Một

Thú  ăn chơi thời nay của thanh niên trai tráng là rất phong phú, từ lành  mạnh cho tới không lành mạnh. Bar bủng, bú đá, cỏ cần các thể loại. Chỉ  có bạn trẻ ngồi nhà chơi điện tử là lành mạnh. Nhưng thời tôi còn trẻ  thì thú ăn chơi nó khác xa bây giờ lắm. Thời đó ra quán, mạnh dạn kêu  một lon cô ca cũng đã là ăn chơi lắm rồi. Cách đó lâu lâu nữa thì đèo  nhau trên chiếc xe đạp, khao nhau ly chè là đủ để chứng tỏ đại gia biết  ăn chơi cho người ta nể rồi.

Hai

Cách  đó vài trăm năm, chè là món ăn chơi của bậc trưởng giả mà bình dân  chẳng thể nào ăn được. Cụ tổ tôi từng phục vụ trong phủ chúa, có ghi lại  rằng mỗi lần có khách quý đến thăm, chúa cất giọng sai gia nhân:
- Bây đâu, mang chè ra.
Chỉ có vậy. Món ăn vặt rẻ tiền thời nay mà bọn trẻ ngày càng chê, đã từng là món ăn sang chơi sang chảnh của bậc vua chúa.

 Ba

Một  lần sang Nhật, tôi được anh bạn người Nhật đãi món tráng miệng từa tựa  như món chè đậu ở Việt Nam. Không ngờ "chè" cũng là một món ăn truyền  thống lâu đời của người Nhật.
Họ gọi tên món này là "Zenzai", viết chữ Hán là 善哉. Tôi tra từ điển Hán Việt thì thấy hai chữ này đọc là "thiện tai".
Mô Phật, từ nhỏ tôi xem Tây Du Ký trên đài suốt, lạ gì câu cửa miệng của Đường tăng là "thiện tai thiện tai".  Nhưng mà tôi cũng chả bao giờ buồn thắc mắc câu này có nghĩa là gì. Xem  thì cứ xem thôi, thắc mắc làm gì. Suy nghĩ của phần đông dân ta là vậy.
Tôi hỏi thì anh bạn mới nói thêm, chữ zenzai (善哉 - thiện tài) là đọc theo âm Hán Nhật. Còn đọc theo âm thuần Nhật là yoki kana (よきかな). Chữ "thiện" (善) mang nghĩa là tốt, tốt lành, có cùng cách đọc với các chữ mang nghĩa tương đương như "lương" (良) hay "hảo" (好). Các tĩnh từ này đều có cùng cách đọc thuần Nhật là yoi/yoki. Chữ "tài" (哉),  đọc là "kana" mang nghĩa của một thán từ đứng ở cuối câu, tương đương  với ~ vậy, ~ thay, ~ ru trong tiếng Việt. Chữ tai (kana) này cũng thường  thấy trong các bài thơ Haiku của Nhật.

さまざまの
事おもひ出す
桜哉
sama zama no
koto omoi dasu
sakura kana
(Một bài thơ Haiku của thi thánh Matsuo Bashō)
Ơ hay, vậy câu cửa miệng của nhà Phật thì có liên quan gì tới món chè Nhật Bản? Anh bạn tôi giải thích, thật ra là có.
Hai chữ "thiện tai" đọc âm Hán Nhật là "zenzai", còn đọc kiểu thuần Nhật là "yoki kana", nghĩa là "tốt lắm thay", "tốt lắm".
Trong kinh Phật, ta vẫn thường thấy đức Phật khen các đệ tử: lành thay, lành thay.
Từ này xuất phát từ tiếng Phạn "sadhu".  Đức Phật thường nói "sadhu" để khen thưởng, sách tấn các đệ tử khi họ  hiểu được ý ngài giảng, hay làm những việc thiện lành. Các kinh sách  Phật giáo dịch chữ "sadhu" này từ tiếng Phạn sang tiếng Tàu là "thiện  tai". Chữ "thiện" đương thời không mang nghĩa hạn hẹp chỉ điều tốt trong  khuôn khổ đạo đức, mà mang nghĩa rộng hơn, chỉ điều tốt đẹp. Còn chữ  "tai" là từ cảm thán. Vậy thôi. Sadhu, thiện tai, hay dịch thuần Việt là  "lành thay", tốt lắm thay.
Ơ, tôi vẫn chưa hiểu mối liên quan giữa món chè Nhật Bản với câu tán thán "lành thay" này.
Anh  bạn tôi nói tiếp, thời đó nước Nhật còn nghèo khổ không thua gì nước  Việt. Chè đậu nấu với đường, thêm miếng bánh giày (mochi) là thứ đồ ăn  tuyệt phẩm mà chỉ có bậc quý nhân mới được thưởng thức. Một lần, có nhà  sư nọ lần đầu được ăn món chè, vì quá ngon nên ông quên mất lẽ sắc không  của nhà Phật mà thốt lên:
- Ối giồi ôi ngon quá!
Bậy! Chỉ đúng ý thôi chứ chưa đúng từ. Nếu dịch sang ngôn ngữ của vị sư đó vào thời đó sẽ là:
- Thiện tai thiện tai!
Mà ông sư là người Nhật nên chắc chắn đã nói:
- Zenzai zenzai!
Những  người bình dân Nhật Bản khác có bao giờ được biết chè là cái món gì  đâu. Nên khi nghe sư thốt lên "zenzai" thì đồ là chắc sư đang nói tên  món đậu nấu nước đường ấy là "zenzai".
À ra vậy. Tôi tự nhũ lòng, hôm nào ra phố ăn cốc chè Huế cũng phải thốt lên như vị sư kia cho sành điệu: thiện tai thiện tai!