Dạo gần đây tôi có xem một bộ phim của Trung Quốc thấy rất hay. Đó là phim "Nữ nhi nhà họ Kiều" kể về cuộc sống tự lập của 5 anh chị em nhà họ Kiều mất mẹ sớm và sống với người cha ích kỷ.
Lâu rồi tôi mới thấy có bộ phim có kịch bản chân thật và ý nghĩa như vậy. Nhiều cảnh trong phim thực sự rất cảm động và khiến tôi suy nghĩ về tình thân gia đình.
Xem phim tôi chú ý hơn cả tới câu chuyện của Tứ Mỹ - cô con gái út trong nhà. Tứ Mỹ là một cô bé xinh xắn được các anh chị rất cưng chiều từ nhỏ. Lớn lên Tứ Mỹ rất ham mê các diễn viên, ca sĩ thần tượng và luôn ao ước lấy một người chồng thật đẹp trai. Rồi Tứ Mỹ gặp Thành Cương - một người bạn cũ đang làm lính ở Tây Tạng. Tứ Mỹ ngay lập tức bị thu hút bởi vẻ bề ngoài của Thành Cương và muốn cưới anh ta.
Tú Mỹ yêu điên cuồng tới mức một mình bắt xe từ Nam Kinh đến Tây Tạng để tìm bằng được Thành Cương để tỏ tình, liên tục viết thư gọi điện cho người yêu dù cách xa hàng ngàn cây số. Đến khi Thành Cương trở về nhưng do bị đuổi khỏi quân đội vì không giữ tác phong, nhập nhằng với nhiều cô gái. Anh ta nói dối Tứ Mỹ là mình mắc lỗi khi chở hàng cho quân đội nên Tứ Mỹ vẫn đồng ý bỏ gia đình chạy theo anh ta.
Rồi đến khi biết mình bị lừa nhưng Tứ Mỹ vẫn bất chấp ngăn cản của gia đình và kết hôn với Thành Cương, tin rằng anh ta sẽ thay đổi. Và tất nhiên là anh ta không hề thay đổi. Suốt bộ phim, anh ta lừa dối Tứ Mỹ hết lần này đến lần khác, nhập nhằng với không biết bao nhiêu cô gái trong khi về vẫn dỗ ngon dỗ ngọt vợ rằng mình nhất định sẽ thay đổi.
Giống như những nhân vật anh chị của Tứ Mỹ trong phim, tôi không khỏi cảm thấy cô gái này quá si tình, quá ngu ngốc khi tha thứ cho chồng hết lần này đến lần khác và cố gắng tận tình chăm sóc anh ta khi đau ốm, thất bát trong khi anh ta gây cho cô không biết bao nhiêu đau khổ.
Nhưng tôi cũng phần nào đồng cảm với Tứ Mỹ, và hiểu rằng khi yêu một người và cho rằng người đó là định mệnh của mình, con gái thường rất dễ bị quỵ luỵ và không thể thoát ra được. Tôi cảm thấy thực ra Tứ Mỹ không phải đang bảo vệ chồng, mà là bảo vệ tình cảm cuồng si của chính mình. Cô không thể từ bỏ Thành Cương bởi vì không thể từ bỏ sự ám ảnh của mình với anh ta.
Cô không muốn chấp nhận mình đã chọn sai, không muốn chấp nhận sự thật rằng anh ta căn bản không hề yêu cô. Dù người chị gái hét thẳng vào mặt cô "Anh ta không hề yêu em, em tỉnh lại đi Tứ Mỹ!" cũng không có tác dụng. Đó là một sự thật sâu thẳm cô nhận ra nhưng không thể chấp nhận và không muốn chấp nhận.
Nhưng chính vì không chấp nhận sự thật đó, cô tự mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của việc bị tổn thương và hi vọng chồng thay đổi rồi lại thất vọng, suốt ngày phải tìm cách thu dọn những sự vụ yêu đương lăng nhăng của chồng. Từ một cô bé vui vẻ mơ mộng đầu phim, cô trở thành một phụ nữ thiếu sức sống đang vô vọng níu kéo một cuộc hôn nhân chỉ toàn nước mắt.
Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn vì không rơi vào tình trạng như Tứ Mỹ. Bản thân tôi từng ở trong một mối quan hệ độc hại tương tự, nhưng rất may là tôi tỉnh táo sớm và tự dứt ra được. Dù lúc quyết định tự dứt ra, cảm giác đau đớn không khác gì tự tay chặt một cánh tay của mình. Nhưng tôi tin nếu không chịu được đau khổ nhất thời thì sẽ phải chịu khổ đau cả đời. Vì vậy tôi chấp nhận cơn đâu tột cùng trong hiện tại để khỏi phải sống trong khổ sở dằn vặt đau đớn mãi mãi về sau. Và đến giờ tôi vẫn thấy mình quyết định rất đúng.
Kết phim, Tứ Mỹ cũng đã quyết định dứt khoát ly hôn chồng và sống một mình nuôi hai con. Điều tôi thấy rất ấn tượng là cô không chỉ tự lập và thoát ra khỏi cuộc sống địa ngục lúc trước, cô còn trở thành chỗ dựa tinh thần cho những cô gái trẻ khác đang trong tình trạng tương tự. "Em có thể làm được và hãy sống cho mình. Em hãy nhìn chị đi, chị cũng ly hôn và tự chăm con tốt đấy thôi. "
Khi xem đến cảnh đó, tôi cảm thấy tự hào về Tứ Mỹ và hành trình cô đã trải qua. Có lẽ việc chúng ta phải trải qua đau khổ và bế tắc cũng có giá trị của nó. Đó là chúng ta trở mạnh mẽ hơn và có thể dùng chính trải nghiệm tiêu cực của mình để bao dung, yêu thương những người khác và động viên tinh thần cho họ.
Tôi cũng rất thích một phân đoạn trong tác phẩm Túp lều bác Tôm, trong đó một người nữ nô lệ da màu ôm con nhảy qua sông băng để chạy trốn, tìm đến một ngôi nhà của một gia đình da trắng khi đã ướt sũng, rét cóng và đói lả. Người phụ nữ da trắng chủ nhà cũng vừa mới mất một đứa con nhỏ vì bệnh, nhưng bà quyết định lần đầu tiên mở căn phòng của đứa con đã mất, mở tủ quần áo và lấy quần áo của đứa con mình mang cho đứa bé con người nô lệ.
Sách mô tả cảnh đó người phụ nữ cảm thấy đang mở ra nấm mồ của đứa con mình. Nó khiến bà bật khóc trong đau đớn, nhưng vẫn rất quả quyết. Chính khoảnh khắc ấy, bà đẹp như một thiên sứ. Một thiên sứ đích thực là người có thể dùng đau khổ của chính mình để chữa lành và an ủi cho kẻ khốn cùng khác. Đọc đến đoạn này, lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc thiên sứ không phải là điều gì quá xa lạ, mà họ hiện hữu ngay quanh mình.
Bản thân tôi luôn cảm thấy được truyền cảm hứng từ những câu chuyện như vậy - câu chuyện của những người phụ nữ nhỏ bé rất đời thường, nhưng hoàn toàn có thể trở thành một thiên sứ đích thực với lòng bao dung và trái tim lớn của họ.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất