Mình không viết sai tiêu đề và cũng chả câu kéo lượt xem nha :))
Có thể bạn đã từng nghe qua khái niệm về tích cực độc hại nhỉ. Hiểu đơn giản là chúng ta không đón nhận những sự tiêu cực/khó khăn mà chỉ quan tâm tới mặt tích cực ở mọi vấn đề.
Điều này dẫn đến sự dồn nén cảm xúc kéo dài tạo nên những lo âu và thậm chí là những căn bệnh về tâm lý. Vì những cảm xúc này cần được đối diện, chấp nhận, chia sẻ, vượt qua thì mới tháo gỡ được.
Tuy nhiên bài viết này mình không đi sâu vào khái niệm đó, mà mình muốn lùi lại để nhìn một bức tranh rộng hơn.
Tại sao lại có nhiều khái niệm về hạnh phúc, thành công, ý nghĩa cuộc sống đến như vậy nhưng phần đông chúng ta (cả mình) nhiều lúc lại vẫn không cảm thấy sự đủ đầy.
Mặc dù hiểu 1 điều là những con đường đó không dễ dàng, khó khăn và cần nhiều thời gian. Thế nhưng tại sao vẫn có những người trẻ họ trông rất hạnh phúc với một đời sống đơn giản, học được cách tận hưởng những điều bé nhỏ hay biết ơn cuộc sống tới vậy.
Họ có thật sự hạnh phúc như vậy hay những thứ đó chỉ đơn giản là những khoảnh khắc?
Và trên chặng hành trình bị cuộc đời vả cho tới tấp cũng như giữ những câu hỏi đó trong đầu thì tới giờ mình có một vài góc nhìn muốn chia sẻ.
Tất cả chúng ta xuất phát điểm cũng như quá trình hình thành niềm tin hoàn toàn khác nhau.
Một đứa trẻ như 1 tờ giấy trắng? Thực tế cả cuộc đời này là 1 tờ giấy trắng vì lùi xa ra nữa thì 100 năm cũng chả có giá trị gì so với dòng chảy vũ trụ.
Nhưng chúng ta dù đã trưởng thành cũng loay hoay không biết vẽ gì lên tờ giấy đó.
Đố bạn biết thì trí tuệ nhân tạo hay biến đổi khí hậu sẽ dành vị trí tiêu diệt loài người trước tiên. Nếu bạn tìm hiểu nhiều hơn thì thấy nó cũng không quá xa đâu.
Nhưng chính ra để mà nói thì thực lòng đa số chúng ta (cả mình) cũng chả quan tâm lắm vì nó chưa ảnh hưởng tới bữa ăn sáng ngày mai.
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta thực sự cũng chả quan tâm lắm tới việc cuộc đời nó ngắn như thế nào. Mặc dù đã biết cuộc đời này ngắn thật, rồi hãy tận hưởng hiện tại các thứ.
Cơ mà chỉ cần ngày mai có tin nhắn báo trả tiền nhà, cháy tài khoản đầu tư thì có lẽ cuộc sống thực tại vẫn phải xoay sở thôi chứ tận hưởng gì nữa.
Hôm bữa mình có nói chuyện với 1 chị tầm 30s, thì thấy bạn của chị có nhiều người gặp tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên.
Nhưng thực tế mình nhận thấy là có lẽ bắt đầu từ khi lên đại học thì năm nào mình cũng thấy nhiều người khủng hoảng. Chả cần tới 30, 40 làm gì.
Tới giờ mình nhận ra là nó có công thức khá đơn giản (mình nghĩ ai cũng biết).
Bước đầu tiên là các khía cạnh trong cuộc sống đều ổn định về công việc, sức khỏe, mối quan hệ (hoặc chi tiết hơn có thể tìm kiếm theo cụm từ Wheel of life nha).
Nhưng điều thú vị như thế này. Để có được sự ổn định đó thì chúng ta cần phải học, làm, cố gắng nhiều để đạt được.
Sự đào thải, thay thế, phát triển, nhu cầu của xã hội ngày càng lớn hơn. Điều đó buộc chúng ta cần phải xoay xoay để theo kịp.
Liệu chúng ta có cần phải theo đuổi không?
Nếu chúng ta lựa chọn ở thành phố thì câu trả lời là có. Thực ra không phải quá cực đoan như là thức đêm, dậy sớm hay là thúc ép sức lực hết cho công việc.
Chỉ cần học được cách giải quyết vấn đề một cách thông minh (cần sự tự học) thì có thể đương đầu được kha khá khó khăn rồi. Đương nhiên là cần thêm sự kiên nhẫn, kiểm soát cảm xúc, tập trung,... mỗi thứ một chút.
Nếu lựa chọn về quê thì các yếu tố sẽ bớt cạnh tranh hơn (không phải là hết), nhưng vẫn phải cày để sống.
Chịu khó để đào sâu các vấn đề chúng ta có thể thấy được các công thức ngầm mà ít người đề cập tới. Như việc có tích lũy tốt khi vẫn làm công việc hành chính thông thường được (bạn có thể đọc cuốn “Tâm lý học về tiền” nha). Hoặc nhìn thấy trước được rằng lĩnh vực nào sẽ bị thay thế và thay thế như thế nào. Hoặc không cần tập tành hì hục mà vẫn khỏe được.
Có lẽ sự ổn định mà mình nói là khả năng xoay xở tốt (dự đoán trước và chuẩn bị) cho những điều có thể đến về công việc, mối quan hệ, sức khỏe.
Tức là với 1 công việc bình thường, sức khỏe ổn, mối quan hệ lành mạnh. Có khó không? Có lẽ nó sẽ khó với người nghĩ nó khó.
Đây chính là nền tảng đầu tiên (có thể 30, 40 tuổi bản thân mình mới làm được chẳng hạn) để chúng ta mới bước tiếp bậc thang tiếp theo là tận hưởng và đón nhận cuộc sống này.
Và yên tâm không bao giờ hết bậc thang để leo đâu và có khi chúng ta lại đi lùi do muôn vàn biến cố không đoán được. Đương nhiên phải đi lại thôi :)) Nhưng sẽ nhanh hơn lần đầu mà hehe.
Thế liệu có cách nào nhảy 2 bậc cùng 1 lúc không. Tức là vừa đạt được sự ổn định, vừa enjoy cái moment này.
Có. Chắc chắn có. Nhưng như mình nói ở trên xuất phát điểm và niềm tin mỗi người khác nhau.
Tìm công thức cho 1 mệnh đề đã không đơn giản, giờ muốn thỏa mãn thêm 1 mệnh đề nữa thì sẽ dễ bị loay hoay không biết đâu mới là câu trả lời (mình đã bị như vậy 1 khoảng thời gian dài). Đây chính là sự tích cực độc hại khi mình nghĩ rằng bản thân có thể làm siêu nhân. Mình không có nói những bạn sinh ra đã thỏa mãn luôn mệnh đề 1 nha :<
Trở lại với tiêu đề (không lại bảo mình nói điêu haha).
Tại sao lại là theo đuổi thói quen xấu. Vì đây là bước đầu cho thói quen tốt :))
Có hôm mình tự đặt 1 câu hỏi ngược là thói quen xấu liệu có xấu không?
Thì mình mới bất ngờ nhận ra rằng. Hóa ra nó chỉ xấu khi nó xảy ra sự mâu thuẫn với thứ mình đang mong muốn thôi.
Ví dụ như 1 bạn đang lướt tóp tóp thì đó là xấu hay tốt. Góc nhìn người này có thể là họ chỉ đang xả stress. Nhưng góc nhìn người khác có thể là họ đang lười biếng. Nhưng sự thật là họ có thể đang tìm ý tưởng cho video sắp đăng thì sao.
Nói đến chuyện uống bia, người ở HN chắc sẽ ít tiếp xúc với bia craft. Nhưng khi mình tới HCM thực sự dòng bia đó rất ngon, nhiều vị và đáng để thưởng thức. Với mình thì trải nghiệm đấy rất vui. Giống như chuyện rượu vang đối với người châu Mỹ thì đó là sự cấm kỵ, còn đối với người châu Âu nó là ẩm thực vậy.
Khi chúng ta đang kiềm chế làm điều mà xã hội (người khác) nói đó là điều xấu, thì thành ra chúng ta cũng đang ngăn cản chính sự tò mò, trải nghiệm và khám phá bản thân.
Ở đây mình không có ý định cổ súy cho việc lười biếng hay sử dụng chất kích thích.
Nhưng nếu không cho phép bản thân đi 1 con đường nào đó (dù với bản thân là điều muốn làm), thì chúng ta đang gán lên mình sự tích cực độc hại - chỉ chăm chăm làm điều tốt.
Lúc nào cũng cho rằng bản thân đang cố gắng vì tương lai (cứu thế giới chăng) mà kiềm chế những thói quen bị cho là xấu. Nhưng chính sự tích lũy kiềm chế này mới dẫn đến phá vỡ những giới hạn đạo đức hay gây ra bệnh tâm lý.
Với mình nếu muốn làm gì thì đầu tiên hãy xem nó có mâu thuẫn với cái mình đang thật sự muốn hay không (tức là đừng tham theo đuổi 2 mục tiêu cùng lúc). Ví dụ vừa muốn cày phim ban đêm, vừa muốn dậy sớm đi làm thì chất lượng công việc khó đảm bảo được.
Bước thứ 2 là đọc dẫn chứng khoa học về những tác hại và lợi ích của hành động đó. Đọc và hiểu rồi vẫn muốn làm thì cứ làm thôi.
Ví dụ như chơi game nhiều và đa dạng thể loại thì xu hướng rất nhạy bén trong giải quyết vấn đề và kỹ năng phản xạ hơn vậy.
Đây có lẽ như là bước đầu trong việc chịu trách nhiệm cho điều (cả xấu lẫn tốt) mà chúng ta muốn vậy. Hoặc nói một cách văn vẻ hơn là bắt đầu chúng ta đặt bút xuống để vẽ nên cuộc đời chính mình.
Nào có dịp cho mình xem bức tranh cuộc đời bạn nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn đọc thêm bài viết của mình ở đây nha: https://cuongdigital.substack.com/