Hằng ngày, trên trang chia sẻ của các trường đại học, chúng ta vẫn thường đọc được những confession tâm sự về chuyện học – chuyện nghề của các bạn sinh viên đang loay hoay tìm một công việc phù hợp trong thị trường tuyển dụng ngày càng gay gắt này. Mỗi ngày, chúng ta cũng thường nghe chia sẻ từ các anh chị đã ra trường về sự chán nản khi công việc hiện tại không làm thỏa mãn nhu cầu của bản thân họ.
Liệu có phải cứ vội vàng viết CV và apply một công việc nào đó thì mọi chuyện sẽ ổn về sau này? Liệu chúng ta đã cập nhật kịp thời “bách khoa nghề nghiệp” của bản thân để sẵn sàng bước vào cuộc chiến việc làm khắc nghiệt?
Dự báo xu hướng ngành nghề
Theo dự báo của VietnamWorks, Top 4 ngành nghề trong khối kinh tế sẽ ‘làm mưa làm gió” trên thị trường tuyển dụng năm 2019 là:
  •       Tài chính
  •       Bán hàng (Sales)
  •       Nhân sự
  •       Marketing
Ở trong phần đầu tiên của chuỗi bài viết, hãy cùng Học Gì Làm Gì tìm hiểu những cơ hội nghề nghiệp nếu bạn lựa chọn theo đuổi nghề Nhân Sự nhé!
HR (Human Resources)  – cơ hội nào cho ngành nhân sự trong thị trường tuyển dụng
1.     Ngành HR là gì?
Hiểu một cách tổng quát nhất, HR (ngành Nhân sự) chính là việc quản lý tất cả nguồn lao động của doanh nghiệp. Dù đó là công ty start-up bước đầu đặt chân lên đường đua khốc liệt hay những ông lớn đa quốc gia đã có kinh nghiệm “chinh chiến” nhiều năm thì doanh nghiệp cũng cần một đội ngũ quản lí nguồn nhân lực. Đó là lí do tại sao HR luôn nằm trong top những ngành nghề thống trị thị trường tuyển dụng cho khối kinh tế.
2.     Các vị trí trong ngành nhân sự
Quản lí hành chính (HR Admin)
Đây là vị trí mà những ai bắt đầu bén duyên với nhân sự đều có thể apply vào. Tùy theo mô hình và cơ cấu hoạt động mà mỗi doanh nghiệp lại có những yêu cầu khác nhau đối với các HR Admin. Tuy nhiên, nhìn chung, Họ sẽ chịu trách nhiệm về tất tần tật những  thủ tục, hồ sơ, vật phẩm liên quan đến nhân viên, tài sản của công ty. Vì thế, những ai có tính cẩn trọng, tỉ mỉ, yêu thích những nghề thường xuyên làm việc với giấy tờ và có khả năng chịu được áp lực cao thì hãy tự tin ứng tuyển vào vị trí HR Admin nhé.
Chuyên viên C&B (Compensations and Benefits – Lương thưởng và Phúc lợi)
Trong rất nhiều vị trí ngành nhân sự, chuyên viên C&B là một vị trí đóng vai trò vô cùng quan trọng và thường xuyên được các nhân viên trong công ty “ghé thăm”. Bởi lẽ họ là những người trực tiếp xử lí vấn đề tiền lương cho toàn bộ lực lượng lao động trong một doanh nghiệp. Không chỉ nắm trong tay thu nhập của nhân viên mà những người quản lí bên mảng C&B còn chịu trách nhiệm cả những phúc lợi mà nhân viên có quyền được hưởng.
Chuyên viên tuyển dụng (HR Recruitment)
Không phải ngẫu nhiên mà trong thị trường tuyển dụng, nhiều bạn sinh viên đồng nhất ngành nhân sự với tuyển dụng. Nhà tuyển dụng thường được ví như “nam châm” nhạy bén hút nhân tài về cho công ty. Một chuyên viên tuyển dụng được đánh giá cao không chỉ sở hữu “bộ não” Google mà đặc biệt còn phải thành thạo nhiều kĩ năng quan trọng khác: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tư duy phản biện, kĩ năng ra quyết định,…
Chuyên Gia Tuyển Dụng Nhân Sự Cấp Cao (Headhunter)
Headhunter, hay còn được gọi là “săn đầu người” trở thành một vị trí “lọt vào mắt xanh” của nhiều bạn muốn phát triển trong ngành nhân sự. Không giống với vị trí HR Recruitment, các headhunter sẽ được công ty thuê ngoài để đi “săn” những nhân vật rất “hot” trong lĩnh vực nào đó. Những vị trí này thường là những vị trí đầu, cấp quản lý, CEO, giám đốc,… Có một điểm đặc biệt là headhunter thường không bị trói buộc bởi bất kì một doanh nghiệp nào mà có họ sẽ là những chuyên viên cố vấn độc lập cho nhiều công ty khác nhau cùng một thời điểm.
3.     Những cơ hội và thách thức chính đối với ngành HR trong bối cảnh hiện nay
Cơ hội:
·        Nghề nhân sự: Càng làm lâu, càng có… “giá”
Bà Kim Anh – Giám đốc nhân sự Nielsen Vietnam chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Nhân sự là một trong số ít ngành càng làm lâu càng có… giá trên thị trường tuyển dụng”. Trong các công ty đa quốc gia, nguồn nhân lực trẻ, giàu tính sáng tạo và năng động luôn được trọng dụng. Quy luật đào thải cũng rất lớn.Tuy nhiên, ngành nhân sự thì lại khác. Càng làm lâu trong nghề, những kinh nghiệm thực tiễn tích lũy, những tình huống đã trải qua giúp người làm nhân sự có thêm bản lĩnh và càng hữu ích đối với doanh nghiệp, nhất là trong công tác tham vấn ngược lại cho ban giám đốc về việc mở rộng quy mô nhân sự trong công ty.
·        Khát nhân lực trong  5 – 10 năm tới
Nhận định về nghề nhân sự, ông Nguyễn Hưng – CEO của Career Builder cho biết “Đây là ngành khát nhân lực ít nhất là 5 – 10  năm tới do bối cảnh ngày càng phát triển của các công ty.” Nói cách khác, hiện nay, sự thành lập và mở rộng các doanh nghiệp càng khiến cho ngành HR đắt giá hơn bao giờ hết.
·        Outsourcing HR
Nếu như trước đây các công ty thường chủ động quản lí nhân sự toàn bộ thì xu hướng hiện nay họ đều có thể thuê ngoài đa số các chức năng như đào tạo, tuyển dụng, quản lí lương thưởng.Việc thuê ngoài giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tập trung chuyên môn vào lĩnh vực hoạt động của mình. Đồng thời đây là cơ hội cho những công ty hoạt động trong lĩnh vực nhân sự phát triển và ngày một chuyên môn hoá hơn. Do đó,  do đó những outsourcing hubs đang có nhiều tiềm năng để phát triển tại Việt Nam. Các outsourcing hubs này thường cung cấp các dịch vụ bàn giấy mà không yêu cầu phải thường trực tại doanh nghiệp.
–         Thách thức
·        Chi phí
Hiện nay, Các công ty đang ngày càng thắt chặt chi phí và tinh gọn nhân sự hơn. Điều này đòi hỏi người làm nhân sự phải chủ động tận dụng triệt để hiệu quả của các kênh tuyển dụng đồng thời tìm kiếm những chiến lược đào tạo nhân sự tối ưu nhất có thể, phát triển nhân sự theo hướng đa năng.
·        Các tiêu chuẩn của nghề nhân sự quốc tế
Các tiêu chuẩn của nghề nhân sự quốc tế như chứng chỉ SHRM sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để lựa chọn các chuyên viên nhân sự khi tuyển dụng tại các công ty lớn của Việt Nam và nước ngoài. Điều này đòi hỏi những người có ý định bước chân vào ngành nhân sự cần một sự chuẩn bị kĩ càng về kiến thức và kĩ năng chuyên môn.
·        Vấn đề sáp nhập và mua lại (Merger & Acquisition – M&A)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp dường như không còn mới mẻ nữa. Cùng với sự chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất là sự dịch chuyển trong cơ cấu nhân sự. Việc giải quyết các vấn đề nhân sự trong quá trình M&A này không phải là một điều dễ dàng nếu muốn cần bằng quyền lợi của hai bên. Điều đó cũng đặt ra thách thức lớn cho những người là HR hiện nay.
Ở trong phần tiếp theo, Học Gì Làm Gì sẽ chia sẻ những cơ hội nghề nghiệp liên quan đến Marketing, bạn hãy đón đọc các bài viết tiếp theo nhé!
Xem thêm các bài viết tại http://hocgilamgi.com/