sinh đẻ cũng như việc sản sinh ra những đứa con tinh thần, yêu cầu sự yên tĩnh, riêng tư, không có sự can thiệp của quá nhiều bên, cũng giống những bộ phim do đích thân đạo diễn Hayao sáng tạo ra, nó thuộc về cá tính của bản thân ông, không tiếp nhận nhiều thứ bên ngoài nên mang 1 phong cách rất riêng.
Nói thêm vì sao Natsuko lại tự đi đến thế giới toà tháp- có thể cô ấy bị dẫn dụ hoặc là sự mặc cảm vì đã lấy anh rể, cô ấy muốn bảo vệ Mahito khỏi toà tháp và quyết định hi sinh con mình để nó trở thành người thừa kế.
Hình ảnh ông trẻ- đạo diễn Hayao Miyazaki
Ông trẻ sống ở nơi cao nhất trên toà tháp, là nơi đẹp nhất, không có lũ vẹt tầm thường, gần như ví với thiên đường. Tuy nhiên hình ảnh căn phòng trống, những hành lang vô tận, ông trẻ ngồi trong phòng với những khối hình tưởng chừng đơn giản nhưng lại gách vác trách nhiệm to lớn giữ vững toà tháp, đó là trách nhiệm gắn với sự cô đơn, hình ảnh lằn ranh giữa căn phòng cô đơn và khu vườn xinh đẹp ngoài kia dường như là lằn ranh giữa thế giới thực và thế giới trong những thước phim hoạt hình Gibli của ông. 
Việc sắp xếp những khối hình đơn giản tưởng thì dễ mà lại khó, chính vì tưởng dễ mà vua vẹt đã đụng tay vào và khiến thế giới toà tháp sụp đổ. Giống như viễn tượng của đạo diễn rằng một ngày nào đó Ghibli của ông khi không có ông cũng sụp đổ như vậy.
Hình ảnh bông hoa hồng rơi từ trên cao xuống và vỡ tan cũng làm mình liên tưởng đến Hoàng tử bé- hoàng tử và hoa hồng- sự cô đơn giữa vũ trụ rộng lớn.
Hình ảnh người mẹ- lửa?
Phân đoạn Himi xuất hiện từ đống lửa, đưa Mahito về nhà và đun bếp, nướng bánh cho cậu ăn, liên tưởng đến người mẹ và sự ấm áp của 1 gia đình, căn bếp luôn là trái tim của 1 căn nhà. Bếp không lửa, nguội lạnh, thì dường như là 1 gia đình không hạnh phúc. Vì vậy hình tượng người mẹ gắn liền với lửa
Phân đoạn này cũng làm mình nhớ đến Calcifer trong the howl moving castle, tắt lửa là nhà sụp luôn.
Cuốn sách hay nhật ký mẹ dành cho Mahito?
Phân đoạn Mahito tìm thấy 1 cuốn sách (hay cuốn nhật ký- mình không rõ) có lời nhắn của mẹ dành cho Mahito tương lai nên mình nghiêng về giả thuyết đây là cuốn nhật ký, nhật ký được viết sau khi mẹ trở về từ toà tháp, mất tích 1 năm- thời gian mất tích cũng chính là lúc gặp Mahito trong toà tháp. Có thể Mahito đã đọc nhật ký, và đã hiểu câu chuyện trong toà tháp nên cậu quyết định đến toà tháp cứu mẹ, và cũng là hiểu rồi nên dường như cậu không bất ngờ với những thứ diễn ra trong toà tháp, nếu không có chi tiết này thì sẽ cảm thấy vì sao Mahito hơi đơ, đi vào thế giới lạ mà không hệ sợ hay bất ngờ, biết Kuriko là Kuriko, không đặt ra nhiều câu hỏi trước các sự kiện lạ.
Hình ảnh thế giới toà tháp?
Hư hư thật thật, nhiều mỹ từ để miêu tả, mình chỉ tóm gọn là như Alice đi vào wonderland, một thế giới không lý giải nổi.
Và cuối cùng, vì sao lại là chim diệc?
Người Ai Cập cổ đại liên kết loài chim với một số vị thần khác nhau. Con diệc được liên kết với thần Bennu. Bennu được kết nối với sự sáng tạo, mặt trời và sự tái sinh. Và Bennu thường xuyên xuất hiện trong nghệ thuật.
Mình cho đây là lí giải hợp lý khi lựa chọn chim diệc xuyên suốt bộ phim- đó là sự tái sinh.
Tóm lại, đây là một bộ phim hay, hình ảnh đẹp là đương nhiên như các phim Ghibli trước, có nhiều góc quay lên xuống qua trái phải mấy bạn đi coi phim nhớ cũng chú ý điều này, làm cho những khung hình như mở rộng ra thêm. Nói thiệt mình thấy như đang thưởng tranh mà tranh này cảm xúc hơn tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng nữa. Nhạc phim Ask me why cất lên đúng thời điểm cũng rất xúc động.
Có thể đạo diễn nhồi nhét hơi nhiều ý trong phim cảm giác bị quá tải khi xem nhưng không sao, mình vẫn coi đây là 1 lời tạm biệt rất đẹp của Hayao Miyazaki.