Trong lần gần nhất đọc lại cuốn Thiên Nga Đen của bác Nassim Taleb, có 1 phần trong cuốn sách đã thực sự làm người viết phải trầm tư suy nghĩ khá lâu, có cảm giác như là một người con gái rất xinh vốn đã biết từ lâu nhưng lần này, không hiểu tại sao, thật sự được tận hưởng vẻ đẹp sâu sắc của cô ấy. Tên của nàng ấy là Bằng Chứng Câm Lặng - Silent Evidence
"Một số cuốn sách nên được nếm thử, một số nuốt trôi, nhưng chỉ một số ít nên được tiêu hóa kỹ lưỡng và từ tốn" Francis Bacon
Có lẽ cuốn Thiên Nga Đen thuộc về dạng nên được tiêu hóa từ tốn và chậm rãi. Có những khái niệm người viết vốn đã lờ mờ cảm nhận được, nhưng để có thể hiểu một cách sâu sắc hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cảm giác đọc đi đọc lại một cuốn sách cho đến khi bạn phát hiện rằng bạn vẫn chưa thực sự hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ của tác giả trong những lần đọc trước có lẽ là một trong những cảm giác "high" (^_^) nhất mà bạn có thể có!


Những người còn sống để kể câu chuyện và những kẻ câm lặng trong lịch sử

Một người cha, với mong muốn con mình sau này trở thành người có tài giúp ích cho xã hội, đã đưa cho con trai mình tiểu sử của Steve Jobs viết bởi Walter Isaacson với lời khuyên hết mực chân thành
"Con trai, đây có thể được xem như là kinh thánh ở Sillicon Valley, tất cả những startup founder bố biết đều sở hữu quyển sách này. Đây là người đàn ông, với tầm nhìn vĩ đại của mình, đã thay đổi toàn bộ thế giới công nghệ. Bố tin rằng con có thể học được rất nhiều từ Steve Jobs để trở nên thành công"
Người con trai, với ánh mắt khá khó hiểu, trả lời rằng:
"Con có quen 1 đứa bạn cũng rất tâm đắc quyển này. Bài học lớn nhất nó có từ cuốn sách này là để trở nên vĩ đại, mình cần phải trở thành tên khốn nạn, quát mắng nhân viên liên tục và đối xử với họ không ra gì như cách Steve Jobs đã đối xử với nhân viên của mình. Bây giờ thì nó đang thất nghiệp đó bố"
Dĩ nhiên, câu chuyện trên chỉ là sự tưởng tượng của tác giả, được mượn từ câu chuyện của Cicero, nhà hùng biện La Mã nổi tiếng. Cicero đã kể một câu chuyện như sau:
Diagoras, một người không tin vào các vị thần, đã được cho thấy những tranh vẽ chân dung của một số tín đồ đã cầu nguyện, nhờ đó mà may mắn sống sót sau một vụ đắm tàu xảy ra sau đó. Bài học ở đây là niềm tin vào các vị thần với lời cầu nguyện thành tâm sẽ cứu bạn khỏi cái chết. 
Diagoras, với sự sâu sắc của mình, hỏi rằng :" Thế thì bức tranh của những người cầu nguyện, rồi sau đó vẫn chết đuối ở đâu?"
Những tín đồ cầu nguyện nhưng vẫn chết đuối, cũng giống như người bạn đam mê tiểu sử Steve Jobs với bài học rằng khốn nạn = vĩ đại, đều là những bằng chứng câm lặng, một khái niệm rất quan trọng trong Thiên Nga Đen. Nói 1 cách đơn giản, bản chất con người muốn thấy những bằng chứng củng cố một giả thuyết mà ta tin tưởng , nhưng lại không hề thấy, và quan trọng nhất là không thể tìm thấy nó, những bằng chứng phủ nhận giả thuyết đó.

Dĩ nhiên, trên phương diện tâm lí học, điều này hoàn toàn có thể giải thích với Thiên Kiến Xác Nhận. Nhưng người viết tin chắc rằng cho dù bạn có biết về sự nguy hiểm của Thiên Kiến Xác Nhận, bạn vẫn rất dễ dàng mắc bẫy của thiên hướng tâm lí này, đơn giản vì cho dù bạn muốn tìm bằng chứng phủ nhận điều bạn tin tưởng (gần như đòi hỏi sự dũng cảm và tự tin tuyệt đối vào bản thân), bạn vẫn rất khó để tìm thấy nó vì nó gần như không thể được tìm thấy ->Lí do cho cái tên Bằng Chứng Câm Lặng (Silent Evidence).
Đây là lúc việc sử dụng thông tin để củng cố giả thuyết của bạn thực sự trở nên nguy hiểm nhất, vì thường những bằng chứng mang tính phủ nhận sẽ không hề dễ dàng được tìm thấy. Một trong những lí do Thiên Nga Đen có thể xuất hiện bất thình lình là vì nó thường bị chôn vùi trong đại dương mang tên Bằng Chứng Câm Lặng. Bạn không biết về sự tồn tại của nó, bạn thậm chí còn không biết rằng mình nên tìm kiếm thông tin này ở đâu?
Nói 1 cách khác, rất dễ dàng để tìm thấy những bằng chứng mang tính khẳng định. Với Google Search và 1 bộ não có định kiến sẵn, bạn có thể tìm thấy dễ dàng những thông tin củng cố niềm tin có sẵn của mình (dù là tưởng tượng hay là thật) dưới sự tác động mạnh mẽ của Thiên Kiến Xác Nhận.
Cho dù bạn có xuất sắc vượt qua Thiên Kiến Xác Nhận, bạn gần như là bất lực trong việc tìm kiếm những thông tin mang tính phủ nhận giả thuyết của mình. Không những nó hoàn toàn bị che giấu khỏi dòng lịch sử, đi tìm những bằng chứng phủ nhận thực sự là một điều trái ngược hoàn toàn với bản chất tâm lí con người. Trong Tiếng Anh có 1 câu nói thể hiện rất rõ thiên hướng tâm lí này "Out of sight, out of mind" -> Bạn không cần phải lo lắng suy nghĩ về những điều bạn không thấy. Tuy nhiên, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa việc chỉ vì bạn không thấy 1 điều gì đó cũng đồng nghĩa rằng điều đó không tồn tại. Bạn chưa bao giờ thấy Thiên Nga Đen trong cuộc đời không có nghĩa rằng Thiên Nga Đen không tồn tại, đây là một trong những lỗi tư duy nguy hiểm nhất mà bạn có thể mắc phải!

Khi đọc tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, ta thường được tác giả mớm cho những giả thuyết là để thành công, ta phải có những phẩm chất:
a) Đam mê
b) Có mục đích rõ ràng trong cuộc đời
c) Siêng năng, ham học hỏi
d) Dậy sớm
etc và etc
Câu hỏi bạn nên đặt ra là những người cũng sở hữu những phẩm chất trên, nhưng chưa bao giờ thành công, và chưa bao giờ có cơ hội tên của họ được in trên bìa sách, những người đó nằm ở đâu trong dòng lịch sử? Không có nhà xuất bản nào gan đủ to để sẵn sàng giới thiệu sách mới với tựa đề dạng như "Tôi đã thua mất gia tài trong thị trường chứng khoán như thế nào?".
Bài học ở đây là không phải là những người trên thành công hoàn toàn do may mắn, mà bài học ở đây là đừng vội nghĩ rằng những người sở hữu những phẩm chất gắn liền với thành công chắc chắn sẽ thành công. 
Những tiểu sử nhân vật nổi tiếng thường được viết với mục đích làm cho người đọc nghĩ rằng bởi vì Elon Musk, Albert Einstein, Steve Jobs, Nelson Mandela, Alexander Đại Đế, Julius Caesar, Leonardo Da Vinci sở hữu những phẩm chất A B C X Y Z nên họ mới thành công rực rỡ như thế. Điều này gây ra lầm tưởng cực kì nguy hiểm cho người đọc
Chỉ cần sở hữu những phẩm chất A B C X Y Z chính xác như những vĩ nhân kia thì ta có thể thành công giống họ. 
Có thể những phẩm chất trên thực sự có ích, nhưng cũng đừng quên vô số những cái tên vô danh cũng sở hữu chính xác những phẩm chất trên nhưng lạc trôi phương nào trong dòng lịch sử. Hãy luôn nhớ rằng tất cả những gì ta thấy chỉ là những điều ta có thể thấy, không phải là toàn bộ câu chuyện. Măy mắn, môi trường và bối cảnh cũng có 1 vai trò quan trọng không kém so với tài năng của bạn.
Một trong những lí do mà người viết cực kì tâm đắc khái niệm Bằng Chứng Câm Lặng là do tính đối xứng trong giá trị của bằng chứng khẳng định và bằng chứng phủ định. Nói 1 cách đơn giản, thông tin mang tính phủ định luôn có giá trị lớn hơn rất nhiều so với thông tin mang tính khẳng định. 

Có 1 điều thú vị là toàn bộ hệ thống và nền tảng vững chắc của khoa học được xây dựng dựa trên niềm tin vào giá trị của việc phủ định. Bạn chứng minh một giả thuyết bằng việc liên tục phủ nhận nó chứ không phải điều ngược lại.
Nghe có vẻ sai sai? Bạn đọc cứ bĩnh tĩnh và đọc tiếp đi nào!

Bằng chứng khẳng định vs bằng chứng phủ nhận

Như người viết đã nói, có một sự khác biệt rất lớn trong giá trị giữa bằng chứng khẳng định và bằng chứng phủ nhận. Ta có thể chắc chắn về sự chính xác của bằng chứng phủ nhận tốt hơn rất nhiều so với bằng chứng khẳng định. Một Thiên Nga Đen là đủ để chắc chắn rằng "Không phải tất cả thiên nga đều có màu trắng" nhưng cả triệu Thiên Nga Trắng cũng không đủ để bạn chắc chắn với khẳng định "Mọi thiên nga đều mang màu trắng". 

Đọc thêm:

Có 1 sự bất đối xứng rất lớn trong giá trị của những kiến thức mang tính phủ định vs kiến thức khẳng mang tính khẳng định. Charlie Munger, đồng sự lâu của huyền thoại đầu tư Warren Buffet, đã thể hiện rất rõ điều này trong câu nói lỗi lạc của mình.
"Thật sự đáng ngạc nhiên khi những người có lợi thế lâu dài như chúng tôi đạt được điều này bằng cách tránh đưa ra những quyết định ngu xuẩn, thay vì mải mê tìm kiếm những quyết định khôn ngoan" Charlie Munger
Những điều bạn không nên làm luôn có giá trị hơn những điều bạn nên làm đơn giản là vì bạn có thể chắc chắn rằng những điều không nên làm sẽ gần như không hề thay đổi do bản chất tâm lí bất biến của con người, nhưng sự khôn ngoan hoàn toàn có thể thay đổi rất nhanh thành ngu xuẩn khi môi trường hoàn toàn thay đổi.

Dĩ nhiên, có 1 vài trường hợp đặc biệt khi những điều bạn không nên làm trở thành những điều bạn nên làm khi xã hội thay đổi. Ví dụ như những bản năng mang tính tiến hóa vốn rất hữu dụng cho tổ tiên của ta đã hoàn toàn lạc hậu trong thời đại công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, nếu phải chọn thì những thông tin mang tính phủ định luôn có giá trị hơn vì sự chắc chắn và tính phổ quát tốt hơn rất nhiều so với những thông tin mang tính khẳng định.
Điều này làm cho khái niệm bằng chứng câm lặng càng quan trọng khi ta đang phải đưa ra quyết định cho 1 vấn đề vì thường những bằng chứng có giá trị hơn (mang tính phủ định) lại là những bằng chứng không thể tìm thấy (câm lặng). Một người với với đầy đủ phẩm chất giống như Steve Jobs nhưng lại có 1 cuộc đời thất bại, bạn có thể tìm thấy tiểu sử của người này ở đâu?
Không phải ngẫu nhiên khi xương sống của khoa học nằm trên khái niệm liên tục tìm kiếm bằng chứng phủ định (test of falsification) cho bất kì một giả thuyết mới được đề xuất. Có thể nói mục đích tối thượng của các nhà khoa học là làm nhục đồng nghiệp của mình bằng cách liên tục tìm kiếm và công kích bất kì một giả thuyết nào được đưa ra. Chỉ đến khi bằng mọi cách không thể chứng mình được giả thuyết này là sai, cộng thêm với bằng chứng khẳng định từ các thí nghiệm kiểm chứng, thì các thuyết này mới từ từ được chấp nhận một cách rộng rãi.
Bạn không chứng minh một giả thuyết khoa học bằng cách cung cấp vô số bằng chứng khẳng định; bạn chứng minh bằng sự thất bại, mặc dù đã rất cố gắng, trong việc phủ định thuyết đó.
Dĩ nhiên trong giới khoa học vẫn luôn tồn tại những nhà khoa học phản đối với những thuyết đã vượt qua các thí nghiệm kiểm chứng, nhưng chính sự thù địch này chính là điều làm cho khoa học phát triển tột bậc. Bạn đơn giản là không thể nói với mọi người một điều gì đó là đúng vì bạn nghĩ là nó như thế, bạn phải chứng minh nó qua bao lần bị công kích và chà đạp từ những đồng nghiệp thông minh ngang ngửa bạn. Và cho dù một số thuyết may mắn sống sót, không có gì chắc chắn rằng trong tương lai nó sẽ không bị bác bỏ khi kiến thức mới được phát hiện. 
Các nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử sẽ luôn là những mục tiêu béo bở nhất để công kích. Hãy tưởng tượng một nhà vật lí vô danh nào đó chứng minh rằng thuyết tương đối của Einstein là sai, hay nói chính xác hơn là chỉ đúng trong một số điều kiện cụ thể, như cách Einstein đã chứng minh là Newton đã sai; đột nhiên tên tuổi của người này sẽ có tư cách đứng ngang hàng với những tên tuổi vĩ đại trong quá khứ. Đây là lí do khoa học phát triển tột bậc, tên tuổi của bạn không phải là tấm khiên vững chắc như bên các ngành khác, một người vô danh hoàn toàn có thể trở nên vĩ đại nếu như họ đủ khả năng lật đổ những người đã từng vĩ đại trong quá khứ.

Vận may của những người mới bắt đầu

Không nơi đâu mà sự quan trọng của Bằng Chứng Câm Lặng thể hiện rõ nhất trong hiện tượng rất phổ biến trong cờ bạc với cái tên May Mắn Của Người Mới Chơi (Beginner's luck). Đây là hiện tượng khá phổ biến trong giới cờ bạc khi một người vừa mới bắt đầu cá cược thường có 1 sự may mắn kinh khủng và liên tục ăn tiền từ nhà cái. Có cảm tưởng như người này không thể thua, bất kể là anh ta có cược vào cái gì đi chăng nữa. Đây là một hiện tượng có thật và đã được nghiên cứu trong giới tâm lí học, và kết quả là tuy hiện tượng này không phải sai hoàn toàn, nhưng góc nhìn thực tế đã bị bóp méo do ta không thể nhìn thấy Bằng Chứng Câm Lặng!
Bây giờ ta hãy phân tích hiện tượng này với góc nhìn trực quan hơn từ xác xuất. Giả sử rằng ta có 1 tập hợp 5120 người vừa mới bắt đầu chơi búng đồng xu, và họ đều búng đồng xu 10 lần liên tục. Theo trung bình, cứ 1024 người thì sẽ có 1 người búng được 10 lần mặt ngửa liên tiếp (xác xuất để búng được 10 lần mặt ngửa liên tiếp là 1/1024). Thế là trong tập hợp 5120 người này sẽ có 5 người (trên trung bình) may mắn búng được 10 lần mặt ngửa liên tiếp. 
Xác xuất quả thật là rất thấp nhưng chỉ cần tập mẫu thử đủ lớn, không gì là không thể xảy ra. Nhưng tiếc là với góc nhìn cá nhân, những con bạc này lại luôn nghĩ là xác xuất thật sự là quá thấp để có thể là ngẫu nhiên. Họ nghĩ là họ là người được Chúa Trời lựa chọn, người mà sinh ra chỉ để búng đồng xu. Họ không còn xem việc búng đồng xu là một việc 50/50 nữa mà trong đầu họ lúc này việc búng đồng xu là 1 nghệ thuật, và họ chính là người nghệ sĩ vĩ đại đó.
Theo bạn thì họ làm gì tiếp theo? Dĩ nhiên là đi khoe với thiên hạ rồi!
Và 5 người này đi khoe câu chuyện với bất kì ai có lỗ tai rằng họ làm thế nào mà búng đồng xu được 10 lần liên tiếp. Tất cả 5 người này đều không nghĩ là họ chỉ đơn giản là số 1 may mắn trong con số 1024, họ nghĩ là mình sinh ra để chơi búng đồng xu, họ nghĩ rằng xác xuất quả thật quá thấp để tất cả mọi thứ chỉ là ngẫu nhiên. 1023 người kia sẽ không bao giờ kể ra câu chuyện của mình cả đơn giản là vì không có gì đáng nói trong câu chuyện tầm thường của họ. Chỉ có 1 người trong số 1024 người kia, người đã may mắn búng được mặt ngửa 10 lần liên tiếp, mới đủ điên rồ để tin rằng họ có kĩ năng để tiếp tục thắng lớn trong tương lai.

Đó cũng là cách mà hiện tượng May Mắn Của Người Mới Chơi trở nên phổ biến trong giới cờ bạc và cho thấy rằng Bằng Chứng Câm Lặng quan trọng như thế nào trong việc tiếp nhận những thông tin hữu ích trong việc đưa ra quyết định. Những người may mắn sống sót đã ở lại và kể câu chuyện đầy định kiến của mình, những người đã chết không có câu chuyện nào để kể. 
Giả sử bạn đang cân nhắc có nên quyết định trở thành "Tay chơi búng đồng xu chuyên nghiệp" và bạn đi tìm thông tin. Bạn chỉ có thể tìm thấy những bằng chứng khẳng định từ những gã may mắn trong con số 1024 kia, vì chỉ họ mới còn trụ lại trong ngành và kể lại câu chuyện họ đã tung hoành ngang dọc như thế nào (hoàn toàn do may mắn). 1023 con người kia đơn giản là đã trở nên khôn ngoan hơn sau khi mất tiền và biết rằng mình tốt nhất là không nên dính vào cờ bạc, nhưng bạn có thể tìm thấy họ ở đâu khi bạn cần thông tin để đưa ra quyết định? Theo 1 cách trừu tượng nhất, 1023 con người kia đơn giản là chưa từng tồn tại trong thế giới quan của bạn.

Những câu chuyện chưa bao giờ được kể

Khi đã trâm ngâm rất lâu về hiện tượng này, người viết thật sự nhận ra rằng chính những câu chuyện chưa bao giờ được kể, những Bằng Chứng Câm Lặng quan trọng, sẽ luôn ẩn giấu khỏi thế giới quan của ta. Lí do đơn giản là vì tìm kiếm thông tin mang tính phủ định không đến với chúng ta 1 cách tự nhiên.
Có thể nói rằng để vượt qua lỗi tư duy này, ta phải chiến đấu với 2 thiên hướng tư duy cực kì nguy hiểm: Thiên Kiến Xác Nhận và Nhẫm Lẫn Giữa Không Tìm Thấy Với Không Tồn Tại. Choảng nhau với 1 tên thôi là đủ mệt rồi giờ phải đánh với 2 tên, điều này cũng giống như khi bạn tham gia vào cuộc thi chạy đua mà chỉ có 1 chân vậy, hoặc choảng nhau với võ sĩ MMA. Bạn gần như chắc chắn nắm lấy phần thua.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều vô vọng. Điều kiện đầu tiên trong việc sửa sai một điều gì đó là phải công nhận rằng vấn đề đó có tồn tại. Bạn đơn giản là không thể tìm giải pháp cho một lỗi không tồn tại. Tuy nhiên, hầu hết mọi người, một cách tiềm thức, đều không thừa nhận sự tồn tại của Thiên Kiến Xác Nhận và Nhẫm Lẫn Giữa Không Tìm Thấy Với Không Tồn Tại. Họ có thể đọc một số bài nói về điều này, gật gù một cách tâm đắc, rồi khi đọc xong lại lên Google Search rằng "Dấu hiệu con gái thích bạn là gì?" chứ không phải là "Dấu hiệu con gái ghét bạn là gì?"; hoặc những điều tương tự như thế. Và một cách công tâm, 1 dấu hiệu con gái ghét bạn có khi bằng 10 dấu hiệu em ấy thích bạn ấy chứ!
Một lần nữa, thiên hướng đi tìm thông tin phủ định không đến với ta một cách tự nhiên, nhưng để tư duy một cách sâu sắc và chính xác hơn, ta cần phải nghiêm túc thừa nhận rằng bản chất con người rất thích tự sướng, một khi đã tin điều gì rồi là gần như không thể thay đổi dù bao nhiêu bằng chứng phủ định tát thẳng vào mặt thế kia.
Người viết không biết 1 cách hiệu quả nào để giúp bạn xóa bỏ lỗi tư duy này cả, nhưng chấp nhận sự tồn tại của nó sẽ giúp bạn chiến đấu với con quái vật này tốt hơn, và biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ thực sự thông thái như Charlie Munger - tránh đưa ra quyết định ngu xuẩn thay vì mải mê vắt óc suy nghĩ các bước đi thông minh. Đối với người viết, đó mới là đỉnh cao của khôn ngoan.


Source
Black Swan - Nassim Taleb
Antifragile - Nassim Taleb