Thí nghiệm con rồng trong gara nói lên điều gì?
Con rồng trong gara - một thí nghiệm tưởng tượng về tầm quan trọng của trách nhiệm chứng minh của người đưa ra tuyên bố
Carl Sagan đã đưa ra thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng như sau:
Giả sử tôi đưa ra một tuyên bố hết sức nghiêm túc với bạn: "Có con rồng ở trong gara của tôi". Chắc chắn các bạn muốn tự mắt mình nhìn thấy con rồng.
"Hãy cho tôi xem", bạn nói.
Tôi dẫn bạn đến gara của tôi. Bạn chả thấy con rồng nào ngoài mấy hộp sơn trống rỗng với một xe đạp cũ kỹ.
"Con rồng đâu?" bạn hỏi.
"Nó kia thôi,” tôi đáp, tay chỉ mơ hồ. “Tôi quên không nói rằng nó là một con rồng tàng hình.”
Bạn đề nghị rải bột lên sàn nhà để lấy dấu chân rồng.
“Ý kiến rất hay,” tôi nói, “nhưng con rồng này bay trong không khí.”
Sau đó bạn dùng một thiết bị cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm ngọn lửa vô hình.
“Hay quá, nhưng lửa vô hình này khác ở chỗ nó không có nhiệt độ để cảm nhận hơi nóng.”
Bạn sẽ phun sơn lên con rồng để bắt nó hiện hình.
“Có điều nó là một con rồng không có cấu tạo từ vật chất nên sơn không dính vào nó được.”
Cứ như thế, mọi đề xuất để kiểm chứng con rồng đều bị tôi bác bỏ, tôi đưa ra mọi lời giải thích đầy thuyết phục để cho biết tại sao bạn không thể kiểm chứng được 'con rồng' của tôi.
Liệu bạn có chấp nhận giả thuyết con rồng của tôi? Sau cùng bạn đâu thể chỉ ra tôi sai được đâu. Nên chắc hẳn tôi đã đúng phải không? Bạn là người có đầu óc cởi mở đón nhận mọi ý tưởng, quan điểm mới lạ chứ không phải một kẻ cứng đầu có đầu óc đầy thành kiến, giáo điều, nên chắc bạn hẳn phải chấp nhận giả thuyết của tôi đúng không?
-------------------------------------------------------------
Chắc chắn không ai chấp nhận cái giả thuyết trong thí nghiệm vừa rồi. Nhưng tại sao chứ?
Một tư duy quan trọng đó là trách nhiệm chứng minh của người đưa ra tuyên bố. Việc bạn không thể chứng minh đối phương sai không đồng nghĩa với việc đối phương là đúng, và ngược lại. Trong thí nghiệm có thể thấy mặc dù bạn không chứng minh được tôi sai, điều đấy không có nghĩa tôi đã đúng và bạn phải chấp nhận giả thuyết con rồng của tôi.
Điều quan trọng thứ hai đó là khả năng chứng minh sai của tuyên bố. Trong khoa học, mọi giả thuyết luôn phải có cách thức để xác thực tính đúng đắn của nó. Một giả thuyết mơ hồ không thể chứng minh hay bác bỏ thì đều là vô nghĩa, vì chả có sự khác biệt giữa sự đúng hay sai của giả thuyết.
Cụ thể hơn, trong thí nghiệm trên ta có thể nói chả có sự khác biệt nào giữa 'một con rồng vô hình, bay, phi vật chất, phun lửa không có nhiệt' với 'không có con rồng nào cả'.
Giờ thay đổi thí nghiệm một chút, giả sử người ta tìm ra được dấu chân trên sàn, thiết bị hồng ngoại cảm ứng nhiệt tăng lên rõ rệt, sơn phun lên hiện ra một hàm răng lởm chởm. Dù bạn nghi ngờ sự hiện diện loài rông đến đâu thì bạn cũng phải chấp nhận rằng ở đây có chuyện gì đó ăn khớp với giả thuyết về con rồng. Bạn có thể định nghĩa cái giả thuyết là gì theo ý bạn muốn, bạn có thể cho rằng đấy là bằng chứng cho con rồng, hoặc bằng chứng cho linh hồn, hay cho Chúa đều được.
Nhưng dù giả thuyết nào thì cũng chỉ giới hạn trong phạm vi những phát hiện cho thấy trên, tức là Chúa/rồng/linh hồn có hàm răng, phát ra nhiệt, không thể tiếp nhận bằng mắt thường. Bạn chưa thể suy ra được là cầu nguyện sẽ khỏi bệnh, rằng đeo bùa sẽ gặp may mắn, rằng nước hóa được thành rượu,...
Một kịch bản cuối cùng: giả sử nhiều người tin vào truyền thuyết con rồng Gara này, lịch sử ghi chép nhiều "bằng chứng" cho thấy con rồng này tồn tại. Nào là dấu chân rồng, nào là lời tường thuật của những người làm chứng mình đã bị bỏng bởi con rồng. Nhưng những "bằng chứng" đấy chưa bao giờ hiện diện khi những người có thái độ hoài nghi xuất hiện.
Khi điều tra kỹ lưỡng thì thấy dấu chân có thể bị làm giả, có rất nhiều cách giải thích tự nhiên khác vì sao con người bị bỏng. Đây cũng giống với những nhà ngoại cảm, thầy bói, những niềm tin tôn giáo. Cách tiếp cận thực tế duy nhất là bác bỏ thận trọng tuyên bố, đợi những dữ kiện trong tương lai xác thực. Và ta có thể điều tra theo hướng khác đó là tại sao nhiều người lại tin vào ảo giác kỳ quái đến như vậy.
--------------------------------------------------
Cuối cùng cũng cần phải bàn đến, giả sử trong khi nghe đến những giả thuyết thế này, một người trả lời bạn những câu đại loại như "Đừng hoang tưởng nữa", "Làm gì có chuyện đó","Vớ vẩn", "Nghe đã thấy vô lý rồi"... Đây sẽ là những tư duy khép kín (close-minded), bảo thủ, giáo điều không khác mấy với những tôn giáo, những người tin thuyết âm mưu, những người chống tiến hóa, anti-science... Vì tất cả đều phớt lờ những quan điểm, ý kiến mới lạ trái với trực giác, với niềm tin, với cái tôi vốn có của họ. Đó không phải tư duy khoa học, vì khoa học luôn phải think outside the box thì mới có thể liên tục tiến triển được.
Đối lập với những dạng người trên là những người lờ đi các bước kiểm chứng nghiêm ngặt mà chấp nhận vô điều kiện, là những người dễ dãi cả tin. Những người này dễ dàng tiếp nhận mọi ý tưởng mà không cần qua quá trình suy xét. Đây chính là gốc rễ cho thảm họa, những mê tín dị đoan hoành hành, cho những kẻ trục lợi trên sự cả tin của người khác.
Chúng ta cần dung hòa giữa sự cởi mở với những thứ mới mẻ và thái độ hoài nghi khoa học. Cởi mở là sẵn sàng đón nhận và thay đổi quan điểm khi bằng chứng mới xuất hiện, còn hoài nghi đối với những tuyên bố mơ hồ không thể kiểm chứng.
Tóm lại xin chốt 2 câu:
"Hãy open-minded nhưng đừng open đến nỗi não rơi ra ngoài!"
"Tuyên bố phi thường cần bằng chứng phi thường"
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất