Thiết kế logo, hay "vẽ chân dung" cho thương hiệu - Những sự chuẩn bị đầu tiên
Phương pháp đúc kết từ quá trình làm việc và trải nghiệm của TELOS . TELOS là một agency thiết kế do mình đồng sáng lập, với các dịch...
Phương pháp đúc kết từ quá trình làm việc và trải nghiệm của TELOS. TELOS là một agency thiết kế do mình đồng sáng lập, với các dịch vụ về thiết kế Branding, các dự án sáng tạo và xây dựng Website.Bài này mình viết cho chuỗi bài về những góc nhìn chuyên môn dành cho website telos.vn của mình. Bài full các bạn thể xem tại link này.
0. Bức tranh chung về chân dung thương hiệu
Thiết kế một logo, hay nhìn rộng hơn ra là thiết kế một hệ thống thương hiệu cho các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân,… là một công việc nói dễ cũng không hẳn dễ mà khó thì cũng không thực sự khó.
Thực tế cho thấy quy trình nào thì cũng sẽ phát triển dựa trên một trên một cái xương sống giống nhau. Vẽ một logo cho tiệm tạp hóa đầu ngõ hay tạo dựng nên hệ thống thương hiệu cho một công ty đa quốc gia thì cũng cần thông tin đầu vào, nghiên cứu lựa chọn, cho ra thành phẩm và hoàn thiện. Tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện và sự đầu tư, nhà thiết kế sẽ bắt đầu phát triển thêm vào đó những bước đi chi tiết sâu hơn. Điều này giúp gọt giũa thành quả cuối cùng một cách kĩ càng, giúp nó tiệm cận nhất với giá trị mà khách hàng mong muốn.
Với một đội ngũ thiết kế như TELOS, giá trị của một logo không hoàn toàn nằm gọn bên trong những đường nét hình khối cuối cùng của một thiết kế. Chính xác thì đó là kết tinh, là đáp án cho một đề bài được tự đặt ra và phân tích lựa chọn kĩ càng của những nhân sự với nhóm công việc đặc thù.
Và chúng tôi làm nó như thế nào? Cảnh báo bài viết dài. Nhưng chắc nó đáng đọc đấy, vì chi chít những giá trị hay được cài cắm trong đó mà. Hô Hô!
1. Chuẩn bị
Chuyện chuẩn bị nếu đề cập một cách chi li, không biết phải bắt đầu từ đâu. Ở đây xin phép TELOS chỉ tóm gọn lại trong quá trình hình thành của một project. Những sự chuẩn bị nền tảng hơn như các kĩ năng cứng về chuyên môn, những sự đầu tư ban đầu về công cụ và công nghệ… sẽ được nói đến ở những câu chuyện khác.
Và từ bước zero – chúng tôi bắt đầu với việc tiếp xúc khách hàng và phân tích họ với phương châm …
a. Ghi nhớ rằng “Vẽ chân dung thương hiệu, đừng vẽ một ai khác”
Thiết kế một logo thực chất có thể giống như việc họa nên một bức chân dung trừu tượng và khái quát những giá trị của thương hiệu. Vậy nên chuyện tiếp xúc và lắng nghe cũng như hình dung về khách hàng là một bước cực kì quan trọng.
Hãy hình dung rằng bạn vẽ một bức chân dung rất đẹp và hoàn mỹ, nhưng người trong tranh lại không phải là người ngồi trước mặt, liệu đó còn là một bức tranh chân dung có giá trị với họ?
Ở thời điểm của những bước chuẩn bị, việc hiểu được khách hàng là ai, họ đang làm gì và mong muốn truyền đi những thông điệp gì là điều nên hết sức được chú tâm. Điều mong muốn nhất của team khi đưa ra được những ý tưởng sáng tạo hay những định hướng về thiết kế cuối cùng sẽ là cảm giác khách hàng thấy được hình ảnh thương hiệu của họ trong đó. Điều đó nên được đặt lên trên cả việc logo có đẹp, thương hiệu có đủ hoành tráng và sắc sảo hay không.
b. Hãy mở rộng vốn hiểu biết và kiến thức nền
Là một người “vẽ chân dung thương hiệu”, bạn ngoài phải hiểu về khách hàng thì bạn còn phải chuẩn bị bản thân một số những hiểu biết cụ thể xung quanh cái họ đang làm, cái họ đang cảm nhận và cái họ đang hướng về.
Họ đang làm trong lĩnh vực nào và nó đòi hỏi những hiểu biết hay những tính cách giá trị gì? Giả dụ người làm y tế thì cần đáng tin cậy và chăm lo, người làm giải trí thì cần vui tươi và truyền cảm hứng … hay còn gì nữa không? Họ có thế giới quan ra làm sao và những điều gì họ đề cao hay xem trọng? Giá trị họ muốn mang tới cho những người họ phục vụ?
Tất cả những câu hỏi đó có lẽ đâu chừng cũng đã được làm rõ ở bước đầu tiên. Tuy nhiên sau những gật gù lắng nghe chia sẻ từ khách hàng, bản thân team TELOS tự đòi hỏi mình phải nâng cao kiến thức nền của bản thân lên để có thể “cảm” được những khía cạnh được đề cập tới ở đó. Đây hẳn không phải là điều tối quan trọng phải có, nhưng nó là một ưu điểm giúp giá trị của thương hiệu được nâng cao.
Lấy ví dụ: chúng tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu xem những giá trị truyền thống nào của người ở một quốc gia láng giềng xem trọng, tự hào: là một loài hoa, là một ngôi đền hay là một hoa văn…? Điều đó diễn ra ngay khi team nhận một dự án phục vụ cho nhóm đối tượng là công dân bản xứ của quốc gia đó. Chưa dừng lại ở đó, team lại còn phải đi sâu vào quan sát thử xem thật sự họ có đã quá “nhàm chán” khi những thiết kế hiện nay đã lạm dụng những kiểu hình tượng đó, v.v…, để rồi mới có thể đề xuất những lối đi phù hợp.
Tất cả các quá trình trên tập cho việc chuẩn bị một vốn kiến thức nền về mọi thứ xung quanh, bạn không cần là chuyên gia hoặc có hiểu biết cực sâu về thứ lĩnh vực và khách hàng đang làm, chỉ cần biết đủ để cảm nhận. Chiếc logo giờ đây, ngoài là một bức chân dung đúng (sau bước a), nó sẽ kết tinh thêm giá trị của những hiểu biết, đồng thời phản ánh những thứ đặc thù và tinh tế xung quanh của chính thương hiệu.
c. Nâng cao kĩ năng liên tưởng và kết hợp
Với những đòi hỏi của bước a) và bước b), chúng tôi phần nào tạo dựng cho mình một kho nguyên liệu đủ dày. Quá trình chế biến đã có thể phần nào bắt đầu.
Gượm đã… chuẩn bị kĩ thêm một tí xem, biết đâu lại tạo thêm những giá trị sâu xa nào đó?
Với các nguyên liệu đầu vào là thông tin đã được gạn lọc về đối tượng mà TELOS sẽ “vẽ chân dung thương hiệu”, hòa trộn vào đó sẽ là các kiến thức nền đã được bồi đắp. Quá trình này đòi hỏi những nhân sự có vai trò sáng tạo định hướng phải có kĩ năng và phản xạ liên tưởng nhiều, cùng với đó là việc rèn luyện kết hợp mọi thứ thông tin lại với nhau.
Ví dụ ta kết hợp tính cách của khách hàng với con vật mà họ xem là đại diện. Kết hợp một ký tự mở đầu của tên thương hiệu với một biểu trưng cho lĩnh vực mà họ đang kinh doanh. Sự liên tưởng khi nghe đến tên thương hiệu sẽ là điều gì mà nó có đủ phổ thông? nó có đủ độc đáo? …
Những câu hỏi đó là những vấn đề khi cầm đề bài lên team vẫn liên tục đặt ra những câu hỏi (dù khách hàng họ không yêu cầu).
Tóm tắt sau quá trình chuẩn bị, ở thời điểm này chúng ta đang có những bước đi để:
+ Làm sao cho đúng (bước a)
+ Phản ánh bối cảnh xung quanh thương hiệu (bước b);
+ Có một chiếc cầu nối (bước c) để liên thông vào nhau và tạo ra giá trị.
+ Ở đây chúng tôi xem nó là giá trị của “sự độc đáo”.
Bài viết đầy đủ hơn xin xem tiếp tại đây
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất