Dù đã có một bài về Thiền 2 năm trước, song lại thấy nó không ổn. Nay nhân đề nghị của một bạn trong Spiderum, một lần nữa viết thêm về Thiền.
Khái quát về Thiền, là một sự đi thẳng vào bản tính của thực tại, là trực chỉ nhân tâm, kiến tánh tức thành Phật. 
Người đời, hễ nói tới Phật giáo, dễ dàng nhận thấy qua việc tụng niệm kinh sách, hoặc nghiên cứu trong sách vở. Song, ngôn ngữ, vốn là công cụ hữu ích để truyền đạt, nhưng cũng mang cái hại khiến người ta dễ hiểu sai. Vì bản chất thực tại, vốn là cái trừu tượng vô hình, thấy vốn đã không dễ, nhét vào ngôn ngữ, sao khó tránh khỏi sự thiếu sót, sai lạc ? 
Như thế, thiền tông, được ra đời bởi một phương pháp đặc biệt, đó là sự giao tiếp giữa tâm người và tâm người. Khởi nguồn từ một cành hoa trên tay Đức Phật, dẫn đến một nụ cười trên môi Ca Diếp. Phật đã nói gì ? Ca Diếp nhận được gì ? Hay Ca Diếp đã trả lời gì ? Để rồi sau đó Đức Phật lập tức trao chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, truyền riêng ngoài giáo, mà phó chúc cho Ca Diếp ? 
Có lẽ, ngoài Phật và Ca Diếp, không một ai có thể biết được. 
Nhưng, Thiền có thể trở nên phát dương quang đại, trường tồn đến ngày nay, là phải nói tới Đạt Ma. Sự truyền giáo pháp của Đạt Ma qua Trung Quốc, mà nhờ đó, Thiền từ một gốc cây khô, đã có thể lớn lên mạnh mẽ, bén cành sang toàn châu Á và cả phương Tây, rồi nở hoa tuyệt đẹp bên xứ Nhật, đó chính là một cuộc cách mạng. 
Và dù trải qua bao nhiêu năm, Thiền vẫn là phương pháp truyền tâm độc nhất. Là việc bỏ qua ngữ nghĩa nặng nề, mà đạp cửa đi thẳng vào đất Phật. Cũng chính vì thế, Thiền cũng là phương pháp thực tiễn hơn hết.
Phương pháp của Thiền, trước tiên là việc đạp đổ mọi sự chấp vướng trong tâm thức của con người. Ở đó, mọi lý lẽ thông thường, mọi sự tình vốn có, đều trở nên vô dụng và bị bác bỏ. Người ta rơi vào tình thế lưỡng nan, rằng mọi thứ họ nghĩ, suy tính, mọi sáng kiến, thông minh, đều không có tác dụng. 
Đến khi nào người ta có thể dẹp bỏ hết mọi đáp án mà mình có thể nghĩ ra được, đến khi nào trong tâm tuyệt vọng và đầu hàng mọi thứ, đến khi nào mọi chấp vướng đều bị đàn áp cho tới khi nát vụn. Rồi ở đó mới có thể thấy được cành mai. 
Con người vốn sống quá lâu và chặt chẽ với suy nghĩ của mình, họ nghĩ rằng trí thông minh có thể làm được mọi thứ. Nhưng trong thiền, các suy nghĩ và tư tưởng bị vùi dập thảm thương, hay đúng hơn, sự bám chấp vào suy nghĩ sẽ bị dập cho tơi tả. 
Cho nên, suy nghĩ thì theo lý lẽ, nhưng Thiền thì không có lý lẽ. Suy nghĩ thì luôn đuổi theo một thứ gì đó, nhưng bản chất của thực tại, vốn không phải là một thứ gì. Suy nghĩ muốn nắm lấy sự giác ngộ, còn giác ngộ lại không thể được nắm bắt. 
Tâm truyền tâm, nhưng tâm lại vốn nằm ngoài cái mà người ta hay nghĩ tới. Bởi còn nghĩ tới tức là dùng tư tưởng. Song, tâm, lại không phải nằm trong tư tưởng. 
Tâm nằm ở phía sau, ở phía sau các cảm giác, phía sau các xúc cảm, phía sau sự nghĩ tưởng. Tâm cũng nằm trong mọi thứ, nhưng vẫn là ở phía sau, và tâm chỉ có thể được tiếp xúc thông qua trực giác. Nên chính vì thế, người trực nhận được bản tâm, mới có thể nhận ra người cũng trực nhận được bản tâm. 
Nói dễ hiểu hơn, là chúng ta phải tĩnh lặng đi, tĩnh lặng tiếng nói trong đầu, tiếng nói của sự suy nghĩ. Rồi sau đó là nhìn, là trải nghiệm thực tại. Và khi mọi thứ đã tĩnh lặng, ta sẽ có cơ hội trực nhận được tâm mình, cũng như tâm của chúng sinh. 
Tâm ko thể được miêu tả, mọi miêu tả về nó đều không đủ. Nhưng lại có thể được nhận biết, bởi nó luôn ngay đây. Cái khó của con người, là bị che lấp bởi vô số những chướng ngại. Bởi do luôn bám chặt vào ý thức, bởi luôn theo đuổi các đối tượng của thân và tâm. 
Còn bản chất của Thiền, chính là phủ định tuyệt đối. Là tiếng nói "không phải" cho mọi thứ. Đó không phải là sự loại bỏ, mà là sự phủ định. Và khi ta có thể phủ định mọi thứ, kể cả bản thân mình, thì cánh cửa không lối vào sẽ mở ra. 
Thực tập Thiền, vừa khó mà vừa dễ. Dễ ở chỗ, bạn không cần phải làm gì cả. Nhưng nó cũng là một trong những điều khó nhất, vì không dễ mà bạn có thể thực sự "không làm gì cả". 
Thử quan sát mà xem, chúng ta luôn luôn là làm gì đó, kể cả khi ngồi im bất động, suy nghĩ của chúng ta vẫn luôn là làm cái gì đó. Làm cái gì đó, nói ra, tức là sự đuổi theo những ý niệm, những ý niệm mà đúng ra không cần thiết phải có đó. 
Nhưng nếu không thực sự làm cái gì, làm sao con người có thể sinh sống ? 
Để tôi bật mí cho bạn điều này, và cũng là yếu chỉ tu tập. Khi nói không làm gì, chính là làm mọi thứ.
Làm mọi thứ ở đây trước tiên là nhận biết mọi thứ. Bạn có đang nhận biết mọi thứ không ? Bạn đang trải nghiệm mọi thứ, nhưng ko phải là đang nhận biết mọi thứ. 
Nhận biết mọi thứ chính là nhận biết tư thế, cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, và những gì đang diễn ra trong hiện tại, và nhận biết một cách phù hợp. 
Chúng ta có thể nghĩ rằng là mình đang sống, nhưng thực ra chúng ta đa phần chỉ đuổi theo các đối tượng (tâm thức, giác quan) của mình. Nói thẳng ra, như một con chó đuổi theo cái đuôi của mình. Vâng, đó là bạn đó, cũng là tôi nữa. :) 
 Nhận biết là chúng ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh, nhìn vào bản thân mình một cách khách quan. Và khi bạn có thể nhìn rõ bản thân mình, bạn mới có cơ hội hiểu hơn về mình được. Và khi bạn có thể hiểu hơn về mình, bạn mới có cơ hội nhìn ra cái phía sau bản thân mình được. 
Đó chính là, bạn phải biết mình đang đuổi theo cái đuôi của mình ra sao, rồi sau đó bạn mới đứng lại được. 
Ngoài ra, thực tại là luôn biến chuyển, nên luôn luôn ta phải nhận biết. Sự nhận biết này là liên tục, và chính vì liên tục, bạn không còn có thể làm gì khác cả, tức là không đuổi theo các đối tượng khác nữa, bạn chỉ trở nên thực sự hiện hữu đơn thuần. 
Và rồi, trong sự nhận biết này, thì trí tuệ sẽ phát sinh. Trí tuệ, cái không nằm trong suy nghĩ, được phát sinh một cách tự nhiên khi bạn nhận biết thực tại một cách liên tục và bền bỉ. Cuộc sống của bạn, cũng sẽ diễn ra một cách tự nhiên, cùng với trí tuệ tự nhiên, và cùng với sự tĩnh lặng khỏi các phiền não. 
Khi đó, bạn ko cần phải nghĩ về Niết bàn nữa, cũng sẽ không biết mình có đạt được Niết bàn hay không, bởi khi đó, bạn chính là Niết bàn.